Xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại khi xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An

Xuân Hoàng 13/11/2023 14:30

(Baonghean.vn) - Với đặc thù các xã miền núi vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, khi về đích nông thôn mới đồng nghĩa với việc nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước sẽ bị cắt giảm... Đây thực sự là rào cản lớn khiến một số cán bộ và nhân dân tâm tư, thậm chí xuất hiện tư tưởng chưa muốn “về đích”.

Cởi “nút thắt” tư tưởng trông chờ, ỷ lại

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành và chính quyền địa phương, đặc biệt là sự đồng lòng của người dân, Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

bna_Khu cực Nhà văn hoá xóm 4, xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn đã được xây dựng theo tiêu chí NTM. Ảnh Xuân Hoàng.jpg
Khu vực nhà văn hoá xóm 4, xã Cao Sơn (Anh Sơn) đã được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp.

Cao Sơn hiện là xã thuộc diện khó khăn của huyện miền núi Anh Sơn, đang phấn đấu cán đích xã nông thôn mới trong năm 2023 này. Ông Hà Huy Nam ở xóm 4 cho hay, trước đây gia đình từ hộ nghèo, vươn lên cận nghèo. Vừa qua, xóm bình bầu lại hộ nghèo và cận nghèo để xã đạt tiêu chí NTM, thì gia đình vươn lên hộ trung bình. “Trước đây hộ cận nghèo, gia đình được cấp thẻ bảo hiểm y tế và giảm học phí cho con đi học, nên khi xóm đưa ra khỏi danh sách hộ cận nghèo, ban đầu gia đình có phần băn khoăn, nhưng gia đình đã nhận thức không nên trông chờ, ỷ lại Nhà nước mãi được”, ông Hà Huy Nam chia sẻ.

bna_nha van hoa.jpg
Hiện nay nhà văn hoá các xóm của xã Cao Sơn đã được đầu tư mua sắm trang thiết bị đầy đủ, đáp ứng nhu cầu hội họp. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Trần Văn Tuấn - Xóm trưởng xóm 4 cho biết: Khi xã phấn đấu về đích nông thôn mới, đồng nghĩa với hộ nghèo và cận nghèo phải giảm sâu để đạt tiêu chí hộ nghèo. Nên khi bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo, tư tưởng của người dân lúc đầu chưa thông, vẫn muốn được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, vì lợi ích chung là xây dựng địa phương về đích nông thôn mới, tâm lý của người dân đã được thông suốt. Do đó, vừa qua, xóm tổ chức họp bình bầu hộ nghèo, cận nghèo, theo đó, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,6%, hộ cận nghèo còn 13,9%.

Ông Nguyễn Hồng Sơn – Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho rằng, địa phương đã có kế hoạch về đích nông thôn mới từ năm 2022, nhưng không đạt. Nguyên nhân, do một số tiêu chí chưa hoàn thành như: Giao thông, môi trường… thì còn có trở ngại khác nữa là một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Do đó, để người dân thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại là một quá trình “mưa dầm thấm lâu” trong công tác tuyên truyền, vận động. Để làm được điều đó, địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách tích cực, thường xuyên. Nhờ vậy, đến nay, tư tưởng của đại đa số người dân đã được thông suốt, tích cực tham gia các phong trào đóng góp làm giao thông và các hoạt động khác. Có nhiều hộ dân đã sẵn sàng đóng hàng chục triệu đồng để làm đường bê tông, chưa kể đóng góp làm nhà văn hóa xóm…

bna_Hệ thống giao thông chính của xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn đã được bê tông hoá. Ảnh Xuân Hoàng.jpg
Một đoạn đường chính của xã Cao Sơn hiện nay. Ảnh: Xuân Hoàng

Xã Đồng Văn (Tân Kỳ) cũng đang phấn đấu cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2023. Ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cũng thừa nhận, là địa phương thuộc xã khó khăn nhất huyện, nên trong quá trình xây dựng nông thôn mới gặp nhiều bất lợi. Trở ngại lớn nhất vẫn là tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân. Do đó, ngay từ thời gian đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền xã xác định làm thế nào để cởi “nút thắt” tư tưởng trông chờ, ỷ lại chế độ, chính sách của Nhà nước.

Với tinh thần cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền một cách sâu rộng, làm cho mỗi người dân thấu hiểu lợi ích chung của xây dựng nông thôn mới, đến nay, đại bộ phận người dân đã hướng đến tư duy mở, hòa nhập với xã hội để phát triển kinh tế. Với tinh thần đó, xã Đồng Văn đã thực hiện khá thành công trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới: Giao thông đã cứng hóa được 90% chiều dài tuyến đường; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 6,26%...

bna_Vùng cao huyện quế Phong đang ngày càng đổi mới. Ảnh Xuân Hoàng.jpg
Xã vùng cao Châu Thôn (Quế Phong) đổi mới. Ảnh: Xuân Hoàng

Ở các huyện miền núi, trong những năm qua đã có nhiều xã phấn đấu cán đích nông thôn mới một cách tự hào. Đầu tiên là xã Thạch Giám (Tương Dương), sau đó là một loạt địa phương: Quế Sơn (Quế Phong), Châu Tiến (Quỳ Châu), Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) và một số xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn của các huyện Tương Dương, Con Cuông… Để có được những thành công đó, trước hết là nhờ sự quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và ý chí vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Sợ mất chính sách hỗ trợ?

Những xã chưa cán đích nông thôn mới ở vùng miền núi đều là những địa phương khó khăn và đặc biệt khó khăn. Trong một thời gian dài, những xã này đều được hưởng nhiều chương trình hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các chính sách đặc thù khác của Nhà nước.

bna_Phát triển sản xuất là một trong giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân vùng kiền núi. Ảnh Xuân Hoàng.jpg
Để tăng thu nhập cho người dân vùng cao, đưa các giống cây trồng có giá trị cao vào trồng là một trong những giải pháp hiện nay. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Lô Khăm Kha – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tương Dương cho rằng: Khi huyện giao kế hoạch cho địa phương nào đó về đích nông thôn mới thì khó khăn đầu tiên là tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước của một bộ phận người dân. Bởi họ cho rằng, sau khi về đích nông thôn mới chính họ sẽ bị cắt giảm những chính sách hỗ trợ mà bấy lâu nay họ được hưởng. Tuy nhiên, không vì thế mà làm ảnh hưởng đến phong trào xây dựng nông thôn mới, mà nhiệm vụ hàng đầu là làm tốt công tác tuyên truyền. Chính vì thế, từ trước đến nay, những xã đã đạt nông thôn mới trong giai đoạn trước như Thạch Giám, Tam Quang, Tam Thái, Tam Đình, Xá Lượng đều về đích nông thôn mới đúng kế hoạch. Chỉ có xã Lưu Kiền không về đích đúng kế hoạch năm nay do giai đoạn này các tiêu chí cao hơn.

Huyện Quế Phong đến thời điểm này mới có 1 xã về đích nông thôn mới là Quế Sơn (nay là xã Mường Nọc). Ông Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho rằng: Những xã vùng sâu, vùng xa, khi xây dựng nông thôn mới, người dân vẫn còn băn khoăn, bởi sau khi về đích nông thôn mới, toàn bộ chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt, 2 chế độ ảnh hưởng lớn đến đời sống của đồng bào là bảo hiểm y tế và học phí cho con em theo học các cấp. Do đó, tình trạng người dân không muốn về đích nông thôn mới là có. Nếu không làm tốt công tác tuyên truyền thì người dân ở một số địa phương vùng sâu, vùng xa sẽ không muốn xã về đích nông thôn mới.

bna_Bản Tặng Phăn, xã Na Ngoi, huỵen Kỳ Sơn khởi sắc.jpg
Bản Tặng Phăn, xã biên giới Na Ngoi đang từng ngày khởi sắc, nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Xuân Hoàng

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hằng – Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới tỉnh cho rằng, thực tế hiện nay đã xuất hiện tình trạng tại một số xã không muốn về đích nông thôn mới. Nguyên nhân là do những xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn, khi về đích nông thôn mới đồng nghĩa với việc sẽ đưa ra khỏi danh sách vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Khi đó, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về y tế, giáo dục… bị cắt giảm. Kể cả cán bộ địa phương cũng không được hưởng chính sách của vùng đặc thù, nên có tình trạng không mặn mà với xây dựng nông thôn mới.

Từ thực tế đó, không những Nghệ An mà nhiều tỉnh khác cũng đang đề xuất Trung ương, đối với những xã đặc biệt khó khăn, sau khi về đích nông thôn mới cần tiếp tục được hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước như trước đó trong vòng 2 - 3 năm tới, nhằm khuyến khích các địa phương xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, khơi nguồn cảm hứng để người dân vươn lên thoát nghèo, bỏ tư duy trông chờ, ỷ lại...

Ông Nguyễn Văn hằng - Phó Chánh Văn phòng nông thôn mới tỉnh

Đến nay, toàn tỉnh Nghệ An đã có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 53 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 6 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh đã đề ra chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 có 82% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu) và 11 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 1 huyện đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu). Hiện nhiều xã vùng miền núi đang tập trung thực hiện các tiêu chí để về đích đúng kế hoạch.

Mới nhất

x
Xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại khi xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO