Xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của phát triển miền Tây Nghệ An
LTS: Nhân chuyến công tác tại Nghệ An vào ngày 2/12, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã dành riêng cho phóng viên Báo Nghệ An cuộc trao đổi về định hướng mang tính chiến lược, những chủ trương mang tầm vĩ mô phát triển miền Tây Nghệ An.
(Baonghean) LTS: Nhân chuyến công tác tại Nghệ An vào ngày 2/12, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã dành riêng cho phóng viên Báo Nghệ An cuộc trao đổi về định hướng mang tính chiến lược, những chủ trương mang tầm vĩ mô phát triển miền Tây Nghệ An.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bên phải) trao đổi với lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp. Ảnh: S.M
PV: Trên cương vị Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc của Chính phủ, xin Phó Thủ tướng đánh giá về tiềm năng phát triển miền Tây Nghệ An?
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Miền Tây Nghệ An có tổng diện tích tự nhiên 13.748,07 km2, chiếm 83,36% diện tích toàn tỉnh; dân số 1.067.000 người, chiếm 36,5% dân số toàn tỉnh; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 41 vạn người, chiếm 38,4% dân số miền Tây. Có 27 xã vùng biên với 419,5 km đường biên giới tiếp giáp với nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, miền Tây Nghệ An là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung bộ; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của tỉnh Nghệ An. Miền Tây Nghệ An có tiềm năng lớn về quỹ đất, tài nguyên rừng, khoáng sản để phát triển và mở rộng sản xuất nông lâm nghiệp, khai thác khoáng sản gắn với công nghiệp chế biến trên quy mô lớn. Đồng bào các dân tộc miền núi có truyền thống đoàn kết, yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp.
Thời gian qua, Bộ Chính trị, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã có nhiều chính sách quan tâm đến phát triển miền Tây Nghệ An. Nhờ đó, miền Tây Nghệ An phát triển khá toàn diện, các tiềm năng, lợi thế từng bước được khai thác, đời sống nhân dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều chuyển biến, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân từ 3-4%/năm. Bên cạnh đảm bảo an ninh lương thực, miền Tây Nghệ An đã hình thành và phát triển các vùng cây nguyên liệu tập trung, quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến, tạo ra nhiều hàng hoá xuất khẩu như Dự án mía đường Tale&Lyle, Dự án chăn nuôi bò sữa... Một số hủ tục, tập quán lạc hậu đã từng bước được đẩy lùi. Quốc phòng được củng cố và giữ vững, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Những kết quả trên đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, miền Tây Nghệ An vẫn chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế của mình. Chiếm 83% diện tích của tỉnh Nghệ An, trong đó có nhiều xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vẫn còn rất nhiều khó khăn, bất cập, như tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Mặc dù chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng nhưng còn chậm, phát triển không đồng đều và thiếu vững chắc; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu quả sử dụng các nguồn lực, nhất là kinh phí đầu tư, đất đai, tài nguyên khoáng sản chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; tệ nạn xã hội, một số hủ tục, tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ triệt để. Chất lượng giáo dục đào tạo còn hạn chế, tình trạng học sinh bỏ học còn nhiều. Lợi dụng đường biên dài, tội phạm, nhất là tội phạm ma túy còn diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động truyền đạo trái pháp luật, di dịch cư trái phép qua biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp; khai thác trái phép lâm sản, khoáng sản còn nhiều.
PV: Thời gian tới Đảng, Nhà nước và Chính phủ sẽ có quan tâm chỉ đạo gì cho Nghệ An đối với nhiệm vụ phát triển miền Tây, thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xác định miền Tây Nghệ An có vị trí chiến lược quan trọng nên trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước và Chính phủ cùng tỉnh Nghệ An sẽ tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý miền Tây nhiều hơn, hiệu quả hơn với mức độ ưu tiên cao hơn. Tiếp tục triển khai tốt hơn, đồng bộ hơn các chương trình, dự án đang triển khai. Làm tốt hơn việc phát triển hạ tầng, phát triển nông lâm nghiệp gắn với xóa đói giảm nghèo, xem công tác xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và công tác này phải được Trung ương, Chính phủ quan tâm hơn với những chính sách cụ thể. Đẩy nhanh giảm tỷ lệ hộ nghèo, trong đó đặt ra mỗi năm giảm ít nhất 4% số hộ nghèo, góp phần cùng tỉnh nhà giảm tỷ lệ đói nghèo chung với cả nước. Cần tập trung nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp về XĐGN. Tích cực hơn nữa trong công tác tạo việc làm ổn định cho người lao động, gắn trách nhiệm cụ thể đối với từng cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể trong công tác XĐGN.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với ổn định chính trị, đảm bảo an ninh- quốc phòng. Cùng với đó là hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được xây dựng, củng cố, tăng cường. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chất lượng hoạt động, hiệu quả công tác từng bước được nâng lên nắm vững công tác quần chúng. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho cấp huyện, xã của miền Tây, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong đó đặc biệt ưu tiên đào tạo cán bộ tại chỗ, cán bộ là người dân tộc thiểu số.
PV: Miền Tây Nghệ An có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, vậy theo Phó Thủ tướng, phải định hướng phát triển gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc như thế nào?
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thông qua việc tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội các hoạt động văn hóa, huy động mọi nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, xây dựng đời sống văn hoá và môi trường văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa. Tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, đồng thời khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, góp phần giảm dần sự chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các dân tộc.
Việc bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An là nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược cần phải tiếp tục thực hiện thường xuyên và lâu dài; cần gắn kết chặt chẽ những hoạt động xây dựng đời sống văn hoá với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với từng khu vực, từng vùng, từng dân tộc, tôn giáo; Xây dựng bản làng văn hóa, trong đó đặc biệt là bản sắc văn hóa các dân tộc cần được giữ gìn, phát huy để mỗi bản làng miền Tây là một vùng an toàn, cách mạng, vùng trung tâm, phát triển cả về tinh thần và vật chất.
Một nhiệm vụ nữa mà Nghệ An cần hết sức quan tâm đó là tăng cường quan hệ với nước bạn Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển. Từ lâu, hai nước Việt Nam- Lào chúng ta luôn là những người láng giềng gần gũi, thân thiết. Dân tộc Việt Nam và nhân dân các bộ tộc Lào luôn hòa hiếu và tương trợ lẫn nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn. Tỉnh Nghệ An có chung đường biên giới với các tỉnh nước bạn Lào: Bôlykhămxay, Hủa Phăn và Xiêng Khoảng. Trong thời gian qua, Nghệ An và các nước bạn Lào có mối quan hệ gần gũi, thân thiết, hữu nghị, truyền thống, có nhiều kết quả và mô hình hợp tác có hiệu quả. Mối quan hệ đó sẽ tiếp tục được phát triển mạnh mẽ hơn, góp phần đưa quan hệ hữu nghị Việt- Lào lên tầm cao mới vì lợi ích chung của cả hai nước.
Miền Tây Nghệ An là vùng trọng điểm chiến lược, vì vậy Đảng, Nhà nước và địa phương cần có trách nhiệm hơn, quan tâm hơn để làm sao đồng bào có cuộc sống ấm no hơn, tốt đẹp hơn. Phát huy truyền thống quê hương xứ Nghệ cách mạng, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, tôi tin tưởng rằng, đồng bào dân tộc miền Tây Nghệ An sẽ đoàn kết phấn đấu, khắc phục khó khăn để có sự phát triển mới mạnh mẽ hơn, cách mạng hơn.
PV: Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!
Thanh Lê (Thực hiện)