'Xóa nghèo' pháp luật cho người dân
(Baonghean) - Là tỉnh địa bàn rộng, dân số đông, đối tượng cần trợ giúp pháp luật (TGPL - hộ nghèo, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số) tương đối lớn, nên công tác TGPL ở Nghệ An luôn được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Tuy nhiên, đến nay, hoạt động này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra...
Giúp dân nắm vững luật
Đã cận kề Tết Nguyên đán nhưng Văn phòng TGPL miễn phí do Báo Nghệ An, Văn phòng Luật Sư Trọng Hải & cộng sự phối hợp tổ chức vẫn mở cửa để phục vụ người dân, anh Nguyễn Văn Trường (Nam Anh, Nam Đàn) là một trong những người khách cuối cùng đến với văn phòng tư vấn. Anh chia sẻ: mặc dù Tết đã cận kề nhưng vì gia đình có chuyện khúc mắc nên tôi đến xin sự trợ giúp của các luật sư để có hướng tháo gỡ. Sau khi được tư vấn, anh Trường vui vẻ ra về và không quên bày tỏ lòng biết ơn đối với các luật sư. “ Đây là lần thứ 2 tôi đến xin trợ giúp pháp lý, thực sự hoạt động tư vấn pháp luật rất cần thiết và có ý nghĩa đối với những người dân như chúng tôi”
Từ khi đi vào hoạt động (năm 2015), văn phòng TGPL Báo Nghệ An đã tư vấn cho hàng trăm lượt công dân. Riêng trong năm 2017, Văn phòng đã trực tiếp tư vấn 43 buổi cho 100 lượt công dân. Nhiều vụ việc các luật sư tại văn phòng đã tận tình giúp người dân các thủ tục pháp lý liên quan để bảo đảm quyền lợi của bản thân. Như vụ việc liên quan đến việc xét nghiệm HIV bị nhầm lẫn đối với ông H. K. S (phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò). Nhờ sự tư vấn, TGPL miễn phí của luật sư, ông H. K. S được hỗ trợ, bồi thường một phần về danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm.
Hay vụ việc liên quan đến quá trình vận chuyển pháo, gỗ của chủ nhà xe Khánh Đơn khi đi qua địa phận Bualapha (tỉnh Khăm Muộn) thì phát nổ làm 08 người chết và 03 người bị thương. Các luật sư đã hỗ trợ những đại diện hợp pháp của các gia đình bị hại và người bị hại tham gia tố tụng tại Lào. Kết quả lái xe Nguyễn Đức Tú phải chịu án phạt 9 năm tù và phải chịu bồi thường thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm cho đại diện hợp pháp của người bị hại.
Luật sư tại Văn phòng trợ giúp pháp lý Báo Nghệ An tư vấn cho người dân. Ảnh: Gia Huy |
Tương tự, hơn 20 năm nay, Trung tâm TGPL tỉnh Nghệ An cũng là địa chỉ tin cậy của người dân khi có nhu cầu cần tư vấn, TGPL. Ngoài hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động miễn phí về tận xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, thực hiện đề án đổi mới công tác TGPL, hoạt động tham gia tố tụng cũng được đặc biệt chú trọng. Bà Hoàng Hằng - Trưởng phòng hành chính tổng hợp Trung tâm TGPL tỉnh cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, Trung tâm đã mở thêm 3 chi nhánh ở Thị xã Thái Hòa, huyện Diễn Châu và Tương Dương. Việc mở rộng Chi nhánh đặt tại các địa bàn có đông đối tượng thuộc diện được TGPL đã góp phần tích cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; giải đáp vướng mắc, tranh chấp ngay tại cơ sở, góp phần giảm bớt đơn thư, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Số cộng tác viên kiêm nhiệm cũng tăng từ 10 người năm 1998 đến nay lên hơn 170 người. Ngoài hoạt động của các trợ giúp viên pháp lý ,để nâng cao hiệu quả tuyên truyền phổ biến pháp luật, trung tâm đã thành lập hàng chục câu lạc bộ TGPL, lắp đặt hàng trăm bảng thông tin và hộp tin về TGPL tại các xã nghèo và thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2017, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã thụ lý và thực hiện được 707 vụ việc, trong đó có 179 vụ việc tư vấn; 513 vụ việc tham gia tố tụng (472 vụ việc bào chữa, 41 vụ việc bảo vệ); 12 vụ việc xác minh, kiến nghị.
Bên cạnh hoạt động của trung tâm TGPL tỉnh, hoạt động TGPL của Đoàn Luật sư Nghệ An cũng nhận được sự ủng hộ của chính quyền và sự quan tâm của của nhân dân các địa phương. Bình quân mỗi năm đoàn luật sư tổ chức 3 -4 đợt trợ giúp pháp lý lưu động miễn phí tại các địa phương cho hàng trăm người dân. Nội dung tư vấn chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình, hộ tịch, pháp luật về chính sách và nhiều vấn đề pháp lý khác.
Những khó khăn
Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh - Giám đốc trung tâm TGPL tỉnh: Đặc thù Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý chiếm khoảng 50% dân số nhưng lại tập trung ở những vùng có địa hình phức tạp, hiểm trở, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn.
Vì vậy, công tác tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý lưu động chưa đến được với nhiều thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng cao. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức pháp luật của người dân (đặc biệt là người dân tộc thiểu số sinh sống ở 03 huyện nghèo) còn nhiều hạn chế, dẫn tới việc tiếp cận và hỗ trợ về mặt pháp lý thường khó khăn và kéo dài.
Việc tuyên truyền pháp luật về trợ giúp pháp lý hiện nay chủ yếu do Trung tâm TGPL tỉnh và Hội đồng phối hợp liên ngành thực hiện. Quá trình xác minh vụ việc, kiến nghị gặp nhiều khó khăn,do vậy thời gian thực hiện không đảm bảo tính kịp thời trong trợ giúp pháp lý, nhiều vụ việc kiến nghị hiệu quả chưa cao do không được sự quan tâm giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền.
Phiên tòa xét xử lưu động tại thị xã Thái Hòa. Ảnh: Tư liệu |
Bên cạnh đó, mạng lưới trợ giúp pháp lý tại cơ sở hiện chưa phát huy được hiệu quả và thiếu bền vững do Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ TGPL hầu hết là kiêm nhiệm, năng lực hạn chế. Mặt khác, chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm, tạo điều kiện để các Câu lạc bộ hoạt động tốt và hiện cũng chưa có chế tài trong việc quản lý nên thiếu sự gắn kết giữa Trung tâm và các Câu lạc bộ.
Về nhân lực, lực lượng ở trung tâm và chi nhánh trợ giúp pháp lý còn mỏng, trong khi đội ngũ cộng tác viên tại cơ sở hạn chế về nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, thiếu nhiệt tình do hoạt động kiêm nhiệm. Chưa huy động được nguồn lực là tổ chức hành nghề luât sư đăng ký tham gia TGPL nên chưa thể đáp ứng hết nhu cầu TGPL của người dân trên địa bàn. Công tác xã hội hóa hoạt động TGPL còn chậm, việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, theo TS. LS Trọng Hải, nhiều địa phương, cấp ủy, chính quyền chưa mặn mà với công tác tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí lưu động của đội ngũ luật sư vì tâm lý e ngại, sợ “vẽ đường cho hươu chạy” gây khó dễ cho hoạt động của cấp ủy, chính quyền. Trong khi đó tại Quyết định số 2090/QĐ -UBND ngày 11/05/2016 của UBND tỉnh Nghệ An ban hành kế hoạch triển khai đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 -2025 ghi rõ: Huy động tổ chức hành nghề luật sư có uy tín tham gia thực hiện TGPL; Lựa chọn luật sư có kinh nghiệm, đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp thực hiện TGPL của Nhà nước.
Thực tiễn cho thấy, công tác TGPL là một chính sách nhân văn nhằm nâng cao nhận thức, “xóa mù, xóa nghèo” pháp luật cho người dân, nhất là người nghèo, đối tượng chính sách, người yếu thế trong xã hội. Đồng thời góp phần bảo vệ công lý, tăng cường ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân nhằm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Vì vậy, để nâng cao chất lượng của hoạt động này cần phải đổi mới hoạt động TGPL theo hướng chuyên nghiệp, mở rộng xã hội hóa, mở rộng đối tượng được TGPL; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực này nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của những đối tượng thuộc diện được TGPL.