Xử lý dứt điểm lấn chiếm kênh 12/9 ở Hưng Nguyên
(Baonghean.vn) - Qua đường dây nóng, Báo Nghệ An nhận được phản ánh về tình trạng xây dựng ki-ốt vi phạm hành lang ATGT và công trình thủy lợi dọc kênh 12/9 ở xã Hưng Thông (Hưng Nguyên) kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục.
Vi phạm kéo dài
Tìm hiểu thấy rằng phản ánh trên là có. Hiện có khoảng 22 ki- ốt được xây kiên cố và bán kiên cố dọc lòng kênh 12/9 và hành lang ATGT Tỉnh lộ 542C đoạn qua địa phận xã Hưng Thông. Nguyên nhân bắt nguồn từ những năm 1994 – 1999, để tạo thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, đa dạng hóa ngành nghề, UBND xã Hưng Thông có chủ trương cho một số hộ mở ki-ốt kinh doanh dọc kênh 12/9 để làm ăn. Ban đầu chỉ là xác nhận của lãnh đạo xã vào đơn xin mở ki-ốt dịch vụ của người dân với yêu cầu “khi cần thiết buộc phải tháo dỡ thì không được đòi hỏi điều kiện gì”.
Những ki ốt xây lấn chiếm lòng kênh 12/9 đoạn qua địa bàn xã Hưng Thông (Hưng Nguyên). Ảnh: Gia Huy |
Năm 2000, chính quyền xã Hưng Thông xác lập hợp đồng thuê đất mở ki-ốt (không xác định thời hạn) đối với các hộ với diện tích từ 9 - 18m2 với giá tiền thuê đất khoảng 2.000 đồng/1m2. Đến năm 2007 hợp đồng thuê đất mở ki-ốt dịch vụ được xác lập lại với mức lệ phí thuê đất 4.000 đồng/m2.
Trong các hợp đồng này đều ghi rõ “Công trình xây dựng ki-ốt dịch vụ không được làm kiên cố, công trình làm đơn sơ, khi có chủ trương của địa phương, Nhà nước phải di dời, chủ hộ phải thực hiện tháo dỡ, không đền bù, không bồi thường thiệt hại...”.
Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hưng Nguyên thì: Việc UBND xã Hưng Thông lập các hợp đồng cho thuê đất xây dựng ki-ốt kinh doanh dịch vụ trên kênh 12/9 là trái với thẩm quyền. Và tình trạng xây dựng các công trình lấn chiếm kênh 12/9 và Tỉnh lộ 542C không chỉ ở Hưng Thông mà còn xảy ra ở các xã Hưng Tân, Hưng Xá và đã kéo dài hàng chục năm. UBND huyện Hưng Nguyên cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo giải tỏa nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.
Không chỉ lấn chiếm kênh 12/9, một số ki ốt lấn còn vi phạm hành lang ATGT tỉnh lộ 542C. Ảnh: Gia Huy |
Theo hiện trạng thì các ki-ốt được xây dựng khá kiên cố, đổ cọc bê tông ngay giữa lòng kênh 12/9 là vi phạm Pháp lệnh 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Bên cạnh đó các ki-ốt này còn vi phạm hành lang an toan giao thông Tỉnh lộ 542C (căn cứ theo Điều 14, 15, Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ). Cụ thể Tỉnh lộ 542C có quy mô đường cấp 4, giới hạn hành lang an toàn giao thông là 9m cộng với phạm vi 1m dành cho người đi bộ, tổng là 10m.
“Đối chiếu với hiện trạng thì ki-ốt các hộ dân đang nằm trên mái ta luy của Tỉnh lộ 542C”
Chính quyền vận động giải tỏa, người dân chưa thuận
Để khắc phục tình trạng xây dựng công trình vi phạm hành lang ATGT Tỉnh lộ 542C và lấn chiếm kênh 12/9 (căn cứ Nghị quyết 56/2016/NQ-HĐND tỉnh Nghệ An và Kế hoạch 136/KH-UBND ngày 17/3/2017 của UBND tỉnh Nghệ An về giải tỏa vi phạm hành lang ATGT giai đoạn 2017 – 2020; Nghị quyết số 06-NQ/HU của BCH Đảng bộ huyện Hưng Nguyên về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT), trong năm 2018, UBND huyện Hưng Nguyên đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các xã, thị trấn giải tỏa hàng lang ATGT trên địa bàn.
Các văn bản này nêu rõ: “Riêng tuyến Tỉnh lộ 542C yêu cầu UBND xã Hưng Tân, Hưng Thông, Hưng Xá xây dựng kế hoạch cụ thể chi tiết về việc giải tỏa, di dời các ki-ốt nằm trong hành lang ATGT”, “Hoàn thành giải tỏa các ki-ốt vi phạm chậm nhất là vào tháng 6/2019”.
Một số đoạn trên tỉnh lộ 542C qua địa phận xã Hưng Thông (Hưng Nguyên) đã được giải tỏa, cắm biển bảo vệ hành lang ATGT. Ảnh: Gia Huy |
Theo ông Cao Anh Đức - Chủ tịch UBND xã Hưng Thông: Mặc dù cái sai do lịch sử để lại nhưng chúng tôi không trốn tránh trách nhiệm, trên cơ sở chủ trương của huyện, Đảng ủy xã Hưng Thông đã họp và ban hành Kết luận 91 TBKL/ĐU ngày 7/9/2018 về việc cho chủ trương xây dựng kế hoạch giải tỏa các ki-ốt dọc kênh 12/9 và Tỉnh lộ 542C. Trong đó yêu cầu: Thông báo đến tận các hộ dân theo 3 đợt (tháng 11/2018, tháng 3/2019, tháng 6/2019) và tổ chức giải tỏa vào tháng 8/2019; có phương án ngừng thu phí lề đường ki-ốt của các hộ thuộc phạm vi giải tỏa bắt đầu từ tháng 1/2019.
Trên cơ sở đó UBND xã Hưng Thông đã ban hành kế hoạch giải tỏa và ra Thông báo số 703/ TB-UBND ngày 21/11/2018 về viêc kết thúc hợp đồng thuê đất mở dịch vụ ki-ốt dọc bờ kênh 12/9, Tỉnh lộ 542C đoạn qua xã Hưng Thông vì có chủ trương của Nhà nước về giải tỏa hàng lang ATGT đường bộ, các ki-ốt vi phạm an toàn đường sông và gây ô nhiễm môi trường.
“Chúng tôi đã thông báo với các hộ dân để có thời gian và phương án chủ động tìm địa điểm kinh doanh mới và tự tháo dỡ ki-ốt. Đồng thời tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động nhưng các hộ chưa đồng thuận. Đến nay, UBND xã tổ chức 3 lần đối thoại, đồng thời tiến hành xác minh, giải quyết đơn thư theo đúng quy định của pháp luật. Nếu sau khi đã làm đầy đủ trình tự các bước và kiên trì công tác tuyên tuyền, vận động mà các hộ vẫn không chấp nhận thì buộc phải thực hiện cưỡng chế”
Không có căn cứ để đền bù
Các hộ có ki-ốt kinh doanh thuộc phạm vi giải tỏa dọc kênh 12/9 và Tỉnh lộ 542C kiến nghị 2 phương án, thứ nhất là cho phép 22 hộ tiếp tục thực hiện kinh doanh ít nhất 5 năm nữa nhằm mục đích khai thác vốn đầu tư; thứ hai nếu phải tháo dỡ trong năm 2019 thì yêu cầu bồi thường về đất, giao đất tái định cư và bồi thường tài sản đã đầu tư.
Theo chính quyền xã Hưng Thông những yêu cầu này là không có căn cứ bởi qua kiểm tra hồ sơ thì UBND xã trước đây không cấp đất và chỉ cho mở ki-ốt kinh doanh. Các loại giấy tờ của các hộ dân không thể hiện việc UBND giao đất mà chỉ xác nhận ki-ốt kinh doanh tạm thời hoặc hợp đồng thuê đất mở ki-ốt.
Bà Lê Thị Thắm có ốt kinh doanh trình bày nguyện vọng khi xã chủ trương giải tỏa ốt quán dọc kênh 12/9. Ảnh: Gia Huy |
Trong biên bản xác minh nội dung ký hồ sơ cho các hộ kinh doanh, ông Nguyễn Viết Lượng - nguyên Chủ tịch UBND xã Hưng Thông thời kỳ 1994 - 1999 khẳng định “Tại thời điểm đó, UBND xã không đủ thẩm quyền cấp đất cho các hộ mà cho mở ki-ốt để kinh doanh”. Ông Lê Sỹ Nam - nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thông cũng bày tỏ rằng “Thời kỳ 1989 - 1999 tôi có xác nhận và đồng ý cho một số hộ dân mở ki-ốt kinh doanh dịch vụ. Không có hộ nào được xã cấp đất theo quy định”.
Về phía người dân, bà Hoàng Thị Mỹ chia sẻ: "Gia đình tôi được UBND xã cho phép mở ki-ốt từ năm 1996, chồng tôi là anh Lê Văn Hào sửa xe đạp, còn tôi làm nghề may, nay chồng tôi đã mất, tôi chỉ biết bám cái ki-ốt đó để nuôi 2 con ăn học và mẹ già. Chủ trương Nhà nước chúng tôi không chống đối nhưng xin xem xét tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp tục làm nghề để mưu sinh, vì nếu phải bỏ ra mấy chục triệu đồng để mua ki-ốt mới, tôi không có đủ khả năng”.
Còn bà Lê Thị Thắm bày tỏ: “Hàng chục năm qua chúng tôi kinh doanh yên ổn, nay mong muốn được tiếp tục kinh doanh (ít nhất 5 năm) cho đến khi có chương trình, dự án mới thu hồi vì đa số các hộ đều có hoàn cảnh khó khăn. Nếu buộc phải tháo dỡ, thì có cơ chế bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng”.
"Quan điểm của xã là cán bộ sai đến đâu xử lý đến đó, nhưng chủ trương giải tỏa của Nhà nước vẫn phải chấp hành. Tuy nhiên, chính quyền sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Hiện nay, xã đã được chấp thuận triển khai dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng chợ Thông (dự kiến khởi công đầu tháng 5/2019 và hoàn thành sau 3 tháng). Đối với các hộ nghiêm túc chấp hành nếu có nguyện vọng tiếp tục kinh doanh, xã sẽ ưu tiên cho thuê các ki-ốt tại chợ (không phải mua ki-ốt như các hộ khác mà chỉ phải trả tiền phí kinh doanh). Kêu gọi các đoàn thể hỗ trợ nhân lực, phương tiện để tháo dỡ các ki-ốt vi phạm cho các hộ nếu cần; đồng thời dự kiến hỗ trợ tháo dỡ tài sản trên đất ở mức 200.000 đồng/m2”
Riêng việc các hộ có nguyện vọng muốn tiếp tục kinh doanh thêm 5 năm là không khả thi. Bởi, thứ nhất, tại Văn bản số 1212/UBND-KTHT ngày 20/11/2018, UBND huyện Hưng Nguyên đã yêu cầu 3 xã (Hưng Tân, Hưng Thông, Hưng Xá) dọc bờ kênh 12/9 sớm xây dựng kế hoạch và hoàn thành giải tỏa các ki-ốt vi phạm chậm nhất là vào tháng 6/2019.
Thứ hai, ngày 6/1/2019, Xí nghiệp Thủy lợi Hưng Nguyên (Công ty TNHH 1 thành viên Thủy lợi Nam Nghệ An) đã có Công văn số 06-CV/XN gửi Chủ tịch UBND xã Hưng Thông, UBND huyện Hưng Nguyên thông báo: “Kênh dẫn 12/9 thuộc XNTL Hưng Nguyên quản lý) là kênh phục vụ tạo nguồn nước cho các trạm bơm địa phương và cũng là kênh tiêu chính khi mùa lụt đến, các ki-ốt được làm trong lòng kênh đã vi phạm Điều 23 của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTV10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là công trình nằm trên địa bàn xã Hưng Thông, vì vậy XNTL Hưng Nguyên kính đề nghị UBND xã Hưng Thông và UBND huyện Hưng Nguyên cho giải tỏa các ki-ốt đã vi phạm, hoàn trả lại hiện trạng bờ kênh như ban đầu để đảm bảo dẫn nước phục vụ tưới, tiêu”.
Theo UBND xã Hưng Thông (Hưng Nguyên) thì những hộ nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương giải tỏa nếu có nguyện vọng sẽ được ưu tiên bố trí kinh doanh ở chợ Thông (đối diện với một số ốt quán vi phạm hành làng ATGT Tỉnh lộ 542C và kênh 12/9 - PV). Ảnh: Googe Maps |
Vì vậy, UBND xã Hưng Thông cần tuyên tuyền, giải thích cho người dân hiểu rõ về chủ trương giải tỏa và các chính sách hỗ trợ có thể thực hiện trong phạm vi thẩm quyền để tạo sự đồng thuận và giúp người dân ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, UBND huyện Hưng Nguyên cần chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương có những giải pháp cụ thể để xử lý dứt điểm công trình vi phạm dọc kênh 12/9, tránh tạo tiền lệ xấu cho các địa bàn khác có vi phạm tương tự. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho chính quyền các cấp trong công tác quản lý đất đai nói chung, bảo vệ hành lang ATGT đường bộ, đường sông và công trình thủy lợi nói riêng.
Khoản 3 Điều 24 Luật đất đai năm 1993, sửa đổi bổ sung năm 2001 quy định về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối như sau: “Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cho thuê đất thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn”. Như vậy, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chỉ có thẩm quyền cho thuê đất thuộc quỹ đất công ích của xã để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối. Việc UBND xã Hưng Thông lập hợp đồng cho các hộ dân thuê đất làm ốt để kinh doanh dịch vụ là trái với thẩm quyền.
Thứ hai mặc dù trong các hợp không ghi rõ thời hạn cho thuê, nhưng theo khoản 5 điều 126 Luật đất đai năm 2013 (có hiệu lực thi hành ngày 01/07/2014) quy định: “Thời hạn cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn là không quá 05 năm”. Như vậy, hợp đồng thuê đất của các hộ dân đã quá 05 năm nên đã hết thời hạn.
Mặt khác, nội dung của “Hợp đồng thuê đất mở ốt” (năm 2000) và “Hợp đồng thuê đất” (năm 2007) đã quy định rõ, công trình xây dựng ốt dịch vụ chủ hộ không được làm kiên cố, công trình làm đơn sơ, khi có chủ trương của địa phương, nhà nước phải di dời chủ hộ phải thực hiện tháo dỡ. Hiện nay Nhà nước có chủ trương giải tỏa hành lang an toàn giao thông. Không có tài liệu nào chứng minh những thửa đất này các hộ dân được Nhà nước giao đất nên theo quy định sẽ không được bồi thường về đất.