Xử lý dứt điểm vi phạm tại Di tích Nhà thờ họ Trần Khắc
(Baonghean.vn) - Từ ngày 5/5/2020, tại Văn bản số 2695/UBND-VX về việc xử lý đơn thư liên quan đến Nhà thờ họ Trần Khắc (Yên Thành), UBND tỉnh giao UBND huyện Yên Thành chỉ đạo thực hiện xử lý vi phạm và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật...
Rõ vi phạm
Di tích Nhà thờ họ Trần Khắc (xóm Bùi Bùi, xã Công Thành) - di tích dự kiến xếp hạng cấp tỉnh, có tên trong danh mục phân cấp quản lý các di tích, danh thắng trên địa bàn Nghệ An tại Quyết định số 1017/QĐ.UBND.VX ngày 1/4/2011 bị một số người trong dòng họ tháo dỡ, chuyển sang một nơi thờ tự mới từ tháng 2/2020.
Một bộ phận con cháu trong dòng họ Trần Khắc nhận thấy việc làm này vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới việc xếp hạng di tích nên không đồng tình, có đơn thư lên các cấp, ngành chức năng. Sau đó, Sở VH&TT đã chỉ đạo Ban Quản lý di tích, Thanh tra sở thực hiện kiểm tra, làm rõ (Ban Quản lý di tích có các Văn bản số 54/BQLDT.TB ngày 6/3/2020, Sở VH&TT có Văn bản số 874/BC-SVHTT ngày 23/4/2020 báo cáo UBND tỉnh). Tổng hợp từ các báo cáo, Di tích Nhà thờ họ Trần Khắc được khẳng định là có giá trị về lịch sử, văn hóa. Cụ thể, Nhà thờ họ Trần Khắc được xây dựng từ thế kỷ XVI, tại làng Ngọc Hạ (nay là trụ sở UBND xã Công Thành); năm 1968, do chiến tranh nên đã chuyển về xóm Bùi Bùi hiện nay. Nhà thờ có khuôn viên rộng khoảng 500 m², có tường rào bao quanh, công trình kiến trúc gồm: Nghi môn (cổng, tàu voi, tàu ngựa); Bái đường 3 gian 2 hồi, vì kèo đôi, kiến trúc đời Nguyễn; Hậu đường 3 gian 2 hồi, vì kèo kiểu “giá chiêng kè chuyền”, được xây dựng năm Tân Hợi, niên hiệu Duy Tân thứ 5 (1911). Cả 2 nhà lợp ngói âm dương, bộ khung bằng gỗ cổ kính, nền lát gạch đất nung.Đường dẫn vào Di tích Nhà thờ họ Trần Khắc. Ảnh: Nhật Lân |
Tại nhà thờ còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ như: 1 hương án, 3 giường thờ, 1 linh tọa, 2 bộ long ngai bài vị, 1 khám thờ, 1 giá gương, 1 mũ quan bằng gỗ, 1 mâm chè chân quỳ, đài trản, mâm bồng; 3 mộc phả, 1 bức hoành phi, 2 đôi câu đối, 18 đạo sắc phong, bằng cấp, lệnh chi. Các nhân vật tiêu biểu được thờ tại Nhà thờ họ Trần Khắc gồm: Thái thủy tổ Trần Khắc Liệu, giữ chức “Tham tán huân thần, Phụ quốc Thượng trụ Đại tướng quân”, có công đánh Chiêm Thành; Thủy tổ Trần Văn Trai làm chức “Thiêm tổng tri”, có công chiêu dân lập làng; ông Trần Khắc Dận, làm quan triều Lê Trung Hưng và triều Tây Sơn, chức “Hùng liệt tướng quân, Quán quân sứ, Hiến Thành Hầu (còn lưu giữ được 1 lệnh chỉ (ngày 12/3 năm Cảnh Hưng thứ 32 - 1771; 2 đạo sắc ngày 10/11 năm Thái Đức thứ 11 - 1788 và ngày 2/11 năm Cảnh Thịnh thứ 4 - 1796); ông Trần Khắc Diệu làm chức Bắc Bộ, Phấn lực tướng quân... Ngoài ra, dòng họ Trần Khắc có 4 lão thành cách mạng, đảng viên 1930 - 1931; 2 cán bộ Tiền khởi nghĩa; 14 liệt sỹ; 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Nhà thờ họ Trần Khắc là nơi diễn ra một số sự kiện lịch sử của địa phương trong thời kỳ Xô viết Nghệ -Tĩnh; là nơi in ấn tài liệu của Xứ ủy Trung kỳ năm 1930 - 1931; là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, trong đó có đồng chí Tôn Thị Quế - cán bộ Xứ ủy về chỉ đạo các cơ sở Đảng tại Yên Thành.
Với những hiện vật và cứ liệu lịch sử nêu trên, Nhà thờ họ Trần Khắc được Bảo tàng Nghệ An và Ban Quản lý di tích, danh thắng thực hiện kiểm kê từ các năm 1996, 2003; được xác định là di tích lịch sử văn hóa; được UBND tỉnh đưa vào danh mục phân cấp quản lý các di tích, danh thắng trên địa bàn Nghệ An tại Quyết định số 1017/QĐ.UBND.VX ngày 1/4/2011, dự kiến xếp hạng cấp tỉnh và giao xã Công Thành quản lý.
Nghi môn Di tích Nhà thờ họ Trần Khắc. Ảnh: Nhật Lân |
Về vi phạm, tại thời điểm kiểm tra ngày 23/3/2020, xác định nhà Thượng điện (nhà Hậu đường - P.V) đã bị tháo dỡ, di chuyển đi nơi khác, chỉ còn lại tường bao không nguyên vẹn. Nguyên nhân được xác định là do một số con cháu trong dòng họ Trần Khắc có nguyện vọng chuyển nhà thờ về nơi thờ tự mới (đang được xây dựng cách đó khoảng dăm chục mét) cho rộng rãi, thuận tiện trong việc hành lễ dịp lễ trọng. Sở VH&TT và Ban Quản lý di tích khẳng định, việc một số con cháu trong dòng họ đã tổ chức tháo dỡ và di dời nhà Thượng điện về vị trí mới khi chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền là vi phạm Luật Di sản văn hóa và Quyết định 27/2014/QĐ-UBND ngày 3/4/2014 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Tại Văn bản số 874/BC-SVHTT, Sở VH&TT cũng khẳng định: “UBND xã Công Thành còn buông lỏng công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực di sản đã được UBND tỉnh phân cấp quản lý; xử lý đơn thư còn chậm, chưa triệt để; giải pháp ngăn chặn chưa cương quyết dẫn đến việc con cháu trong dòng họ tổ chức tháo dỡ xong nhà Thượng điện...”.
Nhà Thượng điện Di tích Nhà thờ họ Trần Khắc đã bị hư hại, chỉ còn bức tường bao; Tường bao Di tích Nhà thờ họ Trần Khắc. Ảnh: Nhật Lân |
Chậm thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh
Ngày 5/5/2020, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 2695/UBND-VX về việc xử lý đơn thư liên quan đến Nhà thờ họ Trần Khắc (Yên Thành). Tại đây, UBND tỉnh giao UBND huyện Yên Thành chỉ đạo UBND xã Công Thành nghiêm túc thực hiện Quyết định số 1017/QĐ-UBND.VX ngày 1/4/2011 của UBND tỉnh về việc phân cấp quản lý các di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh; xử lý vi phạm và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực di sản trên địa bàn huyện nói chung, xã Công Thành nói riêng, đặc biệt là nội dung liên quan đến dòng họ Trần Khắc. Chỉ đạo UBND xã Công Thành có giải pháp thích hợp để giải quyết dứt điểm, không để đơn thư kéo dài, đơn thư vượt cấp. Tổ chức kiểm điểm nghiêm túc đối với các tổ chức, cá nhân có khuyết điểm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng giao Sở VH&TT chỉ đạo Ban Quản lý di tích phối hợp với UBND huyện Yên Thành khảo sát, đánh giá lại giá trị lịch sử Nhà thờ họ Trần Khắc; yêu cầu đánh giá khách quan, khoa học các tiêu chí của di tích. Trường hợp có đủ điều kiện thì hướng dẫn địa phương và cơ quan chức năng lập hồ sơ khoa học, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá, thẩm định để xếp hạng di tích và quản lý theo quy định của pháp luật; trong trường hợp không đủ điều kiện để xếp hạng thì đề xuất phương án giao lại cho dòng họ tự quản lý...
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VH&TT đã chỉ đạo Ban Quản lý di tích khảo sát, đánh giá lại giá trị lịch sử Nhà thờ họ Trần Khắc. Ngày 28/5/2020, Ban Quản lý di tích có Văn bản số 176/BQLDT.PHGTDT báo cáo Sở VH&TT, trong đó khẳng định: “Từ thực tế khảo sát, đoàn công tác đánh giá đây là một di tích có giá trị về lịch sử, văn hóa cần được bảo vệ và xếp hạng...; Việc lập hồ sơ xếp hạng di tích nhà thờ cần có sự đồng thuận, thống nhất của dòng họ, địa phương và các tổ chức liên quan. Do đó, trước mắt đề nghị UBND xã, UBND huyện chỉ đạo con cháu dòng họ Trần Khắc gìn giữ, bảo quản các công trình kiến trúc, các tài liệu, hiện vật của nhà thờ”.
Với UBND huyện Yên Thành, ngày 10/6/2020, đã ban hành Văn bản số 956/UBND-VHTT chỉ đạo UBND xã Công Thành, Phòng Văn hóa - Thể thao, Phòng Nội vụ thực hiện các nội dung UBND tỉnh giao. Nhưng đến nay Di tích Nhà thờ họ Trần Khắc chưa được khắc phục, vẫn tình trạng “nhà Thượng điện đã bị tháo dỡ, di chuyển đi nơi khác, chỉ còn lại tường bao không nguyên vẹn”; vẫn tái diễn tình trạng đơn thư; việc kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ cũng chưa được thực hiện...
Văn bản số 2695/UBND-VX của UBND tỉnh; Bản lược kê Di tích Nhà thờ họ Trần Khắc do Bảo tàng Nghệ An lập; Văn bản số 176/BQLDT.PHGTDT của Ban Quản lý di tích khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của Nhà thờ họ Trần Khắc. Ảnh: Nhật Lân |
Về xã Công Thành và huyện Yên Thành để xác minh các thông tin liên quan, thật buồn. Bởi qua đó, thấy rõ di sản lịch sử, văn hóa bị xem nhẹ, dẫn đến lỏng lẻo công tác quản lý Nhà nước, để xảy ra vi phạm. Lại nghĩ, con cháu của bất kỳ dòng họ nào cũng mong muốn được làm những điều tốt đẹp nhất để thể hiện lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đối với tổ tiên. Nhưng “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nếp nghĩ của mỗi một gia đình khác nhau, nên chỗ này chỗ nọ vẫn xảy ra sự bất hòa, không đồng thuận. Khi địa phương cơ sở có sự việc như vậy, với chức trách, nhiệm vụ quản lý Nhà nước được giao, chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương cơ sở phải kịp thời nắm bắt, có trách nhiệm làm cầu nối, để hàn gắn gìn giữ mối kết đoàn. Nhưng với sự việc của dòng họ Trần Khắc, chính quyền xã Công Thành lại không làm được như vậy; đáng trách hơn, còn “buông lỏng công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực di sản”, không kịp thời ngăn chặn việc tháo dỡ nhà Thượng điện...
Nói ra những điều này, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, ông Phạm Văn Tuyên đánh giá đây là một vấn đề không quá phức tạp. Nhưng có lỗi từ chính quyền cấp xã, kể cả một số cán bộ huyện đã hiểu không đúng và đầy đủ quy định của pháp luật, nên để sự việc trở thành phức tạp, dẫn đến tình trạng đơn thư đi các nơi. Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, sau khi được đôn đốc, UBND xã Công Thành đã làm việc với con cháu dòng họ Trần Khắc - là những người đã tháo dỡ, di chuyển nhà Thượng điện - để nói rõ các quy định của pháp luật, thông tin những chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện...; đồng thời lập biên bản, yêu cầu trong thời hạn 30 ngày phải phục hồi nguyên trạng di tích. Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, ông Phạm Văn Tuyên trao đổi: “Về việc kiểm điểm, tôi yêu cầu phải thành lập Hội đồng kỷ luật để phân tích, làm rõ trách nhiệm một cách nghiêm túc, sau đó mới đề ra hình thức kỷ luật, xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan...”.