Pháp luật

Xử lý lấn chiếm hành lang an toàn giao thông: Bắt cóc bỏ đĩa!

Đặng Cường 29/10/2024 12:23

Sau gần 2 tháng ra quân triển khai Kế hoạch số 675/KH-UBND ngày 29/8/2024 của UBND tỉnh Nghệ An về mở đợt cao điểm giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông năm 2024, tình trạng tái lấn chiếm vẫn diễn ra tại nhiều địa phương.

Lấn chiếm, tái lấn chiếm tràn lan

Trên nhiều tuyến đường của thành phố Vinh, tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán, để vật liệu xây dựng… vẫn diễn ra phổ biến. Có thể kể đến một số tuyến đường như: Lý Thường Kiệt, Hồng Bàng, Lê Viết Thuật, Nguyễn Sỹ Sách...

1. ảnh pv
Biển bảng quảng cáo lấn chiếm hành lang giao thông trên đường Lê Viết Thuật, TP.Vinh. Ảnh: Đ.C

Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm để họp chợ diễn ra nhiều nơi. Ví dụ như ở khu vực chợ Quán Bánh, mặc dù lực lượng chức năng đã cắm biển cấm dừng đỗ xe dưới lòng đường, đồng thời kẻ vạch sơn cho phép đỗ ô tô trên vỉa hè. Tuy nhiên, chỉ nề nếp được thời gian đầu, còn hiện tại mặc dù vạch sơn, biển cấm vẫn còn nhưng không ai thực hiện.

Bà Q.T.H, người dân thường xuyên đi chợ Quán Bánh cho biết: Dù có vạch sơn chéo được đỗ xe ô tô trên vỉa hè nhưng thực tế những hộ mặt đường đều kinh doanh, chưa nói còn cho những người bán hàng rong sử dụng để thu phí nên không ai cho để ô tô cả, nhiều hộ còn đưa các vật cản ra để rào chắn...

Bởi vậy, mới xảy ra cảnh người bán vô tư bày đủ mặt hàng ngay trên vỉa hè, cả dưới lòng đường và đương nhiên người mua thì tiện đâu dừng đấy diễn ra hàng ngày. Trong khi thực tế lưu lượng người, xe trên tuyến QL 1A qua khu vực này rất đông, khiến con đường càng trở nên chật hẹp, các phương tiện qua lại rất khó khăn, luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

34.ảnh pv
Một điểm thu mua phế liệu lấn chiếm hành lang giao thông trên đường Vinh - Cửa Hội, đoạn qua địa bàn xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Đ.C

Tại huyện Nghi Lộc, không riêng địa bàn thị trấn Quán Hành, mà tại nhiều xã tình trạng lấn chiếm vỉa hè để dựng biển quảng cáo, để các mặt hàng kinh doanh… diễn ra phổ biến. Như đoạn đường Vinh - Cửa Hội qua xã Nghi Phong, biển bảng quảng cáo được các hộ kinh doanh dựng san sát, vuông góc với mặt đường, không chỉ khiến đoạn đường trở nên rối rắm, mà hạn chế tầm nhìn, ảnh hưởng đến ATGT.

Hay như tại thị trấn Con Cuông, tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đặc biệt, ngang khu vực chợ, tình trạng hàng quán, biển bảng lấn chiếm vỉa hè diễn ra tràn lan, khách mua hàng dừng, đỗ xe ngay dưới lòng đường…

Trước đó ngày 29/8, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 675/KH-UBND về việc mở đợt cao điểm ra quân giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đợt cao điểm bắt đầu từ ngày 30/8/2024 tổ chức ra quân đồng loạt trên địa bàn 21 huyện, thành phố, thị xã và duy trì đến hết ngày 30/01/2025.

Kế hoạch nêu rõ, các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tập trung tối đa nhân lực, phương tiện, thiết bị của cấp huyện, cấp xã để giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT trên địa bàn tỉnh. Trọng điểm là các tuyến đường đô thị, khu vực nội thị, thị trấn, thị tứ đoạn qua khu đông dân cư gắn với các tuyến trục chính, các Quốc lộ, các tuyến đường tỉnh.

Tuyệt đối không cho phép sử dụng vỉa hè, lòng, lề đường để kinh doanh, buôn bán, kiên quyết tháo dỡ hết các lều bạt, hàng quán, bàn, ghế, mái che di động, mái che cố định… trên vỉa hè, lòng, lề đường, phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ, đường sắt.

Đối với các bảng, biển quảng cáo, biển hiệu ngoài trời phải được treo, gắn, ốp vào mặt trước hoặc mặt sau công trình, song song với trục đường chính và phải đảm bảo mỹ quan đô thị; không được lắp đặt các loại biển quảng cáo di động trên vỉa hè, lề đường, phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ, đường sắt…

Gắn trách nhiệm của người đứng đầu

Về nguyên nhân lấn chiếm, hiện ở một số địa phương còn có những vi phạm do lịch sử để lại, như: Tại huyện Hưng Nguyên, hàng chục ki-ốt dọc Tỉnh lộ 542C được UBND các xã Hưng Tân, Hưng Thông, Hưng Xá và thị trấn Hưng Nguyên cho thuê trước năm 1995 chưa được xử lý dứt điểm.

Tại khối 4, thị trấn Con Cuông, trên tuyến QL7 mở rộng nhiều lần nhưng Nhà nước chưa đền bù, thu hồi hành lang bảo vệ an toàn giao thông nên trong bìa đất của các hộ dân được xác định là từ mép ngoài của mương thoát nước trở vào gây khó khăn khi xử lý vi phạm…

12.jpg
Cùng với tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, ý thức của người tham gia giao thông ở Nghệ An cũng là một tồn tại chậm được khắc phục. Trong ảnh là tình trạng ùn tắc trên đường Đinh Công Tráng, TP. Vinh diễn ra mỗi ngày trong các khung giờ cao điểm. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Phần lớn trên thực tế, việc tái lấn chiếm bắt nguồn từ thói quen kinh doanh, buôn bán bám đường của người dân và thường sau giải tỏa, vắng lực lượng chức năng thì lại tái lấn chiếm.

Trong khi đó, chế tài xử phạt không đủ sức răn đe, lực lượng chức năng không đủ nhân lực, phương tiện và kinh phí mỗi lần ra quân, giải tỏa vi phạm. Bên cạnh đó, để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm, còn do các địa phương chưa thực sự quyết liệt, chưa đồng bộ, kịp thời. Ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, công chức về công tác giải tỏa vi phạm và chống tái lấn chiếm hành lang ATGT chưa cao. Ban ATGT cấp huyện, cấp xã còn thực hiện theo hình thức kiêm nhiệm nên chưa thực sự tập trung, hiệu quả chưa cao…

4.jpg
Ban an toàn giao thông tỉnh kiểm tra thực tế tại xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh tư liệu: Đ.C

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Huy Chương – Phó Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết: Trên cơ sở kế hoạch mở đợt cao điểm ra quân giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt năm 2024, ngày 3/10, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2591/QĐ-UBND về thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra công tác giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.

Đoàn được chia thành 2 tổ, mỗi tổ kiểm tra 5 địa phương gồm các địa bàn các huyện Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Anh Sơn, Tương Dương, Kỳ Sơn, Đô Lương, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò và thị xã Thái Hòa.

Kết thúc đợt kiểm tra, đoàn liên ngành sẽ tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra với UBND tỉnh; đồng thời kiến nghị, đề xuất các biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt tại địa phương cấp huyện, cấp xã theo quy định .

Sở Giao thông vận tải sẽ là cơ quan chủ trì tổng hợp kết quả, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh; đồng thời xem xét cho ý kiến đối với các trường hợp vi phạm cần xử lý theo đề xuất của đoàn liên ngành.

Với các địa phương cấp huyện không thuộc danh sách kiểm tra, UBND tỉnh giao đoàn liên ngành triển khai đề cương, phụ lục chi tiết gửi UBND cấp huyện tổ chức tự kiểm tra, đánh giá và báo cáo kết quả.

Theo ông Phan Huy Chương, để thực hiện tốt chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 675/KH-UBND, các sở, ngành và địa phương cấp huyện, cấp xã cần tăng cường đôn đốc, quyết liệt chỉ đạo ra quân, duy trì lực lượng giải tỏa, chống tái lấn chiếm vi phạm hành lang giao thông. Cùng với đó, gắn trách nhiệm từ chủ tịch UBND, trưởng công an cấp xã, phường về kết quả thực hiện giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT trên địa bàn được giao phụ trách… Có như vậy mới ngăn ngừa được trường hợp tái lấn chiếm, không để xảy ra tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” trong xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông như hiện nay.

Mới nhất

x
Xử lý lấn chiếm hành lang an toàn giao thông: Bắt cóc bỏ đĩa!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO