Pháp luật

Xử lý nghiêm hành vi phá hoại hoa màu, vật nuôi của người dân ở Nghệ An

Khánh Ly 26/11/2024 09:03

Những năm gần đây, trên địa bàn Nghệ An xuất hiện tình trạng phá hoại cây trồng, vật nuôi của người dân mà nguyên nhân chủ yếu do "ghen ăn tức ở", tranh chấp, hằn thù cá nhân… Vấn nạn này không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho nạn nhân mà còn ảnh hưởng tới an ninh trật tự, gây tâm lý bất an cho người dân.

Hành vi đáng lên án

Mới đây, vào ngày 19/11/2024, có 4 hộ dân thuộc thôn Bãi Sậy, xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn) đã trình báo cơ quan chức năng về việc các ao cá gần kề nhau của gia đình họ có hiện tượng cá chết nhiều, nghi vấn bị trúng độc tố.

Nhận được tin báo, Công an huyện Anh Sơn và các đơn vị liên quan tiến hành khám nghiệm hiện trường, điều tra, xác minh làm rõ. Sơ bộ ban đầu xác định số cá bị thiệt hại rất lớn, gồm nhiều loại: trắm đen, trắm cỏ, trôi, mè, chép, rô phi...

ho-do (1)
Ao cá bị đầu độc đổi màu. Ảnh tư liệu Thái Nguyễn

Tiến hành điều tra, Công an huyện Anh Sơn xác định thủ phạm là Nguyễn Minh Hợi, SN 1983, trú tại thôn Cẩm Thắng, Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn.

Bước đầu, Hợi khai nhận do có hiểu nhầm với gia đình anh Võ Văn Ng. (một trong các hộ nuôi cá) về một vụ việc từ hồi tháng 5/2024 nên đã lên mạng tìm mua thuốc diệt cá.

bna_ca-chet-1--703b3715b95525febc4b3c239ddfbf5d.jpg
Cá chết được các chủ hồ vớt lên. Ảnh tư liệu Thái Nguyễn

Lợi dụng ngày 18/11/2024 thôn Bãi Sậy đang tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, gia đình anh Ng. không ra trại thăm nom ao cá, Hợi đã thực hiện hành vi thả thuốc diệt cá xuống ao làm cho nước trong ao của anh Ng. lây lan ra nhiều ao khác, khiến cá chết hàng loạt.

1-2-.jpg
Đối tượng đầu độc các ao cá Nguyễn Minh Hợi. Ảnh tư liệu Quỳnh Trang

Thủ đoạn của Hợi là nấp trên đồi cây, ném lọ nhựa đựng thuốc diệt cá xuống ao của anh Ng. sau đó sử dụng súng thể thao CPC bắn thủng chai nhựa để thuốc diệt cá chảy ra ngoài.

Công an huyện Anh Sơn xác định số cá bị chết ước tính 1,3 tấn.

2-1-.jpg
Tang vật vụ án đầu độc ao cá. Ảnh tư liệu Quỳnh Trang

Hiện, Cơ quan điều tra Công an huyện Anh Sơn đang tạm giữ đối tượng Nguyễn Minh Hợi để xử lý theo quy định.​..

Trước đó, vào tháng 4/2024, gia đình ông Hà Ngọc Đường, 54 tuổi ở xã Hạnh Lâm (Thanh Chương) đã làm đơn trình báo với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng về việc ruộng lúa sắp đến ngày thu hoạch bị chết cháy gần hết với nhiều dấu hiệu bất thường như diện tích lúa bị chết không đều và chỉ xảy ra với thửa ruộng gia đình ông Đường canh tác, bông lúa ngừng phát triển, cháy vàng thành từng đám, một số đám cỏ liền kề cũng có hiện tượng cháy lá… Ước tính diện tích lúa bị chết cháy khoảng 500m2.

Gia đình ông Đường nghi ngờ có người xấu dùng thuốc hóa học để phá hoại.

uploaded-tienhungbna-2024_05_02-_bna-lua1-3483-1-.jpg
Ông Hà Ngọc Đường trú tại xã Hạnh Lâm (Thanh Chương) bên ruộng lúa bị chết cháy với nhiều dấu hiệu bất thường. Ảnh tư liệu Tiến Hùng

Được biết, thửa ruộng này do ông Đường mới mượn của người hàng xóm Nguyễn Như Sỹ (75 tuổi) để canh tác vụ đầu tiên. Đây cũng chính là thửa ruộng bị kẻ xấu cắm hàng loạt chông nhọn sau vụ kiện tranh chấp kéo dài và chủ ruộng là ông Nguyễn Như Sỹ được toà tuyên thắng kiện. Khi cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra được thủ phạm, thì trong quá trình ông Đường mượn canh tác, ruộng lúa này lại nghi bị phá hoại một lần nữa.

uploaded-tienhungbna-2023_09_07-_bna-a1-7836.jpg
Chông sắt cắm dưới ruộng lúa. Ảnh tư liệu Tiến Hùng

Ngược về trước nữa, vào ngày 20/12/2023, khi ra ruộng kiểm tra, ông Võ Văn Dương, SN 1982, trú tại xóm 1, xã Lam Sơn, huyện Đô Lương bàng hoàng phát hiện hàng nghìn gốc bí bị kẻ gian nhổ cây, chặt ngang gốc, thân và quả bị héo rũ. Theo chủ vườn, diện tích bí đã được trồng hơn 2 tháng, khoảng 20 ngày nữa sẽ cho thu hoạch nhưng bị kẻ xấu phá hoại ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

uploaded-hoaithubna-2023_12_22-_bna-hon-1ha-bi-bi-pha-hoai-da-heo-ru-bat-dau-chet-kho-5052.jpg
Diện tích bí của người dân bị phá hoại chết khô ở xã Lam Sơn, huyện Đô Lương. Ảnh tư liệu Hoài Thu

Khu vực bị phá hoại có diện tích khoảng 4ha nằm gần UBND xã Lam Sơn do ông Dương và ông Đinh Văn Huỳnh quê ở xã Tào Sơn (Anh Sơn)-1 người nhiều năm kinh nghiệm đầu tư trồng nông sản cùng thuê để trồng bí.

uploaded-hoaithubna-2023_12_22-_bna-nhieu-voc-bi-bi-chat-ngang-than-cay-dut-han-khoi-goc-khoang-1m-564.jpg
Ông Võ Văn Dương trú tại xóm 1 xã Lam Sơn, Đô Lương chỉ vị trí những luống bí bị chặt ngang thân cây, đứt hẳn khỏi gốc khoảng 1m. Ảnh tư liệu: Hoài Thu

Theo lãnh đạo địa phương đây là mô hình trồng bí xanh đầu tiên với quy mô lớn được triển khai ở xã Lam Sơn vừa giúp tạo việc làm cho nhiều lao động, vừa lan tỏa cách sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung, chuyên nghiệp, hứa hẹn cho thu lợi nhuận cao, đáng tiếc lại xảy ra sự việc phá hoại gây thiệt hại lớn.

Trước đó, tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu cũng xảy ra vụ phá hoại ruộng dưa hấu đến giai đoạn thu hoạch của gia đình ông Phan Văn Tôn (SN 1956), trú tại thôn 2, gây thiệt hại khoảng 2,5 tạ dưa ước tính khoảng 1,3 triệu đồng.

uploaded-quynhanbna-2022_07_04-_bna-anh-2-6833.jpg
Vườn dưa nhà ông Tôn bị thiệt hại 2,5 tạ. Ảnh tư liệu An Quỳnh

Sau khi tiếp nhận tin báo, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an huyện Diễn Châu tập trung điều tra, làm rõ 5 đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, hủy hoại tài sản là Chu Văn Cường (SN 2002); Chu Minh Nam (SN 2004); Nguyễn Trọng Tấn (SN 2005); Nguyễn Đức Phong (SN 2004) và Lê Trung Huấn (SN 2004) cùng trú tại xã Quỳnh Diễn, huyện Quỳnh Lưu.

Các đối tượng này khai nhận do trước đó đã trộm dưa hấu của gia đình ông Tôn bị phát hiện và được người dân nhắc nhở nên bực tức và sau khi đi uống rượu về, trưa ngày 3/7/2022 các đối tượng quay lại ruộng dưa hấu của gia đình ông Tôn nhằm trả thù.

uploaded-quynhanbna-2022_07_04-_bna-anh-1-1217.jpg
4/5 đối tượng tham gia vụ phá hoại ruộng dưa hấu của người dân tại xã Diễn Kỷ, Huyện Diễn Châu tại cơ quan công an. Ảnh tư liệu An Quỳnh

Những hành vi hủy hoại tài sản của người khác, nhất là sản phẩm cây trồng, vật nuôi do những người nông dân vất vả, dầm mưa dãi năng chăm bón là hành vi vi phạm pháp luật, phi đạo đức cần xử lý nghiêm minh. Hành vi này không chỉ gây thiệt hại nặng nề về tài sản mà còn gây tâm lý bất an cho nông dân. Tuy nhiên, để ngăn chặn, truy tìm đối tượng phá hoại rất khó khăn, bởi hầu hết các vụ việc thường xảy ra vào ban đêm, tại các khu vực thưa dân cư, ít người qua lại nên rất khó phát hiện.

Cần xử lý nghiêm

Theo TS, Luật sư Nguyễn Trọng Hải- Giám đốc Công ty luật Trọng Hải & Cộng sự: Thời gian vừa qua xảy ra rất nhiều những vụ việc liên quan đến hành vi xâm phạm trực tiếp đến tài sản của người khác như vụ hàng nghìn gốc bí xanh bị chặt phá ở huyện Đô Lương, phá hoại vườn dưa hấu sắp thu hoạch ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu… hay mới đây nhất là vụ việc ao cá của người dân ở huyện Anh Sơn bị đầu độc.

Các hành vi này chủ yếu đều là hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, mà nghiêm trọng hơn đó là những tài sản được xem là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ. Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 đã có quy định cụ thể đối với hành vi này.

uploaded-myhabna-2023_04_18-_bna-luat-su-trong-hai-1047.jpg
Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Trọng Hải- Giám đốc Công ty Luật Trọng Hải và Cộng sự. Ảnh: PV

Theo đó, đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác nếu có đầy đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự thì dựa vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra thì người vi phạm sẽ có thể bị khởi tố về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác được quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Mức hình phạt đối với tội phạm này thấp nhất là bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và cao nhất là bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm tùy vào mức độ thiệt hại do hành vi gây ra.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Bên cạnh chế tài về hình sự nói trên thì người phạm tội còn phải thực hiện việc bồi thường thiệt hại cho người bị hại theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.

Tóm lại, hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác là hành vi trái với đạo đức, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản mà lớn hơn là ảnh hưởng đến kinh tế của người bị hại, nhất là khi tài sản bị hủy hoại, bị hư hỏng là nguồn thu nhập chính của họ.

Đây là hành vi vi phạm pháp luật phải bị lên án và phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhằm tạo tính răn đe, ổn định kinh tế nông nghiệp nói riêng, an ninh trật tự khu vực nông thôn nói chung.

Mặt khác, để bảo vệ cho quyền và lợi ích của mình khi bị xâm phạm, ngay khi phát hiện các vụ việc, người dân cần trình báo ngay với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng, đồng thời tích cực phối hợp với lực lượng chức năng để làm rõ sự việc, kịp thời xác minh, truy bắt, xử lý đối tượng.

Mới nhất

x
Xử lý nghiêm hành vi phá hoại hoa màu, vật nuôi của người dân ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO