Xử lý nghiêm hành vi xâm hại rừng phòng hộ, đặc dụng ở Quế Phong
(Baonghean) - Hành vi phá rừng phòng hộ, đặc dụng của một số đồng bào Mông ở xã Tri Lễ (Quế Phong) là vi phạm pháp luật. Vậy nhưng vì lợi ích cá nhân, một số đối tượng cố tình có hành vi chống đối và xuyên tạc việc giải quyết nạn xâm canh của huyện Quế Phong. Thực tế cho thấy, để chấm dứt tình trạng xâm hại rừng, cần phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.
325,8 ha rừng bị xâm hại nghiêm trọng
Tháng 4/2016, Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt kiểm tra và phát hiện tình trạng đồng bào Mông xã Tri Lễ xâm canh, phát rừng làm nương rẫy với diện tích lớn. Qua kết quả kiểm tra ban đầu, Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt phát hiện có hiện tượng xâm canh, phát rừng làm nương rẫy trái phép tại các khoảnh 1, 6 tiểu khu 97; khoảnh 11, 10 tiểu khu 93, tiểu khu 96 với tổng diện tích 53,5 ha (trong đó có 26,4 ha rừng phòng hộ, 27,1 ha rừng đặc dụng).
Một khoảnh rừng đặc dụng, thuộc địa bàn xã Nâm Giải bị đồng Mông xã Tri Lễ xâm hại. |
Tổng số hộ xâm canh là 15 hộ (2 hộ cư trú tại bản Mường Lống, 13 hộ còn lại ở bản Huôi Xái 1, Huôi Xái 2). Ở khu vực rừng bị xâm hại, đồng bào Mông xâm canh từ lâu năm, có những hộ đưa cả gia đình vào đây lập chòi, lán, dựng chuồng trại chăn nuôi gà, lợn… Khi phát hiện có đoàn kiểm tra, họ bỏ trốn vào rừng.
Thực tế, tại các lô, khoảnh thuộc các tiểu khu 93, 96, 97 và 104 đã bị xâm hại, có hàng chục lều lán, chòi đựng thóc, chuồng nuôi nhốt gia cầm, gia súc được dựng lên. Xung quanh các chòi, lán, chuồng là nương rẫy với lô nhô những gốc cây lớn nhỏ đen sì vì bị đốt.
Theo ông Lê Văn Nghĩa - cán bộ kiểm lâm thuộc Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt: “Hiện trường rừng đặc dụng, rừng phòng hộ bị phá còn nguyên, nhiều diện tích rừng bị bà con đồng bào người Mông phá làm rẫy khoảng dăm năm lại nay. Rất nhiều khoảnh rừng đã bị phá còn chỏng chơ những gốc cây có đường kính lớn từ 40 – 50cm".
Ngày 28/4/2016, UBND huyện Quế Phong thành lập Đoàn liên ngành phối hợp giải quyết vấn đề xâm canh đất rừng phòng hộ, đặc dụng trên đất Nậm Giải. Qua kiểm tra, đoàn phát hiện tại các khoảnh 1, 3, 8 của tiểu khu 104 (đất rừng phòng hộ) có 17 hộ xâm canh; khoảnh 1, 5 của tiểu khu 97 (đất rừng phòng hộ) có 2 hộ xâm canh; các khoảnh 10, 11 của tiểu khu 93 (đất rừng đặc dụng) có 3 hộ xâm canh; các khoảnh 16, 17, 19, 21 của tiểu khu 96 (đất rừng đặc dụng) có 24 hộ xâm canh. Tổng số diện tích đã bị xâm canh rất lớn, lên đến 325,8 ha. Trong đó có 125,3 ha đất rừng đặc dụng, 200,5 ha đất rừng phòng hộ.
Có những điểm xâm canh, đồng bào Mông bản Mường Lống đã dựng lều, lán như bản làng (ảnh chụp tại khu vực rừng phòng hộ, thuộc tiểu khu 104, trong ngày 15/6/2016). |
Theo ông Sầm Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Nậm Giải, việc một số đồng bào người Mông xã Tri Lễ xâm canh, phá rừng trên địa bàn xã Nậm Giải đã xảy ra từ lâu. Hàng năm, huyện đều có chỉ đạo giải quyết việc bà con xâm canh; chính quyền hai xã cũng đã nhiều lần hiệp thương để giải quyết nhưng chưa thực hiện triệt để.
“Lần nào cũng vậy, bà con hứa thu hoạch xong mùa vụ là sẽ rút khỏi khu vực xâm canh; có cả ký cam kết nữa nhưng rồi không thực hiện. Trước đây chỉ vài ha, rồi lên vài chục ha, nay thì hàng trăm ha rồi…”, ông Sầm Văn Thành trao đổi.
Vận động, tháo dỡ chòi canh trái phép
Từ nhiều năm qua, chính quyền huyện Quế Phong đã biết việc đồng bào Mông cư trú ở xã Tri Lễ xâm canh sang địa bàn xã Nậm Giải, gây nên việc phát đốt rừng làm nương rẫy. UBND huyện Quế Phong khẳng định rõ việc xâm canh, phá rừng làm nương rẫy là hành vi sai trái, hủy hoại môi trường…
Trong công văn 341, UBND huyện Quế Phong nêu rõ: “Quá thời hạn được quy định, nếu hộ nào cố tình không về và tiếp tục xâm canh, phá rừng thì đoàn liên ngành kiên quyết tháo dỡ các chòi, lán trại dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, đặc dụng; đồng thời xử lý nghiêm các hộ cố tình vi phạm theo quy định của pháp luật”.
Cán bộ đoàn liên ngành bên một chòi đựng lúa bỏ không. |
Sau khi thực hiện công tác tuyên truyền, vận động tại các bản có đồng bào Mông xâm canh, đoàn liên ngành đã kiểm tra hiện trường và tiến hành tháo dỡ chòi lán dựng trái phép. Liên tục trong 3 ngày (từ 13 – 15/6/2016), đoàn đã thực hiện tháo dỡ 62 chuồng trại, chòi lán; Số chưa thực hiện tháo dỡ được là 23 chòi lán của 14 hộ (đa số là dân bản Mường Lống). Lý do là, đoàn đã bị một số đối tượng có hành vi kích động người dân dùng gậy, dao nhọn gây gổ, thâm chí dùng cả súng bắn dọa…
Ông Lê Phùng Diệu – Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt, Trưởng đoàn liên ngành thuật lại sự việc, vào khoảng 9h30 ngày 15/6, khi đoàn đang xử lý, ký cam kết với hộ ông Xồng Giống Lào (bản Mường Lống) thì ông Thò Thông Lỳ - Bí thư chi bộ bản Mường Lống và em trai đã kéo theo khoảng 20 người dân có trang bị dao, gậy đến chống đối, chửi mắng, đe dọa chém đoàn liên ngành. Trong nhóm của ông Thò Thông Lỳ, có người sử dụng súng bắn hai phát chỉ thiên, sau đó hô hào trưởng đoàn liên ngành bắn súng vào dân, đòi thu súng.
Ông Lỳ cũng là người đứng lên xuyên tạc nội dung xử lý vấn đề xâm canh của huyện rằng “UBND huyện Quế Phong dọa đuổi dân Mường Lống ra khỏi địa bàn Quế Phong…”. Nhận thấy tình hình căng thẳng, dễ xẩy ra xung đột nên Trưởng đoàn Lê Phùng Diệu đã chỉ đạo các thành viên trong đoàn rút ra khỏi khu vực, sau đó làm báo cáo gửi Thường trực Huyện ủy, UBND huyện để xin ý kiến.
Thông báo Đoàn liên ngành dán tại tại các lán trại không có người. |
Xử lý nghiêm theo quyy định pháp luật!
Ngày 29/6/2016, UBND huyện Quế Phong tổ chức họp để giải quyết vấn đề xâm canh đất rừng. Đa phần, các bí thư, trưởng bản, người có uy tín và đại diện các dòng họ của 3 bản Mường Lống,Huôi Xái 1, Huôi Xái 2 dự họp đều nhận thức việc xâm canh, phá rừng làm nương rẫy là sai.
Vậy nhưng cũng có một vài trường hợp đưa ra những lý do để đòi giữ đất đã xâm canh, trong đó phải nói đến Bí thư chi bộ bản Mường Lống, ông Thò Thông Lỳ. Là Bí thư chi bộ nhưng tại cuộc họp ông Thò Thông Lỳ biện minh “ít học”, “không thạo tiếng phổ thông” để sử dụng tiếng Thái phát biểu với thái độ thiếu trách nhiệm, gây mất đoàn kết.
Ông Hà Ngọc Thi – Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quế Phong cho biết, cần xem xét những kiến nghị của dân để cơ hướng giải quyết, nhưng khẳng định hành vi phá rừng là vi phạm pháp luật, việc xử lý của đoàn liên ngành là cần thiết, đúng quy định…Đồng thời, bày tỏ sự không đồng tình với thái độ của bí thư chi bộ Mường Lống Thò Thông Lỳ vì “là Bí thư chi bộ, có trách nhiệm đưa chủ trương,chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân mà “không nói rõ tiếng phổ thông” là không thể chấp nhận”.
Đoàn liên ngành xử lý thiêu hủy một lán tạm, dựng trái phép trong khu vực xâm canh đất rừng đặc dụng. |
Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, ông Lang Văn Minh cho biết: Thời gian tới, đoàn cần tiếp tục phối hợp với chính quyền 2 xã Tri Lễ, Nậm Giải và các lực lượng chức năng trên địa bàn tiếp tục vận động, tuyên truyền trong nhân dân, quyết tâm không để xẩy ra việc tái diễn vi phạm, đồng thời, có kế hoạch để đưa ra khỏi địa bàn những hộ đã xâm canh;
UBND xã Tri Lễ khẩn trương rà soát chính xác và báo cáo đầy đủ số liệu những hộ dân trên địa bàn chưa có đất sản xuất lên UBND huyện; Các phòng ban liên quan tham mưu UBND huyện để đề xuất lên cấp trên về chính sách đất đai cho nhân dân 3 bản Mường Lống, Huôi Xái 1, Huôi Xái 2.
Đồng thời, phối hợp với đoàn liên ngành, các lực lượng chức năng xử lý dứt điểm những khu vực bị xâm canh. Trong thời gian 3 tháng, phải di dời tất cả các vật liệu, tài sản ra khỏi địa bàn xâm canh và thực hiện ký cam kết với 100% hộ gia đình có canh tác lúa trong khu vực xâm canh sau khi thu hoạch thì giao trả đất, không được tái diễn vi phạm…
Để giải quyết, với những người dân vì lý do thiếu hiểu biết pháp luật, khó khăn, thiếu đất sản xuất thì cần nhanh chóng đề ra những chính sách phù hợp để giúp họ đảm bảo sinh kế; còn với những đối tượng cố tình vi phạm, thì phải kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, nhất là với những cán bộ, đảng viên vì lợi ích cá nhân mà xem thường chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quy định của pháp luật.
Nhật Lân