Xử lý nghiêm những hộ dân tự giết mổ và bán thịt lợn chưa qua kiểm dịch
(Baonghean.vn) - Trong khi ngành chức năng và các địa phương đang “gồng mình” chống dịch, thì vẫn còn tồn tại rất phổ biến tình trạng người dân tự giết mổ lợn, bán sản phẩm thịt lợn không qua kiểm dịch của cơ quan thú y. Báo Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn đối với ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở NN&PTNT về tình trạng nguy hiểm này.
PV:Thưa ông! Đến nay tình hình dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh Nghệ An diễn biến như thế nào?
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu: Theo thông báo của Cục Thú y, hiện nay cả nước có 22 tỉnh có DTLCP xảy ra (tỉnh Hòa Bình đã công bố hết dịch). Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy trên 160.000 con lợn các loại.
Trên địa bàn Nghệ An, bệnh DTLCP đã xuất hiện tại 9 hộ chăn nuôi của 7 xã thuộc 6 huyện. Tổng đàn lợn mắc bệnh đã tiêu hủy 161 con, chủ yếu là lợn thịt 107 con, còn lại là lợn nái và lợn con. Trong đó, đến nay có xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu) đã qua 1 tháng không phát sinh ca bệnh mới, ổ dịch phát sinh mới nhất là ngày 9/4 tại huyện Quỳ Hợp.
Hiện nay, diễn biến tình hình DTLCP trong nước cũng như trong tỉnh rất phức tạp. Dịch có xu hướng lây lan theo kiểu “nhảy cóc” và hiện đã bắt đầu xâm nhập vào các gia trại chăn nuôi.
Dịch tả lợn châu Phi lây lan "nhảy cóc" bắt đầu xâm nhập vào các gia trại. Ảnh: PV |
Mầm bệnh phát tán và lây lan do tiếp xúc trực tiếp giữa lợn ốm và lợn khỏe, qua vận chuyển lợn, sản phẩm lợn từ vùng này sang vùng khác không được kiểm soát, thức ăn có nhiễm mầm bệnh, không tuân thủ phương thức chăn nuôi an toàn sinh học...
Nghệ An đã triển khai các biện pháp chống dịch theo Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 19/3/2019 về phê duyệt kịch bản ứng phó khẩn cấp bệnh DTLCP. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp 10.000 lít hóa chất khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi và hơn 700 lít hóa chất chống dịch.
Các địa phương triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan. Ảnh: PV |
PV:Thực tế trong thời gian qua, tại hầu hết các địa phương trong tỉnh vẫn còn tình trạng người dân tự ý giết mổ và bán sản phẩm lợn nhỏ lẻ, không qua kiểm dịch. Điều này tiềm ẩn những nguy cơ nào đối với sự lây lan của dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh?
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu: Việc người dân tự ý giết mổ lợn nhỏ lẻ, không đưa vào các cơ sở giết mổ gia súc tập trung, bán sản phẩm thịt lợn không qua kiểm soát của ngành Thú y làm cho dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát, từ đó nguy cơ bệnh phát tán ra diện rộng là rất cao.
Trường hợp này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP, tùy vào mức độ vi phạm, sẽ có các hình thức xử phạt khác nhau.
PV:Hiện tại chế tài xử lý những vi phạm đó được quy định tại những văn bản pháp luật nào, thưa ông?
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu: Có nhiều văn bản pháp luật quy định về đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP trong kinh doanh, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn như: Luật thú y số 79/2015/QH13 ngày 19/6/2015; Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 Quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y; Nghị định số số 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y…
Theo đó, trách nhiệm của UBND cấp huyện, xã và cơ quan chuyên ngành thú y cấp huyện được quy định cụ thể ở từng lĩnh vực như: quản lý hoạt động của cơ sở giết mổ tập trung; sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật và vệ sinh thú y trên địa bàn; chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động thú y...
Vận chuyển lợn giống đi bán trên tuyến Quốc lộ 15. Ảnh: P.V |
Đối với các hành vi giết mổ, vận chuyển và kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không theo quy định, theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP, mức xử phạt từ 6.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng, hoặc phạt tiền từ 60 - 70% giá trị sản phẩm động vật nhưng không vượt quá 50.000.000 đồng tùy từng hành vi.
Các hình thức xử phạt bổ sung sẽ là tịch thu tang vật; biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy, buộc phải kiểm tra vệ sinh thú y, tiêu hủy hoặc xử lý nhiệt chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm động vật…
PV: Ông có khuyến cáo gì đối với người chăn nuôi và người tiêu dùng trong thời điểm hiện tại, vừa để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, vừa tạo thị trường tiêu thụ thịt lợn an toàn một cách ổn định, giúp ngành Chăn nuôi đứng vững và tiếp tục phát triển?
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu: Người chăn nuôi cần áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chú trọng phòng dịch từ xa như: mua giống lợn nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng đủ các loại vắc xin theo quy định, được kiểm dịch, được giám sát bệnh truyền nhiễm định kỳ và có kết quả âm tính.
Chuồng trại phải được xây dựng hệ thống xử lý phân thải, nước thải; thường xuyên khử trùng, tiêu độc, xử lý môi trường, dụng cụ chăn nuôi, ủ phân sinh học; hạn chế hoặc không cho người ngoài vào khu vực chăn nuôi; có biện pháp tiêu diệt, ngăn ngừa côn trùng, chuột hoặc động vật khác vào khu vực chăn nuôi.
Các lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động kinh doanh, buôn bán thịt lợn tại chợ Vinh. Ảnh: Võ Huyền |
Thực hiện 5 không (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt). Chăn nuôi phải theo quy hoạch và báo cáo chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn biết để theo dõi, giám sát. Tăng cường giám sát sức khỏe đàn lợn, khi có bất thường phải báo ngay cho cán bộ thú y, chính quyền cơ sở để xử lý kịp thời.
Với người tiêu dùng, tuy gây nguy hiểm cho vật nuôi nhưng theo các chuyên gia, DTLCP không gây bệnh trên người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm. Để đảm bảo, người tiêu dùng nên thực hiện việc ăn chín, uống sôi và mua thịt ở những cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
PV:Xin cảm ơn ông!