Xử lý việc xây dựng công trình “khủng” trái phép ở xã Thanh Mai: Không tạo ra tiền lệ xấu…

Năm 2019, ở xã Thanh Mai (Thanh Chương) xảy ra vụ việc xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp gây ồn ã dư luận xã hội. Đối tượng có hành vi xây dựng trái phép đã bị xử phạt hành chính, một số cán bộ xã đã phải chịu kỷ luật, nhưng công trình trái phép thì vẫn đang tồn tại...

Theo các hồ sơ, tài liệu lưu trữ tại UBND huyện Thanh Chương, công trình xây dựng trái phép trên khu đất lâm nghiệp khe Nái, xóm Trung Sơn, xã Thanh Mai. Khu đất lâm nghiệp này đã được UBND huyện Thanh Chương cấp giấy chứng nhận QSD đất cho ông Cao Trọng Hồng (địa chỉ: tổ 2, K. Tây Hồ, P. Quang Tiến, TX Thái Hòa).

Về quy mô của công trình xây dựng trái phép gồm: Một ngôi nhà 2 tầng (kiểu nhà sàn) có kết cấu bê tông cốt thép được xây dựng trên đất với diện tích là 484,7m²; tầng 1 có 1 phòng ngủ, 1 phòng vệ sinh, 1 phòng kho, bếp; tầng 2 có 11 phòng ngủ khép kín, mái lợp tôn. Một chuồng chăn nuôi có chiều dài 24,2m, chiều rộng 12,2m, diện tích là 295,2m².

Về hành vi xây dựng công trình trái phép trên đất lâm nghiệp được UBND huyện Thanh Chương xác định là vào thời điểm tháng 11/2017, do ông Cao Trọng Hồng tự ý thuê máy múc san lấp mặt bằng, tập kết nguyên vật liệu, xây dựng nhà và chuồng trại chăn nuôi.

UBND huyện Thanh Chương cũng xác định đây là hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Căn cứ các quy định của pháp luật, ngày 30/1/2019, UBND huyện Thanh Chương ban hành Quyết định 529/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Cao Trọng Hồng với số tiền 22.500.000 đồng. Đồng thời yêu cầu ông này khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. Cụ thể là, tháo dỡ, giải tỏa toàn bộ công trình nhà ở, chuồng trại chăn nuôi gia súc đã xây dựng trái phép và khôi phục lại tình trạng đất rừng sản xuất tại thửa đất số 523, tờ bản đồ số 2 bản đồ lâm nghiệp, thuộc khu vực rừng khe Nái, xóm Trung Sơn, xã Thanh Mai.

Bởi hành vi xây dựng công trình trái phép trên đất lâm nghiệp được xác định bắt đầu từ tháng 7/2017, nhưng đến cuối năm 2018 mới bị phát hiện (thông qua thông tin phản ánh của báo chí), UBND huyện Thanh Chương đã kết luận: “Để xảy ra vi phạm, trách nhiệm thuộc về UBND xã, Chủ tịch UBND xã và công chức địa chính xã Thanh Mai vì đã không thực hiện đúng quy định tại Khoản 2, Điều 208, Luật Đất đai, cụ thể là: Thiếu trách nhiệm phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm” (Kết luận số 06/KL-UBND ngày 27/3/2019 của UBND huyện Thanh Chương).

Trong số tài liệu chúng tôi được xem, có Báo cáo kết quả kiểm tra công tác quản lý đất đai, đầu tư và xây dựng tại xã Thanh Mai do Đoàn kiểm tra theo Quyết định 531/QĐ-UBND huyện Thanh Chương thành lập. Tại đây thể hiện nội dung làm việc giữa Đoàn kiểm tra với ông Cao Trọng Hồng.

Theo đó, ông này thừa nhận đã thực hiện những công trình nhà và chuồng trại chăn nuôi trên đất lâm nghiệp; nhưng cho rằng việc xây dựng là thực hiện đúng theo quy định tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp.

Vì vậy, dù nộp đầy đủ số tiền phạt, nhưng ông Cao Trọng Hồng có nguyện vọng xin được giữ lại 2 công trình nhà và chuồng trại chăn nuôi để “tạo điều kiện bảo vệ rừng và đầu tư phát triển kinh tế trên diện tích đất rừng mà ông được cấp giấy chứng nhận”.

Cũng tại đây thể hiện nội dung ông Cao Trọng Hồng thông tin đến Đoàn kiểm tra là đang liên hệ với các cơ quan chức năng để hoàn thiện các thủ tục pháp lý để được sử dụng 2 công trình; đề nghị UBND huyện tạm dừng việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả; cam kết “sẽ hoàn thành các hồ sơ thủ tục pháp lý trước ngày 30/7/2019, nếu sau thời gian trên mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng hợp pháp thì sẽ tiến hành khôi phục đất lâm nghiệp như trước khi vi phạm (tháo dỡ toàn bộ hai công trình nói trên và trả lại mặt bằng đất lâm nghiệp”.

Theo Khoản 2, Điều 8, Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg thì: “Chủ rừng sử dụng tối đa 30% diện tích đất đã được giao, được thuê nhưng chưa có rừng để đầu tư phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp, trong đó diện tích đất dành cho xây dựng hạ tầng (đường giao thông, công trình kiên cố, nhà máy) tối đa là 20%”.

Qua kiểm tra, UBND huyện Thanh Chương xác định tổng diện tích ông Cao Trọng Hồng xây dựng trái phép là 779,9m²; tổng diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng là 12.000m²; tỷ lệ xây dựng là 6,5%. Thế nên, dù đã ban hành Quyết định 529/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính, buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, nhưng UBND huyện Thanh Chương lại cho rằng việc xây dựng của ông Cao Trọng Hồng là “phù hợp với quy định tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg”, “đang gặp khó khăn và chưa có cơ sở để giải quyết dứt điểm vụ việc”. Vì vậy, từ tháng 6/2019, UBND huyện Thanh Chương đã có Văn bản số 895/UBND-TNMT xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và các sở ngành liên quan.

Ngày 12/8/2019, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN&MT có Văn bản số 4425/STNMT-TTr hướng dẫn UBND huyện Thanh Chương xử lý vướng mắc đối với việc xử lý vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai ở xã Thanh Mai. Theo Sở TN&MT thì việc ông Cao Trọng Hồng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất mà không được cấp thẩm quyền cho phép theo quy định tại Điều 57, Luật Đất đai năm 2013 thì xem xét xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 102/NĐ-CP. Trường hợp ông Cao Trọng Hồng sử dụng đất rừng sản xuất để xây dựng nhà, chuồng trại và công trình khác thì phải thực hiện thủ tục về đất đai theo quy định.

Theo hồ sơ thì ông Cao Trọng Hồng chưa chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định nhưng đã thực hiện xây dựng nhà, chuồng trại thì có căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Trường hợp ông Cao Trọng Hồng có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất thì UBND huyện Thanh Chương hướng dẫn thủ tục theo quy định của pháp luật. Đối với việc lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai: Đề nghị UBND huyện Thanh Chương rà soát lại hành vi vi phạm, thời điểm thực hiện hành vi vi phạm, thời gian kết thúc hành vi vi phạm để xem xét về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, quyền giải trình của người vi phạm; tang vật, phương tiện; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả để xử lý theo đúng quy định.

Để rõ hơn việc áp dụng thực hiện Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã đề nghị một số nhà quản lý lĩnh vực lâm nghiệp cho ý kiến. Theo họ, Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là nhằm khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng và chế biến lâm sản theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Tuy nhiên, khi các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất lâm nghiệp phát sinh nhu cầu sử dụng đất vào mục đích nêu tại Khoản 2, Điều 8 của Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg thì phải xây dựng đề án và quy hoạch chi tiết sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; sau đó, phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thiết kế chi tiết các công trình trên đất để được cấp phép. Khi hoàn thành những nội dung này, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân liên quan mới được thực hiện việc cải tạo đất, xây dựng các hạng mục công trình đúng theo giấy phép được cấp.

Một nhà quản lý lĩnh vực lâm nghiệp trao đổi: “Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh một phần phát sinh quan hệ xã hội. Nhưng quan hệ xã hội này chịu sự điều chỉnh bởi các quy định khác của luật pháp có liên quan khác. Hành vi xây dựng nhà và chuồng trại của ông Cao Trọng Hồng đã được khẳng định là xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, vì vậy phải xử lý đúng theo các quy định tại Nghị định 102/NĐ-CP. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ không bao giờ “hợp thức hóa” cho vi phạm mà ông này thực hiện trên đất lâm nghiệp. Vì như vậy, là không đúng quy định và sẽ phát sinh hệ lụy dây chuyền từ những tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh…”.

Ngày 18/9/2020, ngay tại khu đất lâm nghiệp mà ông Cao Trọng Hồng xây dựng công trình trái phép, chúng tôi đã đặt ra câu hỏi với một số cán bộ xã Thanh Mai và UBND huyện Thanh Chương cùng đi rằng: Nếu để công trình này tồn tại, liệu công tác quản lý nhà nước về đất đai của xã Thanh Mai và huyện Thanh Chương sau này sẽ ra sao?.

Các cán bộ này trả lời: Công tác quản lý nhà nước sẽ gặp khó khăn hơn!