Xứ sương mù: Khủng hoảng và thiếu hành động
(Baonghean.vn) - Vương quốc Anh đang phải trải qua một mùa Hè khổ sở khi ngành y tế rơi vào khủng hoảng, lạm phát tăng cao, thiếu nước sạch và các cuộc đình công khiến nhiều tuyến tàu ngừng hoạt động. Trong khi đó, người ta lại ít thấy xuất hiện bóng dáng của chính phủ…
Những cuộc đình công quy mô nhất trong ngành đường sắt trong vòng 30 năm bắt đầu từ đêm thứ Hai vừa qua, khiến nhiều chuyến tàu bị huỷ. Ảnh: Getty |
Theo hãng tin CNN, cảm giác về nguy cơ đổ vỡ đang trên đà gia tăng; hôm 19/8, các nhà lãnh đạo của ngành y tế đã đưa ra cảnh báo về một “cuộc khủng hoảng nhân đạo” khi không có hành động để ngăn tăng giá năng lượng trong mùa Đông.
Matthew Taylor, giám đốc điều hành của Liên đoàn Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) trong một tuyên bố cho biết, nhiều người "có thể phải đối mặt với sự lựa chọn khủng khiếp giữa việc bỏ bữa để sưởi ấm nhà cửa hay phải sống trong cảnh lạnh lẽo, ẩm ướt và khó chịu... Tình cảnh này sẽ xảy ra trong khi NHS có khả năng phải trải qua mùa Đông khó khăn nhất từng được ghi nhận".
Vài tuần lễ sau những cảnh báo rằng Vương quốc Anh chỉ mới ở giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tồi tệ nhất trong nhiều thế hệ, lạm phát đã vượt ngưỡng 10% đầu tuần này, gây thêm căng thẳng cho các hộ gia đình vốn dĩ đã phải vật lộn để xoay xở cuộc sống. Xứ sương mù đang dần bước vào giai đoạn suy thoái, và GDP dự kiến sẽ tiếp tục giảm ít nhất đến hết năm nay…
Ngoài nỗi đau về kinh tế, người lao động trong lĩnh vực vận tải và tại các bến tàu đang đình công, và đã có những cảnh báo về khả năng có động thái tương tự trong lĩnh vực công nghiệp, kể cả ở khu vực công lẫn khu vực tư. Thậm chí, một số luật sư trong các vụ án hình sự đã đình công, gây ra nhiều gián đoạn tại các toà án vốn đã thường hay “ách tắc”.
Tuy nhiên, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Boris Johnson lại đang tận hưởng kỳ nghỉ thứ hai trong mùa Hè. Khi được hỏi về lý do tại sao ông Johnson không trở về London để đưa ra một kế hoạch hành động khẩn cấp, Phố Downing nói rằng các kế hoạch chi tiêu lớn cần được thực hiện bởi Thủ tướng kế nhiệm.
Ông Rishi Sunak hoặc bà Liz Truss sẽ thay ông Boris Johnson làm lãnh đạo đảng Bảo thủ kiêm Thủ tướng Anh. Ảnh: Shutterstock |
Người thay thế ông Johnson - là ngoại trưởng đương nhiệm Liz Truss, hoặc cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak - thì phải đến ngày 5/9 mới xuất hiện. Như vậy là gần 2 tháng tính từ ngày ông Johnson thông báo sẽ đứng sang một bên, phớt lờ những lời kêu gọi ông rời nhiệm sở ngay lập tức và tạo điều kiện để một nhà lãnh đạo mới tiếp tục với công việc cầm quyền.
Vị thủ tướng kế nhiệm sẽ không do dân chúng xứ sương mù bầu ra, mà do các thành viên trong đảng Bảo thủ cầm quyền, theo ước tính hiện rơi vào khoảng 200.000 người trong khi dân số của nước này khoảng 67 triệu người.
Về mặt hiến pháp, điều này hoàn toàn đúng. Ở Anh, cử tri bầu ra đại diện địa phương tham gia Quốc hội. Đảng nào giành nhiều ghế nhất và may mắn giành được thế đa số cần thiết để thông qua luật tại Quốc hội, sẽ đề nghị vị quân chủ cho phép thành lập chính phủ. Và thông thường, lãnh đạo của đảng đó sẽ trở thành thủ tướng.
Năm 2019, ông Johnson giành được đa số với 80 ghế trong Quốc hội. Mặc dù số ghế đã giảm bớt, đảng Bảo thủ hiện vẫn chiếm đa số và do đó, vẫn có thể cầm quyền.
Vậy tại sao các đồng minh của ông Johnson lại nói rằng Thủ tướng tiếp theo sẽ hành động để cung cấp hỗ trợ tài chính cho những người đang phải chịu tác động từ cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, trong bối cảnh tình hình cấp bách và thực tế là hoạt động công vụ chuyên nghiệp nếu có chỉ đạo có thể giải quyết rất nhiều vấn đề như vậy.
Một phát ngôn viên của chính phủ nói với CNN rằng, trong khi "các quyết định tài khóa cho những tháng tới sẽ dành cho Thủ tướng tiếp theo, chúng tôi đang tiếp tục hỗ trợ trực tiếp cho mọi người theo gói hỗ trợ hiện có trị giá 37 tỷ bảng, theo đó sẽ tiếp tục phân bổ trong những tuần và tháng tới để giúp đỡ nhiều người khi chi phí sinh hoạt gia tăng".
Nhưng các nhà phê bình trên trong lĩnh vực chính trị cho rằng, chừng ấy là không đủ và ngay bây giờ cần thực hiện thêm hành động mạnh mẽ hơn.
Daniel Kawczynski, một nghị sĩ xuất thân đảng Bảo thủ, ủng hộ Truss trong cuộc tranh cử vai lãnh đạo, cho rằng mức độ nghiêm trọng của tình hình đồng nghĩa đảng này nên sớm kết thúc cuộc đua và chọn ra Thủ tướng mới, hoặc trao quyền cho ông Johnson hành động ngay.
"Cuộc đua đã diễn ra quá lâu còn chúng ta cần người lãnh đạo ngay bây giờ. Không nên lãng phí thêm thời gian khi cần phải đưa ra các quyết định quan trọng. Vì vậy, chúng ta phải trao quyền cho nhà lãnh đạo hiện tại để có hành động, hoặc chúng ta phải kết thúc cuộc đua. Người dân Anh rất mong đợi chúng ta giải quyết được cuộc khủng hoảng này", ông nói với CNN.
Công đảng đối lập trong tuần này đã kêu gọi triệu tập ngay Quốc hội để các nhà lập pháp có thể có hành động lập tức nhằm đóng băng các hoá đơn năng lượng, dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi vào tháng 10, sau khi cơ quan quản lý tăng trần giá từ nhà cung cấp.
Trong thư gửi tới ông Johnson cùng hai ứng cử viên cho chức lãnh đạo, Nghị sĩ Thangam Debbonaire, lãnh đạo của Công đảng tại Hạ viện, kêu gọi đảng Bảo thủ "đưa Quốc hội trở lại sớm vào ngày 22/8 để chúng ta có thể đóng băng mức trần giá năng lượng ngay bây giờ”.
Bà nói thêm rằng vào tuần tới, cơ quan quản lý năng lượng của Vương quốc Anh sẽ "thông báo về việc tăng trần giá năng lượng. Trong bối cảnh lạm phát tăng lên thành 10,1%, điều này không chỉ khiến các hộ gia đình rơi vào vòng xoáy âu lo hơn, buộc họ phải tiết kiệm hơn nữa trước mùa Đông. Mà nó còn tạo ra một cú sốc khác đối với nền kinh tế. Với các doanh nghiệp và hộ gia đình đang trên bờ vực, chúng tôi không thể đợi thêm mà phải hành động ngay".
Giá trần năng lượng là một kế hoạch cấp bách do chính phủ thực hiện để ngăn các công ty năng lượng tính phí quá cao đối với khách hàng.
Nhiều người Anh đã phải dựa vào ngân hàng thực phẩm để tồn tại qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Ảnh: Getty |
Được biết, cả 2 ứng viên cho chức thủ tướng đều chưa đưa ra ví dụ cụ thể về những chính sách sẽ được thực thi nhằm ứng phó với mùa Đông “địa ngục” đối với nhiều người. Có ý kiến sẽ nói rằng ấy là vì bất kỳ giải pháp nào cũng đòi hỏi khoản chi tiêu công khổng lồ, điều mà các thành viên phe Bảo thủ với quan điểm truyền thống, những người sẽ bỏ phiếu bầu tân thủ tướng, hoàn toàn không thích thú gì.
Hoặc đó có thể còn vì chi tiêu công ở quy mô như vậy không thể được giải thích đồng thời với những cam kết cắt giảm thuế ngay lập tức và từ chối tăng thuế đánh vào doanh nghiệp lớn, bao gồm các công ty năng lượng, để tìm đường vượt khủng hoảng.
Tuy nhiên, cũng không phải chờ lâu nữa sẽ đến lúc người kế nhiệm ông Johnson phải trả lời trước đông đảo những ý kiến phê bình, chỉ trích. Trước tiên, là những đối thủ chính trị trong Quốc hội, sau đó là đông đảo công chúng tại các thùng phiếu…
Việc không đưa ra hành động trong bối cảnh nhiều cảnh báo thảm khốc được đưa ra hàng tuần có thể là sai lầm khiến phe Bảo thủ phải trả giá trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo. Và sau hơn 1 thập niên nắm quyền, việc công chúng bỏ qua cho họ vì đã “mộng du” bước vào cuộc khủng hoảng dường như là một đòi hỏi quá cao.