Xử trí thế nào với các triệu chứng hậu Covid-19 ở trẻ?

Thành Chung 17/03/2022 11:21

(Baonghean.vn) - Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, những ngày thời tiết chuyển mùa này, số trẻ từng mắc Covid-19 đến khám tăng lên rất nhiều. Trung bình mỗi ngày Khoa Khám bệnh tiếp nhận khám cho từ 35-40 trẻ bị triệu chứng hậu Covid-19.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Văn Cương - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Nghệ An chia sẻ xung quanh vấn đề hậu Covid-19, hội chứng MIS-C, phản ứng sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Tiến sĩ , Bác sĩ Trần Văn Cương chia sẻ về tình trạng Covid-19, Hậu Covid-19 ở trẻ em. Ảnh: Thành Cường
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Văn Cương chia sẻ về tình trạng Covid-19, hậu Covid-19 ở trẻ em. Ảnh: Thành Cường

P.V: Tình trạng trẻ em mắc Covid-19 hiện nay như thế nào, thưa ông?

TS. BS Trần Văn Cương: Hiện nay, số trẻ em (0-15 tuổi) mắc Covid-19 càng ngày càng tăng trên phạm vi cả nước cũng như ở tỉnh Nghệ An. Theo thống kê, tỷ lệ trẻ mắc Covid-19 chiếm khoảng 20% của tổng ca mắc. Nguy cơ và tình trạng trẻ mắc Covid-19 ở các nhóm tuổi cũng khác nhau. Trẻ ở nhóm tuổi rất nhỏ mắc Covid-19 chiếm tỷ lệ không cao nhưng công tác theo dõi, chăm sóc khó khăn hơn, nên một số ca đã cần có sự hỗ trợ chăm sóc của nhân viên y tế. Trẻ ở nhóm tuổi lớn hơn mắc Covid-19 thì biểu hiện, triệu chứng giống như người lớn.

Cần nói thêm: Trẻ em cũng có những nhóm bệnh nền (béo phì, mắc bệnh mãn tính như hen phế quản, đái đường; dị tật tim bẩm sinh, thận, niệu quản, đường hô hấp; thiếu máu huyết tán; bệnh lý tuyến nội tiết…). Những trẻ này nếu mắc Covid-19 cũng gặp nguy cơ tăng nặng và nguy kịch.

Trong thời gian qua, khá nhiều trẻ mắc Covid-19 nhẹ và không có triệu chứng; không nhiều trẻ em vào bệnh viện với các biểu hiện Covid-19. Ở Nghệ An trẻ mắc Covid-19 nặng được thu dung, điều trị ở 2 cơ sở, gồm Bệnh viện Dã chiến và Trung tâm Hồi sức tích cực số 1 Nghệ An. Việc điều trị cho trẻ ở đây đang có những khó khăn nhất định do thiếu nhân, vật lực dành cho chuyên Khoa Nhi. Vậy nên, cũng đã có ca phải chuyển tuyến ra Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị.

P.V: Nhiều gia đình có trẻ mắc Covid-19 đang rất lo lắng tới vấn đề hậu Covid-19, ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

TS. BS Trần Văn Cương: Ở người lớn và nhóm trẻ lớn tuổi, các dấu hiệu và triệu chứng hậu Covid-19 thường sớm được nhận biết, đó là: Khó chịu về đường hô hấp, ho kéo dài, sốt nhẹ, khó thở khi gắng sức, đau ở một số bộ phận… Ở nhóm trẻ nhỏ, các dấu hiệu, triệu chứng hậu Covid-19 cũng hoàn toàn giống như người lớn song lại rất khó phát hiện bởi bản thân trẻ chưa có tự ý thức về bệnh, không chỉ điểm chính xác.

Tuy nhiên, chúng ta không quá hoang mang với vấn đề hậu Covid-19. Bởi con người ta khi mắc bất kỳ một bệnh tật nào, đặc biệt là các bệnh liên quan đến virus thì sau khi khỏi bệnh cơ thể cũng có những khủng hoảng nhất định. Sự khủng hoảng này sẽ giảm dần theo thời gian và hoàn toàn có thể điều chỉnh với các biện pháp y tế.

Điều cần quan tâm, lưu ý hơn đó là sau khi khỏi Covid-19, sức đề kháng của trẻ giảm lại gặp phải thời tiết chuyển mùa nóng ẩm, vi sinh vật và vi khuẩn phát triển mạnh nên dễ mắc bệnh. Các phụ huynh cần chú ý đến việc giữ ấm, nâng cao sức đề kháng, bảo vệ trẻ tránh tình trạng bội nhiễm…

Khám cho trẻ gặp vấn đề sức khỏe do Hậu Covid-19 ở Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh: Thành Cường
Khám cho trẻ gặp vấn đề sức khỏe do hậu Covid-19 ở Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, những ngày thời tiết chuyển mùa này, số trẻ từng mắc Covid-19 đến khám tăng lên rất nhiều. Trung bình mỗi ngày Khoa Khám bệnh tiếp nhận khám cho từ 35-40 trẻ bị hậu Covid-19. Các trẻ thường có triệu chứng ho, sốt. Và cũng có một số trẻ bị bệnh nặng phải nhập viện điều trị tích cực. Tìm hiểu thì được biết, khi trẻ có triệu chứng nhưng do gia đình sợ môi trường bệnh viện không đảm bảo an toàn Covid-19 nên đưa đi khám, điều trị muộn.

P.V: Trong những vấn đề hậu Covid-19 gây ra, hội chứng MIS-C đang được quan tâm hơn cả. Hội chứng MIS-C là gì?

TS. BS Trần Văn Cương: Khi virus vào cơ thể sẽ xuất hiện phản ứng miễn dịch rất mạnh mẽ giữa virus và hệ thống bảo vệ (bạch cầu). Hệ thống bảo vệ giải phóng rất nhiều chất trung gian tạo nên kháng thể và các phản ứng viêm mạnh mẽ, đặc biệt là ở giai đoạn cấp tính. Sau khi khỏi bệnh, virus không còn hiện hữu nữa nhưng phản ứng miễn dịch này vẫn còn tồn tại.

Theo ghi nhận của các tổ chức y học: Sau mắc Covid-19, trẻ có thể xuất hiện hội chứng viêm đa hệ thống, cơ quan (MIS-C). Đây là tình trạng các bộ phận cơ thể khác nhau có thể bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa… Ngoài ra còn có thêm bệnh lý rối loạn tăng đông, giảm đông máu.

Các phụ huynh có thể nhận biết hội chứng MIS-C ở trẻ qua việc giám sát, theo dõi: Nếu bị viêm ở não thì trẻ xuất hiện biểu hiện buồn ngủ, học sa sút, đau đầu, trí tuệ giảm. Nếu bị viêm ở phổi, xơ phổi thì khi trẻ chạy nhảy, vui đùa, bú mẹ, khóc bị khó thở, mệt, thở dốc, thở nhanh… Với các rối loạn tăng đông thì gây nên sự tắc nghẽn ở các các mạch máu, trẻ có thể xuất hiện các dấu hiệu đau ở các bộ phận cơ thể, trẻ kém chơi, quấy khóc, khó chịu trong cơ thể.

Nếu xuất hiện các hội chứng viêm thì các gia đình cũng bình tĩnh đưa trẻ đến bệnh viện điều trị. Khi điều trị, các bệnh viện sẽ làm các xét nghiệm tầm soát, siêu âm, chụp chiếu và dùng gamma globulin miễn dịch, các chất chống viêm và một số thuốc hỗ trợ thì kiểm soát được các biến chứng này. Những trường hợp được đánh giá nặng thì cần nhập viện điều trị. Trường hợp nhẹ thì được hướng dẫn về nhà theo dõi.

P.V: Hiện có những phụ huynh lưỡng lự trong việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ, đặc biệt là trẻ từ 5-11 tuổi vì những phản ứng phụ. Những phản ứng phụ này đáng lo ngại hay không?

TS. BS Trần Văn Cương: Thời gian qua, Việt Nam đã tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi và người từ 18 tuổi trở lên. Hiệu quả vắc-xin là rất tốt. Ở những người đã được tiêm nếu có bị mắc Covid-19 thì các triệu chứng lâm sàng nhẹ, ít biến chứng; sau mắc 5-7 ngày thường thì đã xét nghiệm âm tính. Trẻ sau tiêm được đến trường học trực tiếp.

Về bản chất: Tiêm vắc-xin là đưa 1 kháng nguyên vào cơ thể. Khi kháng nguyên vào sẽ tạo ra những phản ứng và tạo kháng thể. Sẽ xuất hiện những phản ứng tại chỗ, phản ứng toàn thân với mức độ nhẹ hoặc quá mức. Phản ứng phụ bao gồm các biểu hiện đau ngực, khó thở, hồi hộp đánh trống ngực, rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim... Tuy nhiên, chúng ta không nên quá lo lắng, bởi qua khảo sát hàng trăm triệu người tiêm thì phản ứng nặng, quá mức là rất ít; chủ yếu là những cơn đau ngực thoáng qua.

Ở Nghệ An, cũng đã có những người lớn tiêm phòng bị phản ứng mạnh. Tuy nhiên, nhờ hệ thống cấp cứu hồi sức đầy đủ ở tất cả các tuyến nên các phản ứng đều đã được kiểm soát, không có sự cố đáng tiếc xảy ra. Ở trẻ chưa xuất hiện trường hợp phản ứng mạnh nào. Đã có trẻ 12-17 tuổi phản ứng sau tiêm, cộng thêm sự nhạy cảm lo lắng của độ tuổi, nên được phụ huynh đưa vào viện và được bệnh viện tầm soát, cho dùng thuốc hỗ trợ đơn giản, cộng thêm biện pháp tâm lý nên trẻ nhanh chóng trở lại bình thường.

Điều trị cho trẻ gặp biến chứng xấu do ảnh hưởng Hậu Covid-19. Ảnh: Thành Cường
Điều trị cho trẻ gặp biến chứng xấu do ảnh hưởng hậu Covid-19. Ảnh: Thành Cường

Tiêm phòng vắc-xin cho trẻ 5-11 tuổi thì mọi người chúng ta nên mạnh dạn cho trẻ tiêm. Với những thân nhân của những cán bộ y tế chúng tôi khi có chỉ định tiêm thì chúng tôi đều cho tiêm cả. Cần nói thêm, nếu trẻ tiêm mũi đầu xuất hiện phản ứng mạnh quá mức thì mũi sau chúng ta không tiêm nữa. Với 01 mũi vắc-xin đã tiêm thì cũng đã đem lại lượng kháng thể nhất định trong cơ thể rồi. Trẻ không may mắc Covid-19 thì cơ thể cũng đáp ứng miễn dịch rất nhanh và bị nhẹ.

Với việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19, sau tiêm sẽ tạo miễn dịch trong cơ thể. 2 tuần sau tiêm sẽ đạt độ miễn dịch cao nhất. Quá trình miễn dịch này giảm dần. Chính vì vậy, mới có những lời khuyên sau 3, 6 tháng, hàng năm phải tiêm bổ sung, nhắc lại…Khi trẻ tiêm vắc-xin phòng Covid-19, người nhà cần theo dõi sát tình trạng trẻ trong 4-6 tuần để nhận biết các dấu hiệu.

P.V: Các ca nhiễm vẫn đang tăng nhanh, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ông có lời khuyên nào cho người dân, đặc biệt là các bố mẹ có con nhỏ?

TS. BS Trần Văn Cương: Thời điểm này, số ca mắc Covid-19 vẫn đang tăng nhanh. Tuy nhiên, nhờ chiến lược tiêm vắc-xin đã triển khai nên Việt Nam đã kiểm soát được dịch, số ca chuyển nặng không cao, tỷ lệ tử vong giảm mạnh (dưới 1%, chủ yếu do các bệnh nền). Các hoạt động xã hội không bị đảo lộn, dần trở lại bình thường… Bởi vậy, mọi người chúng ta không nên quá hoang mang, lo lắng.

Với bệnh Covid-19 hay các bệnh do virus khác thì việc điều trị dựa vào sức đề kháng của bản thân là quan trọng nhất. Khi bị mắc Covid-19, chúng ta cần bình tĩnh để điều trị tại nhà. Khi ở nhà bệnh nhân có được điều kiện sinh hoạt, chăm sóc theo dõi, dinh dưỡng tốt… Nhờ đó, sức đề kháng được nâng lên thì tình trạng chuyển nặng giảm đi. Thông thường, khi bệnh nhân đã qua 3-5 ngày đầu thì sức khỏe sẽ ổn định và nguy cơ chuyển nặng không có…

Khi xuất hiện các triệu chứng hậu Covid-19 hay phản ứng sau tiêm, mọi người cũng bình tĩnh để đến các cơ sở y tế để được thực hiện thăm khám, xét nghiệm, hướng dẫn và điều trị. Với trẻ, các triệu chứng hậu Covid-19 hay phản ứng sau tiêm có khi rất mơ hồ nên việc theo dõi cho trẻ cần kỳ công hơn. Tuy nhiên, việc quan sát, theo dõi này cần khách quan, không nên quá thái. Sự quan tâm, vỗ về quá thái sẽ dẫn đến trẻ thụ động, dễ nhầm lần các triệu chứng, thậm chí thay đổi tính nết; cần tạo cho trẻ niềm tin và động lực.

Ở giai đoạn này, mọi người không nên quá lo lắng về dịch, nhưng cũng không được chủ quan, cần thực hiện tốt "5K" để giảm ca nhiễm. Việc giảm ca nhiễm sẽ góp phần giảm ca nhiễm nặng, cơ sở y tế không quá tải… nhờ đó những người bệnh sẽ được chăm sóc tốt hơn.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Theo (Thực hiện)
Copy Link
Mới nhất
x
Xử trí thế nào với các triệu chứng hậu Covid-19 ở trẻ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO