Xuân về nhớ Bác Hồ với “sự nghiệp trồng người”

Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2025 mở đầu Xuân mới Tân Sửu 2021 với bao chờ đợi, náo nức lòng người khắp từ Bắc chí Nam, nơi biên cương hải đảo về một đội ngũ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước ta sẽ cầm lái, chèo chống để đưa con tàu Việt Nam ra biển lớn của thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, biết phát huy lợi thế của công nghiệp 4.0. Xuân về là hun đúc niềm tin con người, trỗi dậy khát vọng về đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, toàn tâm, toàn ý phục vụ đổi mới, phục vụ nhân dân.

Lịch sử phát triển của đất nước trước mọi bước ngoặt càng thấy rõ sự vĩ đại của Bác Hồ về “Sự nghiệp trồng người”, trước hết là công tác cán bộ, sử dụng người đức – tài, luôn mang giá trị mẫu mực cho thời đại, luôn lan tỏa, tuôn trào trên mọi phương diện. Một thế hệ cán bộ do Bác đào tạo, rèn luyện không chỉ tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, Tổ quốc, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam tới đích, mà mỗi con người đó là một tấm gương trong sáng về đức và tài được xã hội kính trọng, người dân “tâm phục, khẩu phục”.

Bác Hồ nói chuyện với các trí thức là đại biểu Quốc hội.
Bác Hồ nói chuyện với các trí thức là đại biểu Quốc hội.

Ngay từ khi cách mạng mới giành được chính quyền, Bác Hồ đã lo lắng nguy cơ cán bộ công thần, địa vị, quan liêu hóa. Bởi vậy, Bác nhắc nhở về tư cách cán bộ cách mạng, về Đảng lãnh đạo chính quyền. Bác nói: “Đảng lãnh đạo không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích tối cao của nhân dân. Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân, không phải là người làm quan phát tài, dẫn dắt người nhà, một người làm quan cả họ được nhờ”. Sắp xếp đội ngũ cán bộ, Người thường dặn phải dùng đúng người, đúng việc và phải biết việc mới giao cho người thích hợp, dùng sai thì hỏng cả việc lẫn người. Đối với những người học rộng, tài cao giải quyết được những vấn đề lớn, Bác Hồ đã thu phục họ đi theo con đường cách mạng, theo sự nghiệp của Đảng. Không nhất thiết phải bố trí họ vào những chức vụ “ông này, bà kia” nhưng Bác Hồ luôn tạo điều kiện cho mỗi người phát triển tài năng của mình để làm nên sự nghiệp cống hiến cho đất nước.

Để có đội ngũ cán bộ tốt, Bác Hồ thường căn dặn con đường đào tạo là phải nhìn vào việc làm của họ chứ không dựa trên lời nói. Trong “Sự nghiệp trồng người”, Bác Hồ luôn quan tâm theo dõi, mỗi một hoạt động, việc làm có ích cho xã hội, cho đất nước của mỗi con người. Giá trị xã hội của mỗi con người là kết quả được chiết xuất từ chất lượng hành động, chất lượng hoạt động của họ. Đó là trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp và ý thức pháp luật. Trong suốt 10 năm, Bác Hồ theo dõi những người tốt, việc tốt trên khắp các báo, từ các địa phương trong cả nước và đã tặng 4.000 huy hiệu của Người cho những gương điển hình đó. Đó là phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất cụ thể, thúc đẩy tiến bộ xã hội từ những con người. Một người muốn làm tốt việc lớn thì phải làm tốt việc nhỏ mà mình được giao. Sẽ không làm được việc lớn khi việc nhỏ không hoàn thành. Đó là cách nhìn biện chứng, nhìn cái mới từ những biểu hiện nhỏ bé, cá biệt để làm cho nó phát triển, lớn lên. Chính từ những trải nghiệm cuộc đời hoạt động của mình, Bác Hồ hiểu rõ con đường trưởng thành của mỗi con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sỹ thi đua ngành nông nghiệp và Đổi công toàn quốc tại Hà Nội, ngày 23/5/1957. Ảnh tư liệu: TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sỹ thi đua ngành nông nghiệp và Đổi công toàn quốc tại Hà Nội, ngày 23/5/1957. Ảnh tư liệu: TTXVN

“Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời người khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội”. Câu nói đó của Bác vẫn còn tươi rói trước ngưỡng cửa Xuân Tân Sửu 2021. Sự nghiệp đổi mới và những thách thức của thời đại bao giờ cũng nảy sinh, xuất hiện một lớp cán bộ trẻ. Đó là quy luật tất yếu, đòi hỏi của thực tiễn. Công cuộc đổi mới của đất nước đã trải qua 35 năm với những thách thức chưa từng có của thời đại, dịch bệnh, giờ đây như một trang mới trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhìn lại, đó là thời cơ cho tuổi trẻ đem sức, đem tài với ý chí giữ vững độc lập, tự do, không cam chịu đói nghèo, vươn tới làm giàu. Mục tiêu đó không cao siêu, rất hiện thực. Nhưng đó là con đường không đơn giản, bởi những yếu tố thách thức mới, những mâu thuẫn mới nảy sinh trong quá trình phát triển xã hội và hội nhập quốc tế. Sự cạnh tranh gay gắt ở tất cả các lĩnh vực đòi hỏi con người không chỉ có lòng dũng cảm mà còn phải hiểu biết sâu sắc pháp luật, phải được trang bị kiến thức toàn diện, thực sự hiểu biết chuyên môn, lĩnh vực mà mình lãnh đạo, quản lý. Sự phát triển của xã hội đòi hỏi sự hình thành những phẩm chất mới, có trí và lực, có như vậy mới hòa nhập vào dòng chảy lịch sử. Ta hãy nhìn vào những gương mặt trẻ, thành đạt ở các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, quản lý xã hội. Sự thành đạt hôm nay của họ gắn liền với hành trang mới: Kiến thức chuyên môn, khoa học công nghệ, ngoại ngữ, tầm nhìn xa về phát triển xã hội và ý chí, hành động mãnh liệt, biết vượt lên những khó khăn, gian khổ. Họ biết chịu đựng thua thiệt trong làm ăn, trong thành đạt nhưng sẵn sàng bứt phá.

Tuy nhiên, có một thực tế là sự thành công của lớp trẻ chưa nhiều để xuất hiện một đội ngũ cán bộ trẻ trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý xã hội từ cơ sở, từ các địa phương đến Trung ương, các ngành. Những gương mặt trẻ ấy chưa đủ sức lan tỏa, tạo nên một sự hấp dẫn đối với xã hội bởi số lượng và chất lượng. Chưa thấy những con người trẻ tuổi không chỉ cống hiến cho quê hương, đất nước bằng hiểu biết mà còn ở tinh thần quả cảm, đấu tranh với những tiêu cực vốn có trong xã hội để vươn lên. Ở lớp trẻ hôm nay dường như vẫn thiếu đi một cái gì đó mà điều quan trọng là vượt lên những rào cản, bất cập trong công tác lãnh đạo, quản lý, sợ va chạm nên không dám hành động. Sự thành đạt của một số ít người được cho là có sự sắp đặt, chọn lựa từ cấp trên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng các đại biểu thanh niên tham gia Đại hội Đoàn toàn quốc lần III, tại Hà Nội, năm 1961.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng các đại biểu thanh niên tham gia Đại hội Đoàn toàn quốc lần III, tại Hà Nội, năm 1961.

Hơn ai hết Đảng, Nhà nước, nhân dân ta rất quan tâm đến những tài năng và sự cống hiến của tuổi trẻ. Vào dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, giới truyền thông luôn cổ vũ cho những cán bộ trẻ được bầu chọn từ đại hội Đảng các cấp cơ sở và huyện, quận, tỉnh, thành phố. Với các gương mặt trẻ 7x, 8x, lãnh đạo các ngành, sở tuổi 30, 40 đã có sức hấp dẫn, lôi cuốn sự chú ý của xã hội. Theo thống kê đến ngày 20 tháng 11 năm 2020, trong số 63 bí thư tỉnh ủy được bầu ở nhiệm kỳ 2020 – 2025, đã có 26 người dưới độ tuổi 50, 21 người có trình độ tiến sỹ. Như một nét mới đã có 9 bí thư tỉnh ủy là nữ, phần lớn họ đều trẻ. Họ xuất thân từ những hoàn cảnh cụ thể, con đường phấn đấu khác nhau nhưng bao giờ cũng vậy, những người trẻ tuổi được quan tâm như một hiện tượng tất yếu, nảy sinh, trưởng thành trong đời sống, kinh tế chính trị và tinh thần của một đất nước đang đổi mới, phát triển và hội nhập. Người dân bao giờ cũng dành tình cảm tốt đẹp cho lớp trẻ. Họ hiện thân cho tương lai, bắt nhịp với cái mới của đất nước và thời đại.

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Bác Hồ luôn cảnh báo sự tha hóa về quyền lực, đạo đức của cán bộ. Mặt khác, nếu không phát huy được sức trẻ vốn là thế mạnh của đất nước, thì chính chúng ta đã đánh mất đi nguồn lực quý giá; bởi lớp trẻ là những người được học hành, đào tạo đến nơi, đến chốn, nếu không có môi trường lành mạnh để cống hiến sẽ thui chột tài năng, già đi nhanh chóng. Như dòng nước không được khai thông sẽ trở nên tù đọng. Trong các cuộc đàm đạo về thời cuộc, không ít người cho rằng, việc đào tạo lớp trẻ trở thành cán bộ chủ chốt ở các ngành, các địa phương chưa được tiến hành thường xuyên, chưa được quan tâm đúng mức. Các chế độ thu hút tài năng trẻ chưa thực sự tạo bước đột phá, trên thực tế trong việc phát hiện, tuyển chọn, bố trí, sử dụng cán bộ trẻ. Mặt khác, trong số cán bộ trẻ được đào tạo, bổ nhiệm vẫn còn có người chưa được niềm tin của xã hội, bởi con đường thành đạt thật bằng phẳng, trơn tru, chưa được kiểm chứng năng lực của họ trên mỗi vị trí công tác…

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra mắt Đại hội. Ảnh: Thành Duy
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra mắt Đại hội. Ảnh: Thành Duy

Lựa chọn, đào tạo cán bộ trẻ đang đặt ra nhiều yêu cầu, thách thức, đòi hỏi cấp ủy, người lãnh đạo và chính quyền, các ngành, các cấp hiện nay phải sáng suốt, công tâm, minh bạch. Nhưng sự thành đạt trước hết phụ thuộc vào lớp trẻ, từ chính mỗi con người. Cuộc sống bao giờ cũng có chỗ dành cho các chiến công. Tuổi trẻ phát triển về tài năng, trí tuệ, đạo đức là phải hành động, tuân thủ luật pháp chứ không phải là lời nói, phải biết yêu cuộc sống như trong thực tế, trong sự hài hòa và biết xử lý những mâu thuẫn mới nảy sinh. Điều quan trọng không ở chức vụ mà là để lại một sự nghiệp, những việc làm được xã hội ghi nhận, từ lãnh đạo, tổ chức quản lý tập hợp được sức mạnh tập thể, dẫn dắt mọi người hành động, tạo ra giá trị mới cho đơn vị, tập thể và xã hội. Để đến lúc phải gạt bỏ lối thụ động, “mũ ni che tai”, chờ đợi bất ngờ của cuộc sống, phải biết tự mình làm nên cuộc sống. Như vậy, muốn trưởng thành cần dám nghĩ, dám làm, ý tưởng sáng tạo, gắn mình vào sự nghiệp của dân tộc – của đất nước, lợi ích cá nhân mình gắn với lợi ích của tập thể, xã hội, lấy mục tiêu phục vụ Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống và cống hiến của mình. Mang bầu nhiệt huyết đó để tiếp bước các thế hệ cha anh, đội ngũ cán bộ trẻ là gương mặt, thước đo trình độ của một xã hội phát triển thời đổi mới và hội nhập. Những gương mặt rạng rỡ, giàu sức sống, góp phần làm nên bản sắc thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Điều Bác hằng quan tâm và chăm lo “Sự nghiệp trồng người” còn mãi tươi trẻ, mang ý nghĩa sâu xa trong mùa Xuân mới Tân Sửu 2021.