Xuân về nơi làng nghề Trung Kiên
(Baonghean.vn) - Một ngày cuối năm, chúng tôi về thăm làng nghề đóng tàu thuyền Trung Kiên ở xã Nghi Thiết (Nghi Lộc). Trong cái lạnh của trời Đông giá buốt, mặc giá rét cứa da, những người thợ nơi đây đang hối hả cưa xẻ, bào, sơn... hoàn thiện các công đoạn cuối cùng để bàn giao tàu cho khách trước lúc Xuân sang.
(Baonghean.vn) - Một ngày cuối năm, chúng tôi về thăm làng nghề đóng tàu thuyền Trung Kiên ở xã Nghi Thiết (Nghi Lộc). Trong cái lạnh của trời Đông giá buốt, mặc giá rét cứa da, những người thợ nơi đây đang hối hả cưa xẻ, bào, sơn... hoàn thiện các công đoạn cuối cùng để bàn giao tàu cho khách trước lúc Xuân sang.
Theo quan niệm của người đi biển thì một con tàu không được đóng trong 2 năm, chính vì thế tất cả mọi con tàu mà thợ làng nghề Trung Kiên đóng đều phải bàn giao trong năm (trước Tết âm lịch hàng năm). Có những hợp đồng đóng mới trong Tết nhưng phải ra Tết mới bắt đầu phát mộc. Chính vì thế, càng đến những ngày áp Tết, người thợ đóng tàu càng thêm bộn bề công việc, làm ngày, làm đêm để kịp tiến độ giao hàng.
Đã gần 12 giờ trưa, 30 lao động đóng tàu tại cơ sở của anh Hoàng Văn Lệ vẫn đang tích cực làm việc say sưa, hối hả, gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối cùng. Anh Lệ cho biết chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, cơ sở chúng tôi vẫn còn 2 con tàu trên bến nên anh em tích cực làm không kể ngày đêm để đấy nhanh tiến độ, kịp bàn giao tàu cho khách Quảng Ninh trước Tết. Đối với những người dân làng nghề Trung Kiên cũng chỉ vào những ngày Tết họ mới thực sự được nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình và xóm làng đầm ấm.
Chuẩn bị bàn giao tàu cho khách hàng trước Tết.
Tranh thủ lúc nghỉ trưa ngắn ngủi, chúng tôi mới gặp được ông Lê Đăng Nuôi, xóm Đình, xã Nghi Thiết. Ông Nuôi là một trong những thợ chính của cơ sở đóng tàu Hoàng Văn Lệ. Uống vội chén chè xanh nóng ấm, ông Nuôi kể rằng năm lên 11 tuổi, lúc đó mới học lớp 5 trường làng ông đã lẽo đẽo theo cha đi đóng tàu thuyền. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng cậu bé Nuôi ngày ấy cũng biết cưa, bào, đục, làm phụ cho các ông thợ cả, cốt để học nghề. Năm 1975, khi tay nghề đã vững vàng cũng là lúc ông lên đường nhập ngũ, đến năm 1992 hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương, ông bắt tay ngay vào công việc đóng tàu thuyền.
Đến nay, sau hơn 20 năm làm nghề, ông không nhớ nổi mình đã đóng bao nhiêu chiếc tàu thuyền từ 30 CV- 600 CV phục vụ nhu cầu của ngư dân trong cả nước. Niềm tự hào lớn nhất của ông là được duy trì, phát huy nghề truyền thống của cha, ông mình đã gìn giữ, nuôi dưỡng trong suốt bề dày lịch sử hơn 700 năm qua.
Tuy không giàu sang nhưng tiền công lao động từ 150 - 180 ngàn đồng/người/ngày cũng đủ cho người dân làng nghề trang trải cuộc sống, nuôi con cái ăn học nên người. Đất đai ở xã Nghi Thiết chật hẹp nên nhà ở san sát, giao thông đi lại rất khó khăn. Hệ thống sông ngòi, bến bãi chật hẹp, do đó các loại máy móc lớn không vào được, tất cả mọi công đoạn trong quá trình sản xuất một con tàu đều phải dùng bằng sức người. Để vận chuyển gỗ, máy 400 CV đưa lên tàu... phải huy động 50- 60 người mới làm được. Tuy công việc vất vả, nặng nhọc nhưng hàng trăm năm nay biết bao thế hệ cha truyền con nối ở mảnh đất này sinh, tử vì nghề để giữ uy tín và thương hiệu của làng nghề.
Ngược dòng lịch sử khoảng 700 năm, có ông quan hậu thần đời nhà Lê về làng Hoàng Lao (nay là làng Trung Kiên) xã Nghi Thiết để đóng tàu và truyền nghề cho lao động địa phương. Đến nay, trải qua 700 năm lịch sử với nhiều biến cố thăng trầm, làng nghề vẫn tồn tại, phát triển. Làng chỉ làm một nghề duy nhất là đóng tàu thuyền. Trải qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, làng nghề Trung Kiên trực tiếp góp sức đóng các phao phà, làm cầu đường thông xe cho xe ra chiến trường. Năm 1958, làng nghề thành lập HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên, sau đó phát triển lên Xí nghiệp đóng tàu thuyền Trung Kiên vào năm 1964. Làng nghề đã từng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Ba. Bản thân chủ nhiệm HTX thời đó là Nguyễn Thân Mến được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lao động.
Đến năm 1990, cơ chế chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thị trường nên HTX giải thể. Từ đó, nhân dân làng nghề thành lập nên 30 doanh nghiệp và các tổ hợp sản xuất nhỏ. Trước yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương, tháng 9/2003 được sự quan tâm của các cấp chính quyền, thực hiện Nghị quyết 06 của Tỉnh uỷ về phát triển làng nghề, từ 30 tổ hợp thành lập thành HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên bây giờ. Xã Nghi Thiết có 10 xóm, trong đó 4 xóm làm nghề đóng tàu thuyền với 800 lao động trực tiếp làm nghề nuôi sống hơn 2.000 nhân khẩu. Từ năm 2009 đến nay, bình quân mỗi năm làng nghề đóng mới 65 chiếc tàu thuyền công suất từ 30-700 CV phục vụ khắp thị trường trong cả nước, với doanh thu từ 18- 20 tỷ đồng/năm.
Vào dịp cuối năm này không khí sản xuất ở làng nghề thật sôi động, tiếng máy cưa, hoà lẫn với tiếng đục đẽo, bào, rộn rã suốt ngày đêm. Mỗi lao động làng nghề phải chạy đua với thời gian để kịp hoàn thành những con tàu cho khách hàng trước lúc Xuân về.
Ngư dân có tàu mới hân hoan đón mùa Xuân, với chuyến biển khai Xuân đầu năm nhiều ý nghĩa mang tâm nguyện cầu mong đánh bắt được nhiều cá, tôm, lấy may mắn cho một năm được mùa, ấm no. Ngoài đóng tàu cá, những năm gần đây khi nhu cầu du lịch biển phát triển, làng nghề Trung Kiên có thêm nghề mới đóng tàu du lịch. Những con tàu của thợ làng Trung Kiên đóng cẩn trọng, chắc chắn, đảm bảo phục vụ khách du lịch cũng như khai thác trên biển an toàn, lâu dài. Chính vì vậy, khách hàng từ Quảng Ninh đến Kiên Giang thường xuyên tìm đến đặt hàng. Đó cũng là niềm tự hào lớn lao của làng nghề, khi trong cơ chế thị trường cạnh tranh nghiệt ngã, “thương hiệu”Trung Kiên vẫn khẳng định sự tồn tại vững bền cùng thời gian.
Theo ông Nguyễn Gia In - Chủ nhiệm HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên những năm 1958-1960, làng Trung Kiên là cơ sở đóng tàu không số đầu tiên của cả nước. Trong 3 năm đã đóng được 6 con tàu không số... Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nhà cụ Phan Anh Phúc ở xóm Bắn. Cụ Phúc là một trong những người đóng tàu không số năm xưa còn sống. Cả cuộc đời cụ chỉ biết đánh giặc và đóng tàu thuyền.
Đôi bàn tay chai sần nhăn nheo này từng cầm súng những năm dài chiến trận và các dụng cụ đóng tàu thuyền cả thời chiến lẫn thời bình. Cụ Phúc như là nhân chứng lịch sử của làng, dù tuổi thất thập cổ lai hy, trí nhớ của cụ vẫn còn minh mẫm lắm. Cụ đưa cho chúng tôi xem bộ đồ nghề đã, mòn vẹt với đủ dụng cụ đóng tàu cách đây hàng chục năm được cụ nâng niu như báu vật của đời mình. Cụ Phúc kể rằng: Các cụ thời trước luôn mang bên mình bộ đồ nghề mộc đi làm khắp địa phương trong tỉnh. Sau này kết nạp vào HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên, đóng đủ các loại tàu thuyền to, nhỏ phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường.
Sang năm Nhâm Thìn 2012, cụ Phúc tròn 80 tuổi, sức khoẻ đã yếu, không còn làm được nghề nữa nhưng cụ đã truyền lửa nghề cho 3 người con trai lớn, các anh sẽ kế nghiệp cha gánh vác sứ mệnh của làng nghề và đến khi cao niên họ lại truyền cho thế hệ con cháu... Tết đến, Xuân về, những người con của làng Trung Kiên hôm nay cùng hướng về tổ tiên và những người thợ đã về với đất để mãi mãi khắc ghi công lao của các thế hệ tiền bối đã gây dựng và lưu truyền nghề cho thế hệ mai sau.
Quỳnh Lan