Xuất hiện hình ảnh thật tên lửa mang động cơ hạt nhân
Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố video bên trong nhà máy sản xuất tên lửa Burevestnik - dòng tên lửa hành trình được trang bị động cơ hạt nhân.
Theo hình ảnh được công bố cho thấy, các kỹ sư Nga đang kiểm tra những quả tên lửa hành trình Burevestnik trong nhà xưởng lớn. Những tên lửa này được sơn màu đỏ, nhưng những chi tiết quan trọng trên thân đều bị che phủ.
Các kỹ sư Nga cho biết mặc dù đã thử nghiệm thành công, thiết kế phần khung của tên lửa hành trình động cơ hạt nhân Burevestnik vẫn cần được chỉnh sửa. Một số bộ phận của tên lửa đang được hoàn thiện trong các nhà máy.
Tên lửa Burevestnik trong nhà máy. |
Trong Thông điệp Liên bang hồi tháng 3/2018, Tổng thống Putin khẳng định Burevestnik có "tầm bắn gần như không giới hạn" và có khả năng cơ động mạnh để vòng tránh các hệ thống phòng thủ của Mỹ để tấn công từ hướng bất ngờ nhất.
Đây được coi là tính năng quan trọng, giúp nó đánh lừa mọi tổ hợp phòng thủ và đánh trúng mục tiêu từ những hướng bất ngờ nhất. Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự phương Tây bày tỏ hoài nghi về tính khả thi và ổn định của động cơ hạt nhân lắp trong tên lửa, cũng như mức độ an toàn của nó với môi trường.
Đặc biệt, người Mỹ còn cho rằng, tên lửa mang động cơ hạt nhân Burevestnik đã sao chép ý tưởng họ tạo ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đó chính là Dự án Pluto.
Cốt lõi của Dự án Pluto là một tên lửa hành trình được thiết kế xung quanh động cơ phản lực hạt nhân dòng thẳng, từ viết tắt của nó là SLAM (Supersonic Low Altitude Missile/Tên lửa hành trình siêu âm bay thấp).
Điều đó có nghĩa là con quái vật khổng lồ sử dụng năng lượng hạt nhân này sẽ bay ở độ cao chỉ trên ngọn cây một chút. Động cơ phản lực hạt nhân dòng thẳng - "trái tim" của Dự án Pluto chính là chìa khóa khiến cho vũ khí này trở nên khủng khiếp.
Thiết kế của động cơ rất đơn giản, về cơ bản không có bộ phận chuyển động. Khi tên lửa được phóng đi, vận tốc không khí đi qua ống dẫn đủ nhanh để cho phép động cơ hoạt động, lò phản ứng hạt nhân sẽ làm nóng không khí đi vào, nơi nó giãn nở và được xả ra từ vòi phụt, cung cấp cả lực đẩy lẫn chất phóng xạ độc hại. Nhờ lò phản ứng hạt nhân, tên lửa có tầm bay gần như vô hạn.
Tuy nhiên, do những khó khăn không thể vượt qua về công nghệ như tạo ra động cơ hạt nhân cỡ nhỏ, vật liệu làm lò phản ứng hạt nhân, không làm ô nhiễm môi trường... đã khiến Mỹ phải khai tử chương trình SLAM.
Và đây cũng chính là nguyên nhân khiến Lầu Năm Góc tin rằng, Burevestnik mang động cơ hạt nhân của Nga có thể chỉ dừng lại ở những tuyên bố ấn tượng của Moscow mà thôi.
Clip Nga công bố hình ảnh thật tên lửa Burevestnik. |