Xuất khẩu dệt may: Kim ngạch tăng, lợi nhuận không tăng
Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam vẫn tăng cao trong năm 2015, tuy nhiên lợi nhuận của doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì phải giảm giá để cạnh tranh với các nước khác trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn và nhiều nước phá giá đồng nội tệ.
Trong buổi gặp gỡ báo chí hôm 21-12 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ông Trần Việt, Trưởng ban tổng hợp và pháp chế Vinatex cho biết, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong năm 2015 ước đạt hơn 27,1 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 10% so với năm trước.
Ảnh minh họa. |
Trong đó, điểm nổi bật là mặc dù kim ngạch nhập khẩu dệt may của một số thị trường chính chỉ tăng nhẹ, hoặc bị sụt giảm, nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam qua các thị trường này vẫn tăng cao.
Cụ thể, trong 2015, nhập khẩu hàng dệt may của thị trường Mỹ tăng 4,8% so với năm ngoái, ước đạt trên 112 tỉ đô la Mỹ. Theo đại diện Vinatex, trong khi xuất khẩu dệt may của Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh sang thị trường Mỹ tăng thấp, thậm chí giảm (Trung Quốc), nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam qua thị trường này tăng cao với gần 13% đạt hơn 11,3 tỉ đô la Mỹ.
Nhập khẩu hàng dệt may của EU, Nhật Bản, Hàn Quốc trong năm nay cũng sụt giảm. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng gần 6% (ước đạt 3,36 tỉ đô la Mỹ), sang Nhật Bản tăng gần 8% (ước đạt trên 2,95 tỉ đô la Mỹ) và sang Hàn Quốc tăng 8,77% (ước đạt trên 2,58 tỉ đô la Mỹ).
Tuy nhiên, theo đại diện Vinatex, trong năm 2015 có nhiều diễn biến gây bất lợi cho ngành dệt may Việt Nam. Cụ thể, việc nhiều nước phá giá đồng nội tệ, như nhân dân tệ (Trung Quốc) vào tháng 8-2015 (có lúc mức phá giá lên đến 4,8%), đồng tiền của Ấn Độ và Indonesia,… (với mức phá giá cao hơn Việt Nam) khiến mặt bằng giá sản phẩm dệt may đi xuống tại các nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Do đó, để giữ được đơn hàng cũng như khách hàng, doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải giảm giá sản phẩm để cạnh tranh, khiến lợi nhuận giảm.
Ngoài ra, trong năm 2015, giá bông giảm xuống mức dưới 60 xu/pound, giá sợi filament polyester cũng giảm, chạm đáy vào tháng 10-2015. Theo đại diện Vinatex, diễn biến này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp sản xuất sợi; trong đó, có những hợp đồng doanh nghiệp đang giao hàng nhưng bị khách hàng yêu cầu giảm giá, hoặc bị ngưng lại.
Theo Vinatex, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tập đoàn (tính cộng gộp các đơn vị thành viên mà Vinatex nắm cổ phần trên 51%, và các đơn viên liên kết Vinatex nắm giữ cổ phần dưới 51%, trong đó có những công ty như Việt Tiến, May 10, May Nhà Bè,…) ước đạt 40.500 tỉ đồng, tăng 15,7% so với năm 2014.
Doanh thu của tập đoàn ước đạt 52.570 tỉ đồng, tăng 11% so với năm ngoái; kim ngạch xuất khẩu cũng tăng 10%, ước đạt trên 3,4 tỉ đô la Mỹ, chiếm gần 13% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.350 tỉ đồng, tương đương với năm ngoái.
Theo ông Việt, năm 2016, ngành dệt may sẽ vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn như trong năm nay. Trong đó, tỷ giá tiếp tục biến động, ảnh hưởng đến giá và doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp trong ngành.
Kế hoạch sản xuất của toàn tập đoàn Vinatex trong năm 2016 dự kiến tăng 11%, nhưng doanh thu dự kiến chỉ tăng 8%, theo ông Việt là do yếu tố biến động của tỷ giá trong năm tới có thể tiếp tục ảnh hưởng đến giá sản phẩm.
Ngoài ra, chi phí điện, nước, và lương tối thiểu tăng cũng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhìn chung, khách hàng vẫn sẽ quan tâm đến doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam nhờ việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.
Theo TBKTSG
TIN LIÊN QUAN |
---|