Xuất khẩu lâm sản năm 2018 có thể đạt 9 tỷ USD

Minh Hạnh 06/02/2018 06:00

Năm 2017, lần đầu tiên xuất khẩu lâm sản của Việt Nam đạt 8 tỷ USD, trong đó chủ yếu là xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Trong phát triển thị trường truyền thống và mở rộng thị trường xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam, các doanh nghiệp đang nhận thấy rõ thời cơ. Đó là, Trung Quốc hiện đang hạn chế phát triển các ngành nghề thâm dụng lao động, trong đó có chế biến gỗ. Trong khi đó, ngành gỗ Việt Nam vẫn phát triển nhưng hạn chế thâm dụng lao động bằng công nghệ mới. Nhiều doanh nghiệp cho biết, công nghệ chế biến gỗ nào mới ra đời, hiệu quả là có thể nhập về đưa vào sản xuất ngay.

Gỗ và sản phẩm gỗ với mục tiêu cán đích 8,5 USD năm 2018. (Ảnh: Infonet)

Các đơn hàng trước đây ở thị trường Trung Quốc đang đến tay khá nhiều doanh nghiệp Việt. Nhận định về thời cơ này, ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty Mifaco, Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho rằng: “Trong những năm qua, Chính phủ Trung Quốc có định hướng phát triển không còn tập trung cho những ngành lạm dụng lao động, trong đó có ngành chế biến gỗ. Vì thế, đây cũng là điều kiện khách quan đem đến thuận lợi. Tôi cho đây là đểm quan trọng, cộng với chúng ta ngày càng hoàn thiện năng lực sản xuất, tạo ra tốc độ phát triển tốt”.

Cùng với các đơn hàng từ thị trường Trung Quốc chuyển sang thì thị trường Hoa Kỳ, Châu Âu vẫn được xác định là thị trường trọng tâm của ngành trong năm 2018, khi mà doanh số xuất khẩu vào các thị trường này luôn tăng trưởng tốt nhất. Bên cạnh đó, thị trường nội địa cũng đã được các doanh nghiệp chú trọng hơn trong một vài năm gần đây. Nhiều doanh nghiệp đã chọn được phân khúc cho mình, vấn đề còn lại là chọn đối tác nào cho phù hợp với quy mô sản xuất lớn.

Thị trường đã có, còn nguyên liệu cho sản xuất ở đâu? Các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trong ngành đã cam kết “nói không với gỗ bất hợp pháp” thông qua việc nâng cao ý thức xây dựng hệ thống trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ trong doanh nghiệp và trong toàn bộ chuỗi cung ứng, đưa ngành chế biến gỗ trở thành ngành sản xuất bền vững bằng nguyên liệu gỗ hợp pháp.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc điều hành Công ty Scansia Pacific ở tỉnh Đồng Nai, “nguồn nguyên liệu mà chúng tôi đang sử dụng đa số là gỗ keo. Gỗ keo thì trong nước chúng ta đang trồng rất nhiều nhưng những hộ nông dân trồng manh mún, rất ít công ty có diện tích trồng lớn. Mục tiêu của chúng tôi là sẽ xây dựng vùng nguyên liệu 10.000 hecta, đủ cung ứng nhu cầu của công ty” – ông Thắng nói.

Cùng với chủ động dần nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp cũng xác định sẽ tăng sức cạnh tranh bằng quản trị, năng suất lao động, đổi mới công nghệ chế biến…Ngành nông nghiệp cả nước đang đẩy mạnh thâm canh 4,1 triệu hecta rừng trồng, rừng sản xuất để bảo đảm lượng gỗ cung cấp cho công nghiệp chế biến. Nhiệm vụ của các doanh nghiệp là làm sao để ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho biết: “Các doanh nghiệp cần đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường để mở rộng ra, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam vừa ký các hiệp định FTA. Chúng ta cũng phải đa dạng nguồn gỗ của mình để không bị động khi giá cả tăng đột biến, phải đầu tư tăng cường công nghệ để tăng năng suất, ổn định chất lượng, hạ giá thành sản phẩm”.

Như vậy, với điều kiện khá thuận lợi về thị trường và cả nguyên liệu, khả năng thực hiện mục tiêu xuất khẩu lâm sản năm 2018 đạt 9 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ chiếm hơn 8,5 tỷ USD, đến năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 10 tỷ USD, tiêu thụ nội địa đạt 4 tỷ USD là hoàn toàn khả thi./.

Theo vov.vn
Copy Link
Mới nhất
x
Xuất khẩu lâm sản năm 2018 có thể đạt 9 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO