Xuất khẩu nông sản: Mở hướng sang nhiều thị trường mới

14/06/2014 15:59

Dù hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc được nhận định là vẫn diễn ra bình thường nhưng thực tế kim ngạch xuất khẩu (XK) nhiều loại nông sản sang Trung Quốc đã suy giảm mạnh từ khi nước này hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

.
.
Chỉ riêng trong tháng 5/2014, XK sắn và các sản phẩm từ sắn vào Trung Quốc đã giảm 17,1%, cao su giảm 53,4%...

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản quan trọng của Việt Nam, bình quân 3 năm gần đây chiếm tỷ trọng 33,9% trong tổng kim ngạch XK nông - lâm - thủy sản của nước ta. Kim ngạch XK nông - lâm - thủy sản vào Trung Quốc đạt 9,5 tỷ USD trong năm 2013. Có tới 70 - 75% lượng cao su, 35% lượng gạo, gần 100% lượng sắn, 67% lượng thanh long là bán sang thị trường Trung Quốc; ngoài ra, nước này còn tiêu thụ rất mạnh các sản phẩm gỗ, hạt điều, tiêu, rau quả, thủy sản, thịt lợn…

Cao su giảm nhiều nhất

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, tháng 5/2014, tổng kim ngạch XK nông - lâm - thủy sản của cả nước tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2013; các thị trường xuất khẩu chính là EU, Mỹ, Nhật Bản,… đều có mức tăng trưởng khá mạnh. Thế nhưng, giá trị XK các mặt hàng nông - thủy sản sang Trung Quốc giảm tới 17,1% so với tháng 4/2014 và 7% so với tháng 5/2013. Những mặt hàng vốn lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nay đang lao đao, điển hình như XK sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc giảm 17,1%, chỉ đạt 374,5 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2014.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), 5 tháng đầu năm 2014, XK cao su thiên nhiên ước đạt 239.000 tấn, đạt 472 triệu USD, giảm 20,5% về lượng và 39,3% về kim ngạch so với cùng kỳ 2013. Mặc dù Trung Quốc vẫn duy trì là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, nhưng XK cao su sang thị trường này trong tháng 5/2014 giảm tới 53,4% so với tháng 5/2013. Lũy kế XK cao su sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt 135,2 triệu USD, giảm 37,5% về khối lượng và giảm 53,6% về giá trị. Trong khi đó, thị trường châu Âu và Nhật Bản lại tăng trưởng mạnh cả về khối lượng và giá trị, riêng thị trường Hà Lan có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, gấp hơn 6 lần so với 5 tháng đầu năm 2013.

Bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh Văn phòng VRA, nhận định: “XK cao su gặp khó đã 2 năm nay, giờ càng ảm đạm hơn từ khi căng thẳng trên biển Đông diễn ra. Cao su XK sang Trung Quốc chủ yếu bằng con đường chính ngạch, doanh nghiệp (DN) không quá lo về tổn thất thanh toán với đối tác, song sản lượng và giá XK thì đang giảm đi trông thấy từ đầu tháng 5”.

Hiện, giá mủ cao su XK đã giảm hơn 30% so với đầu năm, mủ cao su SVR3L (chưa bao gồm thuế) tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) hiện chỉ còn 11.500-11.600 NDT/tấn (tương đương 38,7 triệu đồng/tấn). Với mức giá này, trung bình mỗi tấn cao su XK, các DN lỗ ít nhất 5 triệu đồng. Ở nhiều vườn cao su liên kết và cao su tiểu điền tại Tây Nguyên, nông dân đã ngừng cạo mủ vì tiền bán sản phẩm thấp hơn chi phí, giá cao su mủ tươi chỉ đạt 7.500-8.000 đồng/kg, trong khi hồi đầu năm đạt 18.000 đồng/kg. Bà Hoa nhận định, với tình hình khó khăn như hiện nay, dự kiến sản lượng cao su XK năm 2014 chỉ đạt khoảng 1 triệu tấn, giảm 7-10%; kim ngạch đạt khoảng 1,8-2 tỷ USD, giảm 25-30% so với năm 2013.

Cao su là một trong những mặt hàng có sản lượng và kim ngạch XK giảm.
Cao su là một trong những mặt hàng có sản lượng và kim ngạch XK giảm.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, dù không phải là ngành bị tác động trực tiếp nhưng XK thủy sản cũng đang bị “vạ lây” từ căng thẳng trên biển Đông. Hiện, tình trạng các thương lái thu mua tôm thẻ chân trắng nguyên liệu xuất sang Trung Quốc không còn nên giá tôm giảm mạnh.

Chuyển hướng, giảm lệ thuộc

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, do ảnh hưởng tâm lý từ một số thương lái người Trung Quốc về nước nên thời điểm giữa tháng 5, giá hồ tiêu tại các nhà vườn giảm khoảng 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo kịp thời của hiệp hội nên giá hồ tiêu đã tăng trở về mức bình thường. Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng XK mặt hàng này. Ngành hồ tiêu đã có giải pháp chuyển hướng đẩy mạnh XK sang các thị trường khác để bù đắp sự sụt giảm ở thị trường Trung Quốc. Đơn cử, từ đầu năm đến nay, Singapore nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam ước đạt 10.141 tấn, tăng 6.524 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận), cho hay, có tới 67% lượng thanh long XK là bán sang thị trường Trung Quốc. Hiện tại, thương lái Trung Quốc thu mua trái cây đã rút hết về nước. XK thanh long vào Trung Quốc bỗng dưng sụt giảm mạnh. Bởi vậy, Công ty Thanh long Hoàng Hậu sẽ phải tính toán giảm bớt lượng hàng XK sang Trung Quốc, đồng thời tìm kiếm, chuyển hướng XK sang các thị trường khác có tính ổn định hơn. DN đã và đang chuyển hướng XK thanh long sang châu Âu, Ấn Độ; nhiều thị trường như New Zealand, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản... cũng đang mở rộng cửa cho nhiều loại trái cây của Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, dù chưa bị tác động mạnh nhưng không thể phủ nhận việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đã khiến hoạt động buôn bán, thương mại giữa hai nước bị tác động về tâm lý, hàng hóa lưu thông có phần chững lại. Các đối tác Việt Nam lúc này phải tự cân đối, điều tiết hợp lý hàng XK sang Trung Quốc. Vì thời gian vừa qua, thương lái Trung Quốc thu mua nông - thủy sản nhưng không trả tiền hoặc hủy bỏ hợp đồng đã xảy ra trên thực tế.

Gian thương Trung Quốc có thể nhân cơ hội này mà gây khó, ăn quỵt tiền của thương nhân Việt Nam. Việc buôn bán với thị trường này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nông sản XK sang Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch, không có hợp đồng hay ràng buộc cụ thể. Việc nhập hàng của thị trường này cũng khá thất thường và hay bị dừng đột ngột, mỗi lần như vậy, hàng hóa trong nước sẽ bị tồn đọng, rớt giá thảm hại, thậm chí phải đổ bỏ số lượng lớn ngay tại cửa khẩu. Buôn bán với thương lái Trung Quốc, việc đặt hàng, trả tiền thường do thương lái nước này tự quyết, nên nông dân và thương lái Việt Nam luôn ở thế bị động. Bởi vậy, XK nông sản nước ta cần phải hướng tới giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, giảm tỷ trọng XK vào thị trường này, và thúc đẩy phát triển các thị trường khác, nhất là với các mặt hàng cao su, sắn, gạo, điều, gỗ…

Theo Kinhtenongthon

Mới nhất
x
Xuất khẩu nông sản: Mở hướng sang nhiều thị trường mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO