Xung đột Hoàng Anh Gia Lai - VPF: Vì đâu nên nỗi?

Theo Song Việt (vietnamnet.vn)

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
30 tiếng trước khi V-League 2023 khai mạc, "quả bom" xung đột quyền lợi giữa VPF và Hoàng Anh Gia Lai được tháo gỡ để mùa giải diễn ra theo kế hoạch.

Nhưng vì đây là xung đột chưa từng có tiền lệ, không ai bảo đảm sẽ không có thêm những vấn đề nảy sinh thời gian tới, nhất là sau khi bầu Đức tuyên bố sẽ kiện VPF ra tòa, đồng thời kiến nghị lên các cơ quan quản lý về điều khoản "độc quyền".

Hơn nữa, cuộc xung đột này chỉ tạm lắng xuống bằng các văn bản trao đổi theo hình thức thông báo, chứ không phải các điều khoản quy định chi tiết có tính pháp lý chặt chẽ. Điều này dẫn đến các khả năng vi phạm cố ý hoặc không mong muốn trong quá trình thực thi quyền lợi cho các nhà tài trợ của mỗi bên. V-League, dù diễn ra đúng kế hoạch, chưa hoàn toàn ổn thỏa.

Xung đột bắt nguồn từ mùa trước, khi Hoàng Anh Gia Lai được một nhãn hàng nước tăng lực tài trợ, và phía V-League cũng nhận tài trợ bởi một thương hiệu cùng ngành hàng. Đầu mùa này, Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục ký hợp đồng với một sản phẩm nước tăng lực nhưng khác thương hiệu, và họ chủ động việc ký kết theo cách hiểu "có trước – có sau". Thời điểm đàm phán là trong tháng 12/2022 và ký hợp đồng vào ngày 15/1/2023. Sau khi biết thông tin qua truyền thông, ngày 18/1 VPF mới thông báo rằng trong điều lệ mùa giải mới đã được thông qua bởi 14 câu lạc bộ, bao gồm Hoàng Anh Gia Lai, có quy định về ngành hàng độc quyền là "nước tăng lực". VPF yêu cầu HAGL không được vi phạm. Việc này, theo VPF, cũng được nói rõ tại cuộc Hội thảo Bóng đá Chuyên nghiệp ngày 26/12 và có văn bản xác nhận vào ngày 5/1.

Cầu thủ HAGL mang áo đấu có nhãn hàng của nhà tài trợ trùng ngành hàng tài trợ cho V-League. Ảnh: HAGL FC

Cầu thủ HAGL mang áo đấu có nhãn hàng của nhà tài trợ trùng ngành hàng tài trợ cho V-League. Ảnh: HAGL FC

Phải đến ngày 28/1, hai bên mới ngồi lại với nhau để bàn phương thức tháo gỡ. Hai ngày sau, VPF vẫn ra thông báo kết luận, yêu cầu Hoàng Anh Gia Lai tuân thủ tinh thần của văn bản hôm 18/1. Và đến ngày 1/2, Hoàng Anh Gia Lai cho biết đã đàm phán với nhà tài trợ để đưa ra giải pháp là không dùng cụm từ "nước tăng lực" trên các phương tiện quảng cáo do chính họ thực hiện. Đáp lại, VPF ra văn bản chấp thuận, nhưng vẫn nhấn mạnh "Hoàng Anh Gia Lai phải tuân thủ các quy định trong điều lệ giải". Tưởng mọi chuyện đã xong thì một ngày sau, bầu Đức tuyên bố sẽ kiện VPF ra tòa.

Mấu chốt tranh chấp và nguồn cơn của cuộc xung đột này nằm ở hai chữ "độc quyền", dù về nguyên tắc, không văn bản nào thể hiện điều này, thay vào đó là cụm từ "không cùng ngành hàng" nhằm tránh vi phạm Luật Cạnh tranh. Xét về câu chữ, dù có cách hiểu giống nhau, ở khía cạnh đặc thù, "độc quyền" khác hẳn với "không cùng ngành hàng". Ví dụ, hoàn toàn không có đơn vị nào độc quyền tài trợ đội tuyển quốc gia hay V-League, nhưng để bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp, sẽ có cam kết nhà tài trợ khác sẽ "không cùng ngành hàng". Về lý thuyết, việc quy định như thế có lợi cho bóng đá Việt Nam, bởi sẽ không thể có chuyện hai thương hiệu cùng ngành lại tài trợ cho một thực thể. Như vậy, điều khoản "không cùng ngành hàng" vừa phù hợp trong thương mại, vừa giúp tăng giá trị tài trợ. Đây cũng là cách mà VPF và Hoàng Anh Gia Lai vận dụng để giải quyết xung đột. Theo đó, Hoàng Anh Gia Lai vẫn quảng cáo thương hiệu tài trợ cho đội, nhưng không được dùng định danh ngành hàng là "nước tăng lực".

Quy định "không cùng ngành hàng" đã tồn tại từ lúc khởi đầu V-League, chứ chẳng phải bây giờ. Ở hai mùa V-League đầu tiên là 2001 và 2002, Công ty Tiếp thị Thể thao Strata nhận thầu toàn bộ chi phí tổ chức V-League và Cup Quốc gia sau khi trả cho VFF 2 triệu USD theo hợp đồng ba năm. Đó là lần đầu tiên và duy nhất có khái niệm "độc quyền", vì toàn bộ bảng quảng cáo cũng như áo thi đấu của các câu lạc bộ đều chỉ phục vụ cho các nhà tài trợ do Công ty Strata vận động được. Nhưng chỉ sau hai mùa, Strata không kham nổi tài chính. VFF quyết định cho phép các câu lạc bộ tự khai thác quảng cáo, nhưng không được "cùng ngành hàng" với nhà tài trợ chính. Đó cũng là lúc Quy chế bóng đá chuyên nghiệp ra đời, trong đó có quy định: Dù chưa biết ai là nhà tài trợ, VFF cũng phải công bố ngành hàng độc quyền trước giải ít nhất hai tháng để các câu lạc bộ còn tránh.

Chuyện từ trước đến nay vẫn diễn ra như vậy. Các nhà tổ chức V-League sẽ được ưu tiên trong đàm phán ngành hàng và có trách nhiệm thông báo sớm cho các câu lạc bộ. Cũng không có bên nào sử dụng từ ngữ nhạy cảm "độc quyền", vì thực tế cho thấy, những năm mà Eximbank tài trợ V-League, các câu lạc bộ vẫn được phép quảng cáo ngân hàng trên ngực áo khi đó là thương hiệu sở hữu đội bóng như SHB Đà Nẵng, Kienlongbank Kiên Giang hay Navibank Sài Gòn. Chi tiết này cho thấy, dù có là "độc quyền" hay "không cùng ngành hàng", cơ sở để xem xét vẫn điều lệ giải và yếu tố thời điểm.

Đây là điểm mấu chốt dẫn đến xung đột giữa Hoàng Anh Gia Lai với VPF lần này. Khi Hoàng Anh Gia Lai đàm phán nhà tài trợ mới - đầu tháng 12, VPF chưa công bố điều lệ giải. Dù hợp đồng của Sâm Ngọc Linh với V-League ký ba mùa tính từ 2022, chẳng ai bảo đảm nhà tài trợ này vẫn tiếp tục ở mùa 2023, vì lịch sử V-League đã có tiền lệ nhà tài trợ của giải đấu bỏ ngang, như Kinh Đô vào 2005 (ký ba năm nhưng chỉ thực hiện một), Masan 2019 (năm năm, thực hiện một), LS (ba năm, thực hiện hai). Nghĩa là nếu VPF không thông báo sớm ngành hàng độc quyền, Hoàng Anh Gia Lai được phép thương thảo bất kỳ ai. Trong khi đó, VPF lại cho biết họ thông báo về ngành hàng độc quyền ở Hội thảo Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam cuối tháng 12 - hai tháng trước khi V-League khai mạc. Vấn đề là buổi Hội thảo đó có được xem là công bố chính thức hay không?

Ở đây, điều khoản "không cùng ngành hàng" không có gì bất thường trong hoạt động kinh doanh, đàm phán hợp đồng, vì nó phụ thuộc vào ý chí và hoàn cảnh của các bên. Đó không phải là điều khoản bắt buộc, cũng không vi phạm Luật Cạnh tranh nếu xét trong bối cảnh cụ thể của vụ việc giữa Hoàng Anh Gia Lai với VPF. Dù là hai pháp nhân độc lập, Hoàng Anh Gia Lai là cổ đông và là thành viên có nghĩa vụ, quyền lợi đối với công ty VPF, chứ không phải là cạnh tranh với nhau. Hơn nữa, VPF là công ty có tính đặc thù, các nguồn thu của họ, về lý thuyết, đều quay lại phục vụ cho V-League và đóng góp cho bóng đá Việt Nam. Hoàng Anh Gia Lai gián tiếp hưởng lợi, nên việc họ nói VPF đưa ra điều khoản độc quyền để "o ép" là có phần khiên cưỡng.

Hoàng Anh Gia Lai là một trong những đội bóng có mặt ở các mùa giải đầu tiên của V-League đến nay. Bầu Đức là một trong những người khai sinh ra Công ty VPF. Như vậy, quan hệ giữa họ cũng là "di sản lịch sử", tương tự như điều khoản "không cùng ngành hàng". Thế nên, thay vì tạo ra mâu thuẫn, đối đầu thì tốt nhất là nên cùng nhau xử lý điểm nghẽn ở hiện tại, vì nói cho cùng ai cũng có một phần trách nhiệm trong vụ việc này./.

tin mới

U23 Việt Nam gặp U23 Iraq: Điểm tựa nhìn từ quá khứ

U23 Việt Nam gặp U23 Iraq: Điểm tựa nhìn từ quá khứ

(Baonghean.vn) - U23 Việt Nam đã từng tạo nên cơn địa chấn ở Thường Châu tại Giải U23 châu Á 2018 khi đối đầu với U23 Iraq. Và kỳ tích đó sẽ là cú hích để thầy trò huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn viết lại ký ức tươi đẹp năm xưa khi bước đến vòng Tứ kết Giải U23 châu Á 2024.

Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn khẳng định U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở vòng tứ kết

Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn khẳng định U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở vòng tứ kết

(Baonghean.vn) - Với đẳng cấp thấp hơn, U23 Việt Nam đã phải nhận thất bại đậm đà trước U23 Uzbekistan ở lượt đấu cuối cùng tại vòng đấu bảng Giải U23 châu Á. Tuy nhiên, tại buổi họp báo sau trận đấu, huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn khẳng định, U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở vòng tứ kết.

Bại tướng của U23 Việt Nam khiến U23 Thái Lan bị loại; Lộ diện trọng tài chính bắt trận U23 Việt Nam - U23 Uzbekistan

Bại tướng của U23 Việt Nam khiến U23 Thái Lan bị loại; Lộ diện trọng tài chính bắt trận U23 Việt Nam - U23 Uzbekistan

(Baonghean.vn) -Trận thua trước U23 Tajikistan ở lượt đấu cuối cùng khiến U23 Thái Lan bị loại khỏi vòng chung kết U23 châu Á 2024; Trọng tài chính điều khiển trận đấu U23 Việt Nam - U23 Uzbekistan là ông Kim Woo-sung. Đó là những thông tin thể thao nổi bật trong 24h qua.

U23 Việt Nam: Thắng to trong nỗi lo!

U23 Việt Nam: Thắng to trong nỗi lo!

(Baonghean.vn) - Dù sớm giành vé vào chơi ở vòng tứ kết sau 2 trận thắng liên tiếp trước U23 Kuwait (3 - 1) và U23 Malaysia (2 - 0), nhưng lối chơi của U23 Việt Nam vẫn chưa khiến giới mộ điệu nước nhà cảm thấy thực sự hài lòng.

Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn khiến AFC kinh ngạc vì màn 'lột xác' của U23 Việt Nam; Đua thuyền canoeing Việt Nam lần đầu giành vé Olympic

Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn khiến AFC kinh ngạc vì màn 'lột xác' của U23 Việt Nam; Đua thuyền canoeing Việt Nam lần đầu giành vé Olympic

(Baonghean.vn) - Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn khiến AFC kinh ngạc vì màn "lột xác" của U23 Việt Nam; Đua thuyền canoeing Việt Nam lần đầu giành vé Olympic châu Á; Barca chốt giá bán "tội đồ"... là những tin tức thể thao đáng chú ý trong 24h qua.

U23 Việt Nam nhận tin kém vui trước ngày quyết đấu Malaysia ở giải châu Á; Zidane 'đạt thỏa thuận' dẫn dắt Bayern Munich

U23 Việt Nam nhận tin kém vui trước ngày quyết đấu Malaysia ở giải châu Á; Zidane 'đạt thỏa thuận' dẫn dắt Bayern Munich

(Baonghean.vn) - Huấn luyện viên Diego Guistozzi hài lòng về màn trình diễn của tuyển Futsal Việt Nam; Zidane "đạt thỏa thuận" dẫn dắt Bayern Munich; U23 Việt Nam nhận tin kém vui trước ngày quyết đấu Malaysia ở giải châu Á... là những tin tức thể thao đáng chú ý trong 24h qua.