Xung đột Israel – Palestine: Khủng hoảng đã bắt đầu

(Baonghean.vn) - Đụng độ lớn giữa binh lính Israel và Palestine nổ ra cuối tuần qua là hệ quả tất yếu của những diễn biến thời gian qua tại Trung Đông. Và đây chỉ là bước đầu của một cuộc khủng hoảng lớn và trầm trọng hơn trong tương lai.

Bạo lực bắt đầu với cuộc tuần hành của người Palestine vào ngày 30/3 mở màn đợt biểu tình kéo dài 6 tuần cho đến khi văn phòng mới của Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem khai trương dự kiến vào ngày 14/5 tới. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào tháng 12/2017 đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người Palestine vốn luôn coi Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai.

Cuộc đụng độ giữa người Palestine với binh lính Israel là dấu hiệu nguy hiểm với Trung Đông (Getty Images)
Cuộc đụng độ giữa người Palestine với binh lính Israel là dấu hiệu nguy hiểm với Trung Đông (Getty Images)
 Trong hai ngày cuối tuần, hàng nghìn người Palestine, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, đã tới 6 khu vực khác nhau ở phía Đông Dải Gaza, giáp biên giới với Israel để tham gia cuộc tuần hành hòa bình nhằm gửi thông điệp đến thế giới rằng người Palestine có các quyền hợp pháp, trong đó có quyền hồi hương. Ngay ngày đầu tiên của cuộc biểu tình đánh dấu "Ngày Đất đai" của người Palestine, khi chính quyền Israel tuyên bố tịch thu đất ở Galilee và Negev vào năm 1976, dẫn tới các cuộc biểu tình quy mô lớn của người Palestine tại Israel.
Trước những diễn biến này, quân đội Israel đã ban bố tình trạng báo động và tăng cường lực lượng gần hàng rào biên giới với Dải Gaza nhằm ứng phó với nguy cơ an ninh, đặc biệt là việc người biểu tình phá hàng rào an ninh. 

Xung đột nổ ra khi các binh sĩ Israel tại khu vực biên giới bắn hơi cay để ngăn cản đám đông biểu tình người Palestine tiến gần hàng rào biên giới. Nhiều người biểu tình sau đó đã ném đá vào phía lực lượng Israel. Ít nhất 16 người thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương sau các vụ đụng độ này.

Phía Israel khẳng định những người biểu tình tiến hành bạo động tại 6 khu vực khác nhau dọc biên giới và chính quyền Israel đã cấm tổ chức biểu tình, coi đây là thủ đoạn nhằm tiến hành hoạt động quân sự của phong trào Hồi giáo Hamas tại Gaza. Thông báo cũng bác bỏ thông tin cho rằng quân đội Israel đã sử dụng vũ lực quá mức với người biểu tình, khẳng định những người bị thiệt mạng là do tham gia vào bạo động.

Tuy nhiên, cùng ngày, nhiều quốc gia và tổ chức trong khu vực như Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và Nghị viện Arab đã chỉ trích mạnh mẽ hành động trấn áp người biểu tình của quân đội Israel. Thông báo của OIC kêu gọi tiến hành điều tra làm rõ những vụ việc và yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc can thiệp nhằm chấm dứt tình hình bạo lực hiện nay. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng lên án vụ việc, coi đây là “vụ tấn công vô nhân đạo” của Israel tại Gaza.

Hội đồng bảo an Liên hợp quốc ngay trong ngày 30/3 đã họp khẩn nhưng không thể thông qua được bất cứ tuyên bố hay văn bản nào để lên án hành động trấn áp của quân đội Israel vì sự ngăn cản của Mỹ. Theo trang mạng "Times of Israel", Chính quyền Dân tộc Palestine chỉ trích Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Nikki Haley, cho rằng Đại sứ Mỹ đã "kiên quyết đưa ra lập trường ủng hộ sự chiếm đóng và bảo vệ các hành động tội ác cũng như vi phạm pháp luật của Israel", theo đó bà Haley phải chịu trách nhiệm về việc HĐBA LHQ bãi bỏ dự thảo tuyên bố này. Một loạt các quốc gia Arab cũng lên tiếng chỉ trích hành động bạo lực của Israel đối với người biểu tình Palestine tại dải Gaza.

Kết cục tất yếu

Chiến dịch biểu tình kéo dài của người Palestine là điều được dự báo từ trước, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận thành phố Jerusalem là thủ đô chính thức của Israel năm ngoái; đồng thời đẩy nhanh việc chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem trong năm 2018. Bạo lực lần này sẽ tiếp tục được đẩy lên cao trào tới thời điểm đó. Nhưng đây chỉ là một trong những lý do của việc người Palestine xuống đường. Việc thiếu một thỏa thuận hòa bình đáng tin cậy là lời giải thích cho xung đột mới nhất này.

Người biểu tình Palestine chạy trốn khỏi đạn hơi cay của Israel tại phía Đông thành phố Gaza hôm 1-4 (AFP)
Người biểu tình Palestine chạy trốn khỏi đạn hơi cay của Israel tại phía Đông thành phố Gaza hôm 1-4 (AFP)

Điều này đã xảy ra hồi năm 2000 khi nổ ra cuộc nổi dậy của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel ở Bờ Tây và dải Gaza (còn gọi là phong trào Intifada lần thứ 2) và cả Intifada lần thứ 3 xảy ra vào năm 2014. Sự khác biệt giữa lần bạo loạn mới nhất này so với các cuộc khủng hoảng trước là về thời điểm và bối cảnh. Ngày 30/3 đã trở thành ngày khởi đầu của 6 tuần lễ biểu tình trước thềm lễ kỷ niệm 70 năm ngày Bakba vào ngày 15/5 tới, ngày mà người Arab coi là ‘thảm họa’, đánh dấu việc hàng chục nghìn người Palestine bị buộc phải tha hương trong cuộc chiến tranh với Israel năm 1948 và sau đó là Israel tuyên bố độc lập vào ngày 14/5/1948. Đó còn là sự biểu thị thái độ với chính sách thiên vị trắng trợn của chính quyền Donald Trump với Israel suốt thời gian qua. Tất cả những lý do hội tụ tại điểm xung đột giữa người Palestine và Nhà nước Do Thái vào thời điểm này.

Liệu có ‘Mùa Xuân Arab’ 2018?

Lịch sử một lần nữa nhắc lại rằng trạng thái bất ổn tại Trung Đông sẽ chỉ có trầm trọng hơn một khi người Palestine lựa chọn đối đầu với nhà nước Israel. Một khi kịch bản này xảy ra, các nước láng giềng Arab sẽ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột không có hồi kết. Mối lo lắng lớn nhất hiện này là tại Lebanon, nơi phong trào Hồi giáo Hezbollah – một trong những kẻ thù không đội trời chung của Israel, nhưng lại là đồng minh thân cận của Iran, có thể sẽ hành động.

Giới chức quốc phòng Israel coi kho vũ khí hiện đại của Hezbollah với ước tính 130.000 tên lửa tầm trung và tầm xa cùng 50.000 tay súng là mối đe dọa chính. Trong khi đó, việc Israel dựng lên hàng rào tương tự như ở Gaza dọc khu vực biên giới phía Bắc nước này, cũng như vấn đề tranh chấp các mỏ dầu khí ngoài khơi tiếp tục là nguyên nhân gây căng thẳng tại khu vực. Nếu cuộc bạo động ở dải Gaza tiếp diễn và lan rộng, nhiều khả năng các nhóm theo đường lối cứng rắn của Hezbollah sẽ lợi dụng tình hình để ‘nhảy vào cuộc’.

Trong khi đó, ban lãnh đạo Iran cũng không ngừng cảnh báo rằng, không giống như cuộc chiến Lebanon cuối cùng vào năm 2006, Iran sẽ trực tiếp hỗ trợ Hezbollah trong bất ký cuộc chiến nào. Quan điểm của Israel với đại kình địch Iran cũng đã được nêu rõ. Nhà nước Do Thái không thể chấp nhận sự hiện diện quân sự cố định của Iran ở Syria và Lebanon như một ‘lẽ tất nhiên’. Và hành động ngăn chặn sẽ chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

Khả năng kêu gọi Mỹ tham gia của tiến trình này với tư cách là trung gian hỏa giải thực thụ cũng đã bị xóa bỏ hoàn toàn với việc Tổng thống Trump ra quyết định về Jerusalem. Đó là chưa kể một ‘quả bom’ khác đang trực bùng nổ vào tháng 5 tới khi này 12/5, Tổng thống Mỹ có thể sẽ bác bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, một động thái có thể làm đảo lộn toàn bộ bàn cờ Trung Đông. Sự bất định và bi quan vẫn đang đợi chờ khu vực đầy bất ổn này./.

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.