Quanh thực trạng lao động trẻ em

Khi được hỏi, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đều khẳng định, thực trạng lao động trẻ em trên địa bàn không phải vấn đề “nóng”. Thế nhưng, những mối nguy tiềm ẩn quanh thực tế này, dù ít nhưng cũng không thể chủ quan, xem thường. Câu chuyện “nói mãi” vẫn là làm sao để tạo điều kiện cho các em được vui chơi, học hành, được sống với đúng độ tuổi của mình, với những ước mơ hồn nhiên, chứ không phải nặng gánh bươn chải quá sớm, thì dường như chưa mấy nơi làm được.

___________________________

Mùa hè là thời điểm các cơ sở chế biến hải sản, bóc sấy tôm và cá phi-lê ở những xã miền biển huyện Diễn Châu trở nên nhộn nhịp. Tại xã Diễn Ngọc, nơi hàng năm cung ứng ra thị trường từ 3.000 – 5.000 tấn hải sản đã qua chế biến, theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Dũng, không có gia đình nào khó khăn tới mức phải buộc con em dưới 15 tuổi đi lao động trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, dịp hè hay cuối tuần không phải đi học, không ít trẻ trong độ tuổi học sinh THCS tìm đến các cơ sở chế biến tôm nõn, cá phi-lê để xin làm thêm, kiếm tiền phục vụ chi tiêu cá nhân.

Ảnh: Hà Giang
Ảnh: Hà Giang

Công việc chủ yếu tại các cơ sở này là hấp sơ tôm, đem bóc vỏ để sấy khô, vỏ tôm sau khi lột được gom lại cân lên để trả công, người làm nhận khoảng 10.000 đồng/kg. Nếu chăm chỉ, mỗi người có thể kiếm được vài trăm nghìn một ngày. “Công việc như bóc vỏ tôm, cạo vảy cá, phi-lê không nặng nhọc lại có thu nhập hấp dẫn, nên các em tranh thủ nghỉ hè làm thêm trước khi vào năm học mới” – ông Dũng cho biết thêm. Với người dân nơi đây, chuyện con em mình làm thêm tại các điểm chế biến thủy hải sản là bình thường, thậm chí còn được khuyến khích vì “mùa cao điểm người lớn đi làm tối mặt chẳng có thời gian để quản, con em đi làm thêm một chút vẫn hơn là rủ nhau đi tắm sông tắm biển nguy hiểm, hay chơi điện tử, tụ tập thiếu lành mạnh”, như chia sẻ của chị Đậu Thị Mến – một người dân Diễn Ngọc.

Ở vùng miền núi, tại xã Mường Nọc (huyện Quế Phong), vài năm trở lại đây, mỗi khi vào mùa vải, các vườn vải lại xuất hiện nhiều học sinh nghỉ hè đến hái quả thuê. Một số em học sinh chỉ mới 10 tuổi nhưng đã làm công việc này được 2-3 mùa. Việc thu hoạch vải thường diễn ra trong 2-3 tiếng đồng hồ, các em cần leo thang, trèo lên cây để hái vải rồi bó thành từng chùm, mỗi kg vải được trả công 8.000 đồng. Thu nhập ít ỏi, lại có thể bị thương tích nếu ngã từ trên cây xuống nhưng đây là vẫn là công việc lý tưởng trong mùa hè của các học sinh miền núi điều kiện còn khó khăn. Theo bà Lê Thị Nguyệt – Trưởng phòng Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, trẻ vị thành niên lao động ở khu vực miền núi xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn và nhận thức còn hạn chế của phụ huynh. Không chỉ vậy, yếu tố văn hóa truyền thống cũng là một phần nguyên nhân khiến trẻ em miền núi sớm phải lao động phụ giúp gia đình.

Trẻ em hái vải thuê ở Mường Nọc (Quế Phong). Ảnh: Hữu Vi
Trẻ em hái vải thuê ở Mường Nọc (Quế Phong). Ảnh: Hữu Vi

“Không có số liệu về lao động trẻ em” là câu trả lời của nhiều phòng ban chuyên môn liên quan đến vấn đề này tại các địa phương khẳng định, bởi họ cho rằng, lao động trẻ em phải là trẻ em dưới 15 tuổi tham gia lao động nặng nhọc, thường xuyên, có mục đích về kinh tế… Song chiếu theo Thông tư 11/2013/TT-BLĐTBXH ngày 11/6/2013 ban hành danh mục công việc nhẹ được sử dụng người dưới 15 tuổi làm việc, những ví dụ về trẻ em trên địa bàn Nghệ An vừa kể lại không nằm trong số đó(!?). Đồng ý rằng cần giáo dục cho trẻ về ý thức và giá trị của lao động, nhưng trong độ tuổi mà “Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”, thì lao động nếu có nên là những công việc nhẹ, phù hợp với thể chất và tinh thần của các em, và diễn ra dưới sự hỗ trợ, giám sát của người lớn.

Những ví dụ về trẻ em trên địa bàn Nghệ An không nằm trong số các công việc nhẹ được sử dụng lao động dưới 15 tuổi.
Những ví dụ về trẻ em trên địa bàn Nghệ An không nằm trong số các công việc nhẹ được sử dụng lao động dưới 15 tuổi.

Thực tế, cần ghi nhận rằng, những năm qua thực trạng lao động trẻ em trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm khá nhiều, với những cách làm khá hiệu quả ở một số địa phương. Đơn cử, tại xã Quỳnh Thạch (huyện Quỳnh Lưu), năm 2018 trở về trước, vẫn còn tình trạng học sinh THCS tham gia lao động, bốc xếp tại các bãi đúc sò (gạch táp lô). Nhất là mùa hè, khi không phải đến trường, một số lượng lớn các em học sinh có mặt tại điểm “chợ lao động”, chờ có xe tải vào bãi đóng sò để nhận việc chuyển, bốc gạch vào vị trí. Mỗi xe chở gạch cần khoảng 6-10 người bốc, được trả công 120-150 nghìn đồng/xe. Từ phản ánh của báo chí, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, chỉ đạo địa phương chấn chỉnh, nay tình hình đã được cải thiện hơn.

Trẻ em làm công việc bốc sò (gạch táp lô) trong kỳ nghỉ hè. Ảnh: Mỹ Hà
Trẻ em làm công việc bốc sò (gạch táp lô) trong kỳ nghỉ hè. Ảnh: Mỹ Hà

Bà Lê Thị Nguyệt cho biết thêm, ngay khi phát hiện thấy những trường hợp chưa phù hợp quy định hiện hành, Sở LĐ-TB&XH đã có công văn chỉ đạo đến các huyện, thị để chấm dứt tình trạng sử dụng lao động trẻ em. Cùng với đó, Sở kết hợp với địa phương tổ chức tập huấn, truyên truyền, quán triệt tư tưởng đến từng đơn vị kinh doanh và gia đình. Quỳnh Lưu là một trong những địa phương đã áp dụng hiệu quả các biện pháp giảm thiểu lao động trẻ em. Năm 2018, sau khi có thông tin về trẻ em làm việc bốc dỡ sò tại các xưởng sản xuất trên địa bàn Quỳnh Thạch, huyện đã triển khai thực hiện Mô hình “Hỗ trợ, can thiệp để giảm thiểu lao động trẻ em”. Xã cũng xây dựng nhóm công tác kiểm tra, thường xuyên kiểm tra đột xuất 19 cơ sở sản xuất sò trên địa bàn để đôn đốc, nhắc nhở về an toàn lao động. Kết quả năm 2019, Quỳnh Thạch đã cơ bản ngăn chặn được thực trạng lao động trẻ em.

Chị Hoàng Thị Thanh, chủ 3 cơ sở đóng sò tại xã Quỳnh Thạch, từng vi phạm và bị nhắc nhở vì để xảy ra tình trạng trẻ em tham gia bốc xếp gạch, cho hay: “Sau nhiều lần chính quyền nhắc nhở, chấn chỉnh, hiện tình trạng xuất hiện lao động trẻ em ở bãi sò gần như không còn. Tuy nhiên để chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng trẻ em bốc dỡ sò thì vẫn còn là một điều khó, phụ thuộc ở việc quản lý của gia đình và ý thức của chính các em. Có một số em học sinh vẫn đạp xe dọc đường, đi qua bãi sò nào thấy có việc bốc dỡ thì dừng lại vào làm, chủ yếu là các em từ những xã lân cận sang. Chủ cơ sở không có mặt tại bãi thường xuyên nên việc quản lý người bốc vác tự do cũng khó”.

Những đứa trẻ sớm quen với công việc trên bãi biển. Ảnh: Hải Vương
Những đứa trẻ sớm quen với công việc trên bãi biển. Ảnh: Hải Vương

Lao động trẻ vị thành niên tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu an toàn, nhất là trẻ em các vùng khó khăn chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích. Công việc bốc dỡ, sơ chế thủy hải sản… tuy được nhận định là không quá nặng nhọc nhưng vẫn có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển thể chất ở lứa tuổi học sinh nếu lao động trong thời gian dài. Đó là chưa nói, tại các cơ sở sản xuất, trang thiết bị bảo hộ lao động cũng chưa đầy đủ, có thể dẫn đến một số tai nạn ngoài ý muốn.

Dù đã có sự bắt tay vào cuộc của các ngành, các địa phương, song rõ ràng công tác giảm thiểu sử dụng lao động trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó chủ yếu bắt nguồn từ nhận thức còn hạn chế của cha mẹ và hoàn cảnh ở một số huyện miền núi, miền biển. Ngoài ra cũng cần có những biện pháp sâu rộng, giáo dục trẻ ý thức về quyền và nghĩa vụ cũng như định hướng tương lai đúng đắn. Để làm được điều đó, cần thiết nhất là sự kết hợp của cả gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương.

Sự phát triển của trẻ em gần như mới chỉ được quan tâm nhiều ở khía cạnh thể chất và thiếu những hoạt động bảo vệ, chăm sóc tâm hồn. Độ tuổi 9-15 là giai đoạn mỗi con người hình thành, nuôi dưỡng ước mơ và hoàn thiện nhân cách. Việc các em trưởng thành trở thành ai, theo đuổi lý tưởng gì, sống và cống hiến như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển tâm hồn ở tuổi thiếu niên. Chính vì vậy, có thể nói việc xây dựng môi trường học tập, vui chơi, sinh hoạt lành mạnh cho học sinh là điều tối quan trọng. Các em cần được trải nghiệm cuộc sống ở những môi trường phù hợp với lứa tuổi thay vì bán thời gian, công sức ở những lò gạch bụi bặm hay xưởng hấp tôm nóng bức.