Xung quanh việc sáp nhập trường lớp – Bài 1: Hiệu quả từ nhập trường, xóa điểm lẻ

Năm học 2021 – 2022, học sinh của Trường PT DTBT Tiểu học Cam Lâm (Con Cuông) được chuyển về địa điểm mới. Ngôi trường khang trang, sạch đẹp vốn trước đây là địa điểm của Trường THCS Cam Lâm. Sau này, thực hiện việc sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, học sinh của hai trường được hoán đổi địa điểm cho nhau và chủ trương này được nhân dân đồng tình ủng hộ. Thầy giáo Trần Xuân Hùng – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Từ tháng 10/2020, huyện Con Cuông đã có chủ trương chuyển đổi vị trí cho hai trường và chúng tôi có gần 1 năm để chuẩn bị. Trước khi chuyển về trường mới, nhờ nguồn kinh phí từ Chương trình 135, trường chúng tôi được đầu tư sửa chữa lại, nâng cấp sân trường và có thêm 4 phòng học để bố trí đủ lớp cho học sinh và có thêm 3 phòng học chức năng để triển khai các bộ môn năng khiếu”.

Bước vào năm học mới, dù chịu tác động không nhỏ của dịch Covid – 19 nhưng thầy và trò Trường PT DTBT Tiểu học Cam Lâm nhận được niềm vui kép. Đó là trường vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định để chuẩn bị công nhận lại trường chuẩn và là 1 trong 2 trường đầu tiên của huyện được công nhận là Trường PT DTBT tiểu học với mô hình trường bán trú, học sinh ăn và ở tại trường. Quan trọng hơn, từ năm học này, trường sáp nhập được 2 điểm trường lẻ ở bản Cai và bản Liên Hồng, đưa 90 học sinh về điểm trường chính. Ngoài ra, toàn bộ học sinh lớp 5 hiện đang học tại bản Cam và bản Bạch Sơn cũng đã về để tổ chức học theo hình thức bán trú.

Em Quang Thị Ngọc Hằng (lớp 5B), nhà ở bản Cam, cách trường hơn 5 km, đường đi lại vất vả nhưng từ năm học này, bố mẹ của Hằng đã không còn phải lo lắng nữa bởi bây giờ Hằng đã chính thức trở thành học sinh bán trú, được ăn ở tại trường và được các thầy cô giáo chăm sóc, quan tâm hàng ngày. Khu nhà ở của Hằng và các bạn dẫu được cải tạo từ phòng học cũ nhưng sạch đẹp, gọn gàng nên phụ huynh cũng có thể yên tâm vì 24/24h, các em đều được quản lý chặt chẽ. Trở thành học sinh bán trú nhưng gia đình Hằng không phải lo lắng vì chế độ ăn, ở đã được Nhà nước hỗ trợ theo chính sách dành cho học sinh người dân tộc thiểu số. Trong khi đó, về với điểm trường chính các em lại được học hành, được tham gia tất cả các hoạt động của nhà trường. Ngoài ra, các em cũng được học Tin học, học Ngoại ngữ “bình đẳng” như tất cả các học sinh khác.

Trước đó, Trường Tiểu học Cam Lâm là một trong những trường khó khăn nhất của huyện Con Cuông. Vì điều kiện địa hình không phù hợp nên dù trường chưa có đến 300 học sinh nhưng có đến 5 điểm trường. Việc “chia nhỏ” trường thành nhiều điểm khác nhau gây ra nhiều khó khăn trong việc tổ chức dạy và học, đặc biệt trong điều kiện trường không có đủ giáo viên đứng lớp, điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Từ thực tế này, việc sáp nhập điểm trường lẻ là một giải pháp quan trọng để giúp nhà trường tổ chức tốt việc dạy và học, chấm dứt tình trạng lớp ghép.

Để chuẩn bị cho việc sáp nhập, từ năm học trước dù điều kiện còn rất nhiều khó khăn nhưng Trường Tiểu học Cam Lâm đã “mạnh dạn” thí điểm tổ chức bán trú cho học sinh. Thấy hiệu quả của mô hình, không chỉ học sinh được hưởng chế độ mà nhiều phụ huynh có con ở gần trường cũng xin tự nguyện đóng góp để con được ăn ở tại trường. Thầy giáo Trần Xuân Hùng cũng chia sẻ thêm: “Năm học trước, trường chúng tôi chỉ có 79 học sinh bán trú thì năm nay đã tăng lên 135 em, chiếm hơn một nửa học sinh ở trường. Với đặc thù riêng của những xã miền núi thì việc thực hiện mô hình này là cơ sở quan trọng để sáp nhập các điểm trường lẻ về điểm trường chính, vì điều này sẽ giúp học sinh không phải đi lại nhiều, phụ huynh không phải đưa đón và các em lại được ăn ở tại trường rất an toàn và thuận tiện”.

Điểm trường Huồi Pủng (xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương) cũng từng được mệnh danh là điểm trường “5 không” – không trường (trường tạm), không đường giao thông, không sóng điện thoại, không điện, không mạng internet và cũng là điểm trường khó khăn, gian khổ nhất của Trường Tiểu học Hữu Khuông. Để vào dạy ở điểm trường này, giáo viên sẽ mất hơn 30 phút đi thuyền và gần 1 tiếng đi bộ… Do đặc thù riêng nên từ năm học 2020 – 2021, huyện Tương Dương đã quyết định sáp nhập điểm trường Huồi Pủng về điểm trường chính ở bản Pủng Pón. Song song với quyết định này, toàn bộ học sinh của trường sẽ được tổ chức theo hình thức bán trú, đầu tuần các em sẽ đến trường, ăn, ở, học với thầy cô. Cuối tuần bố mẹ đón các em về nhà.

Từ 3 năm trở lại đây, Trường Tiểu học Hữu Khuông đang từng bước sáp nhập các điểm trường lẻ về điểm trường chính và từ 6 điểm trường lẻ nay chỉ còn lại 3 điểm trường lẻ. Trong đó, có 2 điểm trường là Pủng Pón và điểm trường ở bản Xàn được sáp nhập từ nhiều điểm trường khác nhau. Việc sáp nhập thời điểm này của nhà trường dù phải triển khai trong điều kiện hết sức khó khăn, như trường chưa được công nhận trường tiểu học bán trú, khu nhà bán trú đang phải được dựng tạm từ ngôi trường cũ, điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo, giáo viên của trường đang tự nguyện chăm sóc học sinh… nhưng thầy giáo Lê Tuyên Huấn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Khuông vẫn khẳng định được những hiệu quả tích cực từ việc sáp nhập trường mang lại. Chia sẻ về điều này, thầy cho biết: Cái được đầu tiên của sáp nhập chính là ổn định và duy trì sỹ số. Như ở bản Con Phen, trước đây do cách điểm trường chính quá xa nên học sinh thường chỉ học buổi sáng còn buổi chiều các em tự ý nghỉ học. Nay về điểm trường chính, phụ huynh yên tâm gửi con ở trường, các em đi học chuyên cần, đầy đủ. Thứ nữa là chất lượng dạy và học cũng được tăng lên, giáo viên có điều kiện phụ đạo, bồi dưỡng thêm cho học sinh ngoài giờ lên lớp… Chúng tôi cũng rất mừng bởi chỉ sau 3 năm thực hiện sáp nhập, lần đầu tiên Trường Tiểu học Hữu Khuông được huyện xếp loại Tập thể xuất sắc nhờ có sự chuyển biến trong dạy và học.

Sáp nhập quy hoạch mạng lưới trường lớp là chủ trương đã được tỉnh ta thực hiện nhiều năm nay với mục đích sáp nhập các điểm trường về điểm trường chính, hoặc sáp nhập các trường có quy mô nhỏ theo mô hình trường liên xã hoặc liên trường. Đây cũng là một thực tế được đặt ra khi trong những năm qua, quy mô trường lớp ở nhiều địa phương có sự biến động khá nhiều về số lượng.

Như ở huyện Nam Đàn, trước đây do quy mô học sinh giảm nên huyện buộc phải sáp nhập nhiều trường ở cả 3 bậc mầm non, tiểu học, THCS ở nhiều xã về chung một trường, trong đó có những trường sáp nhập 3 xã như Trường THCS Hưng Thái Nghĩa, Trường THCS Trung Phúc Cường 2, Trường THCS Long Lâm. Ở bậc tiểu học và mầm non có Tiểu học thị trấn 2, Tiểu học Thượng Tân Lộc 1, Tiểu học Trung Phúc Cường 2, Mầm non Thượng Tân Lộc 1… Đây cũng là một trong những huyện về đích sớm trong công tác sáp nhập bởi giai đoạn 2021 – 2025, huyện chỉ có một trường duy nhất cần phải thực hiện quy hoạch lại là Trường Mầm non Trung Phúc Cường 1 và Trung Phúc Cường 2. Ông Lê Trung Sơn – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đàn chia sẻ: “Việc sáp nhập trường lớp là một vấn đề rất khó khăn nhưng có những cái lợi. Thứ nhất là học sinh sẽ được học tại những điểm trường lớn có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Thứ hai, chỉ có nhập trường mới có đủ đội ngũ giáo viên chuyên ở các bộ môn và giáo viên không còn phải dạy kiêm nhiệm…”. Trước đó, huyện Nam Đàn đã từng có một trường học “hy hữu” là Trường THCS Hồng Long khi toàn trường chỉ có 4 lớp cho 4 bậc học. Điều này, không chỉ gây bất hợp lý trong việc bố trí giáo viên, tổ chức các hoạt động mà còn là “lực cản”, làm hạn chế đến sự phát triển của nhà trường và khiến cho cả giáo viên và học sinh không có động lực cố gắng. Sau này, trường đã được sáp nhập và đem lại hiệu quả. Ở huyện Hưng Nguyên có những trường như THCS Lam Thành được sáp nhập từ 4 xã.

Ở các huyện miền núi, việc sáp nhập trường lớp lại càng trở nên cấp bách và là một giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học. Bởi lẽ hiện nay ở bậc tiểu học hiện đã bắt đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới và theo lộ trình từ năm học 2022 – 2023 toàn bộ học sinh lớp 3 trong toàn tỉnh sẽ phải học Tin học và Ngoại ngữ. Tuy nhiên, việc tổ chức dạy và học chỉ triển khai được nếu học sinh được tập trung tại một điểm trường chính, bởi trong điều kiện hiện nay Nhà nước chỉ có thể đầu tư cơ sở vật chất được tại một điểm trường. Điều này cũng giúp các nhà trường giải được bài toán khó về bố trí giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và tiết kiệm ngân sách.

Đề án sáp nhập trường lớp cũng đã được tất cả 21 huyện, thành, thị trên toàn tỉnh triển khai với mong muốn đây sẽ là cơ sở để các địa phương nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong giai đoạn từ năm 2015 – 2020, nhờ thực hiện sáp nhập, sắp xếp lại trường lớp toàn tỉnh đã giảm được 49 đơn vị sự nghiệp công lập (19 trường mầm non, 19 trường tiểu học, 10 trường THCS và 1 Trung tâm KTTH-HN tỉnh), giảm thêm 36 điểm trường mầm non và 40 điểm trường tiểu học. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, dù đây là một chủ trương đúng, cấp thiết nhưng không phải khi nào việc sáp nhập cũng đem lại hiệu quả và hậu sáp nhập vẫn còn rất nhiều vấn đề nảy sinh nếu như chưa được chuẩn bị kỹ càng.

(Còn nữa)