Xứng với "một nửa thế giới"
(Baonghean) - Tuần qua, bài viết "Quy hoạch và sử dụng cán bộ nữ: Cần có giải pháp đột phá" của tác giả Mai Hoa đăng trên trang 4 Nhật báo, số ra ngày 19/2 nhận được số phiếu bình chọn cao nhất. Sau đây là một số lời bình dành cho bài viết…
Thoạt tiên, đọc tít bài "Quy hoạch và sử dụng cán bộ nữ: Cần có giải pháp đột phá" nói về công tác cán bộ nữ, có cảm giác hơi "cứng" quá chăng? Bởi nói đến "chị em", dẫu là “cán bộ” đi nữa, thường thì người ta vẫn thích nghe những ngôn từ có vẻ nhẹ nhàng, đằm thắm hơn. Tuy nhiên, đọc kỹ và liên hệ, chúng ta mới thấy dùng "giải pháp đột phá" đối với công tác cán bộ nữ là cần thiết. Bởi người phụ nữ, lại là cán bộ trong thời đại hôm nay không còn "liễu yếu đào tơ" nữa, họ đã đảm trách và thể hiện được đẳng cấp "đứng mũi chịu sào", sánh ngang với phần thế giới còn lại. Cho nên, tạo một vị thế cân bằng trong công việc cho cán bộ nữ, đúng là cần phải có một "giải pháp đột phá".
Tự xưa đến nay, phụ nữ luôn đảm trách nhiều phần việc quan trọng trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Mặc dầu vậy, với tư tưởng "trọng nam, khinh nữ", ít nhiều vai trò của "một nửa thế giới" đã không được đánh giá đúng. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vị thế của người phụ nữ đang ngày càng được chú trọng, bản thân họ cũng đã khẳng định mình trên mọi cương vị, lĩnh vực được giao phó. Nhưng tỷ lệ cán bộ nữ đứng ra cáng đáng những công việc "hàng tổng" vẫn còn chiếm số ít, trong khi lẽ ra đó phải là một con số ấn tượng hơn. Bài viết của tác giả Mai Hoa là một cách nhìn nhận, góp phần tháo gỡ nút thắt này từ góc độ cán bộ phụ nữ ở Nghệ An.
Bài viết của phóng viên Mai Hoa được diễn giải qua 3 phần, đây là một kết cấu tương đối hoàn chỉnh cho đề tài khá rộng. Phần "Bản lĩnh và trách nhiệm", tác giả đã đưa những tấm gương khá tiêu biểu cho hình ảnh của người phụ nữ năng động hôm nay. Chúng ta thấy một nữ Chủ tịch UBND xã Diễn Tháp Chu Thị Khuyên, đi lên từ Ủy viên Thường vụ Đoàn xã. Với cương vị là chủ tịch xã, tất nhiên có rất nhiều khó khăn mà một phụ nữ sẽ khó có điều kiện vượt qua. Tuy nhiên, bằng trách nhiệm, sự nhẫn nại của giới nữ, chị đã cùng tập thể chèo lái con thuyền Diễn Tháp cùng đi tới. Đó cũng là hình ảnh của chị Hồ Thị Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Diễn Thành (Diễn Châu), chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Chủ tịch Hội LHPN Thanh Chương... Nhận xét về họ, tác giả đã trích dẫn ý kiến khá chính xác của các đồng chí lãnh đạo huyện. Rằng, cán bộ nữ khi được giao nhiệm vụ, ưu thế của họ là tận tâm và trách nhiệm, rất có ý thức lo việc, ít thấy cán bộ nữ lơ là, không tập trung công việc...
Phần 2 của bài viết có tựa đề "Càng lên cao càng giảm" nói lên thực trạng cán bộ nữ hiện nay ở tỉnh ta. Những năm qua, việc xây dựng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý vẫn là nỗi trăn trở lớn của lãnh đạo tỉnh. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo trong cấp ủy, chính quyền các cấp còn thấp so với yêu cầu. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên, đại biểu HĐND ở cấp cơ sở còn được coi là tạm, lên cấp huyện có khá hơn nhưng lên cấp tỉnh thì sụt giảm. Có những đơn vị từ khi thành lập đến nay qua hàng chục năm chưa bao giờ có cán bộ lãnh đạo nữ.
Không thể nói rằng phụ nữ còn hạn chế về trình độ, không ham muốn học hỏi. Bởi theo nhận định từ nhiều lãnh đạo tổ chức, số chị em đạt học hàm học vị cao "ngang ngửa", thậm chí còn cao hơn so với nam. Trong công việc chuyên môn, tỷ lệ các cán bộ công chức viên chức nữ đạt loại tốt, xuất sắc hàng năm đôi khi có phần nhỉnh hơn nam giới. Bởi thế, kết luận của tác giả là rất đáng suy nghĩ "... Chất lượng, trình độ của cán bộ nữ cũng đang ngày một nâng lên, thì vấn đề đặt ra là cần có giải pháp cho công tác cán bộ nữ tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ hiện nay".
Người xây dựng