Ý kiến xung quanh việc trao quyền cho hiệu trưởng lựa chọn sách giáo khoa

Mỹ Hà 13/12/2019 10:21

(Baonghean.vn) - Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 32 cuốn sách giáo khoa thì hiện nay vấn đề lựa chọn bộ sách nào cho năm học tới đang được các địa phương quan tâm. Báo Nghệ An cũng đã ghi nhận các ý kiến của một số cán bộ, giáo viên về vấn đề này.

Thạc sỹ Phạm Đình Hòa - Trưởng khoa Tiểu học - Trường CĐSP Nghệ An:

Hội đồng lựa chọn SGK phải “nhúng mình" vào trường tiểu học

Nếu giao cho địa phương chọn sách giáo khoa thì có 2 cái khó. Cái khó thứ nhất là mất cân bằng giữa vùng, miền vì trình độ giáo viên và trình độ học sinh, bởi lẽ giáo viên và học sinh ở những vùng trung tâm như thành phố Vinh, Diễn Châu sẽ khác nhiều so với giáo viên và học sinh vùng Kỳ Sơn, Tương Dương. Thứ hai là chọn sách giáo khoa rồi chọn cách dạy như thế nào sao cho phù hợp với sách giáo khoa là hết sức khó khăn.

Giờ học của sinh viên Trường CĐSP Nghệ An 2. Ảnh: Đức Anh
Giờ học của sinh viên Trường CĐSP Nghệ An 2. Ảnh: Đức Anh

Thời điểm hiện nay, việc được giao quyền tự chủ để lựa chọn sách giáo khoa vừa là khó khăn, thách thức nhưng cũng vừa là thuận lợi. Thuận lợi thứ nhất là có khoảng 20% chương trình dành cho địa phương và chính sự lựa chọn này sẽ giúp chúng ta đưa đặc trưng, những nét cơ bản của văn hóa xứ Nghệ đến con em học sinh, để xây dựng truyền thống hiếu học, truyền thống cách mạng. Thuận lợi thứ hai, vì được lựa chọn nên giáo viên có thể tham khảo nhiều chương trình để phù hợp với trình độ năng lực từng vùng miền.

Thạc sỹ Phạm Đình Hòa. Ảnh: Đức Anh

Để kiểm định sách giáo khoa hiện Bộ đã có những văn bản khá cụ thể và chu đáo. Tuy vậy, muốn chọn được sách thì lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở phải thống nhất được ý kiến từ giảng viên, giáo viên, phụ huynh, học sinh và từ nhiều nguồn thông tin để phù hợp với từng địa phương.

Nếu các bộ sách không tương đồng thì lựa chọn sẽ khó khăn vì còn liên quan đến việc đánh giá cuối năm.

Vì vậy, những người được chọn lựa vào hội đồng tuyển chọn sách phải thực sự là những người có tâm, có tầm, làm việc có trình độ, có năng lực nhưng phải tâm huyết với nghề nghiệp và phải có thực tiễn. Nghĩa là, phải "nhúng mình" vào trường tiểu học để biết được nhu cầu của học sinh cần gì, trình độ nhận thức của học sinh mức độ nào để lựa chọn bộ sách thích hợp và quan trọng nhất là bộ sách phải đánh giá được sự phát triển năng lực của học sinh.

NGƯT. Tiến sỹ Thái Huy Vinh - Thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia SGK Toán 1 - nguyên là Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:

"Việc giao cho hiệu trưởng có thể áp lực nhưng như thế mới đổi mới được"

Trong chương trình đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương một chương trình nhiều bộ sách. Trong đó, dù mỗi cuốn sách được viết theo một ý tưởng, chất liệu và sự sáng tạo khác nhau, nhưng tất cả đều bám theo những quy định của Thông tư 32 về Đổi mới chương trình phổ thông, đáp ứng chuẩn đầu ra chương trình và định hướng dạy học tiếp cận phẩm chất, năng lực.

Như với sách giáo khoa Toán 1 theo chương trình mới có những điểm mới so với chương trình hiện hành. Thứ nhất là hình thức đẹp hơn, hấp dẫn hơn, kênh chữ và kênh hình phù hợp hơn và các ngôn ngữ dùng trong sách giáo khoa phù hợp với tâm sinh lý học sinh, đảm bảo tính liên thông, chặt chẽ nhất quán giữa các lớp từ lớp 1 đến lớp 12.

Giờ học của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nghi Thu, thị xã Cửa Lò. Ảnh: Mỹ Hà
Giờ học của học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Nghi Thu, thị xã Cửa Lò. Ảnh: Mỹ Hà
Thứ hai, sách giáo khoa đảm bảo tính tích hợp cao, những nội dung trong chương trình Toán 1 từ số phép tính, hình học, đo lường liên quan chặt chẽ, tích hợp vào nhau, đảm bảo tính nhất quán, đồng thời tích hợp nhiều vấn đề khác, gắn liền với cuộc sống như bình đẳng giới, quyền trẻ em, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Thứ ba, nó đảm bảo tính phân hóa cao, cùng một bộ sách nhưng vừa đảm bảo tính cốt lõi, bắt buộc cho tất cả học sinh trên toàn quốc ở các vùng miền, vừa đảm bảo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, cho cả những học sinh có năng khiếu ở vùng thuận lợi.

Thứ tư, sách biên soạn có tính chất mở, dành sự sáng tạo cho giáo viên và phát huy được học lực của học sinh thông qua các bài tập vận dụng, đố vui, các bài học thêm.

Thứ năm, nội dung trong sách đảm bảo đổi mới về phương pháp dạy học cũng như đánh giá học lực của học sinh. Nội dung trong sách buộc giáo viên phải tổ chức các hoạt động trải nghiệm với các bước khởi động, khám phá, luyện tập thực hành và vận dụng. Các bài phải đáp ứng được chuẩn kiến thức đầu ra.

Học sinh lớp 1 của Trường Tiểu học Qung Sơn - Đô Lương. Ảnh: Mỹ Hà
Học sinh lớp 1 của Trường Tiểu học Quang Sơn - Đô Lương. Ảnh: Mỹ Hà
Hiện 5 bộ sách này, không đánh giá bộ sách nào tốt hơn bộ sách nào. Việc sử dụng sách giáo khoa trên địa bàn tỉnh sẽ tùy thuộc vào từng vùng miền và sẽ do các nhà trường lựa chọn phù hợp.

Hiện nếu thực hiện theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội, Bộ chắc chắn có văn bản hướng dẫn chỉ đạo bài bản, khoa học. Tuy nhiên, muốn triển khai tốt thì Sở GD&ĐT cùng các phòng phải chỉ đạo nghiêm túc đúng quy định và các hiệu trưởng phải thực sự công tâm, bản lĩnh khách quan, lắng nghe các ý kiến để lựa chọn bộ sách phù hợp với học sinh trường mình và phù hợp với hoàn cảnh của địa phương.

Tiến sỹ Thái Huy Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Bên cạnh đó, dù là cách làm nào thì cũng phải dựa trên ý kiến của giáo viên, phụ huynh, học sinh là quan trọng nhất. Thời điểm hiện nay, việc giao cho hiệu trưởng, không phải là điều cần tranh luận dù điều đó có thể tạo áp lực cho hiệu trưởng, nhưng để đổi mới thành công thì phải bắt đầu từ các cơ sở giáo dục và trước tiên là thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các nhà trường trong việc lựa chọn sách giáo khoa.

Thực tế cũng cho thấy, khó khăn nhất trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là đội ngũ giáo viên. Đây phải thực sự là những người có năng lực, trình độ và có tinh thần trách nhiệm, phải biết lựa chọn tài liệu, lựa chọn nội dung kiến thức, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới đánh giá học sinh.

Tại Nghệ An, bất cập hiện nay, đó là trình độ giáo viên đang chưa đồng bộ, một số nơi thiếu, yếu. Bên cạnh đó, hiện cơ chế quản lý, sỹ số học sinh, quy mô trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và việc phân cấp quản lý còn nhiều bất cập khiến việc triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn…

Luật Giáo dục 2019 đã quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, phải đến ngày 1/7/2020, Luật Giáo dục 2019 mới có hiệu lực thi hành, trong khi sách giáo khoa phải được tổ chức lựa chọn từ đầu năm 2020 và công bố kết quả trước tháng 31/3/2020 để kịp thời cung cấp sách giáo khoa năm học 2020 - 2021, do đó nảy sinh khá nhiều khó khăn.

Trước vấn đề này, đầu tháng 12/2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2020 - 2021 theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội.

Dự thảo Thông tư quy định về nguyên tắc, tiêu chí, Hội đồng, quy trình lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông và trách nhiệm của các bên liên quan trong việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo đó, hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông thành lập gồm Chủ tịch Hội đồng - là người đứng đầu cơ sở giáo dục; Phó Chủ tịch Hội đồng là cấp phó người đứng đầu hoặc tổ trưởng tổ chuyên môn; Thư ký Hội đồng là tổ trưởng tổ chuyên môn; Ủy viên Hội đồng là tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.

Theo kỹ thuật Đức Anh
Copy Link

Mới nhất

x
Ý kiến xung quanh việc trao quyền cho hiệu trưởng lựa chọn sách giáo khoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO