Ý nghĩa các âm điệu pháp khí trong nghi lễ Phật giáo

Khánh Chi 13/11/2018 10:35

(Baonghean.vn) - Phật giáo chủ trương tĩnh lặng, tư duy và chuyển hóa để lắng dừng các tư tưởng loạn động, để tập trung vào một cảnh giới, một đối tượng; và để chuyển hóa ác nghiệp thành thiện nghiệp, để đạt tới giác ngộ và giải thoát. Do đó âm điệu của buổi lễ là trầm hùng, tha thiết và thành khẩn.

Chuông, Trống, Khánh, Bản… là các loại pháp khí của Phật Giáo. Còn “chuông, trống Bát Nhã” là danh từ chung để chỉ cho đại hồng chung (chuông rất lớn) và trống lớn, thường được đặt hai bên trái phải của chánh điện, theo cách “tả chung, hữu cổ” nghĩa là bên trái đặt chuông, bên phải đặt trống. Nhiều chùa còn xây tháp an trí chuông và trống, nên nơi đặt chuông trống gọi là lầu chuông trống; lầu chuông (chung lâu); lầu trống (cổ lâu)…

Âm thanh của pháp khí

Âm thanh muốn được điều hòa nhịp nhàng trầm bổng để tăng phần trang nghiêm và linh cảm trong buổi lễ cần phải có những pháp khí để làm phương tiện hỗ tương trong các buổi lễ như: chuông, trống, mõ, bảng, tan, linh, khánh, mộc bảng, ốc, thanh la, não bạt, phách. Ngoài ra còn sử dụng thêm nhạc bát âm (đàn nhị, đàn nguyệt, sáo, trống, kèn, sanh tiền, phách) trong các đại lễ. Trong đó:

Chuông: Khi nghe chuông mọi người cảm nhận tinh thần an lạc, thư thái, vì chuông có năng lực làm cho người sống được an vui, kẻ khuất được siêu thoát. “Tiếng chuông cảnh tỉnh": thong thả, trầm ấm, nếu dồn dập làm tâm loạn động không phải chuông chùa.

Trống: Tiếng trống biểu lộ sự hào hùng, dũng mãnh của Phật pháp. Giáo pháp của đức Phật được ví như tiếng sấm sét phá tan vô minh, vọng tưởng, như tiếng sóng biển miên man, bất tận vang dội suốt chín tầng cao và xuống đến tận địa ngục A Tỳ.

Mõ: Tiếng kinh hòa theo tiếng mõ, âm sắc, trầm ấm, để lắng dừng các si mê vọng tưởng, mở rộng đôi mắt tuệ nhìn thẳng vào nội tâm của mình để chuyển ác nghiệp thành thiện nghiệp, để biến khổ đau thành an lạc, biến thế gian thành Niết bàn.

Ngoài ra các pháp khí khác như: tan, linh, khánh cũng đều mang chung một tính chất là phương tiện để diễn tả Pháp âm giúp hành giả phát triển tâm linh hướng về giải thoát...

Thanh giọng của đạo tràng

Thanh giọng chính của việc tụng kinh là thanh giọng trầm. Chúng ta có thể nói tất cả các truyền thống Phật giáo đều đặt trên căn bản đó. Trong cách hành trì, truyền thống Mật tông, Tịnh độ tông, Thiền tông đã khai triển triệt để các phương cách tán tụng và hình thành một nền lễ nhạc Phật giáo phong phú.

Căn bản của các điệu tán tụng vẫn lấy thanh âm trầm ấm làm âm thanh căn bản và nhịp điệu đều đặng theo nhịp của tim và của hơi thở trong mục đích an tâm. Thỉnh thoảng cũng có khi vị chủ lễ xướng giọng cao nhưng việc đó chỉ để gia tăng hùng lực của buổi lễ. Khi lên cao cũng không đến mức động tâm, loạn tưởng.

Tựu trung có một làn điệu căn bản trong các cách tán của Phật giáo Việt Nam mà thuật ngữ chuyên môn gọi là “hơi thiền” hay “thiền vị”; Nghĩa là một làn hơi trầm ấm nhịp nhàng với âm điệu giải thoát, khiến người nghe tỉnh ngộ, phát tâm hướng thiện.

Muốn đạt được hiệu quả tốt đẹp, đạo tràng cần tinh chuyên luyện tập: âm điệu thanh giọng và làn hơi. Đòi hỏi một công phu lâu bền ở quí vị. Tốt nhất là tụng kinh hàng ngày.

Vị chủ sám tùy theo trình độ thu thập của mỗi đạo tràng mà cử, xướng những bài bản thích hợp với đại chúng, như vậy việc điều hòa âm thanh, giọng điệu mới đạt được kết quả mỹ mãn.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Mới nhất
x
Ý nghĩa các âm điệu pháp khí trong nghi lễ Phật giáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO