Hiệu quả mô hình CLB Sức khỏe sinh sản

(Baonghean) - Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi sinh sản luôn được ngành dân số Quế Phong chú trọng đẩy mạnh. Với những cách làm thiết thực, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động đã góp phần từng bước nâng cao nhận thức của chị em trong việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản (CSSKSS)...

Cán bộ dân số tư vấn chăm sóc SKSS cho phụ nữ xã Quang Phong (Quế Phong).
Cán bộ dân số tư vấn chăm sóc SKSS cho phụ nữ xã Quang Phong (Quế Phong).
Là xã miền núi với nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống như: Thái, Khơ mú, Nùng, Mường, Thổ, trước đây, người dân xã Quế Sơn (huyện Quế Phong) thường quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ” nên sinh đông con và hủ tục tảo hôn vẫn còn tồn tại. Để từng bước nâng cao nhận thức của người dân, từ năm 2012, Trung tâm Dân số huyện đã phối hợp với xã thành lập Câu lạc bộ “Chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên” tại 8 bản trên địa bàn xã. Đều đặn các câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần vào ngày nghỉ. Chương trình những buổi sinh hoạt này được xây dựng lồng ghép giữa các tiết mục văn nghệ với nội dung tuyên truyền, trao đổi, tư vấn tâm lý… thu hút các bạn trẻ tham gia. Đây là dịp các thanh niên, học sinh cùng xóm, bản được giao lưu, gặp gỡ và sẻ chia những tâm tư, suy nghĩ của tuổi mới lớn.
Nhờ duy trì hoạt động của CLB mà nhận thức của thanh thiếu niên về vấn đề chăm sóc SKSS  của một xã miền núi còn nhiều khó khăn đang dần được nâng cao. Chị Lô Thị Thảo – chuyên trách dân số xã Quế Sơn cho biết: “Trước đây, hầu như các em thờ ơ với các chiến dịch chăm sóc sức khoẻ sinh sản được tổ chức hàng năm, thì nay lại tham gia rất tích cực. Nhờ biết quan tâm chăm sóc SKSS cho bản thân nên nhiều em đã không ngại ngần khi đến thăm khám tại trạm y tế xã. Đến nay, hầu hết các thanh niên trong xã đều đến khám sức khoẻ tiền hôn nhân trước khi kết hôn. Đặc biệt là hủ tục tảo hôn trên địa bàn giảm hẳn, cách đây chừng 5 năm, mỗi năm có tới gần chục cặp tảo hôn thì nay giảm xuống còn 1-2 trường hợp”.
Xã Châu Thôn có 13 xóm, bản đã thành lập được 3 câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3”, thu hút rất đông chị em tham gia. Mỗi tháng câu lạc bộ sinh hoạt một lần. Với các chị em đây là diễn đàn vừa để sinh hoạt văn hoá, văn nghệ vừa sẻ chia kinh nghiệm xây dựng hạnh phúc gia đình. Và đây còn là dịp để được lắng nghe và sẻ chia một cách cởi mở những vấn đề tế nhị trong chăm sóc SKSS mà chị em vẫn  thường ngại ngùng khi đề cập đến.
Chị Vy Thị Sinh (bản Hiền, xã Châu Thôn) là một trong những thành viên tích cực tham gia câu lạc bộ cho biết: “Từ khi tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, chúng tôi hiểu rõ ý nghĩa của việc chăm sóc sức khoẻ đúng cách, từ đó quan tâm và biết cách chăm sóc sức khoẻ cho chính mình. Ví như khi mang thai, chúng tôi biết cách bổ sung dinh dưỡng, khám thai định kỳ, theo dõi sức khoẻ thai nhi. Gia đình tôi sinh con một bề đều là gái, bởi vậy những kiến thức về chăm sóc SKSS tích luỹ được  từ những buổi sinh hoạt CLB thực sự hữu ích cho tôi khi chăm sóc các con”. 
Nhờ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nên chị em phụ nữ ở Châu Thôn (xã có tới 95% đồng bào dân tộc Thái) không còn tâm lý e ngại khi đề cập đến vấn đề chăm sóc SKSS. Đến nay, nhiều chị đã chủ động hỏi về lịch khám sức khỏe, về cách sử dụng các biện pháp phòng tránh thai… Tỷ lệ chị em áp dụng các biện pháp tránh thai tăng lên hàng năm, hiện đạt trên 90%. Chị em đã chủ động đến trạm y tế để tư vấn và chăm sóc sức khoẻ sinh sản định kỳ. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về CSSKSS cho phụ nữ và trẻ em gái mà những năm gần đây tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Châu Thôn giảm hẳn (riêng năm 2014 chỉ có 1 trường hợp). Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn xã không có tình trạng tảo hôn. 
Ngoài phát huy hiệu quả của các CLB, Trung tâm Dân số huyện Quế Phong còn phối hợp với phòng tư pháp, giáo dục, Huyện đoàn tổ chức thi cuộc thi “Rung chuông vàng” mỗi năm tại 2 trường học. Đây là chương trình giao lưu giúp học sinh tìm hiểu về pháp luật, đồng thời lồng ghép tuyên truyền kiến thức SKSS. Trong 4 năm qua, chương trình “Rung chuông vàng” đã được tổ chức ở nhiều trường học như: THCS Châu Thôn, Thông Thụ …  Những trường được lựa chọn tổ chức chương trình thường có đông học sinh học bán trú,  đã từng xảy ra các trường hợp tảo hôn.
Chương trình nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản vị thành niên; vấn đề giới tính, tình bạn, tình yêu…; tư vấn giải đáp những thắc mắc giúp các em được giải bày  những tâm tư, suy nghĩ của tuổi mới lớn. Hàng năm, Trung tâm Dân số/ KHHGĐ huyện Quế Phong còn phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tổ chức 2 đợt chiến dịch truyền thông vận động lồng ghép chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến đồng bào các ở tất cả các xã trên địa bàn. Và đều đặn hàng năm, trung tâm còn tổ chức tư vấn cộng đồng chăm sóc SKSS tại 14 xã, thị trấn nhằm tuyên truyền cho chị em chấp nhận các biện pháp tránh thai, giảm tỷ phụ nữ mắc các bệnh vệ đường sinh sản… 
Bà Sầm Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm Dân số/ KHHGĐ huyện Quế Phong cho biết: Mặc dù công tác tuyên truyền về CSSKSS cho chị em trên địa bàn huyện còn gặp không ít khó khăn song nhờ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tuyên truyền, với các hình thức đa dạng mà  ý thức về CSSKSS của phụ nữ và trẻ em gái của huyện miền núi Quế Phong đang từng bước nâng cao. Thể hiện ở tỷ lệ chấp nhận các biện pháp tránh thai của chị em luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra hàng năm của huyện (trên 200% kế hoạch năm). Không chỉ các chị em tích cực tham gia các đợt chiến dịch, thăm khám sức khoẻ mà nhiều chị em đã tự ý thức đến trạm y tế khám để được tư vấn, chăm sóc SKSS định kỳ, hoặc khi có vấn đề về sức khoẻ.
Cũng nhờ đẩy mạnh công tác chăm sóc SKSS vị thành niên nên các trường hợp tảo hôn đã giảm xuống hàng năm. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình câu lạc bộ chăm sóc SKSS, đồng thời phối hợp với các tổ chức đoàn thanh niên, hội phụ nữ để lồng ghép tuyên truyền tới các đối tượng phụ nữ và trẻ em gái. Để vừa tạo điều kiện để chị em được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS nhưng quan trọng hơn là dần hình thành ý thức tự chăm sóc SKSS cho bản thân của mỗi chị em phụ nữ và trẻ em gái – chính điều này góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Đinh Nguyệt

tin mới

Bệnh viện ĐKTP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

(Baonghean.vn) - Cụ bà 88 tuổi (Thanh Chương) bị hoại tử đầu ngón chân phải, cùng với bệnh lý nền phức tạp, đã đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên một thời gian nhưng không đỡ. Vừa qua, bà may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn chân lành lặn.

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

(Baonghean.vn) - Hiện nay, các bệnh lý tiêu hóa ngày càng phổ biến vì những thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý và căng thẳng tâm lý gây nên. Phương pháp nội soi dạ dày và đại tràng thường được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý này. Vậy có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc?

Loãng xương

Chế độ ăn cho người bệnh loãng xương

Chế độ ăn đúng giúp phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương hiệu quả. Do đó, việc đảm bảo dinh dưỡng đối với những người mắc bệnh cơ xương khớp nói chung và người mắc bệnh loãng xương nói riêng là rất quan trọng.