Gia tăng số trẻ nhập viện do bệnh ho gà

(Baonghean.vn) - Tại Khoa Nhiệt Đới - Bệnh Viện Sản - Nhi Nghệ An, chỉ trong 1 tháng trở lại đây đã tiếp nhận điều trị cho 23 trẻ mắc bệnh ho gà.

Hiện có 12 trẻ mắc căn bệnh ho gà đang điều trị tại khoa Nhiệt Đới. Số trẻ bị bệnh ho gà điều trị tại khoa chủ yếu là dưới 3 tháng tuổi (chiếm 50%). Đợt này trẻ mắc bệnh ho gà rải rác các huyện như: Diễn Châu, Thanh Chương, Đô Lương, Nghi Lộc, Thành phố Vinh…

Bác sỹ thăm khám bệnh nhân bị ho gà. Ảnh: Thanh Hoa
Bác sỹ thăm khám bệnh nhân bị ho gà. Ảnh: Thanh Hoa

Chị Hoàng Thị Oanh (Diễn Thành, Diễn Châu) có cháu Trần Ngọc Sang (3 tháng tuổi) đang điều trị tại khoa Nhiệt Đới kể: "Trước khi nhập viện cháu ho nhiều, ăn uống kém, luôn quấy khóc nên tôi đưa cháu vào bệnh viện huyện khám và điều trị. Nhưng sau 3 ngày điều trị thấy cháu ngày càng ho nhiều về đêm, mỗi lần ho là tím tái mặt, ăn ngủ kém nên bệnh viện huyện chuyển tuyến trên. Sau 3 ngày điều trị tại khoa Nhiệt Đới, hiện cháu đỡ ho và ho thời gian ngắn, ăn ngủ tốt tương đối tốt. Vì cháu bị bệnh tim bẩm sinh nên chưa được tiêm phòng".

Tương tự, bệnh nhân Lê Hải Đăng (51 ngày tuổi, phường Nghi Hải - Thị xã Cửa Lò) vào viện ngày 27/2 do mắc bệnh ho gà. Mẹ cháu kể cách đây 2 ngày cháu ở nhà ho khò khè, sổ mũi, ho chủ yếu vào ban đêm, ho từng cơn  kéo dài. Bác sỹ chẩn đoán là bị bệnh ho gà. Sau 2 ngày điều trị, cháu đỡ nhiều, cơn ho cũng ngắn hơn và ăn ngủ tốt hơn".

Điều đáng nói là những trường hợp mắc bệnh ho gà điều trị tại khoa đều chưa đến tuổi tiêm phòng, trẻ dưới 3 tháng tuổi chiếm 30%, thậm chí có nhiều trẻ mới 20 ngày tuổi cũng đã mắc bệnh ho gà.

Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn tư vấn cho mẹ có con bị bệnh ho gà. Ảnh: Thu Hiền
Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn tư vấn cho mẹ có con bị bệnh ho gà. Ảnh: Thu Hiền

Thầy thuốc ưu tú - Bs CKII Nguyễn Văn Sơn - Trưởng Khoa Nhiệt Đới cho biết: Nguyên nhân là do người mẹ không được tiêm phòng cho nên không có kháng thể truyền cho con, vì thế trẻ sinh ra dễ mắc bệnh. Bệnh ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh có tính lây truyền rất cao, nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học…

Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn. Bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản-phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.

Bác sỹ Nguyễn Văn Sơn khuyến cáo:

Phòng chống bệnh ho gà người dân thực hiện các biện pháp sau: Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà (vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván - DTP hoặc vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virut viêm gan B và Haemophilus influenzae type b - Quinvaxem) đầy đủ, đúng lịch. 

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Lịch tiêm chủng vắc xin DTP hoặc Quinvaxem: Mũi thứ 1: tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng; Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng; Mũi thứ 4: khi trẻ 18 tháng tuổi.

 Thu Hiền - Thanh Hoa

tin mới

Bệnh viện ĐKTP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

(Baonghean.vn) - Cụ bà 88 tuổi (Thanh Chương) bị hoại tử đầu ngón chân phải, cùng với bệnh lý nền phức tạp, đã đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên một thời gian nhưng không đỡ. Vừa qua, bà may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn chân lành lặn.

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

(Baonghean.vn) - Hiện nay, các bệnh lý tiêu hóa ngày càng phổ biến vì những thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý và căng thẳng tâm lý gây nên. Phương pháp nội soi dạ dày và đại tràng thường được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý này. Vậy có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc?

Loãng xương

Chế độ ăn cho người bệnh loãng xương

Chế độ ăn đúng giúp phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương hiệu quả. Do đó, việc đảm bảo dinh dưỡng đối với những người mắc bệnh cơ xương khớp nói chung và người mắc bệnh loãng xương nói riêng là rất quan trọng.