Sự hủy hoại của chất độc da cam ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Chất độc da cam có chứa dioxin là một chất độc cực mạnh, rất bền vững, khó phân hủy, làm cho đất và nguồn nước bị ô nhiễm nặng, cây rừng bị hủy diệt.

Phá hủy rừng, làm mất cân bằng sinh thái môi trường:

Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn từ 1965 - 1971, quân đội Mỹ đã dùng nhiều loại chất diệt cỏ, làm trụi lá cây nhằm phá hoại Việt Nam về quân sự và kinh tế với 3 loại chất độc hóa học chủ yếu: Chất độc da cam, chất trắng dùng để phá hủy rừng, chất xanh dùng để phá hoại mùa màng.

Tổng cộng Mỹ đã rải 72 triệu lít chất diệt cỏ (bao gồm 44 triệu lít chất da cam, 20 triệu lít chất trắng, 8 triệu lít chất xanh) lên 1,7 triệu ha đất trồng và rừng ở miền Nam Việt Nam, ít nhất có 12% diện tích rừng, 5% diện tích đất trồng trọt bị rải chất độc da cam một hay nhiều lần.

Các chất diệt cỏ, làm trụi lá lần đầu tiên trong lịch sử loài người, được dùng với quy mô lớn ở miền Nam Việt Nam đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường sinh thái và con người.

Chất độc màu da cam có chứa dioxin, là một chất độc cực mạnh, rất bền vững, khó phân huỷ. Ảnh: Internet
Chất độc da cam có chứa dioxin, là một chất độc cực mạnh, rất bền vững, khó phân huỷ. Ảnh: Internet

Hàng triệu ha rừng ở nội địa và rừng ngập mặn ở ven bờ bị rải chất độc da cam nhiều lần. Ngay sau khi bị rải chất diệt cỏ với nồng độ cao lần thứ nhất, đã có 10 - 20% số cây thuộc tầng cao nhất (chiếm 40 - 60% sinh khối của rừng) bị chết. Hậu quả là khí hậu ở tầng thấp bị thay đổi, vì độ ẩm giảm, cường độ chiếu sáng tăng, nên các cây non dù có sống sót cũng khó phát triển.

Đến mùa khô, lửa rừng do bom đạn lan đến diệt luôn cả cây con. Tiếp theo mùa mưa đất bị xói mòn, thoái hoá dần, chỉ có một số loài thực vật ưa sáng như chíp, chè vè, lau, tre, nứa, là những loài cây có bộ rễ phát triển mạnh, thân ngầm khoẻ, chịu được khô cằn có thể mọc được. Nhiều vùng rừng bị nhiễm chất độc quá nặng, cho đến nay, vẫn chưa có cây gì mọc lại.

Cây rừng bị trụi lá và nước bị ô nhiễm cũng ảnh hưởng đến động vật. Động vật chết vì thiếu thức ăn, vì không có nơi trú ẩn, vì uống nước bị nhiễm độc. Những con sống sót phải di chuyển tới những nơi khác, cho dù điều kiện sống ở những nơi mới đó không hoàn toàn thuận lợi cho chúng. Có thể nói rằng hệ sinh thái rừng mưa phong phú đã hoàn hoàn biến mất, thay vào đó là hệ sinh thái nghèo kiệt xơ xác.

Những nơi rừng mọc lại, bụi lau, tre, nứa là nơi ẩn nấp tốt cho họ hàng nhà chuột. Thiên địch của chuột là cầy, cáo còn lại rất ít, hơn nữa sức sinh sản của chúng không thể so sánh được với sức sinh sản của chuột. Kết quả những nơi đó chuột chiếm ưu thế. Tóm lại, chất diệt cỏ làm mất cân bằng sinh thái môi trường.

Hệ thống rừng ngập mặn ở miền Nam, đặc biệt là rừng Sát (ở phía Đông Bắc thành phố Hồ Chí Minh) và rừng ở huyện Năm Căn (Minh Hải) bị phá huỷ nặng nề. Nguồn cung cấp gỗ cho người không còn, động vật không có nơi sinh sống, vai trò to lớn của rừng ngập mặn trong giữ đất, lấn biển bị giảm sút.

Chất diệt cỏ còn tác động rất xấu đến con người:

Nhân dân sống trong vùng bị rải chất diệt cỏ thiếu ăn vì mùa màng, cây cối bị phá huỷ. Nhiều dân thường, bộ đội sống trong vùng bị rải chất độc hoá học đã bị mắc các bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là ung thư. Nhiều phụ nữ bị sảy thai, đẻ non. 

Máy bay Mỹ rải chất độc màu da cam trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: The New York Times
Máy bay Mỹ rải chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: The New York Times


Nguy hiểm hơn cả là chất độc da cam đã để lại di chứng cho đời sau, con cái của những người bị nhiễm chất độc hoá học, mặc dù sinh ra sau chiến tranh, thậm chí ở rất xa nơi có chiến sự, cũng mắc các bệnh hiểm nghèo như câm, mù, điếc, tâm thần... hoặc có hình hài dị dạng. 

Sự tồn tại của hàng loạt các trẻ em dị tật trong các vùng bị nhiễm chất độc và trong các gia đình cựu chiến binh có bố hoặc mẹ từng công tác, chiến đấu trong vùng bị nhiễm chất độc da cam, đang trở thành nỗi đau và gánh nặng to lớn không chỉ riêng cho các em và gia đình, mà còn cho cả xã hội. 

17 bệnh liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học:

1. Ung thư phần mềm (Soft tissue sarcoma)

2. U lympho không Hodgkin (Non – Hodgkin’s lymphoma)

3. U lympho Hodgkin (Hodgkin’s disease)

4. Ung thư phế quản - phổi (Lung and Bronchus cancer)

5. Ung thư khí quản (Trachea cancer)

6. Ung thư thanh quản (Larynx cancer)

7. Ung thư tiền liệt tuyến (Prostate cancer)

8. Ung thư gan nguyên phát (Primary liver cancers)

9. Bệnh đa u tủy xương ác tính (Kahler’s disease)

10. Bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính (Acute and subacute peripheral neuropathy)

11. Tật gai sống chẻ đôi (Spina Bifida)

12. Bệnh trứng cá do clo (Chloracne)

13. Bệnh đái tháo đường type 2 (Type 2 Diabetes)

14. Bệnh Porphyrin xuất hiện chậm (Porphyria cutanea tarda)

15. Các bất thường sinh sản (Unusual births)

16. Các dị dạng, dị tật bẩm sinh (đối với con của người bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin)

17. Rối loạn tâm thần (Mental disorders)

Hoa Lê

(Tổng hợp)

tin mới

Bệnh viện ĐKTP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

(Baonghean.vn) - Cụ bà 88 tuổi (Thanh Chương) bị hoại tử đầu ngón chân phải, cùng với bệnh lý nền phức tạp, đã đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên một thời gian nhưng không đỡ. Vừa qua, bà may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn chân lành lặn.

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

(Baonghean.vn) - Hiện nay, các bệnh lý tiêu hóa ngày càng phổ biến vì những thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý và căng thẳng tâm lý gây nên. Phương pháp nội soi dạ dày và đại tràng thường được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý này. Vậy có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc?

Loãng xương

Chế độ ăn cho người bệnh loãng xương

Chế độ ăn đúng giúp phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương hiệu quả. Do đó, việc đảm bảo dinh dưỡng đối với những người mắc bệnh cơ xương khớp nói chung và người mắc bệnh loãng xương nói riêng là rất quan trọng.