Yến sào bổ dưỡng nhưng bạn đã biết cách dùng chưa?
Chim yến có nhiều loại, có nhiều cách làm tổ khác nhau nên yến sào cũng rất đa dạng. Tuy nhiên, nếu biết cách sử dụng đúng thì đều mang lại lợi ích cho sức khỏe.
1. Phân loại yến sào
Yến sào hay còn gọi là tổ yến. Có nhiều loại chim yến khác nhau, cách làm tổ cũng khác nhau.
Một số làm tổ bằng lông, một số khác làm tổ bằng cỏ hay rơm rạ. Chỉ có hai loại yến là Aerodramus và Aerodramus maximus làm tổ bằng nước bọt, và chỉ có loại tổ này là có thể sử dụng làm thực phẩm.
Chim yến bắt đầu làm tổ vào mùa sinh sản (từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 5). Tổ được làm trong khoảng 33 - 35 ngày, được xây hình dạng như cái bát dính vào thành hang đá (hay tường, xà nhà). Tổ yến bao gồm nhiều phiến mỏng, dệt từ nhiều sợi tơ bằng nước bọt chim yến bện vào nhau.
2. Phân loại tổ yến theo nguồn gốc
Tổ yến hoang/trong động
Hai loài yến thường sống trong các hang động là loài yến Fuciphaga (dân gian gọi là yến hàng) và yến Maxima (yến tổ đen), nhưng chỉ có loại tổ yến của yến hàng là được biết dưới tên Wild/Cave Nest (yến hoang/trong động) trên thị trường.
Có thể vì do tính chất nguy hiểm của việc lấy tổ yến trong hang động nên loại tổ yến này thường có giá cao nhất so với các loại tổ yến khác trên thị trường.
Tổ yến trong động với những điều kiện tự nhiên đặc thù thường có hình dạng giống như một cái chén, thân dày và chân cứng. Hình dạng tổ giống như chén sẽ giúp bảo vệ trứng hoặc yến non không bị các loài vật khác ăn mất và tránh thời tiết khắc nghiệt.
Chân tổ yến cần cứng để có thể gắn chặt vào tường vì các hang động thường có độ ẩm cao. Tổ yến loại này được tìm thấy ở Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Tổ yến trong nhà
Tổ yến của loài yến Esculanta là loại yến thường thấy ở các nhà nuôi yến. Nhiều người vẫn nghĩ rằng yến nhà là yến có thể nuôi được nhưng trong thực tế chúng ta chỉ có thể dựa vào kỹ thuật xây dựng và thiết kế để dẫn dụ chim yến vào nhà làm tổ chứ không thể cho chúng ăn như kiểu nuôi gà công nghiệp.
3. Phân loại yến sào theo màu sắc
Lý do tại sao tổ yến có màu khác nhau vẫn còn là một đề tài tranh luận. Theo dân gian Việt Nam người ta tin rằng những con chim yến già hoặc chim yến trong mùa thức ăn thiếu phải dùng máu của mình hòa cùng nước bọt để xây tổ. Điều này lý giải cho màu sắc đỏ hoặc hồng cũng như độ nở kém của yến huyết so với bạch yến.
Tuy nhiên nhiều giả thuyết về điều kiện nhiệt độ, độ ẩm hoặc thức ăn của yến tạo ra yến huyết vẫn đang được nghiên cứu. Ngoài ra khi tổ bạch yến được làm trên các vách đá có màu đỏ và thấm nước rỉ ra từ các khe đá cũng tạo ra màu đỏ của tổ yến. Tuy nhiên loại yến huyết do vách đá này có độ nở khi ngâm nước tương đương với bạch yến (tức 7 – 9 lần).
4. Những trường hợp nên và không nên dùng yến sào
- Người trẻ khỏe mạnh có khả năng hấp thụ tốt thì việc ăn tổ yến hàng ngày có thể sẽ không quá ảnh hưởng.
- Người cao tuổi, sử dụng liên tục tổ yến sẽ có tác động xấu đến hệ thống tiêu hóa.
- Cách sử dụng tổ yến một cách không khoa học sẽ làm khó chịu, chướng bụng. Về lâu về dài, điều này có thể gây ra khó tiêu và các hậu quả không mong muốn khác tác động đến hệ tiêu hóa.
- Những trường hợp sau không nên dùng yến sào: Người bị cảm mạo, sốt nhức đầu, đau bụng do lạnh hoặc đầy bụng, ho nhiều đàm loãng;
Người có triệu chứng viêm da, viêm phế quản cấp, viêm nhiễm tiết niệu, sốt thực nhiệt;
Người gầy yếu, cơ thể xanh xao, tỳ vị hoạt động yếu, không hấp thu được thực phẩm, dưỡng chất; người dương hư, tiểu lỏng, nước tiểu trong; trẻ em dưới 07 tháng tuổi hoặc đang bị sốt...
Những người nói trên không nên dùng yến sào vì họ không thể hấp thu các thực phẩm chứa quá nhiều chất dinh dưỡng, nhiều chất đạm như tổ yến, dễ làm bệnh trở nên trầm trọng hơn.
5. Liều lượng sử dụng yến sào hợp lý
Trẻ em 1- 4 tuổi: 1-2 g tổ yến tinh/ngày.Trẻ em 4 tuổi trở lên, phụ nữ mang thai, và thanh niên: 2-3 g yến tinh/ngày.Người già, người có bệnh (đái tháo đường, ung thư, mới ốm dậy…): 3-4g yến tinh/ngày.
Nhiều người coi yến sào như một phương thuốc và lầm tưởng rằng có thể sử dụng để chữa bệnh. Hãy nhớ rằng, yến sào là một loại thực phẩm bổ dưỡng và có nhiều tác dụng, chúng được sử dụng như một loại thực phẩm chức năng. Do đó, không nên lạm dụng./.