Yên Thành: Hệ lụy từ thị trường nấm lậu

07/03/2014 15:43

(Baonghean) - Thông tin nấm không rõ nguồn gốc đội lốt hàng sản xuất tại Việt Nam ngang nhiên bày bán trên thị trường đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm; các hộ sản xuất nấm trên địa bàn huyện Yên Thành đang băn khoăn lo lắng bởi sức tiêu thụ cũng bị giảm đáng kể.

Nghề trồng nấm bắt đầu du nhập vào huyện Yên Thành từ năm 2010, đến nay đã được nhân rộng ra 22/39 xã trên toàn huyện; đã góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều bà con. Riêng sản xuất vụ đông xuân 2014, sản lượng nấm rơm của Yên Thành ước đạt từ 130-140 tấn, với các loại như: nấm sò tím, nấm mỡ, nấm rơm, mộc nhĩ… Các loại nấm sản xuất trên địa bàn huyện được Trung tâm Y tế Yên Thành và nhiều ngành liên quan xác nhận là sản phẩm sạch, giàu giá trị dinh dưỡng và đã được tiêu thụ khá rộng rãi trên thị trường nội tỉnh, trong nước.

Ông Thái Đình Cầu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện, thành viên Ban chỉ đạo sản xuất nấm của UBND huyện Yên Thành, cho biết: “Sản phẩm nấm trên địa bàn Yên Thành tiêu thụ chủ yếu là nấm tươi và chỉ bảo quản trong 1 đến 2 ngày, nếu như bảo quản trong tủ lạnh cũng chỉ tối đa 5-7 ngày. Trên địa bàn huyện sản xuất được nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ… đã được khẳng định có dinh dưỡng rất cao, phù hợp cho cả những người bị tiểu đường và bệnh gút, ăn dễ tiêu. Nấm được sản xuất trong điều kiện rất sạch từ môi trường, nước tưới và không dùng bất cứ một hoá chất nào; các hộ sản xuất đã được Trung tâm Y tế huyện cấp giấy chứng nhận an toàn VSTP”.

Mô hình sản xuất nấm của gia đình chị Đặng Thị Kỷ  (xã Long Thành, Yên Thành).
Mô hình sản xuất nấm của gia đình chị Đặng Thị Kỷ (xã Long Thành, Yên Thành).

Mặc dù các loại nấm sản xuất được trên địa bàn huyện Yên Thành đã được các ngành chức năng công nhận là loại thực phẩm sạch, an toàn, phù hợp với sức khoẻ của mọi lứa tuổi. Nhưng ngay sau khi có thông tin sản phẩm nấm không rõ nguồn gốc đội lốt hàng sản xuất tại Việt Nam ngang nhiên bày bán trong các siêu thị lớn, thì sức tiêu thụ các sản phẩm nấm sản xuất ở Yên Thành giảm hẳn, thậm chí còn gây tâm lý hoang mang cho cả những hộ sản xuất nấm trên địa bàn.

Chúng tôi đến mô hình làm nấm của gia đình chị Đặng Thị Kỷ - xóm Quang Trung - xã Long Thành là mô hình trong năm 2013 mỗi ngày sản xuất được 40 kg nấm sò và nấm mỡ, mang lại giá trị thu nhập trên 500 nghìn đồng/ ngày, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó và đã góp phần tạo việc làm theo mùa vụ cho 10 lao động. Chị Kỷ cho biết thêm: “Là hộ thường xuyên sản xuất nấm ở Long Thành, gia đình tôi cũng rất băn khoăn trước thông tin nấm nhập lậu tràn vào Việt Nam đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến mức tiêu thụ nấm trên địa bàn. Chúng tôi đề nghị các ban, ngành liên quan sớm làm rõ sự việc giúp các hộ sản xuất nấm trên địa bàn yên tâm trồng nấm”.

Sản phẩm nấm thông thường sau khi được đóng gói chỉ sử dụng được trong 1 tuần với điều kiện bảo quản ở nhiệt độ thấp. Quá thời hạn trên, trong nấm tươi có thể tồn tại các loại vi khuẩn gây bệnh và các ký sinh trùng, đặc biệt là có những loại độc tố vi khuẩn nguy hiểm, ảnh hưởng ngay đến hệ tiêu hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì thế thông tin nấm lậu trên thị trường khiến người tiêu dùng rất lo lắng về chất lượng sản phẩm nấm hiện nay.

Theo tìm hiểu thì các loại nấm như nấm ngọc trâm, nấm kim châm, nấm đùi gà là các loại nấm cao cấp; điều kiện sản xuất các loại nấm này ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, mà chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc. Ông Thái Đình Cầu cho biết thêm: “Trong lúc có thông tin về nấm không rõ nguồn gốc, thì chúng tôi khuyến cáo bà con đối với những loại nấm lạ không tổ chức sản xuất trên địa bàn như nấm kim châm, nấm đùi gà thì không nên mua; bà con cần nhận thức rõ khuyến cáo của các cơ quan truyền thông giữa nấm nhập ngoại và nấm sản xuất trên địa bàn để an tâm tiêu dùng, nhằm vừa tăng sức khoẻ cho mình, vừa góp phần thúc đẩy nghề sản xuất nấm trên địa bàn phát triển bền vững...”.

Để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, huyện Yên Thành đang từng bước đưa nghề trồng nấm phát triển hướng bền vững. Trước những thông tin và dư luận về cạnh tranh thị trường nấm nói trên, mong rằng các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra việc lưu hành, chất lượng của các sản phẩm nấm trên thị trường, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tới các cơ sở sản xuất nấm của địa phương.

Hồng Nhung – Thái Hồng (Đài Yên Thành)

Mới nhất
x
Yên Thành: Hệ lụy từ thị trường nấm lậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO