Yên Thành khẩn trương thu hoạch lúa hè thu chạy lụt
(Baonghean.vn) - Sáng nay 07/9, ở huyện Yên Thành mưa đã nhẹ hạt, nhưng trên cánh đồng các xã vùng trũng: Khánh Thành, Long Thành, Vĩnh Thành, Viên Thành, Nam Thành, Trung Thành… lúa hè thu đến ngày thu hoạch vẫn chìm trong biển nước.
Trở lại xã Khánh Thành sau một buổi chiều mưa như xối nước, lúc này dòng sông Vũ Giang đã rút được khoảng 30 cm, nhưng ngoài các cánh đồng thì nước ngập sâu hơn hôm qua gần 1 m nước. Người dân 6 xóm ở đây vẫn bị cô lập, học sinh đang phải tiếp tục nghỉ học, vì giao thông chia cắt và nước đã ngập cả sân trường tới 40 cm. Những người già được địa phương và con em chuyển đi nơi ở an toàn vẫn chưa thể trở về nhà.
Lúa gặt về rồi cũng bị ngâm trong nước.
Ông Phan Văn Hải – Chủ tịch UBND xã Khánh Thành, cho biết, đến sáng ngày 07/9, toàn bộ 328 ha lúa hè thu bị ngập nước (trong đó đã thu hoạch được 1/3 diện tích), có 2/3 ngập sâu từ 1 – 1,5 m. Tuyến đê dọc kênh Vũ Giang và kênh Biên Hòa bị sạt lở 7 điểm. Toàn bộ ao cá của xã mất trắng; hàng nghìn gia cầm bị nước cuối trôi, trong đó trang trại của anh Nam ở xóm Phú Tập bị trôi 60 con lợn choai. Hiện nay 6 xóm vẫn bị nước chia cắt.
Ở Khánh Thành có trường hợp ông Hùng ở xóm Phú Văn, chiều ngày 05/9 cả gia đình ra đồng gặt được 2 sào lúa, bó sẵn để trên bờ, chưa kịp chuyển về thì nửa đêm 06/9 lụt về trôi hết. Kể cả những gia đình đưa được lúa về nhà cũng ngâm trong nước.
Ông Nguyễn Đình Minh, có trang trại ở khu vực cánh đồng vùng 5 của xóm Phú Văn, cấy 8 sào lúa hè thu, 1.000 m2 ao cá; lụt về, toàn bộ tài sản đó coi như mất trắng. Ông Minh cởi áo lội ra đồng lúa, nước lút đầu người, nghĩa là lúa đang ngập sâu tới 1,5 m. Từ nhỏ sống chung với lũ lụt, nên ông Minh kinh nghiệm là khi nước sông rút thì nước ngoài đồng dâng lên và ngược lại. Tình trạng thời tiết như thế này thì lúa của Khánh Thành còn ngập sâu trong nước ít nhất 5 ngày nữa. Do vậy khi nước rút, trên bông lúa bám đầy phù sa, hạt lúa nảy mầm, coi như mất trắng. Theo người dân Khánh Thành thì trận lụt này chưa lớn lắm, nhưng do lũ về quá nhanh, lại lúc nửa đêm nên không kịp trở tay.
Ông Lê Công Đẩu – Chủ tịch UBND xã Long Thành, cho biết nhanh: Toàn xã có 750 ha lúa hè thu đã đến ngày thu hoạch, dự kiến đạt 52 tạ/ha, bà con mới gặt được 15% diện tích thì nay đã ngập sâu trong nước. Có những cánh đồng ngập sâu tới gần 2 m. Đến sáng ngày 07/9 thì 17/17 xóm của xã bị nước cô lập hoàn toàn, phần lớn số hộ đều bị nước vào nhà. Do đi lại khó khăn nên chính quyền địa phương mới tiếp cận với một số gia đình đặc biệt khó khăn khu vực gần UBND xã để hỗ trợ mì tôm. Thống kê, hiện nay Long Thành có gần 400 gia đình thuộc diện khó khăn, cần được hỗ trợ khẩn cấp.
Hàng nghìn ha lúa hè thu của Yên Thành ngập sâu trong nước, làm nơi đánh bắt cá cho dân.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện, đến trưa ngày 7/9, toàn huyện đã có 13 xã thiệt hại do mưa lũ đợt này gây ra. Đã có 4.854 ha lúa mùa, lúa hè thu ngập nước. Trong đó có khoảng 17 ha lúa của Mỹ Thành và 40 ha lúa của Quang Thành xác định mất trắng, vì trổ bông đúng dịp ngập lụt. 1 trạm biến thế điện ở xã Phú Thành bị cháy; tuyến đường 7 bị ngập đoạn qua xã Công Thành, Khánh Thành, Vĩnh Thành, các phương tiện tham gia giao thông không qua lại được; tuyến đường 538 và 534 cũng ngập nước nhiều đoạn. 3.242 con gia cầm, gia súc bị chết và cuốn trôi, 332,4 ha ao hồ bị ngập. Nhiều đoạn trên đê Vĩnh Viên, đê Vũ Giang, đê Sông Dinh… ngập và sạt lở. Các tuyến đường vào trung tâm xã Hùng Thành, Kim Thành, Minh Thành… cũng bị sạt lở, với khối lượng hàng nghìn m3. Tại xã Nam Thành có 2 người bị thương, là ông Nguyễn Hữu Minh và ông Nguyễn Văn Châu đều ở xóm Lâm Thành, do trong quá trình vận chuyển gia súc tránh lụt.
Ông Nguyễn Tiến Lợi – Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, cho biết: Trận lụt này đã gây thiệt hại rất lớn cho người dân Yên Thành, đặc biệt là hàng nghìn ha lúa hè thu tưởng rằng ăn chắc, thì lại ngập lụt nghiêm trọng. Giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ của Yên Thành là phân công trực ban 24/24 giờ để theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ. UBND huyện ban hành công điện khẩn chỉ đạo phòng, chống mưa lũ. Phân công các đồng chí trong ban chỉ đạo đi kiểm tra cơ sở. Giao cho Huyện đội xuống nơi ách yếu, bị cô lập để kịp thời hỗ trợ người dân. Giao cho Chủ tịch UBND các xã thực hiện phương châm 4 tại chỗ. Điều động máy móc của các doanh nghiệp trên địa bàn để xử lý các điểm sạt lở. Các xã bị ngập úng không đi lại được thì cho học sinh nghỉ học. Các xã bị ngập sâu, phải có phương án di dời dân đến nơi an toàn. Những địa phương có hồ đập, phối hợp với Công ty Thủy nông Bắc kiểm tra và xử lý sự cố. Nước rút đến đâu thì bà con tranh thủ gặt ngay, đồng thời các địa phương bố trí lực lượng khơi thông dòng chảy tại các kênh mương và sau đó là tập trung phòng chống dịch bệnh cho người và vật nuôi.
Xuân Hoàng