Yên Thành phấn đấu về đích huyện nông thôn mới nâng cao năm 2024
Đồng chí Lê Thị Hoài Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Thành trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.
Phóng viên: Thưa đồng chí, bằng những nỗ lực, trong năm 2024 huyện Yên Thành quyết tâm về đích nông thôn mới nâng cao, vượt trước thời gian 1 năm. Đồng chí cho biết những kết quả đạt được?
Đồng chí Lê Thị Hoài Chung: Sau thành tích ấn tượng 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, từ năm 2020 đến nay, huyện Yên Thành tiếp tục dồn lực thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với mục tiêu xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.
Tính đến thời điểm này việc thực hiện Đề án "Xây dựng huyện Yên Thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đến năm 2025 và định hướng xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2030” đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể: Đến nay, đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện Yên Thành đã được UBND tỉnh bỏ phiếu thông qua, công nhận 21/38 xã đạt chuẩn theo bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, đạt tỷ lệ 55,26%. So với toàn tỉnh Nghệ An, huyện Yên Thành đã đạt 21/83 xã nông thôn mới nâng cao, chiếm tỷ lệ 25,3% toàn tỉnh.
Đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu: Huyện Yên Thành đã đạt 3/38 xã đạt chuẩn theo bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. So với toàn tỉnh, đã đạt 3/12 xã nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm 25% toàn tỉnh. Toàn huyện có 11 xã đạt 19 tiêu chí, đạt tỷ lệ 28,95%; 10 xã đạt từ 16-18 tiêu chí, đạt tỷ lệ 26,32%; 10 xã đạt tỷ lệ từ 10-15 tiêu chí, đạt tỷ lệ 26,32%; còn 7 xã đạt tỷ lệ từ 7-9 tiêu chí, đạt tỷ lệ 18,42%.
Như vậy, với mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, huyện đã vượt 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao so với mục tiêu và hoàn thành trước 2 năm so với mục tiêu của đề án đề ra. Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, đã đạt và hoàn thành trước 2 năm so với mục tiêu của đề án đề ra. Theo tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện, dự kiến đến hết năm 2024, huyện sẽ hoàn thành mục tiêu này.
Bên cạnh huy động mọi nguồn lực xã hội trong xây dựng nông thôn mới, huyện và cấp xã đã tập trung ban hành cơ chế hỗ trợ để tạo tiền đề cho việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu cấp xã như: Xây dựng hệ thống giao thông, hạ tầng kết nối đồng bộ. Trong năm 2024, huyện có cơ chế, chính sách cấp 7.300 tấn xi măng cho các xã đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Xây dựng, nâng cấp được 8 hồ chứa, kiên cố hóa 21 km kênh mương, nâng cấp hàng chục km đường giao thông liên xã. Phối hợp với các doanh nghiệp giải quyết việc làm cho trên 5.450 lao động. Về tổ chức sản xuất, đã xây dựng được 46 mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, có 34 sản phẩm được công nhận OCOP. Thu nhập bình quân đầu người đạt 64,5 triệu đồng/năm.
Để hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, từ năm 2023 đến nay, huyện Yên Thành đã huy động được tổng nguồn lực hơn hàng nghìn tỷ đồng, trong đó, nhân dân tự nguyện tham gia đóng góp hơn 17,95%. Các nguồn vốn được quản lý chặt chẽ, đúng mục đích, bảo đảm hiệu quả, trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với sản xuất và dân sinh.
Để đạt được kết quả trên, thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy phân công các đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, phụ trách các cụm điểm để hướng dẫn các xã xây dựng kế hoạch, lộ trình. Rà soát, đánh giá, đối chiếu kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định. Từ đó, có kế hoạch thực hiện, duy trì, nâng cao chất lượng và hoàn thiện toàn bộ các tiêu chí, đáp ứng yêu cầu, tiến độ đề ra.
Tuy nhiên, vẫn đang còn những khó khăn về vấn đề môi trường, như xử lý chất thải rắn, nước sạch tập trung cho người dân. Hiện nay, huyện chưa quy hoạch xây dựng được nhà máy xử lý rác thải.
Phóng viên: Để đẩy nhanh tiến độ về đích huyện nông thôn mới nâng cao năm 2024, huyện Yên Thành cần tập trung vào những giải pháp gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Thị Hoài Chung: Với định hướng chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển nông nghiệp, thời gian tới, huyện Yên Thành tiếp tục tổ chức thực hiện Đề án "Xây dựng huyện Yên Thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đến năm 2025 và định hướng xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2030"; Đề án "Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ trên địa bàn huyện Yên Thành đến năm 2025 định hướng đến năm 2030" đảm bảo theo tiến độ đã đề ra.
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND ngày 7/7/2023 của HĐND tỉnh Nghệ An quy định một số cơ chế, chính sách thực hiện các đề án trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội huyện Yên Thành.
Trên cơ sở đó huyện chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp sau: Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Ban Chỉ đạo bám sát điểm chỉ đạo được phân công để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc tiến độ thực hiện đảm bảo đạt chuẩn theo kế hoạch đã đề ra.
Rà soát đánh giá các tiêu chí để từ đó tìm hướng tháo gỡ khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tập trung ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; xác định chuyển đổi số là nội dung trọng tâm, yêu cầu tất yếu, là giải pháp công nghệ trong xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và bền vững của tiêu chí và hướng đến xây dựng nông thôn mới thông minh.
Xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư, huy động nguồn vốn của các tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân, con em làm ăn xa quê hương để đầu tư kết cấu hạ tầng như giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, phát triển sản xuất. Lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình dự án khác trên địa bàn.
Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và phải tạo được môi trường để người dân phát huy được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới; qua đó, xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể, có lộ trình, thứ tự ưu tiên phù hợp cho từng giai đoạn, để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Chỉ đạo rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế, đảm bảo phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của tỉnh. Ưu tiên bố trí nguồn ngân sách các cấp, lồng ghép các chương trình, dự án để xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị, nêu cao tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên; quy tụ được sự đoàn kết, đồng thuận của nhân dân, để hưởng ứng phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới nâng cao”. Thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới cấp xã; giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất nhằm giúp các xã khắc phục khó khăn, hoàn thành mục tiêu kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu sớm hơn lộ trình.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!