Yêu cầu định danh tài khoản Facebook, YouTube, TikTok: Nhận được nhiều ủng hộ
Đa số người dùng đều ủng hộ việc yêu cầu định danh tất cả chủ tài khoản Facebook, TikTok và YouTube, nhưng vẫn còn đó nỗi lo làm sao dẹp được vấn nạn tài khoản "ảo" trên các nền tảng này.
Sẽ tuân thủ nghiêm túc
Ngày 8/5, phát biểu tại phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức phải thực hiện việc định danh - áp dụng cho cả mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok… Quy định này đã được đưa vào nghị định thay thế các nghị định về quản lý và sử dụng thông tin trên mạng đang được sửa đổi và sẽ ban hành trong năm 2023, nhằm ngăn chặn các đối tượng lợi dụng công nghệ để phạm tội trên không gian mạng.
Việc định danh tài khoản trên các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok là điều cần làm sớm. Ảnh: Trọng Đạt |
TikTok tại Việt Nam cho biết, nếu có quy định thì TikTok sẽ tuân thủ nghiêm túc. Cũng theo đại diện của TikTok, khi có cơ sở pháp lý, việc định danh tài khoản cá nhân trên nền tảng sẽ dễ dàng hơn và có thể làm một cách nhanh chóng. Bởi thực tế, tài khoản định danh có giá trị cao hơn tài khoản vãng lai rất nhiều, nhưng phải có khung pháp lý thì mới yêu cầu người dùng thực hiện được. Chẳng hạn như trên TikTok, thực tế với những tài khoản mua bán hàng thì có định danh chiếm khoảng 30%, còn lại khoảng 30% là các tài khoản “ảo”, ít được sử dụng.
Trong khi đó, phía Google không đưa ra bình luận gì vì đây là vấn đề liên quan đến thông tin cá nhân của người dùng. Nhưng theo anh T.S - một người đang quản lý nhiều kênh giải trí lớn trên YouTube tại TP.HCM, các tài khoản YouTube của Google đều đã thực hiện định danh, bởi nếu người dùng không tiến hành xác minh sẽ bị hạn chế rất nhiều thứ, ví dụ việc upload (đăng tải) các nội dung video có thời gian dài. Nền tảng này sẽ định danh cơ bản bằng số điện thoại và gần như quản lý được người dùng đang hoạt động trên đó. Anh T.S cũng ủng hộ việc cơ quan chức năng yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới định danh tài khoản của người dùng, bởi sẽ giảm bớt được tình trạng lừa đảo online đang diễn ra gây nhức nhối cho xã hội trong thời gian qua.
Riêng với mạng xã hội Facebook, VietNamNet cũng đã gửi câu hỏi và đang chờ phản hồi về việc yêu cầu định danh tài khoản người dùng. Thực tế từ trước đến nay khi người dùng tại Việt Nam đăng ký tài khoản Facebook đều được yêu cầu xác minh bằng giấy tờ do nhà nước cấp như chứng minh nhân dân, căn cước công dân hay hộ chiếu và khuyến khích các tài khoản phải dùng tên thật. Người dùng xác minh tài khoản khi gặp sự cố sẽ được nền tảng hỗ trợ, còn nếu không tài khoản đó sẽ không thể khôi phục khi bị hack, hay biến mất khi có các đợt càn quét tài khoản “ảo”.
Rất nhiều người dùng cũng đã thể hiện sự đồng tình về việc định danh tài khoản này, họ cho rằng nếu làm tốt sẽ hạn chế được tình trạng lừa đảo, tin giả… Chủ tài khoản sẽ có trách nhiệm hơn với thông tin mình đưa lên trên các mạng xã hội. Theo ông Nguyễn Duy Vĩ - Giám đốc Công ty Truyền thông Buzi tại TP.HCM, việc thực hiện định danh sẽ giúp cho môi trường thông tin trên các mạng xã hội trở nên lành mạnh hơn.
“Không định danh người ta có thể vô tư đưa các thông tin tiêu cực, hay thậm chí lập ra các hội nhóm chia sẻ thông tin dạng "đánh đấm, cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp một cách vô tư mà không quan tâm đến hậu quả do mình gây ra, vì thế cần sớm định danh người dùng trên mạng xã hội để hạn chế tình trạng này”, ông Vĩ chia sẻ thêm.
Vẫn còn vấn nạn tài khoản “ảo”
Theo anh Khôi Nguyễn, một người đang làm các dịch vụ mạng xã hội tại TP.HCM, điều đáng lo ở đây là người dùng vẫn có thể dùng hình thức định danh “ảo”, kiểu như dùng các công cụ (tool) tạo ra hàng loạt các giấy tờ giả do cơ quan chức năng cung cấp… để xác minh. Với cách thức này, họ vẫn có thể “lách” để tạo ra hàng loạt tài khoản giả mạo trên các mạng xã hội.
Anh T.S cũng cho rằng, để dẹp được các tài khoản “ảo” hiện nay là một điều vô cùng khó, có thể thấy từ TikTok đến các tính năng như Watch, Reels của Facebook, các tài khoản “ảo” được tạo ra vô vàn và ngay cả các mạng xã hội này cũng không cản nổi. Những người làm nghề kiếm tiền trên mạng (MMO) có rất nhiều cách để khai thác lỗ hổng của các nền tảng để kiếm tiền trên đó hoặc phục vụ các mục đích xấu. Bằng cách giả mạo IP hay lợi dụng các lỗ hổng trong các quy định lập tài khoản của các mạng xã hội xuyên biên giới, hàng loạt tài khoản “ảo” vẫn liên tục được tạo ra. Có thể thấy, hơn 80% các tài khoản “ảo” trên các mạng xã hội xuyên biên giới hiện nay được tạo phục vụ cho mục đích quảng cáo kiếm tiền, còn lại phục vụ cho các mục đích khác, trong đó có cả chính trị. Nên đây là một thách thức rất lớn cho cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, các ý kiến đều bày tỏ hy vọng: Dù khó nhưng cơ quan chức năng sẽ có các giải pháp để hạn chế tối đa trong thời gian tới tình trạng trên, bởi khi đã có khung pháp lý rõ ràng, sẽ có tính răn đe với các tổ chức, cá nhân vi phạm.