Yêu cầu doanh nghiệp Trường Linh phải trả lại dòng chảy tự nhiên cho sông Hiếu!

Nhật Lân 06/02/2020 08:40

(Baonghean.vn) - Sau khi Báo Nghệ An điện tử đăng tải bài viết “Ai cho phép Doanh nghiệp tư nhân Trường Linh chặn dòng sông Hiếu?”, Sở TN&MT đã tổ chức kiểm tra, rà soát và có văn bản yêu cầu Doanh nghiệp tư nhân Trường Linh phải khơi thông dòng chảy tự nhiên ban đầu của sông Hiếu.

Sở Tài nguyên và Môi trường vào cuộc

Ngày 16/1/2020, Báo Nghệ An điện tử đăng tải bài viết “Ai cho phép Doanh nghiệp tư nhân Trường Linh chặn dòng sông Hiếu?” phản ánh việc doanh nghiệp tư nhân Trường Linh tự ý dùng xe máy xúc đất đá chặn một nhánh sông Hiếu.

Hành vi này khiến sông Hiếu bị nắn dòng, gây sạt lở đất sản xuất và ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của nhân dân bản Kẻ Bọn, xã Châu Hạnh.

Ngày 5/2/2020, Sở TN&MT sau khi kiểm tra, rà soát đã có Văn bản số 456/STNMT-KS về việc xử lý thông tin Báo Nghệ An phản ánh.

Văn bản số 456/STNMT-KS về việc xử lý thông tin Báo phản ánh Doanh nghiệp TN Trường Linh đắp đê chặn dòng chảy sông Hiếu tại thị trấn Tân Lạc
Văn bản số 456/STNMT-KS của Sở TN&MT về việc xử lý thông tin Báo phản ánh Doanh nghiệp TN Trường Linh đắp đê chặn dòng chảy sông Hiếu. Ảnh: Nhật Lân

Nội dung công văn nêu rõ: Doanh nghiệp tư nhân Trường Linh được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực bãi bồi Sông Hiếu, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu theo Giấy phép số 5501/GP-UBND ngày 13/11/2017, diện tích 3 ha, thời hạn 18 năm. Sau khi được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, Doanh nghiệp được UBND tỉnh cho thuê đất sử dụng mục đích khai thác khoáng sản (tại Quyết định số 335/QĐ-UBND ngày 31/5/2018) và đã triển khai hoạt động khai thác khoáng sản theo giấy phép được cấp.

Theo nội dung phản ánh của Báo Nghệ An thì quá trình hoạt động khai thác, doanh nghiệp đã tự ý đắp đê kè chặn 1 nhánh dòng chảy sông Hiếu tại khối Tân Hương, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu làm ảnh hưởng dòng chảy sông Hiếu, gây sạt lở bờ sông là không phù hợp hồ sơ cấp phép và quy định pháp luật.

Người dân bản Kẻ Bọn, xã Châu Hạnh đưa PV Báo Nghệ An đi kiểm tra thực tế việc danh nghiệp tự ý đắp đê chặn dòng sông Hiếu. Ảnh: Nhật Lân
Người dân bản Kẻ Bọn, xã Châu Hạnh đưa PV Báo Nghệ An đi kiểm tra thực tế việc danh nghiệp tự ý đắp đê chặn dòng sông Hiếu. Ảnh: Nhật Lân

Sở TN&MT yêu cầu Doanh nghiệp tư nhân Trường Linh phục hồi nguyên trạng, khơi thông dòng chảy tự nhiên nhánh sông Hiếu đoạn qua khối Tân Hương, thị trấn Quỳ Châu đã bị đào đắp trong thời gian qua. Thời hạn xử lý trước ngày 28/02/2020; tổ chức khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động theo đúng hồ sơ thiết kế, bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời đề nghị UBND huyện Quỳ Châu chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan và UBND thị trấn Tân Lạc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và giám sát Doanh nghiệp tư nhân Trường Linh thực hiện phục hồi hiện trạng, khơi thông dòng chảy tự nhiên khu vực đã kè đập nêu trên; xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu Doanh nghiệp tư nhân Trường Linh không thực hiện khơi thông theo thời hạn nêu trên; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn, xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với các tổ chức vi phạm pháp luật. Kết quả đề nghị UBND huyện Quỳ Châu báo cáo UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và trả lời Báo Nghệ An trước ngày 29/02/2020.

Vị trí nhánh sông Hiếu bị doanh nghiệp đắp đê chặn dòng chảy. Ảnh: Nhật Lân
Vị trí nhánh sông Hiếu bị doanh nghiệp đắp đê chặn dòng chảy. Ảnh: Nhật Lân

Vi phạm nghiêm trọng

Trước đó, ngày 15/1/2020, công dân xã Châu Hạnh (Quỳ Châu) đã gọi vào Đường dây nóng Báo Nghệ An báo tin việc Doanh nghiệp tư nhân Trường Linh tự ý dùng xe máy xúc đất đá chặn một nhánh sông Hiếu. Hành vi này khiến sông Hiếu bị nắn dòng, gây sạt lở đất sản xuất và ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của nhân dân bản Kẻ Bọn, xã Châu Hạnh.

Xác minh thực tế, có sự việc như người dân thông tin. Nhánh sông Hiếu thuộc địa bàn khối Tân Hương, thị trấn Tân Lạc đã bị chặn dòng bởi một con đê nhỏ được dựng lên trong thời gian chưa lâu. Sông Hiếu vì vậy bị uốn gấp khúc, nước chảy xiết sang địa phận bản Kẻ Bọn, và đã có tình trạng lở đất sản xuất của người dân. Cũng tại khu vực này (thuộc địa giới khối Tân Hương) có một bến cát của Doanh nghiệp tư nhân Trường Linh đang hoạt động. Từ bến cát, có một lối đi xuống sông đã được đấu nối với cồn đất giữa sông. Từ thực tế này có thể nhận định, sở dĩ doanh nghiệp thực hiện chặn một nhánh sông là nhằm tạo đường vận chuyển từ các điểm khai thác lên bến cát.

Việc doanh nghiệp tự ý chặn dòng sông Hiếu đã có tác động xấu đến đất sản xuất của người dân bản Kẻ Bọn, xã Châu Hạnh. Ảnh: Nhật Lân
Việc doanh nghiệp tự ý chặn dòng sông Hiếu đã có tác động xấu đến đất sản xuất của người dân bản Kẻ Bọn, xã Châu Hạnh. Ảnh: Nhật Lân

Làm việc với UBND xã Châu Hạnh, PV Báo Nghệ An được thông tin, ngày 24/12/2019, xã này đã có Báo cáo số 298/BC-UBND gửi UBND huyện Quỳ Châu để báo cáo sự việc doanh nghiệp tự ý chặn dòng sông Hiếu. Tại Báo cáo số 298/BC-UBND có nêu: “Việc ngăn dòng sẽ gây sạt lở đất khi thủy điện xả nước hàng ngày và vào mùa mưa lũ, nguy cơ ảnh hưởng đến đất sản xuất và an toàn tính mạng cho người dân, làm cho nhân dân lo lắng bức xúc”.

Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh, anh Cao Hoàng Hải còn cho biết từng đề nghị UBND thị trấn Tân Lạc yêu cầu doanh nghiệp trả lại dòng chảy của sông Hiếu, nhưng đơn vị này nêu lý do bận công việc nên phải qua Tết âm lịch thì mới thực hiện.

Tuy nhiên qua kiểm tra, đến nay Doanh nghiệp tư nhân Trường Linh vẫn chưa dỡ bỏ, di dời các vật gây cản trở dòng chảy để trả lại dòng chảy tự nhiên của sông Hiếu. Vào ngày 3/2/2020, khi Nhà máy thủy điện Châu Thắng vận hành máy, nước sông Hiếu dâng cao, người dân bản Kẻ Bọn lại tiếp tục có ý kiến đến Đường dây nóng Báo Nghệ An.

Về hành vi tự ý đắp kè đê trên sông, gây ách tắc, thu hẹp dòng chảy của sông, là vi phạm các quy định của pháp luật. Tại khoản 5, Điều 24, Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3-4-2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản đã quy định rất rõ các mức xử phạt đối với tổ chức, cá nhân có vi phạm.

Chính quyền địa phương cơ sở cần phải xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật các thông tin, phản ánh của người dân. Có được như vậy, mới tránh tình trạng đơn thư vượt cấp
Chính quyền địa phương cơ sở cần phải xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật các thông tin, phản ánh của người dân. Có như vậy, mới tránh được tình trạng đơn thư vượt cấp. Trong ảnh: Công dân bản Kẻ Bọn phản ánh tình trạng doanh nghiệp tự ý chặn dòng sông Hiếu với PV Báo Nghệ An. Ảnh: Nhật Lân

Đó là, phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi gây thu hẹp dưới 20% mặt cắt ngang sông, suối, kênh, rạch; Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây thu hẹp từ 20% đến dưới 40% mặt cắt ngang sông, suối, kênh, rạch; Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi gây thu hẹp từ 40% đến dưới 50% mặt cắt ngang sông, suối, kênh, rạch; Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gây thu hẹp từ 50% mặt cắt ngang sông, suối, kênh, rạch trở lên.

Đồng thời, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm gây ra; buộc tháo dỡ công trình, dỡ bỏ, di dời các vật gây cản trở dòng chảy. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền phải xử lý nghiêm khắc với những vi phạm của Doanh nghiệp tư nhân Trường Linh để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Đồng thời qua đó, người dân bản Kẻ Bọn, xã Châu Hạnh được đảm bảo ổn định cuộc sống, không phát sinh tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Mới nhất

x
Yêu cầu doanh nghiệp Trường Linh phải trả lại dòng chảy tự nhiên cho sông Hiếu!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO