Yếu tố nào ảnh hưởng tới thu ngân sách quý I/2023 ở Nghệ An?

Trân Châu - Văn Trường 21/04/2023 07:22

(Baonghean.vn) - Nền kinh tế thế giới đối mặt với suy thoái, lạm phát đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp từ đó dẫn đến những khó khăn cho thu ngân sách quý 1/2023 của Nghệ An. 

Công ty CP An Sơn thuộc xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp, hiện đang tồn đọng trên 100 container (300m2 đá ốp lát/container). Ảnh: Văn Trường

Doanh nghiệp gặp khó

Tại địa bàn huyện Quỳ Hợp, thu ngân sách khó khăn do nhiều doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản không xuất bán được hàng, đang bị tồn kho khá nhiều. Như tại Công ty CP An Sơn thuộc xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp, hiện đang tồn đọng trên 100 container (300m2 đá ốp lát/container), ngoài ra còn có khá nhiều sản phẩm đá ốp lát để ngoài trời đã bị mốc.

Đại diện công ty này cho biết: Mặt hàng đá xẻ ốp lát lâu nay chủ yếu xuất bán sang thị trường các nước Trung Đông, Đài Loan, Trung Quốc, nhưng từ tháng 10/2022 đến nay, các nước bạn mua nhỏ giọt, giá rẻ. Để ứng phó với khó khăn, hiện nay chúng tôi vẫn phải hoạt động cầm chừng ở các xưởng xẻ đá, cố gắng tìm thị trường mới. Đồng thời, phải chuyển sang khai thác đá hộc để có thêm kinh phí nuôi công nhân, hàng tháng đóng thuế cho Nhà nước từ 250-300 triệu đồng/tháng.

Tồn kho đá ốp lát tại các cơ sở sản xuất chế biến đá ở huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Văn Trường

Cũng nằm trong tình trạng trên, một đơn vị chuyên chế biến đá ở xã Thọ Hợp (Quỳ Hợp) chia sẻ: Thời điểm sau Tết đến nay, đơn vị cũng đang tồn kho trên 20.000 tấn bột đá, trên 2.000 m2 đá ốp lát chưa xuất khẩu được. Hiện nay, chúng tôi đang tìm thị trường tiêu thụ nội địa ở trong nước, tuy nhiên, khó tìm được đầu ra. Đơn vị vẫn phải duy trì hoạt động để có việc làm cho trên 120 công nhân.

Ông Bùi Kiều Hưng - Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh cho biết, thu ngân sách phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh, 3 tháng đầu năm nhiều mặt hàng thông qua cảng giảm. Nguyên nhân do giá thấp, doanh nghiệp "ngâm hàng" lại chưa vội bán, bên cạnh đó ,khủng hoảng kinh tế khiến nhu cầu về hàng hoá giảm, tiêu thụ chậm hơn nên sản xuất chững lại. Như ở Cảng Nghệ Tĩnh, các mặt hàng chủ lực của Cảng là thức ăn gia súc, quặng, ka li, dăm gỗ, trong đó quặng, ka li là hàng quá cảnh sang Lào cũng giảm sản lượng hơn, do nguồn bán ra hạn chế.

Các mặt hàng giảm sản lượng qua cảng khá nhiều: Đá, gỗ dăm giảm một nửa do bán sang Trung Quốc bị hạn chế. Bên cạnh đó, thức ăn gia súc, gạo... cũng giảm. Do đó, hiệu quả sản xuất, kinh doanh sẽ hạn chế hơn và thu ngân sách chắc chắn sẽ ảnh hưởng. Ở Công ty TNHH Mía đường Nghệ An, sản lượng đường tồn kho lớn, ở các doanh nghiệp dệt may cũng cắt giảm nhiều.

Cùng chung khó khăn, thời điểm này Công ty TNHH Hải Vân (chủ đầu tư Dự án "Khu nhà ở và dịch vụ thương mại Diễn Ngọc" ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Hải Vân - Giám đốc Công ty TNHH Hải Vân cho biết thêm: Dự án "Khu nhà ở và dịch vụ thương mại Diễn Ngọc" đã được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định số 3437/2014, tổng diện tích đất thực hiện dự án là 32 ha.

Dự án "Khu nhà ở và dịch vụ thương mại Diễn Ngọc" gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng. Ảnh: Văn Trường

Đến nay, dự án đã hoàn thành tiền sử dụng đất cho Nhà nước trên 106 tỷ đồng. Dự án đã đầu tư xây dựng hạ tầng trên 380 tỷ đồng, xây dựng hệ thống được giao thông, và các công trình phúc lợi của dự án như trường mầm non, chợ, khu công viên nước. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản đóng băng, không bán được hàng, hiện đang còn trên 300 lô đất chưa bán được, dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh năm nay chưa có.

Ông Lê Văn Thành - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế Phủ Quỳ 1 cho biết: Chi cục quản lý các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, nguồn thu ngân sách của huyện Quỳ Hợp chủ yếu từ khoáng sản. Nhưng từ tháng 10/2022 đến nay, các mặt hàng đá xẻ ốp lát, bột đá xuất khẩu sang các nước Trung Đông, Trung Quốc tiêu thụ hạn chế, nên hầu hết các đơn vị phải hoạt động cầm chừng, có nơi dừng hoạt động sản xuất đá xẻ ốp lát. Số lượng còn "tồn" kho các loại đá ốp lát đang còn khá nhiều, vì vậy cũng ảnh hưởng thu ngân sách.

Đồ họa. Hữu Quân

Quý I năm 2023 thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn các huyện ước thực hiện được trên 65,8 tỷ đồng, đạt 34,5% dự toán HĐND tỉnh giao, trong đó, nhờ truy thu được nợ đọng từ năm trước được 7 tỷ đồng từ các doanh nghiệp khai thác chế biến khoáng sản, giảm so 1,2 tỷ đồng so với cùng kỳ. Hiện các doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở Quỳ Hợp còn nợ đọng trên 26 tỷ đồng.

Dự báo quý I và những quý tiếp theo thu ngân sách sẽ rất khó khăn, do nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn khó tiêu thụ, hàng ngàn xe tô tô vận tải hoạt động cầm chừng, có 5 cơ sở chế biến gỗ dăm hàng năm đóng thuế từ 8-9 tỷ đồng cũng dừng hoạt động do chưa tiêu thụ được.

Với địa bàn Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai do Chi cục Thuế khu vực Bắc Nghệ I quản lý, kết quả thu ngân sách tăng nhẹ. Tính đến ngày 31/03/2023 đạt 192,3 tỷ đồng, đạt 27% dự toán HĐND tỉnh, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Trừ tiền sử dụng đất thu được 94,6 tỷ đồng, đạt 34% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 98% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, có một số khoản thấp hơn so với cùng kỳ, như lệ phí trước bạ chỉ đạt 21% dự toán và bằng 74% so với cùng kỳ. Lệ phí trước bạ đất: Thu được 2,8 tỷ đồng, bằng 25% dự toán, bằng 75% so với cùng kỳ. Các UBND các xã, phường, thị trấn chưa tổ chức đấu giá nên cũng ảnh hưởng nhiều đến tình hình thực hiện dự toán thu như lệ phí trước bạ. Lệ phí trước bạ tài sản: Do tình hình kinh tế có nhiều biến động và bất ổn, sự phục hồi chậm và suy giảm của nhu cầu tiêu dùng người dân ảnh hưởng nhiều đến sức mua...

Đại diện Chi cục Thuế khu vực Bắc Nghệ I cũng cho rằng, thời gian tới thu ngân sách sẽ gặp khó khăn hơn do lạm phát, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, với địa bàn Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai có khá nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, trong khi đó tiền sử dụng đất hạn chế.

Theo báo cáo của Chi cục Thuế Nghệ An, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn quý I ước thực hiện 4.467 tỷ đồng, đạt 28,2% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 90,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: Thu nội địa ước thực hiện 4.258 tỷ đồng, đạt 29,2% dự toán và bằng 96,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Loại trừ thu tiền sử dụng đất, thu tiền xổ số kiến thiết thì thu nội địa quý I ước thực hiện 3.078 tỷ đồng, đạt 27,8% dự toán và bằng 97,2% so với cùng kỳ năm 2022. Thu từ hoạt động XNK quý I ước thực hiện 209 tỷ đồng, đạt 16,8% dự toán và bằng 41,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Như vậy, ước thực hiện thu ngân sách quý I năm 2023 vượt tiến độ dự toán HĐND tỉnh giao (theo tiến độ 25%) nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra trong quý I (4.467 tỷ đồng/4.900 tỷ đồng) theo Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 18/01/2023 của UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 và thấp hơn cùng kỳ năm 2022.

Triển khai các giải pháp đồng bộ để đạt dự toán

Trước thực trạng khó khăn đó, Chi cục Thuế khu vực Bắc Nghệ I đã triển khai các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thời gian tới. Đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính về thuế, tạo điều kiện tối đa cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, hỗ trợ người nộp thuế (NNT), đẩy mạnh triển khai áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, triển khai nộp thuế điện tử của người nộp thuế trên thiết bị di động (Etax Mobile)...

Lãnh đạo Sở Tài chính cho biết: Để đẩy mạnh thu ngân sách trong thời gian tới, các ngành, các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, người lao động, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Phòng Ngân sách tỉnh họp bàn tham mưu các giải pháp thu ngân sách. Ảnh: Trân Châu

Ngành Thuế chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách, chống thất thu, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí, đặc biệt, trong một số lĩnh vực nhạy cảm, có rủi ro cao về thuế như: khai thác khoáng sản, đất đai, kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, môi trường, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, lĩnh vực kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng bán lẻ ít lấy hóa đơn; triển khai tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nuôi dưỡng nguồn thu.

Tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu thu ngân sách năm 2023. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan triển khai tổ chức phong trào thi đua thực hiện chính sách pháp luật thuế và nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước năm 2023 theo Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 08/3/2023 của UBND tỉnh Nghệ An.

Ngành Hải quan chỉ đạo theo dõi, nắm bắt tình hình, bám sát kế hoạch xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp có số thu lớn để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu và đồng hành cùng doanh nghiệp. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính trọng tâm là thủ tục hải quan. Nâng cao tính thuận tiện, dễ dàng trong việc thực hiện quy trình thủ tục hải quan; triển khai thực hiện có hiệu quả Hệ thống dịch vụ công trực tuyến, đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7; chương trình nộp thuế điện tử doanh nghiệp nhờ thu theo lộ trình của Tổng cục Hải quan.

Rà soát chặt chẽ dữ liệu trên Hệ thống phần mềm Hải quan để kịp thời phát hiện các mặt hàng có trị giá khai báo thấp, khai báo sai mã số hàng hóa, có dấu hiệu gian lận thương mại để xử lý thu đủ số thuế theo quy định.

Mới nhất

x
Yếu tố nào ảnh hưởng tới thu ngân sách quý I/2023 ở Nghệ An?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO