1 năm sau tai nạn thảm khốc ở Lào: Nỗi đau vẫn đè nặng 11 gia đình

08/06/2017 19:00

(Baonghean.vn) - Đã 1 năm trôi qua kể từ ngày vụ tai nạn xe khách thảm khốc xảy ra ở tỉnh Khăm Muộn (Lào) làm 8 người chết và 3 người bị thương, thân nhân người bị nạn vẫn chưa thể an lòng khi công lý chưa được trả về.

Gian nan tìm công lý

Vừa tròn 1 năm sau ngày người chồng gặp nạn và tử vong khi đang trên đường từ Lào trở về quê, nỗi đau của chị Nguyễn Thị Luyện (xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc) vẫn chưa thể nguôi ngoai. Chồng chị - anh Nguyễn Kế Hải đã không thể giữ đúng lời hứa trở về giúp mẹ con chị thu hoạch mấy sào lúa chín ươm đang vào mùa gặt hái. Sự mất mát quá lớn khi trên chuyến xe định mệnh ấy, ngoài chồng chị còn có người anh họ của chồng và anh trai ruột của chị. Ngày giỗ đầu của 3 người thân, chị quặn lòng đau đớn.

Chị Nguyễn Thị Mai và Nguyễn Thị Luyện (xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc) - 2 người phụ nữ mất chồng sau vụ tai nạn thảm khốc ở Lào. Ảnh: Phương Thảo.
Chị Nguyễn Thị Mai và Nguyễn Thị Luyện (xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc) - 2 người phụ nữ mất chồng sau vụ tai nạn thảm khốc ở Lào. Ảnh: Phương Thảo.
Khoảng 4h sáng 2/6/2016, xe khách 35 chỗ ngồi của nhà xe Khánh Đơn chạy tuyến Thà Khẹt (Lào) về huyện Nghi Lộc (Nghệ An) bất ngờ nổ tung khi cách cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) khoảng 10 km. Vụ nổ khiến 8 người trên xe tử vong tại chỗ, 3 người khác bị thương.

Những nạn nhân trong vụ nổ xe khách đều là người dân Nghệ An sang Lào làm thợ xây, những mong có thêm chút tiền trang trải cuộc sống nghèo khó ở quê nhà. Tai nạn xảy ra, người chết đi, người thương tật vĩnh viễn, gia đình họ mất đi trụ cột, đời sống vật chất lẫn tinh thần trở nên khó khăn. Thế nhưng, điều làm họ buồn bã hơn là những nỗ lực đòi lại công bằng cho người thân không đạt kết quả, còn chủ nhà xe gây tai nạn thì có thái độ thờ ơ, thiếu thiện chí.

Theo lời kể của các thân nhân người bị nạn, kể từ sau vụ tai nạn xảy ra họ rất khó khăn trong việc liên lạc với chủ nhà xe. “Sau cái chết của chồng tôi, cũng như những gia đình có người mất khác, nhà xe có hỗ trợ 20 triệu đồng. Kể từ đó họ “bặt vô âm tín” khiến chúng tôi rất bức xúc. Có những lần, chúng tôi hẹn bà Đơn (chủ xe) và tập trung đông đủ để có cuộc gặp, thế rồi bà không đến, chúng tôi chờ đợi trong vô vọng” – chị Nguyễn Thị Mai (vợ nạn nhân Nguyễn Kế Hậu) kể.

Anh Võ Đình Hiệp (xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc) - một trong 3 nạn nhân may mắn sống sót cũng cho biết nhà xe có hỗ trợ 10 triệu đồng nhưng số tiền đó chẳng thấm vào đâu so với tiền chữa trị. “Sau nhiều tháng nằm viện, tôi trở về nhà với đôi nạng gỗ và món nợ hơn 200 triệu đồng để lo viện phí. Gia đình tôi đã khánh kiệt trong khi nhà xe suốt từ đó không hề nhắc gì đến chuyện đền bù”, Hiệp bức xúc.

Không liên lạc được với nhà xe để đòi quyền lợi, 11 gia đình người bị nạn tìm đến các cơ quan chức năng trong nước song mọi việc quá khó khăn đối với những người nông dân vốn chỉ quen với ruộng đồng. Họ gửi đơn kêu cứu khắp nơi, tòa án nhân dân huyện, tòa án nhân dân tỉnh, công an tỉnh,…nhưng đều nhận được câu trả lời rằng vụ việc xảy ra ở Lào nên cơ quan chức năng của Lào chịu trách nhiệm giải quyết.

Cực chẳng đã, thân nhân 11 người bị nạn lại lặn lội sang tận Lào để gửi đơn nhưng nửa năm không nhận được hồi âm. Bất đồng ngôn ngữ, không hiểu rõ luật pháp giữa 2 nước, họ tuyệt vọng, buồn bã, nỗi đau mất người thân lại chẳng thể nguôi ngoai.

“Tòa tuyên mức án quá nhẹ”

Sau hành trình gian nan ấy, 11 gia đình người bị nạn tìm đến luật sư để được hỗ trợ. Cho đến cuối tháng 5/2017, họ lại lần nữa lặn lội sang Lào để tham dự phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Tú (SN 1990, trú xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc) – tài xế và cũng là chủ chiếc xe khách gây tai nạn. Tuy nhiên, điều khiến họ bức xúc là phán quyết của tòa quá nhẹ so với hành vi tội lỗi mà Tú đã gây ra.

Anh Võ Đình Hiệp - 1 trong 3 người may mắn sống sót nay trở nên tàn tật, phải di chuyển bằng xe lăn.
Anh Võ Đình Hiệp - 1 trong 3 người may mắn sống sót cho rằng phán quyết của tòa đối với tài xế gây tai nạn là quá nhẹ. Ảnh: Phương Thảo.

Quá trình điều tra xác định, vào thời điểm chiếc xe phát nổ, trên xe có chứa 3 bao pháo hoa (6.000 quả) cùng 6.66m3 gỗ đinh hương dạng con tiện, 23 thanh xà gồ (2,19m3) cùng 510 thanh gỗ trắc (253kg). Tú khai nhận, toàn bộ pháo hoa và gỗ này được mua từ nhiều người dân Lào, nhằm vận chuyển về Việt Nam bán kiếm lời. Khi chiếc xe cách cửa khẩu Nậm Pa - Cha Lo (Quảng Bình) thì pháo hoa trên xe phát nổ khiến 8 hành khách tử vong, 3 người khác bị thương.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Đức Tú khai nhận, ngoài số pháo hoa có trên xe còn có 1 số lượng lớn pháo hoa được Tú cất giấu tại căn nhà thuê ở Lào (26.000 quả). Sau khi xảy ra vụ nổ, Tú đã đưa toàn bộ số pháo hoa này đổ xuống sông nhằm phi tang.

Ngoài hành vi gây cái chết thảm khốc cho 8 người, bị thương 3 người, Tú còn vi phạm quy định buôn bán pháo hoa nổ và phá rừng, vận chuyển gỗ. Thế nhưng, Tòa án tỉnh Khăm Muộn chỉ tuyên phạt y tổng cộng 5 năm tù, bồi thường cho 8 hành khách tử vong mỗi người 35 triệu kíp (tương đương 94 triệu đồng), mỗi người bị thương 5 triệu kíp (tương đương 12 triệu đồng).

Tiến sỹ, Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nạn nhân thiệt mạng và bị thương trong vụ nổ xe khách nhận định: “Tính chất của vụ việc đặc biệt nghiêm trọng song mức án mà cơ quan tiến hành tố tụng của Lào đưa ra là quá nhẹ”.

Thân nhân người bị nạn làm việc với luật sư Trọng Hải để đòi lại công lý. Ảnh: Phương Thảo.
Thân nhân người bị nạn làm việc với luật sư Trọng Hải để đòi lại công lý. Ảnh: Phương Thảo.

Theo phân tích của Luật sư, Điều 76 Bộ Luật Hình sự nước CHDCND Lào thì khung hình phạt đối với tội “Sản xuất mua bán pháo hoa nổ” là từ 6 tháng đến 5 năm tù và phạt tiền từ 500 nghìn kíp đến 10 triệu kíp; Điều 89, tội “Làm chết nhiều người” khung hình phạt từ 5 -10 năm tù, phạt tiền từ 300 nghìn kíp đến 2 triệu kíp; Điều 139, tội "Phá rừng với số lượng lớn” phạt tù từ 1-5 năm và phạt tiền theo quy định của Luật Kiểm lâm.

Như vậy, mức án mà Tòa án tỉnh Khăm Muộn tuyên đối với tài xế Nguyễn Đức Tú là quá nhẹ, mức bồi thường quá thấp so với quy định tại các Điều 76, 89 và 139 Bộ Luật hình sự nước CHDCND Lào cũng như so với tính chất nghiêm trọng của vụ việc.

Tiến sỹ, Luật sư Nguyễn Trọng Hải cũng cho rằng “Trong suốt 1 năm bảo vệ quyền lợi cho người bị nạn, cá nhân tôi thấy rằng quá trình điều tra xét xử không được xem xét đầy đủ về mặt chứng cứ nên mức án đưa ra chưa thỏa đáng. Ngay như trong phiên xét xử, không có phần tranh tụng nên luật sư không thể bảo vệ quyền lợi cho người bị hại”.

Sau phán quyết của TAND tỉnh Khăm Muộn, đại diện các gia đình nạn nhân đã có đơn kháng cáo lên TAND tối cao nước CHDCND Lào. Và họ lại tiếp tục chờ đợi hồi âm...

Phương Thảo

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
1 năm sau tai nạn thảm khốc ở Lào: Nỗi đau vẫn đè nặng 11 gia đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO