10 sai lầm khi dạy con phụ huynh cần tránh
Bố mẹ nên tránh thảo luận về những chủ đề thể hiện sự vô trách nhiệm của người lớn; không so sánh và kiểm soát mọi hành vi của trẻ.
1. Tâng bốc thái quá
Bạn đã bao giờ nói những câu như "Con là người đặc biệt và duy nhất trên thế giới này" để xây dựng sự tự tin và lòng tự trọng của trẻ? Mục đích của bạn rất đúng đắn, nhưng nghiên cứu của các nhà khoa học ở Đại học Tiểu bang Ohio (Mỹ) đã cảnh báo về hậu quả bất ngờ của những câu nói tương tự.
Brad Bushman, đồng tác giả của nghiên cứu cho rằng việc khích lệ trẻ là rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu nhấn mạnh thường xuyên và tâng bốc thái quá, bạn có thể khiến trẻ trở nên kiêu căng và cho bản thân là quan trọng nhất. Do vậy, phụ huynh cần chú ý tìm điểm cân bằng.
2. Tránh mọi chủ đề nhạy cảm
Một số phụ huynh có xu hướng tránh thảo luận các chủ đề liên quan đến giới tính và tình dục với con. Ngay cả khi con đã là thanh thiếu niên, họ vẫn nghĩ chủ đề này quá nhạy cảm và con không nắm đủ ngôn từ thích hợp để thảo luận. Họ hy vọng con sẽ tự tìm hiểu ở trường hoặc từ bạn bè. Tuy nhiên, theo nghiên cứu khoa học, quan điểm này thể hiện sự vô trách nhiệm của phụ huynh.
Nếu bố mẹ thường xuyên phớt lờ và không trò chuyện nghiêm túc để định hướng, thanh thiếu niên có thể quan hệ tình dục sớm hoặc thiếu hiểu biết về quan hệ tình dục an toàn.
3. Thường xuyên dọa dẫm
Đôi khi phụ huynh tỏ ra hung dữ để trẻ sợ và điều chỉnh hành vi. Chẳng hạn, họ có thể nói: "Nếu con không ngừng lại, mẹ sẽ vứt con cho người đàn ông kia và ông ta sẽ nhốt con đấy!". Chiến thuật dạy con này có thể khá hiệu quả, nhưng các nhà tâm lý học khuyên phụ huynh không nên dùng.
Thực tế, khi sợ hãi, trẻ không thể nghĩ kỹ về hành vi của mình. Trẻ cũng rất lo lắng khi nhìn thấy cảnh sát, bác sĩ hay những người mà bố mẹ thường lôi ra để dọa nạt. Hơn nữa, do não bộ đã quen xử lý nhanh thông tin gây sợ hãi, trẻ càng dễ cảm thấy sợ hãi hơn trước. Do vậy, dọa nạt không phải cách kỷ luật mang lại hiệu quả lâu dài mà còn gây ra nhiều vấn đề trong tương lai.
4. La hét
Hãy tưởng tượng con bạn đang cư xử không đúng mực. Bạn yêu cầu con bình tĩnh hơn, từ việc nhắc một lần đến hai ba lần rồi không chịu được và bùng nổ.
La hét thực sự là phương pháp hiệu quả, giúp chúng ta giải tỏa cảm xúc ngay lập tức. Một số người tin rằng la hét còn là cách giải quyết vấn đề tiện nhất. Tuy nhiên, bạn có bao giờ suy ngẫm về hậu quả của cách dạy con này? Thực tế, la hét có thể khiến hành vi của trẻ trở nên tệ hơn, thậm chí đó còn là nguyên nhân của chứng trầm cảm ở trẻ.
5. Tìm cớ đổ lỗi cho hành vi xấu của trẻ
Mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái có thể được phản ánh qua câu nói "Bạn sẽ gặt hái những gì bạn gieo trồng". Các nghiên cứu khoa học xác nhận rằng trẻ hấp thu những giá trị từ bố mẹ nhiều hơn từ bất kỳ ai khác. Chúng sao chép hành vi của bạn. Do đó, nếu trẻ dành hầu hết thời gian ở bên bố mẹ và có hành vi xấu, bạn hãy tự nhìn lại bản thân đầu tiên.
Nếu bạn sợ xã hội là nguồn tác động chính đến trẻ, các chuyên gia cũng khẳng định rằng trường học hay môi trường bạn bè có chức năng chính là củng cố kiến thức và những giá trị mà trẻ đã nhận được ở nhà.
6. Kỳ vọng quá cao
Không phụ huynh nào muốn trẻ trở thành kẻ thất bại. Tuy nhiên, một số người lại đặt ra kỳ vọng quá cao. Những kỳ vọng sẽ thúc đẩy trẻ thể hiện tốt hơn, nhưng nếu mục tiêu không thực tế, trẻ có thể mắc các chứng rối loạn như mất ngủ, giận dữ, mệt mỏi hoặc lo lắng.
Ryan Hong, nhà khoa học của Đại học Quốc gia Singapore giải thích: "Trẻ em trở nên sợ mắc lỗi khi bố mẹ mong chúng làm mọi thứ một cách hoàn hảo. Hãy dành chút thời gian và suy nghĩ xem liệu bạn có đốc thúc con nhiều hơn mức cần thiết hay không".
7. Không nhất quán
Một ngày nọ, bạn yêu cầu trẻ tự dọn dẹp đồ chơi, rồi ngày hôm sau, bạn dọn giùm con mà không nói một lời. Hôm qua, bạn rất tức giận và phạt trẻ vì một trò đùa vô hại, nhưng hôm nay bạn vui vẻ và cho phép trẻ làm mọi thứ chúng muốn trong suốt cả ngày. Khi mẹ đang cau mày thể hiện sự không vừa ý với hành vi của trẻ, bố lại nhìn trẻ mỉm cười. Đây là những ví dụ về môi trường không ổn định, khiến trẻ bối rối không biết mình có đang làm đúng những gì bố mẹ mong đợi hay không.
Các nhà khoa học nói rằng sự không ổn định này có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển lòng tự trọng, gây tổn thương và trầm cảm. Do đó, bạn nên chú ý đặt ra những quy tắc và giới hạn thích hợp trong gia đình, nghiêm túc tuân thủ để trẻ hiểu về những gì sắp xảy ra và chuẩn bị cách phản ứng.
8. Hay so sánh
Bố mẹ đã bao giờ so sánh bạn với ai đó chưa? "Jack ngoan thế mà con thì hư thế này!", "Emily có thể đếm đến 100, còn con thì mới sau số 10 đã ngắc ngứ"...
Các nhà khoa học khuyên chúng ta không lặp lại sai lầm này với các con, bởi việc so sánh trẻ với người khác làm hạ thấp lòng tự trọng và giá trị của trẻ. Nó cũng tạo ra khoảng cách giữa bố mẹ và con cái, bởi trẻ thường cảm thấy bất an và mất niềm tin vào bạn. Trẻ cần tình yêu thương và sự ủng hộ của bố mẹ trong mọi hoàn cảnh, do đó thay vì cố nói những câu so sánh để trẻ chán nản và thất vọng, bạn hãy tập trung nói về vấn đề và tìm cách giúp trẻ cải thiện.
9. Phạt bằng đòn roi
Nhiều người tin rằng đòn roi là cách rèn kỷ luật tốt nhất. Họ tích cực sử dụng phương pháp này khi dạy con.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng lạm dụng thể chất dẫn đến rất nhiều hậu quả, trong đó có hành vi chống đối xã hội, rối loạn tâm lý, nghiện rượu bia và chất kích thích. Đứa trẻ thường xuyên bị phạt đòn roi còn có nguy cơ mắc bệnh về tim mạch và hen suyễn cao hơn.
10. Kiểm soát mọi hành vi của trẻ
Các nhà khoa học thuộc Hiệp hội Tâm lý Mỹ lưu ý những phụ huynh kiểm soát con thái quá sẽ khiến trẻ không biết cách tự quản lý cảm xúc của bản thân. Khi thường xuyên bị bố mẹ chỉ bảo trong mọi việc, trẻ sẽ gặp nhiều vấn đề về khả năng thích nghi xã hội, kết bạn hay phân tích hành vi.
Do đó, nếu nhận thấy trẻ có khả năng xử lý tình huống mà không cần sự giúp đỡ, phụ huynh hãy để trẻ tự làm điều đó. Bạn có thể hướng dẫn trẻ cách vượt qua tình huống khó khăn nhưng không nên áp đặt. Trò chuyện về cảm xúc hiện tại và chia sẻ một số cách đối phó với căng thẳng sẽ giúp ích cho trẻ về lâu dài.