Thầy giáo tiêu biểu toàn quốc được bố mẹ học sinh nhờ đi họp phụ huynh
Là giáo viên thể dục và công tác tại huyện miền núi khó khăn nhưng thầy giáo Trần Yên Việt – giáo viên Trường THCS Quang Phong (Quế Phong) vẫn miệt mài yêu nghề, quý trò. Năm học này, thầy vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh là Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc.
Để học trò vươn cao, vươn xa
66 km là tuyến đường quen thuộc từ xã Tiền Phong vào xã Quang Phong mà thầy giáo Trần Yên Việt đi về mỗi ngày. Đây cũng là một trong những tuyến đường khó khăn nhất của huyện miền núi Quế Phong, bởi đường đã xây lâu và xuống cấp. Dọc đường đến trường không thể đếm nổi bao nhiêu ổ voi, ổ gà, dù trời nắng hay trời mưa, việc đi lại đều không dễ dàng.
Nhọc nhằn, vất vả là thế, nhưng trong năm học, hầu như thời gian của thầy Việt đều gắn bó với trường, kể cả vào những ngày hè.
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn với các giờ dạy chính khoá ở trường, thầy Việt còn đam mê với công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi. Nhiều học sinh của thầy Việt, hiện nay đã là vận động viên đang tham gia huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao của tỉnh và của một số bộ, ngành Trung ương.
Gần 10 năm gắn bó với Trường THCS Quang Phong, thầy Việt còn được xem là người đem về các danh hiệu học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi quốc gia cho ngôi trường vùng khó này.
Tính từ năm 2019 đến nay, Trường THCS Quang Phong đã có 2 học sinh đạt giải Nhì toàn đoàn Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện; 5 học sinh đạt giải Nhất, 3 học sinh giải Nhì Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh. Trường cũng đã có 2 giải Nhì, 2 giải Ba tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc.
Ngoài công tác giảng dạy, thầy giáo Trần Yên Việt còn tham gia huấn luyện đoàn vận động viên huyện Quế Phong tham gia Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Nghệ An lần thứ IX, xếp thứ nhất các huyện miền núi, xếp thứ 5 toàn tỉnh. Trong 2 năm 2023 và 2024, thầy tham gia huấn luyện đoàn vận động viên thi đấu giải bơi lội và điền kinh của tỉnh Nghệ An đạt 10 Huy chương Vàng, 16 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng.
Chia sẻ về quá trình tham gia dạy bộ môn thể dục ở nhà trường và làm công tác huấn luyện viên cho các đội tuyển của huyện, thầy Việt nói rằng, giữa hai công việc có mối liên hệ với nhau. Vì thế, nhờ được hàng ngày lên lớp, dạy và tiếp xúc với học trò, thầy có cơ hội phát hiện ra những học sinh có tố chất, có năng khiếu để bồi dưỡng, phát huy tối đa năng lực của các em. Đây cũng sẽ là nguồn vận động viên tiềm năng của huyện tham gia các giải đấu của tỉnh, của quốc gia.
Việc đồng hành với học trò trong các giải thi đấu sẽ giúp thầy trò hiểu nhau hơn, vượt qua được những gian nan, khó khăn và cùng nỗ lực, quyết tâm đem đến kết quả cao nhất cho nhà trường, cho đoàn vận động viên huyện nhà.
Để có được những học sinh đạt thành tích cao, thầy Việt không quản ngại khó khăn, vất vả. Trong năm, dường như ngày nào thầy Việt cũng có mặt tại trường để huấn luyện cho học sinh. Những ngày gần thi, bên cạnh hướng dẫn học sinh ở trường, thầy Việt còn đưa học sinh về nhà để chăm sóc, bồi dưỡng và huấn luyện thêm cho các em.
Do điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị học tập các môn thể dục ở trường còn nhiều hạn chế, nên thầy Việt không ngại trích một phần lương của mình để mua thêm cho các học trò các dụng cụ tập luyện thiết yếu. Có khi, dù đi xe máy nhưng thầy vẫn vượt đường xa, chở những chiếc lốp ô tô vào trường để học sinh có thêm dụng cụ huấn luyện.
Cùng với thầy Việt, vợ của thầy cũng là một giáo viên tiểu học đã luôn đồng hành để thầy có nhiều thời gian dành cho các học trò. Khi học trò về nhà, cô đã cùng với thầy chăm lo cho học sinh từng bữa ăn, giấc ngủ và tạo mọi điều kiện để thầy và trò yên tâm tập luyện.
Thầy giáo cũng là bố, là mẹ
Một ngày đầu tháng 11, dù bận rộn với lịch dạy ở trường nhưng thầy giáo Trần Yên Việt vẫn cố gắng sắp xếp thời gian xuống Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao của tỉnh để gặp gỡ các huấn luyện viên và họp phụ huynh cho các học trò.
Trước đó, thầy cũng đã ra Hà Nội để họp phụ huynh cho một học sinh đang huấn luyện tại đoàn Công an. Với Ban Giám hiệu Trường THCS Quang Phong, việc thầy Việt thỉnh thoảng phải xin nghỉ việc chuyên môn để đi họp phụ huynh cho các học trò đang huấn luyện dưới xuôi dường như đã không còn quá xa lạ.
Nhiều phụ huynh có con đang học ở trường cũng đã từng đến tâm sự với ban giám hiệu nhà trường rằng, nếu thầy Việt chuyển công tác đi đâu, họ sẽ chuyển con đi theo để được học cùng thầy Việt. Chia sẻ về “chuyện vui” này, thầy Việt tâm sự, giáo viên thể dục có những đặc thù riêng. Vì thế, từ khi phát hiện ra một nhân tố có năng khiếu thể dục thể thao đến khi bồi dưỡng và đưa được các em đi thi đấu cần một quá trình rất dài, có khi đến 3, 4 năm.
Trong quãng thời gian đó, vì hoàn cảnh của học sinh nơi thầy công tác đa phần đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nên khi đã gửi con cho thầy, phụ huynh đều ủy thác toàn bộ từ việc học, việc sinh hoạt đến chuyện thi đấu.
Sau này, một số học sinh đã có thành tích, có cơ hội phát triển theo hướng chuyên nghiệp, phụ huynh lại nhờ thầy tư vấn, hỗ trợ. Khi các em về xuôi học, do phụ huynh không thông thạo việc đi lại, không nói rõ tiếng Kinh nên họ tiếp tục nhờ thầy giúp đỡ. Mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa phụ huynh và giáo viên vì thế đã không còn dừng lại trên công việc mà đã gắn bó như một gia đình. Ngoài tên gọi thân thuộc là thầy Việt, nhiều học sinh đã gọi anh là bố, xem anh như người thân trong gia đình.
Nói thêm về thầy giáo Trần Yên Việt, cô giáo Bùi Thị Cúc - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thầy Việt là một giáo viên rất chỉn chu, các tiết dạy của thầy luôn bài bản, khoa học. Hơn thế, thầy Việt là một người rất tâm huyết, trách nhiệm, tận tâm với nghề. Ở trường chúng tôi, vì điều kiện khó khăn nên không có các câu lạc bộ thể thao, không có nhiều sân chơi cho học trò. Tuy nhiên, thầy Việt vẫn sẵn sàng dạy miễn phí cho học sinh, xem học sinh như con của mình.
Bằng sự cố gắng, cần mẫn, miệt mài, năm 2024, sau gần 20 năm gắn bó với học học sinh, với nghề giáo, thầy Việt đã vinh dự được nhận danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen.
Khi đã chọn nghề giáo, tôi chỉ nghĩ đơn giản đó là công việc mình yêu thích và muốn gắn bó lâu dài, muốn được cống hiến với nghề. Vì thế, khi được Phòng Giáo dục và đào tạo huyện, sau đó là Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn và tuyên dương, tôi rất bất ngờ.
Tôi nghĩ rằng, điều hạnh phúc nhất với người thầy giáo không chỉ là các danh hiệu mà quan trọng nhất chính là học trò. Làm sao để các em có sức khỏe, có kinh nghiệm, có kỹ năng để học tập, để thi đấu và được rèn luyện, trưởng thành, làm người có ích cho xã hội mới là điều hạnh phúc nhất với tôi.
Thầy giáo Trần Yên Việt