Giáo dục

Thầy giáo Nguyễn Văn Tiến: Từ cậu học trò hiếu động trở thành nhà giáo tiêu biểu toàn quốc

Mỹ Hà 18/11/2024 18:54

Thầy giáo Nguyễn Văn Tiến (THPT Đô Lương 1, huyện Đô Lương, Nghệ An) là một trong 251 gương mặt đại diện cho hơn 1,6 triệu giáo viên trên cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2024.

Nhân Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với thầy giáo Nguyễn Văn Tiến về nghề giáo và vai trò của nhà giáo hiện nay.

P.V: Thưa thầy giáo Nguyễn Văn Tiến, danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc đến với thầy khi vừa bước qua tuổi 40. Với thầy, điều này có ý nghĩa gì?

Thầy giáo Nguyễn Văn Tiến: Hơn 40 năm tuổi đời và một nửa trong đó gắn bó với nghề giáo, được nhận danh hiệu cao quý này đối với tôi là một sự may mắn vô cùng, một món quà trân quý mà cuộc đời đã ban tặng, bởi chắc chắn rằng rất nhiều những đồng nghiệp của tôi đều xứng đáng với danh hiệu này. Ngoài việc ghi nhận những cống hiến của bản thân tôi và các đồng nghiệp, còn là sự động viên cổ vũ lớn lao để chúng tôi có thêm động lực, cố gắng hơn nữa trong sự nghiệp trồng người.

Thầy giáo Nguyễn Văn Tiến là nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2024. Ảnh - Mỹ Hà
Thầy giáo Nguyễn Văn Tiến là Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2024. Ảnh: Mỹ Hà

P.V: Những năm 2000, thế hệ 8X không còn nhiều người lựa chọn ngành sư phạm. Vì sao thầy lại chọn nghề này? Sau 20 năm gắn bó với nghề, điều trân quý nhất của nghề giáo là gì, thưa thầy?

Thầy giáo Nguyễn Văn Tiến: Tôi vẫn thầm biết ơn cuộc đời vì mối thiện duyên của mình với nghề dạy học. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp THPT, tôi đã chọn thi vào ngành sư phạm. Có lẽ vì đã được nhen nhóm đâu đó những ngọn lửa nhỏ của tình yêu nghề, để rồi năm tháng trưởng thành và những trải nghiệm của 20 năm gắn bó với nghề đã nuôi dưỡng những ngọn lửa âm ỉ đó, để tôi luôn giữ được nhiệt huyết của mình và truyền lửa cho những thế hệ học trò mai sau.

Điều trân quý nhất cũng là niềm tự hào lớn nhất của nghề giáo chính là sứ mệnh thiêng liêng của người dẫn đường để học sinh khám phá tri thức. Sản phẩm tuyệt vời nhất của quá trình lao động và cống hiến chính là những con người với đủ đầy tri thức, văn hoá và đạo đức để kế thừa, phát huy và làm chủ đất nước.

Thầy giáo Nguyễn Văn Tiến

Thầy giáo T
Thầy giáo Nguyễn Văn Tiến (ngoài cùng bên phải) cùng các giáo viên chụp ảnh lưu niệm với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại chương trình gặp mặt Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2024. Ảnh: NVCC

P.V: Thầy đang công tác tại một huyện miền núi còn nhiều khó khăn. Thầy hãy chia sẻ một số kỷ niệm sâu sắc của thầy với ngôi trường, với những học trò mà thầy đang gắn bó?

Thầy giáo Nguyễn Văn Tiến: Hiện nay tôi đang công tác tại trường THPT Đô Lương 1, huyện Đô Lương, là mái trường đã gắn bó với tôi từ khi tôi còn là học sinh. Kỷ niệm về trường, về các thế hệ học sinh thì vô cùng nhiều, nhưng có những khoảnh khắc đã trở thành ký ức không thể phai mờ trong tôi.

Đó là ngày khai giảng đầu tiên tại ngôi trường này, khi tôi chính thức trở lại trường với vai trò mới. Lúc đó, thầy giáo chủ nhiệm thời cấp 3 của tôi là thầy giáo Nguyễn Quốc Lộc đã bắt tay và chào đón tôi với ánh mắt vui mừng, tự hào xen lẫn đôi phần kinh ngạc. Lúc ấy có lẽ thầy không thể tin nổi cậu học trò hiếu động và nghịch ngợm ngày nào lại chọn theo bước chân thầy, trở thành giáo viên và lại là giáo viên môn Vật lý của thầy.

Giờ học của thầy giáo Nguyễn Văn Tiến và học sinh Trường THPT Đô Lương 1. Ảnh - Mỹ Hà
Giờ học của thầy giáo Nguyễn Văn Tiến và học sinh Trường THPT Đô Lương 1. Ảnh: Mỹ Hà

Cái bắt tay ấm áp, câu nói: "Chào mừng em trở về" đã khiến tôi cảm thấy như mình thực sự về nhà và gắn bó với ngôi nhà này cho đến tận bây giờ, tiếp bước các thầy cô đáng kính của tôi viết nên những trang sử đầy tự hào của Trường THPT Đô Lương 1. Gần 20 năm gắn bó với bục giảng, tôi cũng đã có những học trò đam mê Vật lý, đạt những thành tích xuất sắc giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Vật lý, những học trò chọn nghề dạy học, để tiếp tục giữ ngọn lửa với nghề cho nhiều thế hệ sau.

PV: Làm một người thầy giáo giỏi, ngoài tâm huyết còn cần chuyên môn, sự đổi mới và sáng tạo. Để đạt giải Nhất tại Kỳ thi giáo viên dạy giỏi tỉnh năm 2023, thầy đã nỗ lực như thế nào?

Thầy giáo Nguyễn Văn Tiến: Theo quan điểm của tôi, làm nghề cũng như làm người. Ngoài tài còn rất cần đức, sự tự tôn với nghề, sự tận tâm với trò. Như nhà giáo dục lỗi lạc của nước Mỹ William Arthur Ward từng nói: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”, tôi nghĩ năng lực chuyên môn giỏi thôi chưa đủ, điều quan trọng nữa là phải biết cách dẫn dắt và tạo động lực cả bên trong lẫn bên ngoài để học trò cố gắng phát huy hết khả năng của mình và chiếm lĩnh tri thức.

Một giờ học STEM của thầy giáo Nguyễn Văn Tiến và các học trò. Ảnh - Mỹ Hà
Một tiết học STEM của thầy giáo Nguyễn Văn Tiến và các học trò. Ảnh: Mỹ Hà

Ở Hội thi Giáo viên dạy giỏi tỉnh năm 2023, tôi cũng đã cố gắng hoàn thành phần thi của mình theo tôn chỉ đó. Đem những điều đã học hỏi, trải nghiệm và tích luỹ được trong quá trình dạy học, kết hợp với những điểm mới về ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong dạy học để thực hiện yêu cầu của hội thi. May mắn là những cố gắng của tôi đã được ghi nhận và tôi đã đạt giải cao nhất tại hội thi này.

P.V: Hiện ngành giáo dục cả nước đang thực hiện công cuộc đổi mới. Thầy và các đồng nghiệp đã tiếp nhận quá trình đổi mới như thế nào? Thầy có thể chia sẻ những khó khăn, thuận lợi trong quá trình áp dụng với bộ môn thầy đang giảng dạy?

Thầy giáo Nguyễn Văn Tiến: Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, tôi và các đồng nghiệp đã cố gắng tiếp cận và thực hiện tối đa tùy theo điều kiện cơ sở vật chất và mức độ tiếp nhận của học sinh tại trường trên mọi phương diện như: đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ứng dụng Công nghệ thông tin trong dạy học, đổi mới trong kiểm tra đánh giá và thực hiện số hoá trong công tác dạy học và quản lý học sinh...

Đây là lộ trình cần thiết và bắt buộc phải trải qua để thầy trò bắt nhịp kịp với xu thế của cả nước và toàn cầu, đạt được hiệu quả cao nhất trong quá trình dạy học.

Thầy giáo Nguyễn Văn Tiến khen thưởng các học sinh đạt thành tích cao trong học tập. Ảnh - Mỹ Hà
Thầy giáo Nguyễn Văn Tiến khen thưởng các học sinh đạt thành tích cao trong học tập. Ảnh: Mỹ Hà

Riêng với bộ môn Vật lý mà tôi đang trực tiếp giảng dạy, bước đầu vẫn còn rất nhiều khó khăn như sự thiếu hụt của cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm thực hành để các nội dung gắn với thực tiễn hay dạy học STEM được thực hiện bài bản và đầy đủ. Hơn nữa, để thực hiện được mục tiêu đổi mới toàn diện đó, người giáo viên cần đầu tư rất nhiều thời gian và công sức cũng như thành thạo về ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, với sự tận tâm với nghề và ý thức trau dồi chuyên môn cao, tôi và các đồng nghiệp đã cố gắng để tiếp cận và phần nào đáp ứng được những yêu cầu đó.

P.V: Ngoài công tác giảng dạy ở trường, thầy còn là giáo viên cốt cán của Sở Giáo dục - Đào tạo và được giao trách nhiệm ra đề, chấm thi ở nhiều kỳ thi quan trọng. Trước những kỳ thi mới, điều thầy trăn trở nhất là gì và với vai trò của mình, sẽ làm như thế nào để hoàn thành nhiệm vụ đề ra?

Thầy giáo Nguyễn Văn Tiến: Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, ngoài công tác giảng dạy ở trường, tôi còn tham gia chấm thi và ra đề ở một số kỳ thi khác của Sở Giáo dục - Đào tạo. Tiếp cận nhiều với công tác thi cử, đồng thời trực tiếp tham gia công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, hướng dẫn Khoa học kỹ thuật, giảng dạy các lớp chất lượng cao của trường, tôi càng trăn trở với việc làm thế nào để có thể giúp học trò chuẩn bị tốt nhất cho các kỳ thi, tạo được hứng thú và động lực để các em phát huy tối đa tinh thần tự học và sự sáng tạo trong quá trình tiếp nhận và vận dụng kiến thức, sẵn sàng giải quyết các yêu cầu của các kỳ thi.

Với những trăn trở đó, tôi đã luôn cố gắng hết sức để trau dồi chuyên môn, không ngừng học hỏi và tiếp cận với những nguồn tài liệu mới, trao đổi kinh nghiệm từ đồng nghiệp các thế hệ để bản thân có những trang bị tốt nhất trong hành trình truyền đạt tri thức.

Hơn thế nữa, như tôi đã trao đổi, quan trọng nhất vẫn là cái tâm của người thầy để có thể khơi gợi sự hứng thú học tập và khám phá trong học sinh.

Thầy giáo Nguyễn Văn Tiến

Thầy giáo Nguyễn Văn Tiến và các học trò. Ảnh - NVCC
Thầy giáo Nguyễn Văn Tiến và các học trò. Ảnh: NVCC

P.V: Giải thưởng Nhà giáo tiêu biểu được trao để vinh danh đội ngũ giáo viên cả nước, không phân biệt vùng miền, không phân biệt vị trí công tác và không phân biệt cả cấp học. Với việc được phong tặng danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu, thầy xác định trách nhiệm của mình trong thời gian tới như thế nào? Thầy muốn chia sẻ, gửi gắm gì tới những người đồng nghiệp khác để hướng đến giải thưởng cao quý này?

Thầy giáo Nguyễn Văn Tiến: Bản thân được vinh dự nhận danh hiệu cao quý này trong những ngày cận kề kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, bên cạnh niềm hạnh phúc và tự hào với chặng đường đã qua, tôi càng cảm thấy trách nhiệm lớn lao của mình trong hành trình dẫn dắt những thế học trò trên con đường học tập và rèn luyện.

Bởi lẽ thế giới, xã hội và con người đang không ngừng tiến bộ, không ngừng vận động và thay đổi, người làm thầy nếu không bắt nhịp kịp sẽ không thể đủ trí và lực để dìu dắt và giúp đỡ học sinh của mình. Là một người đồng hành, một người thầy thôi chưa đủ, phải là người đồng hành và người thầy được học sinh kính nể và tin yêu.

bna_cac-nha-giao-tieu-bieu-cua-nghe-an-chup-anh-cung-thu-truong-bo-giao-duc-va-dao-tao-(1).jpg
Đoàn giáo viên Nghệ An chụp ảnh với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi tại buổi gặp mặt và tuyên dương nhà giáo tiêu biểu toàn quốc. Ảnh: NVCC

Với những đồng nghiệp kính mến của tôi, tôi chỉ muốn gửi gắm vài lời chia sẻ chân thành. Ai trong các thầy cô cũng đều xứng đáng được tôn vinh vì những năm tháng mà chúng ta đã và đang cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Tôi và một số đồng nghiệp may mắn hơn được lựa chọn là nhân tố điển hình tiêu biểu hôm nay. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn nghĩ, danh hiệu cao quý nhất của mỗi người thầy, người cô chúng ta chính là danh từ "Người Thầy"- được sự tin tưởng, yêu quý và tôn trọng của những thế hệ học trò được chúng ta dìu dắt.

Niềm hạnh phúc nhất của người làm thầy chính là những trái ngọt nở hoa trên chính những cuộc đời thành công của học sinh, và chúng ta có quyền tự hào về điều đó!

PV: Cảm ơn thầy !

Mới nhất

x
Thầy giáo Nguyễn Văn Tiến: Từ cậu học trò hiếu động trở thành nhà giáo tiêu biểu toàn quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO