10 sự kiện nổi bật thế giới năm 2023 và Dự báo một số nét chính năm 2024

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ đón ở Moskva, ngày 21/3/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ đón ở Moskva, ngày 21/3/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Tuyên bố chung Nga – Trung Quốc ngày 21/3/2023 đã khẳng định mục đích, ý nghĩa của chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch, Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình là củng cố hơn nữa, làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, không giới hạn giữa Nga với Trung Quốc trong bối cảnh thế giới luôn biến động phức tạp, hỗn loạn và khó lường. Nga và Trung Quốc cam kết hợp tác chặt chẽ hơn về kinh tế, khoa học – công nghệ, ngoại giao và an ninh, quốc phòng…

Tờ “Nhân dân Nhật báo” Trung Quốc ngày 18/3/2023 đăng bài viết của Tổng thống V.Putin, trong đó ông chủ Điện Kremlin khẳng định chuyến thăm cấp nhà nước đến Nga của Chủ tịch Tập Cận Bình là “sự kiện mang tính bước ngoặt” và “tái khẳng định bản chất đặc biệt của quan hệ đối tác Nga – Trung Quốc”.

14 văn kiện đã được ký kết nhằm mở rộng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghiệp, khoa học và quân sự giữa Nga và Trung Quốc. Ảnh: AFP
14 văn kiện đã được ký kết nhằm mở rộng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghiệp, khoa học và quân sự giữa Nga và Trung Quốc. Ảnh: AFP

Nga và Trung Quốc xác định có đối thủ chung là Mỹ, cho dù giữa Nga và Trung Quốc còn nhiều điểm khác biệt, thậm chí là mâu thuẫn, thiếu lòng tin đối với nhau trên một số vấn đề. Moskva và Bắc Kinh đã gạt khác biệt sang một bên, hợp tác chặt chẽ với nhau để tạo ra sức mạnh đối phó với Mỹ. Xin chú ý: đây không chỉ là nhận thức của Tổng thống V.Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình mà là nhận thức của giới tinh hoa Nga và giới tinh hoa Trung Quốc, rộng hơn là nhận thức của đa số người Nga và đa số người dân Trung Quốc.

Thực chất, từ sau 20/3/2023, thế giới đã phân thành hai tuyến: Một bên là Mỹ và các đồng minh của Mỹ với hạt nhân là NATO và G7, phía đối lập là trục Bắc Kinh – Moskva với nhiều quốc gia đang phát triển (phương Nam), trong đó Trung Quốc là nòng cốt.

Bình thường hóa quan hệ đem lại nhiều lợi ích cho Ả Rập Saudi và Iran. Ảnh: SPA
Bình thường hóa quan hệ đem lại nhiều lợi ích cho Ả Rập Saudi và Iran. Ảnh: SPA

Iran và Saudi Arabia là hai cường quốc lớn nhất ở khu vực Trung Đông (không kể Thổ Nhĩ Kỳ) và hai quốc gia này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực(1).

Saudi Arabia là quốc gia sở hữu trữ lượng dầu mỏ, khí đốt lớn nhất thế giới và cũng là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Iran cũng là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới.

Về tôn giáo, Saudi Arabia sở hữu hai thánh địa quan trọng nhất của Hồi giáo và là trung tâm của Hồi giáo dòng Sunni. Iran là trung tâm của Hồi giáo dòng Shiite. Hơn một ngàn năm nay, Hồi giáo Sunni và Hồi giáo Shiite luôn ở trong trạng thái đối đầu với nhau.

Về chính trị và an ninh, Saudi Arabia là đồng minh của Mỹ, trong khi  Iran coi Mỹ là kẻ thù (dù không tuyên bố công khai).

Năm 2016, Saudi Arabia hành quyết giáo sĩ dòng Shiite nổi tiếng Sheikh Nimr al-Nimr. Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã cảnh báo về “sự trả thù của thần linh”. Sau đó, Đại sứ quán Saudi Arabia tại Iran bị bao vây và hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao.

Ngày 10/3/2023, với sự trung gian hòa giải của Trung Quốc, Saudi Arabia và Iran đã đạt được hòa giải lịch sử. Tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Saudi Arabia và Iran ký kết và ra tuyên bố chung. Ngày 6/4/2023, Saudi Arabia và Iran đã ký tuyên bố chung, tuyên bố nối lại mối quan hệ ngoại giao và có hiệu lực ngay lập tức.

Cố vấn an ninh quốc gia Saudi Arabia Musaad bin Mohammed Al Aiban (trái), quan chức đối ngoại cấp cao Trung Quốc Vương Nghị (giữa) và Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Iran Ali Shamkhani  tại Bắc Kinh hôm 10/3/2023. Ảnh: China Daily
Cố vấn an ninh quốc gia Saudi Arabia Musaad bin Mohammed Al Aiban (trái), quan chức đối ngoại cấp cao Trung Quốc Vương Nghị (giữa) và Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Iran Ali Shamkhani tại Bắc Kinh hôm 10/3/2023. Ảnh: China Daily

Saudi Arabia và Iran đã mở lại đại sứ quán ở Riyadh và Tehran và các lãnh sự quán ở Jeddah và Mashhad.

Việc Saudi Arabia và Iran bình thường hóa quan hệ làm rung chuyển cấu trúc địa chính trị ở Trung Đông theo hướng bất lợi đối với Mỹ và Israel, có lợi cho Trung Quốc và Nga. Từ chỗ bị Mỹ kiểm soát chặt chẽ mọi mặt, Trung Đông đang bước vào thời kỳ đa dạng hóa quan hệ với các cường quốc hàng đầu thế giới. Trung Đông đã thức tỉnh và đang tập tự làm chủ vận mệnh của mình.

Các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại cuộc họp ở Hiroshima, Nhật Bản, ngày 19/5. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nhật Bản
Các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại cuộc họp ở Hiroshima, Nhật Bản, ngày 19/5. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nhật Bản

Năm 1976, bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu Mỹ, Canada, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Italy tổ chức họp thượng đỉnh đầu tiên và theo thông lệ họp hàng năm.

G7 là diễn đàn kinh tế, tại đây, lãnh đạo 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới trao đổi những vấn đề kinh tế của nhóm nói riêng, những vấn đề kinh tế thế giới nói chung nhằm mục đích hợp tác vượt qua các thách thức, khó khăn, bảo đảm cho kinh tế thế giới phát triển ổn định, bền vững.

Trong 3 ngày, từ 19 – 21/5/2023 tại Hiroshima, Nhật Bản, lãnh đạo G7 vẫn thảo luận các vấn đề kinh tế, nhưng chống Nga và đối phó với Trung Quốc đã trở thành không khí bao trùm. Tại Thượng đỉnh 2023, lãnh đạo G7 đã nhất trí thông qua ba biện pháp siết chặt trừng phạt Nga nhằm buộc Nga phải thất bại trên chiến trường Ukraine.

Lãnh đạo các nước G7 tại Hiroshima, Nhật Bản ngày 20/5. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nhật Bản
Lãnh đạo các nước G7 tại Hiroshima, Nhật Bản ngày 20/5. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nhật Bản

Với Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) đưa ra nhận xét “Trong số các vấn đề được thảo luận tại hội nghị lần này, mối quan tâm chung lớn nhất rõ ràng là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mục đích của cuộc thảo luận về vấn đề này là tăng cường khả năng chống chịu và an ninh kinh tế chung của các thành viên G7 để đối phó với việc Trung Quốc có khả năng sử dụng sức mạnh kinh tế hòng gây sức ép với các nước khác”(2).

Tăng cường cung cấp vũ khí, tài chính cho Ukraine song song với siết chặt trừng phạt Nga nhằm làm cho Nga thất bại trong cuộc chiến ở Ukraine và hợp tác đối phó với Trung Quốc, kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc là tư tưởng xuyên suốt Hội nghị Thượng đỉnh G7 2023 tại Hiroshima, Nhật Bản.

Tổng thống Joe Biden tổ chức lễ đón và hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Modi về hàng loạt vấn đề song phương Mỹ - Ấn Độ, khu vực và toàn cầu. Ảnh: Reuters
Tổng thống Joe Biden tổ chức lễ đón và hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Modi về hàng loạt vấn đề song phương Mỹ - Ấn Độ, khu vực và toàn cầu. Ảnh: Reuters

Từ khi nắm quyền Thủ tướng Ấn Độ vào năm 2015, Thủ tướng Narendra Modi đã sang Mỹ nhiều lần và làm việc với các đời Tổng thống: Barack Obama, Donald Trump và Joe Biden. Trong các chuyến thăm Mỹ trước đây, Thủ tướng Modi và các tổng thống Mỹ tập trung chủ yếu vào hợp tác kinh tế.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Mỹ của Thủ tướng N.Modi từ ngày 21 – 24/6/2023, Tổng thống J.Biden đã tổ chức đón tiếp hết sức đặc biệt chỉ dành riêng cho một số nguyên thủ quốc gia. Điều đặc biệt là ở chỗ: mục đích chủ yếu không phải là hợp tác kinh tế mà là hợp tác quốc phòng, an ninh giữa người Mỹ và Ấn Độ.

Ông Narendra Modi phát biểu trước phiên họp chung của Quốc hội Mỹ. Ảnh: Reuters
Ông Narendra Modi phát biểu trước phiên họp chung của Quốc hội Mỹ. Ảnh: Reuters

Mỹ và Ấn Độ đã đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt và hợp tác quốc phòng song phương. Mỹ sẽ chuyển giao cho Ấn Độ công nghệ quân sự cao cấp(3). New Delhi và Washington đã ký thỏa thuận về tính tương thích và bảo mật truyền thông (COMCASA) năm 2018, cung cấp khả năng tương tác giữa quân đội hai nước và bán công nghệ cao cấp của Mỹ cho Ấn Độ. Mỹ và Ấn Độ cũng đã ký thỏa thuận hợp tác trao đổi cơ bản (BECA) để chia sẻ quân sự cao cấp, hậu cần và bản đồ không gian địa lý giữa hai nước(4).

Các thành viên Wagner cùng xe quân sự ở thành phố Rostov-on-Don (Nga). Ảnh: AFP
Các thành viên Wagner cùng xe quân sự ở thành phố Rostov-on-Don (Nga). Ảnh: AFP

Ngày 23/6/2023, Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo Tập đoàn Quân sự tư nhân Wagner, chỉ huy hơn 25.000 tay súng với hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, các loại pháo, tên lửa vác vai hành quân về Moskva với ý định binh biến. Khoảng 21 giờ ngày 23/6/2023, khi đoàn quân Wagner cách Moskva 200km thì đột ngột dừng lại và quay trở lại doanh trại gần biên giới Nga – Ukraine.

Dọc đường hành quân, lực lượng binh biến Wagner  đã bắn rơi máy bay trực thăng và máy bay vận tải của Quân đội Nga làm 37 phi công và phi hành đoàn thiệt mạng. Y.Prigozhin, kẻ cầm đầu vụ nổi loạn, đã liên lạc với chỉ huy các đơn vị tình báo, an ninh, cảnh sát đặc nhiệm, các đơn vị đặc biệt tinh nhuệ của Nga và đề nghị các lực lượng này hợp tác với quân nổi loạn do hắn chỉ huy để tấn công Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu quân đội Nga, sau đó sẽ buộc Tổng thống Putin phải nhượng bộ, thậm chí đầu hàng.

Tổng thống Nga V.Putin gọi đây là hành động phản bội Tổ quốc, là “nhát dao đâm sau lưng”.

Hiện trường vụ rơi máy bay chở ông Yevgeny Prigozhin (ảnh nhỏ). Ảnh: Reuters/AP
Hiện trường vụ rơi máy bay chở ông Yevgeny Prigozhin (ảnh nhỏ). Ảnh: Reuters/AP

Tại Nga, đại diện các khu vực, các chính trị gia hàng đầu, các nhà lãnh đạo công giáo, các nhân vật của công chúng, lực lượng quân đội, tình báo, an ninh, cảnh sát, giới tinh hoa chính trị, các nhà hoạt động xã hội và người dân đều phản đối hành động phản bội Tổ quốc của Prigozhin, đoàn kết ủng hộ Putin.

Cuộc binh biến phản loạn của Prigozhin không ảnh hưởng đến chiến dịch Quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, nhưng uy tín quốc tế của Nga bị ảnh hưởng.

Ngày 23/8/2023, ông chủ Tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin tử nạn trong vụ máy bay rơi.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (thứ 2, trái), Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Hội nghị thượng đỉnh ba bên. Ảnh: Yonhap
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (thứ 2, trái), Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Hội nghị thượng đỉnh ba bên. Ảnh: Yonhap

Ngày 18/8/2023, tại Trại David, bang Maryland, Mỹ, Tổng thống Mỹ J.Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã ký Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác chặt chẽ trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh giữa Mỹ- Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm đối phó với những thách thức chung.

Với Tuyên bố chung Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc 18/8/2023, lần đầu tiên Washington, Tokyo, và Seoul thiết lập cơ chế hợp tác an ninh chặt chẽ. Vì thế, nhiều người coi Tuyên bố chung 18/8/2023 là Hiệp ước Mỹ – Nhật – Hàn.

Tuyên bố chung 3 nước có tên “Tinh thần Trại David” 18/8/2023, lần đầu tiên Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận tăng cường hợp tác an ninh bao gồm các cuộc tập trận quân sự ba bên hàng năm, các cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa lãnh đạo ba nước và các quan chức cấp cao nội các, đặc biệt phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng, vận hành hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo(5). Tuyên bố chung nhấn mạnh: Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ “Tăng cường hợp tác chiến lược đồng minh Mỹ – Nhật, Mỹ – Hàn, thúc đẩy sự hợp tác an ninh ba bên lên một tầm cao mới… Sứ mệnh của chúng ta là bảo đảm Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ duy trì sự thống nhất về mục tiêu và hành động”.

Trưởng các phái đoàn BRICS tại Johannesburg (Nam Phi). Ảnh: Sputnik
Trưởng các phái đoàn BRICS tại Johannesburg (Nam Phi). Ảnh: Sputnik

BRICS là nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn nhất của khoảng 190 các quốc gia đang phát triển (còn gọi là các nước phương Nam), các thành viên sáng lập gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2022, BRICS chiếm 42% dân số thế giới, 30% diện tích đất liền thế giới, 23% GDP thế giới và 18% thương mại toàn cầu(6).

Chủ đề Thượng đỉnh BRICS 2023 “BRICS và Châu Phi: Quan hệ đối tác vì tăng trưởng nhanh, bền vững và chủ nghĩa đa phương toàn cầu”.

Lần đầu tiên, Thượng đỉnh BRICS, với tiêu đề cuộc họp, đặt trọng tâm vào hợp tác giữa các nước BRICS với châu Phi, nơi đang diễn ra tranh giành gay gắt về lợi ích và ảnh hưởng của ba cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Cuộc họp báo tổng kết Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15. Ảnh: Sputnik
Cuộc họp báo tổng kết Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15. Ảnh: Sputnik

Về quy mô của cuộc họp Thượng đỉnh BRICS 2023 tại Nam Phi: ngoài 5 nước thuộc nhóm BRICS, lãnh đạo G7 các nước phương Nam (đang phát triển) được mời dự, trong đó có Việt Nam. Như vậy, đây là lần đầu tiên các nước BRICS tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh mở rộng với quy mô chưa từng có(7).

Tại Thượng đỉnh 2023 ở Nam Phi, lãnh đạo 5 quốc gia BRICS đã hoàn toàn nhất trí chấp nhận 6 thành viên mới là Iran, Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ai Cập, Ethiopia và Argentina. Như vậy, từ tháng 8/2023, BRICS có 11 thành viên.

Hiện có 23 nước đã nộp đơn xin gia nhập BRICS (trong ASEAN có Indonesia, Thái Lan và Việt Nam).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trên bục danh dự, thực hiện nghi thức chào cờ. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trên bục danh dự, thực hiện nghi thức chào cờ. Ảnh: TTXVN

Đây là bước ngoặt lịch sử trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ nói riêng, trong chính sách đối ngoại của Việt Nam nói chung.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden đúng vào dịp: 50 năm Việt Nam và Mỹ ký Hiệp định Paris 1973 chấm dứt sự can dự về quân sự của Mỹ ở Việt Nam và kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ (2013 – 2023).

Tại chuyến thăm, trên cơ sở vì lợi ích của Nhân dân hai nước và mong muốn tăng cường hợp tác nhằm các mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong bối cảnh mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden đã thay mặt hai nước thông qua Tuyên bố chung, thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Joe Biden và Đoàn đại biểu cấp cao Hoa Kỳ. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Joe Biden và Đoàn đại biểu cấp cao Hoa Kỳ. Ảnh: TTXVN

Tuyên bố chung hai nước là văn kiện hết sức quan trọng với 10 trụ cột, bao trùm tất cả các lĩnh vực hợp tác trong quan hệ hai nước. Điều đó cho thấy, hợp tác hai nước không chỉ được mở rộng mà còn đi vào chiều sâu và thực chất hơn; không chỉ trên bình diện hợp tác song phương mà trong các vấn đề khu vực và ở tầm toàn cầu.

Hamas đã mở một cuộc tấn công lớn nhất trong vòng nhiều năm vào Israel. Ảnh: Anadolou
Hamas đã mở một cuộc tấn công lớn nhất trong vòng nhiều năm vào Israel. Ảnh: Anadolou

Ngày 7/10/2023, lực lượng Hamas(8) mở cuộc tấn công quân sự quy mô lớn theo 3 hướng: đường bộ, đường biển, đường không vào Israel. Cuộc tấn công bất ngờ làm hàng trăm người Israel thiệt mạng, Hamas cũng bắt hơn 200 người Israel và người nước ngoài ở Israel làm con tin. Đây là cuộc tấn công quân sự lớn nhất của phong trào Hamas vào Israel kể từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 1987. Dư luận Mỹ và phương Tây so sánh sự kiện ngày 7/10/2023 tương tự như vụ đánh bom khủng bố ở Mỹ ngày 11/9/2001.

Cả Mỹ và Israel hoàn toàn bị bất ngờ về cuộc tấn công quân sự quy mô lớn, được tổ chức hoàn hảo, táo bạo của phong trào Hamas ngày 7/10/2023.

Từ khi thành lập vào năm 1948, nhà nước Israel đã tiến hành nhiều cuộc chiến xâm chiếm lãnh thổ của các nước Ả Rập; chiếm đất của người Palestine, chiếm phía Đông Jerusalem; xây dựng các khu định cư của người Do Thái trên đất của người Palestine. Gần 20 năm dưới sự kiểm soát của Israel, hơn hai triệu người Palestine ở Dải Gaza hết sức khổ cực: tỷ lệ thất nghiệp 50% và chỉ 10% người dân ở Dải Gaza được tiếp cận nước sạch.

Quân đội Israel nã pháo tự hành vào Dải Gaza hôm 11/10. Ảnh: AFP
Quân đội Israel nã pháo tự hành vào Dải Gaza hôm 11/10. Ảnh: AFP

Tháng 12/2022, ông Netanyahu trở lại làm Thủ tướng Israel – chính quyền cực hữu. Chính quyền Netanyahu cho phép người Do Thái định cư ở bờ Tây Dải Gaza. Tháng 7/2023, chính quyền Netanyahu đã phát động chiến dịch quân sự lớn chưa từng thấy trong vòng 20 năm vào thành phố Jenin ở Bờ Tây, làm hơn 100 người Palestine thương vong.

Từ 8/10/2023, Israel tấn công Hamas. Mục tiêu thực sự của Israel là tiêu diệt cơ quan đầu não và lực lượng quân sự chủ lực của Hamas ở Dải Gaza, tức là loại bỏ sự tồn tại của Hamas. Kể từ ngày 8/10 đến nửa đầu tháng 12/2023, sau các cuộc tấn công của Israel, đã có hơn 17.000 người Palestine bị thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung. Ảnh: TTXVN

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản

Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 đến ngày 13 tháng 12 năm 2023.

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh tròn 15 năm Việt Nam và Trung Quốc trở thành Đối tác chiến lược toàn diện. Và đây là lần thứ ba Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam.

Trong thời gian chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã có các cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, các cuộc hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc khẳng định: Hướng tới tương lai, phía Trung Quốc nhấn mạnh kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam, coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng xem và nghe giới thiệu các văn kiện hợp tác giữa hai nước đã được ký kết. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng xem và nghe giới thiệu các văn kiện hợp tác giữa hai nước đã được ký kết. Ảnh: TTXVN

Phía Việt Nam khẳng định luôn coi quan hệ Việt Nam – Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam. Đây là lựa chọn chiến lược của hai bên.

Để tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, hai bên nhất trí phát huy tốt vai trò điều phối tổng thể của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc, tích cực thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, tập trung vào 6 phương hướng hợp tác, gồm: Tin cậy chính trị cao hơn;  Hợp tác quốc phòng – an ninh thực chất hơn; Hợp tác thực chất sâu sắc hơn; Nền tảng xã hội vững chắc hơn; Phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; Bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.

Hà Nội, tháng 12/2023


[1] Iran có diện tích 1.648.000 km2, khoảng 80 triệu người. Saudi Arabia có diện tích 2.240.000 km2, khoảng 45 triệu người.
[2] Theo Trang mạng Cfr.org cuối tháng 5/2023.
[3] Trong hàng chục đồng minh, Mỹ chỉ chuyển giao công nghệ quân sự cao cấp cho Anh và Israel, Ấn Độ là quốc gia thứ ba được Mỹ dành cho ưu đãi đặc biệt này.
[4] Theo Trang mạng modermdiplomacy.eu (ngày 7/6/2023).
[5] Theo báo Straits Times, ngày 21/8/2023.
[6] Theo Công ty Tư vấn vĩ mô Acorn Macro Consulting của Anh, năm 2022, BRICS chiếm 31,5% GDP toàn cầu, vượt GDP của G7 là 30,7% GDP toàn cầu.
[7] 67 nước được mời dự Thượng đỉnh BRICS 2023 đều là các nước phương Nam (đang phát triển). Tổng thống Pháp M.Macron đã ngỏ ý với nước chủ nhà (Nam Phi) là mong muốn dự họp nhưng các nước BRICS không đồng ý mời Tổng thống Pháp (một thành viên của G7).
[8] Hamas – nhánh Hồi giáo Palestin hệ phái Sunni cực đoan của Tổ chức Anh em Hồi giáo. Nhà nước Palestin có hai nhánh: Fatah ở Bờ Tây ôn hòa, Hamas ở Gaza cực đoan theo đuổi đường lối dùng vũ lực để loại bỏ nhà nước Israel, không đội trời chung với Israel Do Thái.