10 thói quen xấu về tiền bạc nên biết để tránh
Phàn nàn về tiền bạc với người nghèo hơn mình, mượn tiền xong không trả đúng hẹn... là những hành vi khiến người liên quan khó chịu. Dưới đây là những điều đa số chúng ta vô tình phạm phải hằng ngày về các phép tắc lịch sự liên quan tới tiền bạc:
Bình luận về lựa chọn tiêu xài của người khác
Nếu bạn rủ bạn bè đi nghỉ cùng và họ từ chối, những bình luận kiểu "Nhưng lương cậu còn cao hơn tớ cơ mà" chẳng thay đổi được quyết định mà còn khiến họ bực mình. Ngoài ra, cũng đừng chỉ trích sau lưng về cách tiêu tiền của người khác. Có thể cô đồng nghiệp đi cắt tóc ở tiệm quá đắt hay mua món đồ lưu niệm quá rẻ nhưng đó là lựa chọn và tiền của họ.
Không để ý tới tình hình tài chính của người khác khi lên kế hoạch việc gì
Nếu bạn mình đang phải trả nợ hay tiết kiệm tiền cho kỳ nghỉ sắp tới, đừng nài nỉ họ đến nhà hàng xa xỉ. Tốt hơn là nên hỏi xem họ thích đến chỗ nào rồi cùng nhau thống nhất.
Không quan tâm đến ngân sách của người khác khi kêu gọi góp chung
Nếu muốn góp tiền mua một món quà cho bạn bè hay đồng nghiệp, đừng mặc định rằng khoản bạn muốn phù hợp với mọi người. Hãy tưởng tượng: Một người chỉ có thể góp 200.000 nhưng bạn lại bảo phải đóng 500.000 thì họ sẽ thấy ra sao. Nên hỏi ý kiến mọi người về số tiền họ có thể góp hoặc cân nhắc xem con số nào thì hợp lý với tất cả.
Chia không công bằng các hóa đơn khi đi ăn uống
Khi đến lúc chia tiền thanh toán hóa đơn ở nhà hàng hay quán xá, hãy đảm bảo rằng không có trường hợp người không gọi đồ gì vẫn phải trả tiền. Có người ăn ít hoặc thậm chí chỉ gọi một cốc bia thay vì món đắt tiền, vì vậy không nên chia đều số tiền. Cách dễ hơn là mỗi người tự trả cho phần mình đã gọi.
Không trả tiền xứng đáng khi nhờ bạn bè làm giúp
Thật tuyệt khi bạn mình là nhiếp ảnh gia tài ba hay người làm tóc khéo léo nhưng mối quan hệ thân thiết không có nghĩa là sẽ tự động được giảm giá. Họ đã phải dành thời gian và sức lực vào công việc, vì vậy bạn nên trả xứng đáng.
Phàn nàn vấn đề tiền bạc với người có thu nhập kém hơn
Bạn mơ về chiếc TV đời mới đã lâu nhưng giá nó vẫn cao và bạn phải chờ tiếp. Cảm giác đó không dễ chịu nhưng hẳn sẽ khó chịu hơn với người đã dành dụm 2 tháng vẫn chưa đủ mua chiếc lò vi sóng phải nghe bạn ca thán.
Tọc mạch về giá cả các món đồ của người khác
Nhiều người không thích bị hỏi về lương nhưng lại không ngại thắc mắc những câu như: "Cậu thuê nhà bao tiền", hay "đôi giày đó đắt không?"... Hãy giữ những câu hỏi kiểu này trong đầu nếu không muốn làm người khác bối rối.
Nếu ai đó hỏi bạn những câu như vậy, bạn không cần phải trả lời mà có thể đáp đơn giản "Tôi không thích nói về chuyện đó" hoặc "Tại sao anh muốn biết?".
Không trả nợ đúng hẹn
Nếu mượn tiền ai đó, bạn nên nói rõ khi nào sẽ trả và cần nhớ hạn này. Nếu không nhớ chính xác ngày, bạn phải thông báo cho người kia biết. Đừng tự ái nếu ai đó từ chối cho bạn vay tiền. Bạn bè là bạn bè, không ai phải có trách nhiệm "tài trợ" bạn.
Thấy có nghĩa vụ phải cho người khác mượn tiền
Một số người không cho người thân, bạn bè vay tiền và họ có lý do để làm vậy. Nếu bạn vẫn muốn cho mượn, cần đảm bảo việc cho vay không ảnh hưởng xấu tới ngân sách và các mối quan hệ của mình. Bạn cũng đừng tự chỉ trích bản thân. Nếu cảm thấy ngại, bạn có thể nói rằng mình đang cần dành tiền cho việc gì đó hoặc trả nợ.
Đừng dạy người khác về tiền
Ngay cả khi bạn có ý giúp ai đó, cũng đừng khuyên bảo họ phải dùng tiền ra sao. Bạn có thể giỏi trong việc tiết kiệm và kiếm tiền nhưng lời khuyên chỉ đáng giá khi người ta cần, vì vậy, tốt hơn là nên đợi họ hỏi mới nói.