13 'siêu thực phẩm' giúp ngăn ngừa ung thư
Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng và các nhóm chất thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư hoặc làm chậm quá trình phát triển của tế bào ung thư.
Những gì chúng ta ăn hàng ngày ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Đặc biệt, nguy cơ ung thư liên quan mật thiết đến chế độ ăn. Theo nghiên cứu khoa học, nhiều loại thực phẩm chứa các hợp chất có lợi có thể giúp giảm sự phát triển của tế bào ung thư.
Dưới đây là 13 thực phẩm có thể giúp chúng ta giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Bông cải xanh
Theo Healthline, bông cải xanh chứa sulforaphane - hợp chất có trong các loại rau họ cải có tác dụng chống ung thư. Sulforaphane có thể làm giảm kích thước và số lượng tế bào ung thư vú lên tới 75%. Một nghiên cứu khác trên động vật chỉ ra việc điều trị ung thư cho chuột bằng sulforaphane đã làm giảm lượng tế bào ung thư tuyến tiền liệt và thể tích khối u tới hơn 50%.
Một số nghiên cứu cũng phát hiện thường xuyên ăn các loại rau họ cải như bông cải xanh, cải brussels, cải xoăn có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
Tuy nhiên, các nghiên cứu trên đều chỉ là thí nghiệm trên động vật hoặc số liệu, chưa có nghiên cứu nào áp dụng trực tiếp lên người. Vì vậy, chúng ta không nên lạm dụng bông cải xanh.
Cà rốt
Các nghiên cứu khoa học phát hiện ăn nhiều cà rốt giúp giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư. Ăn nhiều cà rốt có thể làm giảm 26% nguy cơ mắc ung thư dạ dày, 18% nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt.
Một nghiên cứu gần đây phân tích chế độ ăn của 1.266 người không mắc và mắc ung thư phổi. Kết quả cho thấy những người hút thuốc, không ăn cà rốt thường xuyên có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 3 lần so với những người tuần nào cũng ăn cà rốt 2 lần trở lên.
Do đó, bạn hãy thử kết hợp cà rốt vào chế độ ăn uống vài bữa mỗi tuần để tăng khả năng chống ung thư.
Các loại đậu
Một nghiên cứu theo dõi 1.905 người có tiền sử u đại trực tràng, phát hiện những người có khẩu phần ăn nhiều đậu thường có nguy cơ tái phát khối u thấp hơn.
Nghiên cứu trên động vật cũng cho kết quả tương tự. Chuột bạch ăn nhiều đậu đen và đậu ván có tỷ lệ mắc ung thư ruột kết giảm tới 75%.
Theo những nghiên cứu trên, tăng khẩu phần đậu mỗi tuần có thể làm tăng lượng chất xơ trong cơ thể, giảm nguy cơ phát triển tế bào ung thư.
Quả mọng
Các loại quả mọng như mâm xôi, việt quất, dâu tây chứa nhiều anthocyanin, chất có đặc tính chống oxy hóa, có thể giảm nguy cơ mắc ung thư.
Trong một thí nghiệm về ung thư đại trực tràng, 25 người bị ung thư được điều trị bằng chiết xuất quả việt quất trong 7 ngày. Sau 7 ngày, tỷ lệ phát triển của tế bào ung thư giảm 7%.
Ngoài ra, một số nghiên cứu chứng minh quả mâm xôi đen cũng góp phần làm giảm sự gia tăng tế bào ung thư miệng. Những thí nghiệm trên động vật cho kết quả tương tự. Mâm xôi đen khô giúp chuột giảm 54% tỷ lệ mắc khối u thực quản và số lượng khối u giảm 62%.
Mỗi ngày, chúng ta có thể bổ sung quả mọng hoặc nước ép quả mọng để tăng khả năng chống ung thư.
Quế
Từ lâu, quế đã nổi tiếng vì tác dụng giảm lượng đường trong máu và chống viêm. Gần đây, quế còn được phát hiện có khả năng giúp ngăn ngừa sự lây lan của các tế bào ung thư. Các nghiên cứu trên động vật cũng chỉ ra rằng chiết xuất quế gây chết tế bào ung thư, đồng thời làm giảm khả năng khối u phát triển và lan rộng.
Bổ sung 1/2-1 thìa cà phê (2-4 gram) quế trong chế độ ăn uống mỗi ngày có thể làm tăng khả năng ngăn ngừa ung thư, đồng thời giảm lượng đường trong máu và chống viêm.
Các loại hạt
Năm 2015, qua khảo sát chế độ ăn của 19.386 người, các nhà khoa học đã rút ra kết luận: Những người thường xuyên bổ sung hạt vào chế độ ăn thường ngày có tỷ lệ tử vong do ung thư thấp hơn những người không hay ăn hạt.
Một nghiên cứu khác theo dõi 30.708 người trong vòng 30 năm, phát hiện ăn các loại hạt thường xuyên giúp giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng, tuyến tụy và nội mạc tử cung.
Các nghiên cứu trên động vật cũng cho kết quả tương tự. Chuột ăn quả óc chó làm giảm 80% tốc độ phát triển của tế bào ung thư vú và 60% số lượng khối u.
Bổ sung các loại hạt vào chế độ ăn uống hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư trong tương lai.
Dầu ô liu
Dầu ô liu mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của chúng ta, đặc biệt là khả năng ngừa ung thư. Kết quả của 19 nghiên cứu khoa học cho thấy những người sử dụng dầu ô liu để nấu ăn hàng ngày có khả năng ít mắc ung thư vú và ung thư hệ tiêu hóa hơn người dùng dầu ăn bình thường. Tỷ lệ ung thư đại trực tràng ở những nước tiêu thụ nhiều dầu ô liu cũng thấp hơn các quốc gia khác.
Thay thế các loại dầu đang sử dụng bằng dầu ô liu là cách đơn giản để tận dụng tối đa lợi ích của loại thực phẩm này.
Nghệ
Nghệ là loại gia vị nổi tiếng với các đặc tính tăng cường sức khỏe. Curcumin, thành phần chính trong nghệ, có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và chống ung thư.
Curcumin được chứng minh có hiệu quả trong việc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư phổi, vú và tuyến tiền liệt. Khi nghiên cứu về tác dụng của curcumin, các nhà khoa học đã cho 44 bệnh nhân có nguy cơ bị ung thư ruột kết sử dụng 4 gram curcumin mỗi ngày. Sau 30 ngày, 40% số lượng vết thương đã lành, tỷ lệ mắc ung thư giảm đáng kể.
Bổ sung 1-3 gram bột nghệ vào bữa ăn hàng ngày giúp chúng ta tăng đề kháng, chống viêm nhiễm, ung thư.
Trái cây họ cam quýt
Theo một số nghiên cứu, các loại trái cây họ cam quýt như chanh vàng, bưởi, cam... có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy, đường hô hấp, đường tiêu hóa, dạ dày.
Bổ sung khẩu phần trái cây họ cam quýt trong chế độ ăn theo tuần có thể làm giảm nguy cơ phát triển các loại tế bào ung thư trên.
Hạt lanh
Hạt lanh có nhiều chất xơ cũng như chất béo có lợi cho tim mạch. Đây là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, nó còn hỗ trợ kìm hãm sự phát triển của ung thư, tiêu diệt các tế bào ung thư.
Trong một nghiên cứu, 161 người đàn ông bị ung thư tuyến tiền liệt đã được điều trị bằng hạt lanh. Kết quả cho thấy loại hạt này giảm sự phát triển và lây lan của các tế bào ung thư. Với ung thư vú, nó cũng có tác dụng tương tự.
Mọi người có thể ăn hạt lanh cùng sinh tố, ngũ cốc, sữa chua hoặc gia vị cho món nướng.
Cà chua
Chất lycopene - chất tạo nên màu đỏ của cà chua - có tác dụng giảm tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Kết quả của một nghiên cứu theo dõi chế độ ăn của 47.365 nam giới cho thấy những người thường xuyên ăn cà chua có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn hẳn những người ăn ít.
Để tăng lượng cà chua trong khẩu phần ăn, hãy ăn cà chua như món ăn kèm trong bánh mì, salad, nước sốt hoặc các món mì.
Tỏi
Nhiều năm qua, chất allicin trong tỏi đã được biết đến với công dụng triệt tiêu tế bào ung thư. Ăn nhiều tỏi có tác dụng giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt và ung thư dạ dày.
Mỗi ngày chúng ta nên bổ sung 2-5 gram (khoảng một nhánh) tỏi tươi vào chế độ ăn uống để tận dụng được hết khả năng chữa bệnh của tỏi.
Cá
Cá chứa nhiều chất béo tốt cho sức khỏe, tăng khẩu phần cá trong thực đơn hàng ngày sẽ giúp chúng ta tăng cường sức khỏe, giảm tỷ lệ mắc ung thư. Bổ sung đủ lượng vitamin D và omega-3 có thể giúp chúng ta phòng chống ung thư và giảm sự phát triển của các loại bệnh khác. Các loại cá có nhiều hai chất trên là cá hồi, cá thu và cá cơm.
Chúng ta nên ăn ít nhất 2 bữa cá/tuần để bổ sung đủ chất dinh dưỡng, đồng thời tối đa hóa lợi ích của chúng với sức khỏe.