20 năm tín dụng chính sách đồng hành cùng huyện nghèo Quỳ Châu

Thu Huyền 21/07/2022 06:46

(Baonghean.vn) - Quỳ Châu là huyện miền núi cao của tỉnh Nghệ An, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 42% dân số toàn huyện. Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78/NĐ-CP của Chính phủ và 20 năm thành lập và đi vào hoạt động, hoạt động tín dụng chính sách ưu đãi trên địa bàn đã trở thành công cụ hữu hiệu trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

“Phao cứu sinh” của hộ nghèo

Châu Thuận là xã miền núi vùng xa của huyện Quỳ Châu, có 786 hộ thì 99% là đồng bào dân tộc Thái, trong đó hộ nghèo chiếm 46,06 %, hộ cận nghèo chiếm 22,01%. Tuy vậy, nhờ vốn vay ngân hàng chính sách tiếp sức, nhiều hộ ở đây đã vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế. Trong số đó, phải kể đến tấm gương anh Lương Văn Phú, sinh năm 1980, trú tại Bản Thắm Men, xã Châu Thuận.

Trước đây gia đình anh Phú thuộc diện hộ nghèo, thu nhập chỉ phụ thuộc vào nương rẫy và chăn nuôi. Trong lúc khó khăn, năm 2016, gia đình được bình xét cho vay 50 triệu đồng từ chương trình sản xuất kinh doanh để trồng keo; gia đình anh còn mua thêm 1 máy xát lúa, nuôi thêm 10 con lợn thịt. Nhờ áp dụng kiến thức từ sách báo, tập trung sức lực vào chăm sóc và tăng cường công tác tiêm phòng định kỳ nên đàn trâu và đàn lợn tiếp tục phát triển. Sau đó, anh tiếp tục vay thêm 10 triệu đồng từ chương trình học sinh sinh viên để mua máy vi tính cho con học trực tuyến.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳ Châu kiểm tra mô hình vay vốn tại xã Châu Phong. Ảnh: TH

Hiện nay con đầu học đại học năm thứ 2 Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, con thứ 2 học lớp 7 trên địa bàn xã. Gia đình anh Phú hiện có 1 ao cá, 6 ha keo, 10 con lợn thịt, 1 máy xát lúa. Năm 2020, gia đình anh Phú là một trong những hộ sản xuất kinh doanh tiêu biểu của toàn xã.

Được như ngày hôm nay, với tôi thực sự như là một giấc mơ. Trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳ Châu, cán bộ Đoàn Thanh niên xã Châu Thuận và tổ tiết kiệm và vay vốn nơi bản làng tôi đang sinh sống là những người có công rất lớn để chắp cánh cho ước mơ của gia đình tôi trở thành hiện thực. Tôi sẽ tiếp tục sử dụng đồng vốn có hiệu quả, chấp hành trả nợ gốc lãi đầy đủ đúng theo định kỳ, đồng thời có trách nhiệm chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ và vận động bà con làng bản, thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, góp phần xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình.

Anh Lương Văn Phú, trú tại Bản Thắm Men, xã Châu Thuận.

Phát huy hiệu quả đồng vốn chính sách trên địa bàn huyện Quỳ Châu còn phải kể đến gia đình chị Tô Thị Hương ở bản Quỳnh 2, xã Châu Bình - bản thuộc diện xã đặc biệt khó khăn và vẫn còn rất nhiều hộ nghèo, chủ yếu là bà con ở vùng xuôi di cư lên xây dựng vùng kinh tế mới.

Chị Hương cho biết: Đầu năm 2016, tôi được kết nạp vào Tổ tiết kiệm và vay vốn tại bản và được bình xét để vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 25 triệu đồng của chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở. Gia đình tôi đã sửa chữa lại căn nhà tạm bợ để có nơi an cư lạc nghiệp. Đến đầu năm 2019, gia đình tôi vẫn còn là hộ cận nghèo nên quyết tâm vay thêm 80 triệu đồng tiền để mua trâu bò. Nhờ chăn nuôi có hiệu quả, năm 2020 gia đình tôi được thoát khỏi hộ cận nghèo, đầu tư thêm đất rừng với diện tích 3ha canh tác 50 năm để trồng cây keo và trồng cỏ chăn nuôi đàn trâu, bò, đào ao thả cá.

Chị Tô Thị Hương ở bản Quỳnh 2, xã Châu Bình chăn nuôi gia cầm từ vốn vay Ngân hàng Chính sách. Ảnh: TH

Đến nay, gia đình chị Hương đã thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá của xã, của huyện. Hoạt động chăn nuôi, sản xuất kinh doanh của gia đình phát triển giúp gia đình chị có đủ điều kiện để lo cho con cái ăn học tử tế. Đặc biệt, con gái đầu đạt học sinh giỏi tỉnh, hiện nay đang tiếp tục theo học Trường THPT Quỳ Châu.

Ông Đặng Hoài Nam - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳ Châu cho biết: Toàn huyện có 214 Tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động hiệu quả tại 84 khối, bản trực thuộc quản lý của 04 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với tổng số 8.780 thành viên.

Trong 20 năm qua, nguồn vốn cho vay trên địa bàn huyện không ngừng tăng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách. Nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách từ huyện và các xã, thị trấn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy chính quyền địa phương trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

Ông Đặng Hoài Nam - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳ Châu
Gia đình anh Nguyễn Văn Hữu ở bản Lâm Hội, xã Châu Hội vay vốn để phát triển chăn nuôi giống lợn địa phương. Ảnh: TH

Tăng cường nguồn lực, đáp ứng nhu cầu vay vốn

Từ 2 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với dư nợ nhận bàn giao là gần 6 tỷ đồng, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳ Châu đang triển khai cho vay 16 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt trên 416 tỷ đồng với 8.780 khách hàng đang vay vốn. Qua 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78 của Chính phủ nguồn vốn đã giúp cho hơn 55.611 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn.

Mô hình thanh niên lập nghiệp từ chăn nuôi tại xã Châu Phong. Ảnh: TH

Nguồn vốn đã đầu tư đến 100% khối, bản, giúp cho 23.789 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 3.273 lao động, 312 lao động đi xuất khẩu có thời hạn ở nước ngoài, giúp cho 4.632 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; hỗ trợ xây mới và cải tạo 5.859 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 3.471 ngôi nhà cho hộ nghèo, nhà ở xã hội cho cán bộ công nhân viên chức có thu nhập thấp. Đặc biệt, thông qua vay vốn tín dụng ưu đãi đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế.

Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là cuộc sống của người nghèo, các đối tượng chính sách, thay đổi tư duy nhận thức tránh tình trạng trông chờ ỷ lại vào các chế độ chính sách của Nhà nước; hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, ngành nghề truyền thống, mở rộng sản phẩm dịch vụ OCOP, du lịch trên địa bàn. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 17,64% theo chuẩn cũ, 30 bản, 2 xã về đích nông thôn mới. Vốn tín dụng chính sách còn góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳ Châu giải ngân cho hộ vay tại xã Châu Tiến. Ảnh: TH

Đặc biệt, trên địa bàn không còn nợ quá hạn - là điểm sáng mới trong việc nâng cao chất lượng tín dụng, giúp cho hoạt động tín dụng chính sách tại địa phương ngày càng bền vững và phát triển.

Ông Lê Hải Lý - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳ Châu cho biết: Thời gian qua, Thường trực Huyện uỷ đã có các cuộc làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh về giải pháp nâng chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn. Chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ hàng năm từ 8-10%; Tập trung tranh thủ các nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách, hoàn thành 100% chỉ tiêu vốn ngân sách địa phương được UBND tỉnh giao hàng năm. Từ đó, tạo động lực cho sự phát triển để góp phần xây dựng Quỳ Châu ngày càng phát triển trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXVI đã đề ra.

Mới nhất
x
20 năm tín dụng chính sách đồng hành cùng huyện nghèo Quỳ Châu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO