28 xã của huyện Thanh Chương có bệnh dịch tả lợn châu Phi

Xuân Hoàng 26/03/2021 11:12

(Baonghean.vn) - Dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp tại Huyện Thanh Chương (Nghệ An). Đến ngày 26/3, bệnh dịch này đang lây lan ở 28/38 xã trên địa bàn huyện.

Từ đầu năm 2021 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát ở 28 xã trên địa bàn huyện Thanh Chương. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo số liệu từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Chương cho biết, trong sáng 26/3, trên địa bàn huyện có thêm 3 xã có lợn dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, gồm: Thanh Tùng, Thanh Phong, Thanh Dương.

Nâng tổng số xã có lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi của huyện Thanh Chương lên 28/38 xã, trong đó có: Đại Đồng, thị trấn, Đồng Văn, Thanh Lĩnh, Thanh Tiên, Thanh Hòa, Thanh Nho, Thanh Khê, Thanh Liên, Phong Thịnh, Thanh An, Thanh Chi, Thanh Khê... Số lợn phải tiêu hủy gần 1.200 con, tổng trọng lượng gần 86.000 kg. Như vậy, huyện Thanh Chương lại "nóng" với bệnh dịch tả lợn châu Phi từ sau năm 2019 lại nay.

Người chăn nuôi trên địa bàn xã Thanh Nho phun hóa chất khử trùng trong khu vực chuồng trại. Ảnh: Xuân Hoàng
Người chăn nuôi trên địa bàn xã Thanh An phun hóa chất khử trùng trong khu vực chuồng trại. Ảnh: Xuân Hoàng

Huyện Thanh Chương xác định, nguyên nhân xảy ra dịch tái phát trên địa bàn huyện là do: Các xã đang có dịch đều là ổ dịch cũ năm 2019 và 2020, mầm bệnh đã tồn tại trong môi trường chăn nuôi và động vật mẫn cảm. Công tác tiêu độc, khử trùng chưa thường xuyên, liên tục. Sau Tết Nguyên đán, người dân tái đàn lợn nhưng ít áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không khai báo với chính quyền địa phương... Thời tiết đang diễn biến thất thường, mưa, gió nhiều làm các nguồn nước, phân, chất thải từ các hộ gia đình phát tán ra môi trường, theo các kênh, mương vào ao, hồ, người chăn nuôi dùng để tắm, vệ sinh chuồng trại và cho lợn ăn, uống.

Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến "nóng" trở lại trên địa bàn nhiều xã, UBND huyện Thanh Chương chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch: Lập biển báo vùng dịch, biển báo hố chôn lợn bị bệnh. Làm hố tiêu độc, khử trùng tại các tuyến đường ra, vào hộ gia đình có dịch. Cấp hóa chất, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình giáp ranh, khu vực xung quanh hộ có dịch làm tốt công tác tiêu độc, khử trùng để hạn chế lây lan mầm bệnh.

Người dân xã Thanh Phong (Thanh Chương) rắc vôi bột trước cổng nhà, phòng dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Xuân Hoàng

Tiêu hủy toàn bộ số lợn bị bệnh trong diện phải tiêu hủy kịp thời, theo quy định. Thống kê tổng đàn lợn trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp để có biện pháp triển khai phù hợp khi dịch xảy ra. Tuyệt đối không để nhân dân buôn bán, vận chuyển, giết mổ, vứt xác lợn chết ra môi trường và không tăng đàn trong vùng dịch.

Tổ chức tiêu độc, khử trùng trên địa bàn xóm có dịch và vùng bị dịch uy hiếp theo kịch bản đã xây dựng. Thành lập chốt trực trên trục đường chính ra, vào xã. Chủ động xuất kinh phí từ nguồn dự phòng của xã để phục vụ công tác phòng, chống dịch như: kinh phí trực chốt, tiêu hủy, khử trùng, mua hóa chất, vôi bột...

Mới nhất

x
28 xã của huyện Thanh Chương có bệnh dịch tả lợn châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO