5 bộ phận trên xe cũ không hỏng cũng nên sửa để yên tâm đi Tết

Hoàng Hiệp 18/01/2023 15:25

Ô tô cũ, nhất là dòng xe bình dân sau nhiều năm sử dụng thường nhanh xuống cấp, hỏng vặt. Tuy nhiên, chỉ cần chú ý bảo dưỡng các bộ phận dưới đây, chủ xe vẫn yên tâm đi chơi Tết an toàn.

Trao đổi với PV, kỹ sư ô tô Lê Hồng Đại - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển thương mại ô tô Đại Linh (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, vào dịp cận tết Nguyên đán như hiện nay, nhu cầu mang xe đến các gara để sửa chữa, tút tát rất lớn. Một số chủ xe không tiếc tiền và thời gian đưa xe đi bảo dưỡng toàn bộ với chi phí lên tới vài chục triệu để chiếc xế cưng của mình “ngon lành cành đào” trong dịp Tết.

Kỹ sư Lê Hồng Đại đang "bắt bệnh" một chiếc xe cũ. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Tuy vậy, đối với những chiếc xe cũ đã sử dụng trên dưới 10 năm hiện chỉ còn giá trị một vài trăm triệu, việc bỏ cả chục triệu đồng để bảo dưỡng toàn bộ lại là vấn đề lớn. Thế nên, những chủ xe am hiểu về kỹ thuật thường ưu tiên chăm sóc tập trung vào một số bộ phận hay hỏng hóc để vừa tiết kiệm chi phí trong khi vẫn đạt hiệu quả vận hành cao.

Theo kỹ sư Đại, đối với "xe cỏ", 5 hạng mục dưới đây dù không hỏng cũng nên quan tâm chú ý để có những chuyến đi xa an toàn, an tâm nhất:

1. Kiểm tra hệ thống nước làm mát, dầu động cơ

Khi xe hoạt động, nhiệt độ từ động cơ của xe sinh ra rất lớn. Nếu không có dung dịch nước làm mát, các chi tiết kim loại ở bên trong động cơ sẽ giãn nở và làm bó máy gây hại cho xe. Một chiếc xe ô tô không thể hoạt động một cách ổn định và bền bỉ nếu như thiếu nước làm mát.

Một bộ phận của bơm nước làm mát bị hỏng khiến nhiệt độ máy tăng cao. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Với những dòng xe cũ đã dùng trên dưới 10 năm, những bộ phận của hệ thống làm mát như bình nước, bơm nước, dây dẫn,... ít nhiều sẽ bị xuống cấp. Nếu không may hệ thống này bị trục trặc hoặc rò rỉ, hết nước làm mát còn gây ra nóng máy, quá nhiệt, bó máy,... rất nguy hiểm khi đi đường dài.

Vì vậy, hệ thống làm mát nói chung và nước làm mát nói riêng cần liên tục được kiểm tra. Nếu nước làm mát bị hao, có thể do nhiều lý do như thủng két nước, rò rỉ qua dây dẫn, bay hơi hoặc do hỏng bơm nước mát,... cần xem xét kỹ để có biện pháp khắc phục triệt để.

Ngoài ra, chủ xe cũng nên theo dõi để thay dầu nhớt định kỳ. Trước mỗi dịp cần di chuyển nhiều như tết Nguyên đán, nên thay thế trước một chút cho yên tâm. Đồng thời, cần chú ý đến chủng loại và thông số phù hợp với khuyến cáo của nhà sản xuất.

2. Bảo dưỡng phanh xe

Phanh xe (thắng) là bộ phận cực kỳ quan trọng, giúp điều chỉnh tốc độ và giữ an toàn cho chiếc xe. Theo thời gian, phanh xe sẽ bị mòn và chai cứng, mất tác dụng phanh rất nguy hiểm. Tuy vậy, nhiều người thường chỉ đem đi bảo dưỡng, sửa chữa khi phanh đã có vấn đề.

Trước những chuyến đi dài như đợt tết Nguyên đán sắp tới, chủ xe nên kiểm tra phanh xe để không gặp phải rủi ro đáng tiếc khi vận hành xe ô tô. Thông thường, tại các gara, thợ sửa xe sẽ tiến hành tháo bánh xe, sau đó tháo phanh xe để kiểm tra bố, kiểm tra dầu. Cuối cùng là vệ sinh bố phanh nếu bị bẩn do bụi bám vào, tra mỡ thắng rồi ráp lại như ban đầu.

Phanh đĩa sau một thời gian sử dụng có thể bị cong, vênh hoặc không phẳng đều, làm mất khả năng giảm tốc độ của xe. (Ảnh minh hoạ: Otohui)

Đối với phanh đĩa, sau một thời gian sử dụng, dưới sự tác động của việc phanh cùng môi trường bên ngoài như đất, đá, nhiệt độ,... có thể gây cong vênh đĩa phanh, làm đĩa phanh bị gồ ghề hay độ dày không đồng nhất. Trong những trường hợp đó, láng đĩa phanh được coi là biện pháp hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề về phanh.

3. Vệ sinh kim phun, họng hút, bu-gi, lọc gió.

Trên xe ô tô, các bộ phận kim phun, họng hút, bu-gi, dây cao áp, lọc gió,... ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng vận hành của xe. Những bộ phận này hoạt động tốt sẽ giúp tối ưu hoá công suất động cơ, tiết kiệm nhiên liệu, khiến chiếc xe vận hành êm ái, trơn tru.

Với những chiếc xe đã sử dụng nhiều năm, kim phun, họng hút, bu-gi thường bị bám bẩn dẫn đến tắc, nghẹt. Do vậy, cần phải rất để ý đến những bộ phận này. Nếu xe của bạn đã lâu chưa vệ sinh những bộ phận này, đừng ngần ngại mang đến gara để vệ sinh.

Thông thường, bộ phận này cần được vệ sinh sạch sẽ bằng máy và hoá chất mỗi 15.000 km/lần. Tuy nhiên đối với xe cũ, nên thường xuyên vệ sinh hơn, khoảng từ 7.000-10.000 km/lần, thậm chí ít hơn tuỳ vào điều kiện và tình trạng xe.

"Xe cỏ" cần được vệ sinh bu-gi, kim phun, họng hút... thường xuyên hơn. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

4. Kiểm tra máy phát điện

Máy phát điện ô tô là bộ phận giúp duy trì các hệ thống điện trên xe. Nếu như máy phát điện hoạt động không hiệu quả hoặc hư hỏng sẽ không có nguồn điện cấp cho hộp ECU để điều khiển bơm xăng, kim phun, hệ thống đánh lửa,… hoạt động. Xe sẽ dùng hết số điện tích trong ắc quy đến khi hết và có thể nằm đường bất thình lình.

Do đó, chủ xe có thể mang ra gara kiểm tra bộ phận chổi than, cổ góp có mòn không để kịp thời thay thế hoặc bảo dưỡng trước mỗi chuyến đi xa.

5. Bảo dưỡng bộ đề

Bộ khởi động hay bộ đề đi theo máy phát là chi tiết có độ bền khá cao, rất ít khi xảy ra hỏng hóc. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách, không kiểm tra bảo dưỡng định kỳ thì chi tiết này sẽ hư hỏng bất ngờ, dẫn tới mất công sức, thời gian. Với xe số sàn thì bộ đề khởi động hỏng có thể đẩy cho nổ chạy tạm được, nhưng với xe số tự động thì chỉ kéo về gara.

Thường gặp nhất là chổi than bị bẩn, mạt chổi bám bám vào nam châm vĩnh cửu được dán cố định vào vỏ bộ đề (stato) dẫn tới hỏng đề. Ngoài ra, nếu chổi than quá mòn, lớp mạt bám nhiều trên cổ góp sẽ gây ra hiện tượng chập chờn khi sử dụng rất khó chịu.

Do vậy, nếu bộ phận này đã lâu chưa thay thế thì chủ xe nên kiểm tra ngay. Việc kiểm tra bộ phận này khá đơn giản, không mất nhiều thời gian, chủ xe nên chủ động yêu cầu thợ sửa chữa kiểm tra bộ phận này khi đi bảo dưỡng. Nếu phát hiện chổi than quá mòn thì nên thay thế ngay.

Trên đây là một số bộ phận nên ưu tiên kiểm tra và bảo dưỡng để tiết kiệm thời gian, tiền bạc để yên tâm đi Tết. Với 5 hạng mục trên, trung bình sẽ mất khoảng 1-2 giờ kiểm tra, sửa chữa nhưng sẽ giúp chủ xe tương đối yên tâm để vi vu chơi Tết.

Tuy nhiên, kỹ sư Lê Hồng Đại vẫn khuyến cáo chủ xe nên bảo dưỡng và thay thế các chi tiết định kỳ để chiếc xe vận hành được tốt nhất. Đồng thời, nên có sổ nhật ký bảo dưỡng, sửa chữa để theo dõi và kịp thời thay thế các chi tiết hết thời gian sử dụng. Tuyệt đối không nên để đến lúc hỏng mới tá hoả đi sửa, có thể còn tốn kém hơn rất nhiều lần.

Theo vietnamnet.vn
Copy Link
Mới nhất
x
5 bộ phận trên xe cũ không hỏng cũng nên sửa để yên tâm đi Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO