5 chiếc điện thoại đắt nhất thế giới
Nhiều người nghĩ điện thoại di động chỉ là công cụ liên lạc. Nhưng trong thế giới công nghệ xa xỉ, có những chiếc điện thoại được chế tác như trang sức, với mức giá khiến bạn không thể ngờ tới.
Có thể nhiều người vừa mạnh tay chi tiêu để sở hữu mẫu điện thoại di động cao cấp (flagship) mới nhất, khiến tài khoản ngân hàng vơi đi kha khá. Nhưng so với những thiết bị mà chúng ta sắp khám phá, chiếc điện thoại của bạn chỉ là “món khai vị”.

Trong thực tế, có những chiếc điện thoại di động có giá cao hơn cả một chiếc xe hơi, thậm chí là xe sang. Dù lý do đến từ thiết kế xa xỉ, vật liệu quý hiếm hay công nghệ độc nhất vô nhị, thì những thiết bị này không đơn thuần để gọi điện, nhắn tin hay lướt web. Chúng là biểu tượng của đẳng cấp và quyền lực.
1. iPhone 6 Falcon Supernova Pink Diamond
iPhone 6 Falcon Supernova Pink Diamond không chỉ là một chiếc smartphone, nó là biểu tượng tối thượng của sự xa xỉ. Được công ty Falcon Luxury (Mỹ) chế tác riêng vào năm 2019, thiết bị này hiện là chiếc điện thoại đắt nhất từng được tạo ra, với mức giá không tưởng lên tới 48,5 triệu USD.
Chiếc điện thoại này thuộc sở hữu của Nita Ambani, phu nhân của tỷ phú Mukesh Ambani (Ấn Độ), người giàu nhất châu Á. Điểm nhấn không thể nhầm lẫn nằm ở mặt lưng: một viên kim cương hồng quý hiếm 7,4 carat được đặt chính giữa lớp vỏ bằng vàng 24 carat, bao quanh là lớp bạch kim chống trộm, tất cả mang lại vẻ ngoài không khác gì một món trang sức triệu đô.

Dù phần cứng bên trong đã lỗi thời, sử dụng chip Apple A8, RAM 1GB và không hỗ trợ 5G nhưng Falcon đã giữ nguyên toàn bộ tính năng của một chiếc iPhone tiêu chuẩn, bao gồm màn hình Retina HD 4,7 inch, máy ảnh iSight 8MP, Siri, Touch ID và cả Apple Pay. Điều đó có nghĩa là bạn vẫn có thể gọi điện, lướt web, hay kiểm tra email nếu dám mang nó ra ngoài.
Tuy nhiên, đừng mong chờ hiệu suất cao hay sự tiện dụng trong thực tế vì đây là thiết bị dành cho giới siêu giàu, những người xem công nghệ là tuyên ngôn đẳng cấp hơn là nhu cầu sử dụng hàng ngày.
iPhone 6 Falcon Supernova không dành cho số đông vì nó là một chiếc cúp công nghệ, thể hiện sự khéo léo của nghề thủ công, tính độc quyền tuyệt đối, và mức độ chịu chi khó ai sánh kịp.
2. iPhone 5 Black Diamond Edition
Nếu bạn nghĩ iPhone chỉ là một thiết bị công nghệ, chiếc iPhone 5 Black Diamond Edition sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại. Đây là một tác phẩm đặc biệt do nhà thiết kế người Anh Stuart Hughes thực hiện, là sự kết hợp tinh hoa công nghệ của Apple với trình độ chế tác trang sức thủ công bậc thầy. Mức giá 15 triệu USD đủ để đưa thiết bị này trở thành chiếc điện thoại đắt giá thứ 2 từng được chế tạo.
Chiếc điện thoại này nổi bật với lớp vỏ bằng vàng nguyên khối 24 carat, nạm hơn 600 viên kim cương trắng, trong đó có 53 viên được đính xung quanh logo Apple ở mặt lưng.

Điểm nhấn đặc biệt nhất nằm ở nút Home, nơi đặt một viên kim cương đen hiếm 7,4 carat, mang đến cảm giác như đang sử dụng một món đồ trang sức hơn là một thiết bị điện tử.
Về mặt công nghệ, iPhone 5 Black Diamond Edition vẫn giữ nguyên cấu hình gốc của mẫu iPhone 5 ra mắt năm 2012 với màn hình Retina 4 inch, chip Apple A6, RAM 1GB, và các tùy chọn bộ nhớ từ 16GB đến 64GB. Camera sau 8MP và camera trước 1.2MP vẫn đủ đáp ứng các nhu cầu cơ bản, nhưng rõ ràng, đây không phải là thiết bị dành cho những ai quan tâm đến hiệu năng hay tính năng hiện đại như Face ID, sạc không dây hay kết nối 5G.
Thay vào đó, iPhone 5 Black Diamond Edition là biểu tượng của đẳng cấp và sự độc quyền, một món đồ dành cho những nhà sưu tầm hoặc tỷ phú muốn sở hữu một chiếc điện thoại không giống ai trên thế giới.
3. iPhone 4S Elite Gold Edition
iPhone 4S Elite Gold Edition là một trong những thiết bị xa xỉ bậc nhất từng được chế tác, đến từ bàn tay của nhà thiết kế nổi tiếng người Anh Stuart Hughes – người đã biến công nghệ thành nghệ thuật sống động. Ra đời vào năm 2011, với mức giá 9,4 triệu USD, đây không chỉ là một chiếc điện thoại, mà còn là một biểu tượng của sự sang trọng và độ hiếm đến mức khó tin.
Thân máy được chế tác từ vàng nguyên khối 24 carat, bao quanh là viền làm từ gỗ hồng sắc, một loại gỗ quý được ưa chuộng trong chế tác thủ công cao cấp. Bao phủ trên phần viền là 500 viên kim cương cắt tinh xảo, mang lại vẻ ngoài rực rỡ và nổi bật. Nút Home được thay thế bằng một viên kim cương lớn 8,6 carat, đi kèm một viên kim cương dự phòng 7,4 carat để tăng tính cá nhân hóa cho người sở hữu.

Không chỉ chiếc điện thoại mà ngay cả hộp đựng cũng là một tác phẩm nghệ thuật với một chiếc rương tùy chỉnh, bên trong chứa các mảnh xương khủng long thật cùng nhiều loại đá quý cực hiếm, đưa yếu tố lịch sử và thiên nhiên vào thế giới công nghệ hiện đại.
Về cấu hình, thiết bị vẫn giữ nguyên phần cứng của iPhone 4S gốc như chip Apple A5, RAM 512MB, màn hình Retina 3,5 inch và camera sau 8MP. Rõ ràng, đây không phải là một chiếc điện thoại dành cho hiệu năng hay tính năng hiện đại, nhưng đối với giới sưu tầm hay những người đam mê xa xỉ phẩm, iPhone 4S Elite Gold Edition là một món báu vật độc nhất vô nhị, vừa là một chiếc điện thoại, vừa là tác phẩm nghệ thuật đắt giá.
4. iPhone 4 Diamond Rose Edition
Được sản xuất năm 2010, với mức giá 8 triệu USD, iPhone 4 Diamond Rose Edition cũng là tác phẩm của nhà thiết kế người Anh Stuart Hughes. Chiếc điện thoại này sở hữu thân máy bằng vàng hồng nặng 100 gram, được nạm 500 viên kim cương đắt giá, trong đó điểm nhấn đặc biệt là nút Home được chế tác từ viên kim cương hồng 7,4 carat cực kỳ hiếm.

Không chỉ dừng lại ở phần cứng bên ngoài, iPhone 4 Diamond Rose Edition còn được đặt trong một chiếc rương bằng đá granit nguyên khối, mang đậm tính cá nhân hóa và an toàn tuyệt đối. Các chi tiết thủ công như lớp vỏ da Nubuck được đánh bóng bằng tay, cùng đường viền hoàn thiện tinh xảo, biến chiếc điện thoại thành một tác phẩm nghệ thuật xa xỉ chứ không đơn thuần là thiết bị di động.
Về mặt kỹ thuật, chiếc điện thoại này vẫn giữ nguyên phần cứng tiêu chuẩn của iPhone 4, bao gồm màn hình Retina 3,5 inch, chip Apple A4, RAM 512MB và bộ nhớ từ 16GB đến 32GB. Tuy nhiên, so với các tiêu chuẩn công nghệ ngày nay, thiết bị này rõ ràng đã lỗi thời và không còn phù hợp để sử dụng thường xuyên.
iPhone 4 Diamond Rose Edition không dành cho người dùng phổ thông, mà dành cho những nhà sưu tập đam mê sự khác biệt, độc quyền và giá trị trường tồn theo thời gian.
5. Goldstriker iPhone 3GS Supreme Edition
Ra mắt vào năm 2009, Goldstriker iPhone 3GS Supreme Edition với mức giá 3,2 triệu USD là minh chứng cho việc công nghệ cũng có thể trở thành một biểu tượng thời trang và địa vị.
Được thiết kế bởi Stuart Hughes, cái tên gắn liền với những thiết bị siêu sang, chiếc iPhone này khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn khác biệt so với mẫu tiêu chuẩn của Apple.

Toàn bộ phần viền được chế tác từ bạch kim cao cấp, đính kèm 130 viên kim cương tinh xảo, làm nổi bật vẻ đẹp rực rỡ ở mọi góc nhìn. Trung tâm của thiết kế là nút Home bằng kim cương 7,1 carat, tạo nên điểm nhấn lấp lánh mang đậm tính độc quyền.
Không chỉ thiết bị chính, Goldstriker iPhone 3GS Supreme Edition còn đi kèm với một chiếc ví da đà điểu được thiết kế riêng theo phong cách safari, gợi nhớ đến sự mạo hiểm, sang trọng và gu thẩm mỹ cá tính của người sở hữu. Đây không chỉ là một chiếc điện thoại, mà là một tuyên ngôn phong cách sống.
Về mặt phần cứng, thiết bị vẫn giữ nguyên thông số kỹ thuật của iPhone 3GS với màn hình 3,5 inch (480×320 pixel), chip Apple A4, RAM 256MB và bộ nhớ trong 32GB. Máy được mở khóa tại nhà máy, hỗ trợ sử dụng toàn cầu, một điểm cộng cho những người sưu tầm muốn sử dụng thiết bị như một biểu tượng di động.
Tuy nhiên, với phần mềm lỗi thời và không hỗ trợ các tính năng hiện đại như Siri hay iCloud, Goldstriker iPhone 3GS Supreme Edition gần như không phù hợp cho việc sử dụng thường xuyên. Nó là một món đồ dành riêng cho giới sưu tầm, nơi giá trị nghệ thuật và sự độc nhất vô nhị mới là điều quan trọng nhất.
Dù phần lớn người dùng chỉ cần một chiếc điện thoại bền, đẹp và nhiều tính năng nhưng thế giới vẫn tồn tại những mẫu điện thoại xa xỉ vượt ngoài tầm với của số đông. Những thiết bị đắt đỏ nhất hành tinh không chỉ là công cụ liên lạc, mà còn là biểu tượng của đẳng cấp, thời trang và nghệ thuật chế tác tinh xảo.