Pháp luật

5 năm kể từ chỉ đạo của Chính phủ, những tồn tại ở dự án thủy điện Bản Vẽ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm

Nhật Lân 14/11/2024 16:28

Mặc dù từ năm 2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có chỉ đạo giải quyết những tồn tại, vướng mắc ở dự án thủy điện Bản Vẽ, thế nhưng, đến nay, việc này chưa được giải quyết dứt điểm

Mỏi mòn chờ đợi

Những tồn tại, vướng mắc ở dự án thủy điện Bản Vẽ từng được Báo Nghệ An thông tin sau khi huyện Tương Dương hứng chịu trận lũ lịch sử ngày 30 – 31/8/2018.

Hướng giải quyết căn bản được làm rõ sau cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì, qua Thông báo số 143/TB-VPCP ngày 13/4/2019 của Văn phòng Chính phủ.

z6031550406395_3e130e732d38a99d6bffa4cf68dcd539.jpg
Cuộc họp ngày 28/3/2019 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì. Ảnh: Kha Văn Ót

Toàn văn Thông báo số 143/TB-VPCP ngày 13/4/2019 như sau: “Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận như sau:

Dự án thủy điện Bản Vẽ tại xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao Chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Dự án được khởi công xây dựng năm 2004, đưa vào vận hành từ năm 2010 cung cấp điện cho quốc gia bình quân khoảng 1084,2 triệu kWh/năm. Dự án đã có sự đóng góp và ủng hộ to lớn của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An, nhất là 3.022 hộ dân với hơn 14.324 nhân khẩu của 34 bản thuộc hai huyện Tương Dương và Kỳ Sơn đã chủ động thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, ủng hộ chủ đầu tư trong việc di dân bàn giao mặt bằng sạch để xây dựng nhà máy thủy điện Bản Vẽ đúng tiến độ (2004 – 2010).

Tuy nhiên đến nay, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn còn một số tồn tại vướng mắc, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của nhân dân vùng di dân, tái định cư trong một số năm gần đây. Đặc biệt do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4 (tháng 8/2018) đã gây ra thiệt hại nặng nề về nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối hoa màu của nhân dân và nhiều công trình công cộng khác.

Để sớm ổn định cuộc sống của người dân, đồng bào dân tộc vùng biên giới Việt – Lào do phải bàn giao mặt bằng thi công dự án thủy điện Bản Vẽ trước mùa lũ 2019, yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và các huyện Tương Dương, Thanh Chương rà soát các tồn tại vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thiệt hại sau bão số 4 (tháng 8 năm 2018) của người dân vùng Dự án thủy điện Bản Vẽ và vùng bị ảnh hưởng của Dự án.

Trên cơ sở đó xem xét, xử lý hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn đầu tư của Dự án thủy điện Bản Vẽ theo đúng quy định hiện hành, nhằm giúp người dân vùng Dự án khắc phục tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”.

Vậy nhưng, những vướng mắc, tồn đọng ở dự án thủy điện Bản Vẽ đã được tiếp tục ghi nhận sau buổi tiếp xúc cử tri xã Yên Na của đại biểu HĐND tỉnh ngày 7/11/2024.

Tiếp xúc với đại biểu HĐND tỉnh, cử tri bản Vẽ, xã Yên Na đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền triển khai xây dựng khu tái định cư mới cho 20 hộ phải di dời khẩn cấp tại Khe Có Chánh do ảnh hưởng từ việc thủy điện Bản Vẽ xả lũ ngày 30 -31/8/2018, bao gồm 3 nội dung chưa thực hiện gồm xây dựng đường mương thoát nước; đường lên khu tái định cư; xây dựng trạm hạ thế cấp điện tại gia vì hiện nay đang dùng điện công trường giá cao, đường dây tạm bợ không an toàn.

z6025648387650_b97ea580d8c2c3d8b1a83c8a0a9e0ee3.jpg
Buổi tiếp xúc cử tri xã Yên Na của đại biểu HĐND tỉnh ngày 7/11/2024. Ảnh: CSCC

Liên quan nội dung này, theo ông Vi Thanh Tùng - Chủ tịch UBND xã Yên Na, UBND huyện Tương Dương đã phối hợp với chủ đầu tư thủy điện Bản Vẽ rà soát và tổng hợp các kiến nghị của cử tri, đưa vào hạng mục đầu tư bổ sung của dự án thủy điện Bản Vẽ.

Kinh phí đề nghị là hơn 30 tỷ đồng để xây dựng khu tái định cư tại cụm Xốp Vi, bản Xốp Cháo, xã Lượng Minh; xây dựng khu tái định cư Khe Chóng để di dời khẩn cấp 19 hộ dân bản Vẽ khỏi vùng sạt lở đất.

z6025648378039_7f6a9eaa3850c5a88e4bcc7cf0aa9c0d.jpg
Cử tri xã Yên Na phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh ngày 7/11/2024. Ảnh: CSCC

Vào ngày 14/10/2024, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 7505/VPCP về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giải quyết vướng mắc của dự án thủy điện Bản Vẽ; ngày 30/10/2024, Bộ Công Thương có Công văn số 8684/BCT-ĐL triển khai thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ. Về phía UBND tỉnh, ngày 1/11/2024 có Công văn số 9643/UBND-CN giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai thực hiện.

Dù vậy, cử tri xã Yên Na vì chờ đợi quá lâu nên tiếp tục có kiến nghị, qua trao đổi của đại biểu HĐND tỉnh ngày 7/11 thì rất băn khoăn vì nhận thấy vẫn còn có khúc mắc. Chủ tịch UBND xã Yên Na - ông Vi Thanh Tùng nói: “Trước kiến nghị của cử tri xã Yên Na, đại biểu HĐND tỉnh cho biết Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang băn khoăn câu từ trong các văn bản về vấn đề thẩm quyền giải quyết. Vì vậy, tỉnh đang giao cơ quan liên quan tiếp tục bám, hướng đến làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để giải quyết dứt điểm nội dung này… ”.

Đã có hy vọng?

Hệ thống lại các văn bản liên quan, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thủy điện Bản Vẽ và hỗ trợ do ảnh hưởng sau lũ tháng 8/2018 được xác định thực hiện tại huyện Tương Dương và huyện Thanh Chương.

Trong đó, đối với huyện Tương Dương, tại Khu tái định cư cụm Xốp Vi, bản Xốp Cháo (xã Lượng Minh) hỗ trợ đường giao thông ngoại bản và đường giao thông trong khu dân cư, cầu Khe Pông, hệ thống cấp nước; hỗ trợ tại Khu tái định cư Khe Chóng để di dời khẩn cấp 19 hộ dân Bản Vẽ ra khỏi vùng sạt lở đất xã Yên Na các hạng mục đường giao thông khu tái định cư; hệ thống kè chắn chống sạt lở; hệ thống thoát nước; hệ thống cấp điện.

z6031550402196_7c3ac7db772e714af08cd090ef8cc015.jpg
Trong vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, không hiếm gặp những hộ dân từ các xã Ngọc Lân, Thanh Sơn (Thanh Chương) vì gặp khó khăn nên trở lại quê cũ để tìm kế sinh nhai. Ảnh: Nhật Lân

Với huyện Thanh Chương, hỗ trợ xây dựng các hạng mục Nhà văn hoá Bản Nòong, xã Ngọc Lâm; Đài tưởng niệm liệt sỹ, chợ nông thôn và sân vận động ở các xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm. Tổng giá trị khái toán các hạng mục đề nghị hỗ trợ là hơn 51 tỷ đồng.

Vào ngày 28/8/2024, bằng Văn bản 218/BC-BCT, Bộ Công Thương đã báo cáo rất cụ thể việc hỗ trợ tái định cư bổ sung đối với Dự án thủy điện Bản Vẽ lên Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Qua đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ người dân khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ từ nguồn vốn đầu tư của Dự án để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bảo đảm ổn định cuộc sống. Giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức thực hiện các công việc hỗ trợ đảm bảo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, giao UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức thực hiện các công việc hỗ trợ người dân khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ…

z6025653331241_00c993247636ed409a367309b8b44ff9-e1a7a57c011637e8aea111eb624c23e3.jpg
Văn bản 218/BC-BCT ngày 28/8/2024 của Bộ Công Thương. Ảnh: Nhật Lân

Đến ngày 14/10/2024, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 7505/VPCP-NN về việc hỗ trợ tái định cư bổ sung đối với Dự án thủy điện Bản Vẽ gửi Bộ Công Thương; UBND tỉnh Nghệ An; Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Nội dung Văn bản số 7505/VPCP-NN thể hiện Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có ý kiến: “Căn cứ Báo cáo số 218/BC-BCT ngày 28/8/2024 nêu trên và quy định của pháp luật liên quan, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An theo thẩm quyền, chức năng và nhiệm vụ được giao, xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và ý kiến Lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo tại Thông báo số 143/TB-VPCP ngày 13/4/2019 của Văn phòng Chính phủ; khẩn trương phối hợp, triển khai thực hiện các biện pháp để ổn định cuộc sống cho người dân”.

z6025653336954_4b706d3dc9833aec0e309febf9f9f049.jpg
Văn bản số 7505/VPCP-NN ngày 14/10/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc hỗ trợ tái định cư bổ sung đối với Dự án thủy điện Bản Vẽ. Ảnh: Nhật Lân

Với những văn bản trên, thể hiện sự thống nhất rất cao của Chính phủ, Bộ Công Thương trong việc giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc ở dự án thủy điện Bản Vẽ, tại sao lại còn có băn khoăn? Liên hệ đến ông Nguyễn Hữu Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, được trao đổi, trước ngày 7/11/2024 vẫn có ý kiến cho rằng tại Văn bản số 7505/VPCP-NN của Văn phòng Chính phủ giao “xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật hiện hành”, chứ chưa “thống nhất chủ trương cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ người dân khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ” như Bộ Công thương kiến nghị.

z6025653340527_919080629a0fb74c1283849989d8fd1e-0352f5106249e2f14dfbe11fa7e04fee.jpg
Văn bản số 6345/EVN-QLXD ngày 8/11/2024 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ảnh: Nhật Lân

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương thông tin, vào ngày 8/11/2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Văn bản số 6345/EVN-QLXD giao Tổng Công ty Phát điện 1 với vai trò là chủ đầu tư dự án thủy điện Bản Vẽ giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Nguyễn Hữu Hiến trao đổi: “Ở Văn bản số 6345/EVN-QLXD, Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu Tổng Công ty Phát điện 1 khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan xử lý các tồn tại vướng mắc ở dự án thủy điện Bản Vẽ theo chỉ đạo của Chính Phủ và Bộ Công thương. Vì vậy, huyện Tương Dương có niềm tin nội dung này sẽ được giải quyết dứt điểm trong thời gian tới…”.

Mới nhất

x
5 năm kể từ chỉ đạo của Chính phủ, những tồn tại ở dự án thủy điện Bản Vẽ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO