5 thói quen của người dùng ô tô khiến ghế da nhanh xuống cấp
Ghế ngồi bọc da góp phần mang lại thoải mái, tăng tính thẩm mỹ cho khoang nội thất, nhưng trong quá trình sử dụng những thói quen hàng ngày của người dùng ô tô rất dễ làm bộ phận này nhanh xuống cấp.
Các phiên bản ô tô trang bị ghế ngồi bọc da thường được người mua xe ưa chuộng hơn so với ghế bọc nỉ. Bởi, không chỉ mang lại sự sang trọng cho khoang nội thất, ghế ngồi bọc da thường bền bỉ, dễ vệ sinh và mang lại cảm giác ngồi thoải mái hơn.
Độ bền của ghế da phụ thuộc vào việc sử dụng cũng cách như vệ sinh của người dùng ô tô. |
Độ bền bỉ của ghế da ô tô phụ thuộc vào việc sử dụng cũng cách như vệ sinh chăm sóc của người dùng ô tô. Trong đó, có những thói quen hàng ngày tưởng chừng vô hại nhưng lại rất dễ làm bề mặt ghế da nhanh xuống cấp:
Ăn, uống khi đang ngồi trên xe
Sử dụng thức ăn vặt, đồ uống… là thói quen phổ biến của nhiều người khi ngồi trên ô tô. Nếu không cẩn thận để rơi thức ăn hay các loại đồ uống như trà, nước ngọt, cà phê đỗ trên ghế sẽ làm bề mặt da ghế bị ố bẩn.
Nếu không kịp thời vệ sinh sẽ để lại những vết loang ố bám trên bề mặt ghế, đồng thời chất lỏng thấm vào bên trong qua các đường chỉ khâu, theo thời gian sẽ làm ghế da bị ẩm mốc, bốc mùi khó chịu.
Thức ăn, đồ uống vương vãi trên xe dễ làm ghế da bị bám bẩn. |
Bên cạnh đó, một số chất dẻo hay bả kẹo cao su khi rơi trên ghế, dưới tác động của thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao sẽ chảy và dính vào bề mặt da khiến người dùng rất khó vệ sinh.
Để các vật sắc, nhọn trên ghế
Bất cứ một vật dụng nào cũng có để trên ghế xe hơi là thói quen của nhiều người khi đi ô tô. Tuy nhiên, những vật nhọn bằng kim loại như chìa khóa, đầu bút bi hay móc quần, móc túi xách… khi tiếp xúc với bề mặt ghế rất dễ làm da ghế bị trầy xước, thậm chí dưới tác động mạnh có thể làm da ghế bị rách, thủng.
Để các vật nặng, sắc nhọn dễ làm ghế da bị trầy xước hoặc rách thủng. |
Khi ghế da bị thủng, rách hay trầy xước không chỉ làm mất đi tính thẩm mĩ, mà còn rất dễ bám bụi bẩn và để lộ phần nệm lót ra ngoài. Vì vậy, trong quá trình sử dụng ô tô, nên tránh để các vật dụng cứng, sắc nhọn tiếp xúc với bề mặt ghế da.
Thường xuyên đặt đồ vật nặng lên ghế
Một số trường hợp dùng ô tô khi đi mua sắm thường để hàng hóa, đồ vật nặng lên ghế da ô tô thay vì khoang hành lý. Vật liệu da ghế dù có khả năng co giãn, đàn hồi tuy nhiên nếu thường xuyên tì đè hay để vật nặng lên ghế về lâu về dài rất dễ làm bề mặt gia bị nhăn.
Những nếp nhăn trên bề mặt ghế không chỉ dễ bị bám bụi mà dưới tác động của yếu tố môi trường thường dễ dẫn đến tình trạng da ghế bị phồng rộp.
Nên hạn chế để hàng hóa nặng lên ghế. |
Sử dụng không đúng dung dịch vệ sinh
Nhiều người dùng ô tô thường có thói quen tự tay lau rửa xe tại nhà. Điều này không chỉ giúp chủ xe tiết kiệm được một phần chi phí mà còn có thời gian chăm sóc kỹ lưỡng hơn cho “xế cưng”.
Khi vệ sinh ghế da, nên dùng dung dịch vệ sinh chuyên dụng, các loại khan lau vải mềm. |
Tuy nhiên, nếu sử dụng bàn chải, các loại vải lau không đảm bảo chất lượng cũng như dung dịch hóa chất có nồng độ dung môi lớn (như cồn, xà bông...) để vệ sinh ghế, sẽ rất dễ làm bề mặt da ghế bị sờn, bạc màu hay bong tróc.
Vì vậy, khi lau chùi ghế da, nên dùng dung dịch vệ sinh chuyên dụng, các loại khan lau vải mềm. Không vệ sinh ghế da ô tô khi đỗ xe dưới thời tiết nắng nóng hay nhiệt độ trong xe quá cao.
Không vệ sinh khi ghế bị ố bẩn
Theo nhân viên chăm sóc, bảo dưỡng ô tô của Mobile Car Care, bề mặt da ghế thường được phủ một lớp bảo vệ. Trong quá trình sử dụng, ma sát xe làm bề mặt da bị bào mòn, vì vậy người dùng ô tô thường chú ý vệ sinh, bảo dưỡng ghế da.
Tuy nhiên, trong thực tế không phải chủ xe nào cũng chú ý đến bộ phận này. Ghế da lâu ngày không được vệ sinh đúng cách sẽ dễ bị ẩm mốc, bám bụi bẩn. Lớp sơn bảo vệ bị mòn khiến bề mặt da bị sờn và rất dễ hư hỏng. Việc bọc lại ghế cũng tốn khá nhiều chi phí.
Theo thanhnien.vn
TIN LIÊN QUAN |
---|