5 ưu tiên của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020

Hoàng Bách 05/11/2019 19:14

(Baonghean) - Buổi lễ trọng thể tối 4/11 tại Thái Lan đã đánh dấu sự kiện Việt Nam chính thức tiếp quản cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020. Sẽ có không ít khó khăn và thách thức, song đó cũng là cơ hội để Việt Nam chứng tỏ vai trò và vị thế trong khối 10 quốc gia, thể hiện trách nhiệm với chiếc búa Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh nhiều ý nghĩa.

Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ 2 từ phải) cùng các Ngoại trưởng ASEAN trong cuộc họp kết nạp Việt Nam vào ASEAN tại Brunei. Ảnh: Chinhphu.vn
Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ 2 từ phải) cùng các Ngoại trưởng ASEAN trong cuộc họp kết nạp Việt Nam vào ASEAN tại Brunei. Ảnh: Chinhphu.vn

2020 - dấu mốc giàu ý nghĩa

Việt Nam chính thức gia nhập “ngôi nhà chung” Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào ngày 28/7/1995, sắp sửa tròn 25 năm gắn bó vào năm 2020. Trong suốt chặng đường đồng hành đó, chúng ta luôn xem ASEAN là một trong những ưu tiên đối ngoại hàng đầu, luôn nỗ lực thể hiện vai trò là một thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm, đóng góp vào công việc chung của tập thể.

Bên cạnh đó, Việt Nam luôn đề cao sự đoàn kết, thống nhất giữa các quốc gia thành viên, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN, giúp cộng đồng ngày một lớn mạnh và vị thế ngày càng được nâng cao, tiếng nói ngày càng có uy tín, trọng lượng trong khu vực và trên trường thế giới.

Dẫu đây không phải lần đầu tiên Việt Nam đảm nhiệm chiếc “ghế nóng” Chủ tịch ASEAN, bởi 10 năm trước, chúng ta đã từng giữ chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2010, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, những dấu ấn đậm nét là những chương trình, những hoạt động sôi nổi, thiết thực trong mắt bạn bè khu vực và thế giới. Đó là cơ sở vững chắc, là những kinh nghiệm quý báu để chúng ta có thể làm tốt hơn nữa, phát huy hơn nữa vai trò hết sức quan trọng này trong năm tới.

ASEAN đã trải qua 52 năm hình thành và phát triển. Ảnh ASEAN
ASEAN đã trải qua 52 năm hình thành và phát triển. Ảnh: ASEAN

Song, bối cảnh thời đại đã có nhiều thay đổi, năm 2020 được đánh giá là một năm hết sức quan trọng không chỉ với Việt Nam mà với toàn thể ASEAN, đánh dấu 5 năm xây dựng Cộng đồng ASEAN và là dấu mốc cho thấy khối nước này đã nắm tay nhau đi được một nửa chặng đường hướng tới Tầm nhìn ASEAN 2025.

Điều đó đồng nghĩa, năm tới Việt Nam sẽ chủ trì nhiều sự kiện quan trọng, nhiều hội nghị cần thiết để có cái nhìn tổng thể, đánh giá lại chặng đường mà Cộng đồng ASEAN đã đi qua, cũng như vạch ra phương hướng cho giai đoạn tới. Đồng thời, chúng ta cũng sẽ đóng vai trò dẫn dắt, tổ chức các cuộc họp mang tính nhìn lại, đánh giá thàng tựu giữa kỳ để có thể cán đích Tầm nhìn ASEAN đã đề ra sau 5 năm nữa.

Và không thể quên nhắc đến việc Việt Nam sẽ đảm nhận chiếc ghế ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng trong năm 2020. “Sắm 2 vai” cùng lúc, nhưng đó sẽ không phải là gánh nặng, mà là cơ hội cho Việt Nam nói riêng, ASEAN nói chung. Bởi trên cương vị mới ở Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ không chỉ lên tiếng với vai trò của mình, mà còn là tiếng nói đại diện cho cả Cộng đồng gắn kết ở khu vực Đông Nam Á, qua đó góp phần thể hiện, củng cố vị thế của ASEAN trong suy nghĩ của bạn bè quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức tiếp nhận chiếc búa tượng trưng cho chức Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan. Ảnh: ASEAN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức tiếp nhận chiếc búa tượng trưng cho chức Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan. Ảnh: ASEAN

Tư duy và hành động vì Cộng đồng

Tiếp nhận “chiếc búa quyền lực” từ tay Thủ tướng Thái Lan - nước vừa hoàn thành vai trò Chủ tịch ASEAN 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trịnh trọng công bố Chủ đề của năm ASEAN 2020 được Việt Nam lựa chọn, đó là: “Gắn kết và Chủ động thích ứng”.

Đây là một chủ đề hết sức đúng và trúng, bởi như phần nào đã nhắc ở trên, giữa lúc ASEAN đẩy mạnh nỗ lực liên kết khu vực, xây dựng Cộng đồng, những biến động của môi trường khu vực và quốc tế đòi hỏi khả năng gắn kết vững bền hơn lúc nào hết.

Điều này cũng đã được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định với các láng giềng trong khu vực: “Chất keo tạo nên sự gắn kết đó chính là khả năng duy trì mẫu số lợi ích chung cả về chiến lược và kinh tế giữa các nước thành viên cũng như việc gìn giữ và lan tỏa ý thức và bản sắc Cộng đồng trong các tầng lớp nhân dân ASEAN”.

Thủ tướng công bố Chủ đề Năm ASEAN 2020 do Việt Nam làm Chủ tịch. Ảnh: VGP
Thủ tướng công bố Chủ đề Năm ASEAN 2020 do Việt Nam làm Chủ tịch. Ảnh: VGP

Kế thừa, tiếp nối nỗ lực dài hơi của hiệp hội có tuổi đời hơn 50 năm trong việc thúc đẩy năng lực tự cường, tinh thần sáng tạo và bền vững của Cộng đồng, trong năm 2020, Việt Nam mong muốn củng cố đoàn kết, thống nhất, gia tăng liên kết và kết nối, làm sâu sắc thêm các giá trị, đặc trưng của ASEAN, đẩy mạnh quan hệ đối tác trong cộng đồng toàn cầu…

Đó chính là sự gắn kết bền vững mà chúng ta - Việt Nam cùng 9 quốc gia thành viên còn lại của ASEAN - cần hướng đến để có thể nâng cao năng lực thích ứng một cách chủ động, hiệu quả trước cơ hội và thách thức đang đối diện, bao gồm sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, những nốt thăng trầm trong nền kinh tế toàn cầu, trong các vấn đề mang tính chiến lược, những thách thức đòi hỏi sự can dự và giải quyết của nhiều quốc gia…

Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phân tích và khẳng định, gắn kết và chủ động thích ứng là 2 thành tố “có sự giao thoa, bổ trợ chặt chẽ cho nhau. Một Cộng đồng gắn kết và phát triển rất cần gia tăng sự chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, khả năng chủ động thích ứng chỉ có thể có được nếu ASEAN là một khối gắn kết chặt chẽ”.

Giới thiệu Logo của Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Ảnh: ASEAN
Giới thiệu Logo của Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Ảnh: ASEAN

Với một tâm thế khởi đầu tích cực, một định hướng chuẩn xác ngay từ xuất phát điểm, Việt Nam kỳ vọng có được sự ủng hộ mạnh mẽ, sự hỗ trợ tích cực từ các thành viên khác của ASEAN cũng như các đối tác, để cùng hợp lực, chung sức hiện thực hóa được tinh thần, mong muốn mà chúng ta gửi gắm khi đưa ra chủ đề Năm ASEAN 2020. Thông điệp mà tân Chủ tịch ASEAN muốn chuyển tải đến hơn 630 triệu người dân 10 nước Đông Nam Á, đó là đã đến lúc tư duy Cộng đồng và hành động Cộng đồng!

5 ưu tiên của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020: (1) Phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực; (2) Thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0; (3) Thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; (4) Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững và (5) Nâng cao năng lực thích ứng, hiệu quả hoạt động của ASEAN.

Mới nhất
x
5 ưu tiên của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO