5G sẽ trở thành công nghệ thống trị vào năm 2030?

Phan Văn Hoà (Theo GSMA, Rcrwireless) 18/04/2024 18:00

(Baonghean.vn) - Theo một báo cáo mới được công bố của Tổ chức nghiên cứu và phân tích độc lập GSMA Intelligence (GSMi) thuộc Hiệp hội Các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSMA), 5G sẽ trở thành công nghệ thống trị và chiếm 56% tổng số kết nối toàn cầu vào năm 2030.

Các số liệu mới từ GSMAi cho thấy, kết nối 5G dự kiến sẽ chiếm hơn một nửa (51%) tổng kết nối di động vào năm 2029, tăng lên 56% vào năm 2030, biến 5G trở thành công nghệ thống trị trên toàn cầu.

5G là thế hệ di động triển khai nhanh nhất cho đến nay, vượt qua một tỷ kết nối vào cuối năm 2022, tăng lên 1,6 tỷ kết nối vào cuối năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 5,5 tỷ kết nối vào năm 2030.

Tính đến tháng 1 năm 2024, 261 nhà khai thác di động ở 101 quốc gia đã triển khai các dịch vụ 5G thương mại và hơn 90 nhà khai thác từ 64 thị trường đã cam kết triển khai 5G.

Anh minh hoa1.jpg
Ảnh minh hoạ.

Trong số 261 nhà khai thác di động đã thương mại hóa 5G, có 47 nhà khai thác đã triển khai mạng 5G dựa trên kiến trúc độc lập (5G Standalone), cùng với đó 89 nhà khai thác dự kiến sắp tới sẽ áp dụng các công nghệ mới như phân chia mạng (network slicing), truyền thông thời gian trễ cực thấp và độ tin cậy cực cao (Ultra-Reliable and Low-latency Communications - uRLLC) vào mạng 5G.

Sự phát triển của các mạng 5G độc lập sẵn có và việc hỗ trợ tốt hơn cho các mạng dùng riêng và chuyên dùng sẽ cho phép kết nối một lượng lớn thiết bị Internet vạn vật (IoT) và giúp hiện thực hóa tầm nhìn IoT toàn cầu cho các doanh nghiệp.

Dữ liệu của GSMAi cho thấy, phân khúc doanh nghiệp hiện có 10,7 tỷ kết nối IoT so với 10,5 tỷ kết nối của người tiêu dùng. Với đà phát triển này dự kiến các kết nối IoT trong doanh nghiệp sẽ tăng lên 38,5 tỷ vào năm 2030, trong đó ứng dụng IoT trong các tòa nhà thông minh và sản xuất thông minh chiếm lần lượt 34% và 16% tổng số kết nối doanh nghiệp.

Ngoài sự phát triển của các mạng 5G độc lập, sự xuất hiện của các mạng 5G-Advanced (hay 5,5G) với bản phát hành 3GPP Release 18 sẽ là một cột mốc quan trọng khác của 5G trong việc triển khai IoT, đóng vai trò thúc đẩy đầu tư vào 5G trong giai đoạn 2024 - 2025.

Theo GSMAi, hơn một nửa số nhà cung cấp dự kiến bắt đầu triển khai 5G-Advanced trong vòng một năm sau khi các giải pháp 5G-Advanced được thương mại hóa, nhờ các trường hợp sử dụng ưu tiên như các dịch vụ đa hướng 5G (5G multicast services) và hỗ trợ IoT chi phí thấp. Trong đó, dịch vụ đa hướng 5G là một tính năng mới được giới thiệu trong 5G-Advanced (5G Release 18) cho phép truyền tải nội dung một cách hiệu quả đến nhiều thiết bị cùng lúc. Nó hoạt động dựa trên kiến trúc mạng 5G mới, tận dụng các tính năng như chia sẻ kênh và truyền tải dựa trên định vị để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên mạng.

Lưu lượng dữ liệu di động cũng được GSMAi dự báo sẽ tăng gấp 4 lần trong giai đoạn 2024 - 2030, với việc mở rộng vùng phủ sóng và dung lượng 5G đóng vai trò quan trọng, cho thấy tầm quan trọng của việc tiếp tục đầu tư hạ tầng mạng của các nhà khai thác di động trên thế giới. Dự báo lưu lượng dữ liệu di động toàn cầu hàng tháng trên mỗi kết nối sẽ tăng từ 12,8 GB trong năm 2023 lên 47,9 GB vào năm 2030.

Báo cáo của GSMAi cũng cho thấy, việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) ngày càng tăng lên, với 56% nhà khai thác di động hiện đang thử nghiệm các ứng dụng dựa trên công nghệ Generative AI. Điều này sẽ được thúc đẩy bởi các ứng dụng bao gồm việc sử dụng chatbot hỗ trợ bởi Generative AI cho các hoạt động chăm sóc khách hàng hoặc sự phát triển liên tục của nội dung video và âm nhạc do AI tạo ra.

Nhận định về sự phát triển của công nghệ 5G, ông Peter Jarich, người đứng đầu tổ chức GSMAi cho biết: “Thành công ban đầu của 5G được thúc đẩy bởi ứng dụng băng thông rộng di động nâng cao (Enhanced Mobile Broadband: eMBB) và các yêu cầu về lưu lượng truy cập mạng liên quan đến ứng dụng eMBB. Các cơ hội hiện đang xuất hiện trong các lĩnh vực bao gồm kiếm tiền từ giao diện lập trình ứng dụng (API) và công nghệ cho phép triển khai các thiết bị IoT có chi phí thấp, tiết kiệm năng lượng và có phạm vi rộng (hay còn gọi là 5G RedCap) cho IoT doanh nghiệp, tất cả đều được hỗ trợ bởi mạng 5G-Advanced và 5G độc lập”.

GSMAi cũng nhấn mạnh rằng các trường hợp sử dụng mới sẽ mang lại các luồng doanh thu mới cho các nhà khai thác di động. Bên cạnh đó, với việc ngày càng có nhiều mạng 5G độc lập ra đời, một tiêu chuẩn tính cước mới là cần thiết để hỗ trợ triển khai các dịch vụ mạng tiên tiến và quy trình thanh toán linh hoạt do mạng lõi 5G độc lập cung cấp.

GSMAi cho biết, tổ chức này đã hợp tác với các thành viên của mình, bao gồm các nhà mạng di động lớn trên thế giới như AT&T (Mỹ), Deutsche Telekom (Đức), Swisscom (Thụy Sỹ) và Vodafone (Anh) để phát triển và ra mắt tiêu chuẩn tính cước mới “Billing and Charging Evolution – BCE” nhằm thay thế cho giải pháp tính cước cũ “Transferred Account Procedures – TAP”.

Tiêu chuẩn tính cước mới BCE được xem là một mô hình tính cước đơn giản hóa và sẽ là yêu cầu bắt buộc đối với các nhà khai thác di động muốn triển khai mạng 5G độc lập.

Bên cạnh đó, việc các nhà khai thác mạng di động cho phép các bên thứ ba, chẳng hạn như nhà phát triển ứng dụng và doanh nghiệp truy cập vào các chức năng và dữ liệu nhất định của mạng di động thông qua các API cũng sẽ mở ra một xu hướng mới cho các nhà khai thác di động nhằm tối đa hóa lợi nhuận từ đầu tư 5G và tạo ra doanh thu vượt ra ngoài cách tiếp cận truyền thống là kinh doanh các dịch vụ kết nối.

Tại Việt Nam, trong tháng 3 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 3 cuộc đấu giá tần số vô tuyến điện cho 4G/5G mang về cho ngân sách nhà nước hơn 10.000 tỷ đồng.

Kết quả, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội đã trúng đấu giá khối băng tần B1 (2500-2600 MHz) với giá 7.533.257.500.000 đồng. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trúng đấu giá khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) với giá 2.581.892.500.000 đồng.

Riêng khối băng tần C3 (3800-3900 MHz), do chỉ có 1 doanh nghiệp nộp tiền đặt trước để tham gia đấu giá, không có đủ số lượng tối thiểu doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, nên cuộc đấu giá khối băng tần C3 không thành.

Việc đấu giá thành công các khối băng tần trên là điều kiện cần thiết, là tiền đề để các doanh nghiệp viễn thông triển khai thương mại hóa 5G trên toàn quốc trong năm 2024, cụ thể hóa mục tiêu phổ cập hạ tầng số quốc gia, thúc đẩy phát triển các ứng dụng số và hệ sinh thái dịch vụ số, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động.

Mới nhất

x
5G sẽ trở thành công nghệ thống trị vào năm 2030?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO